Cô gái sụt hơn 10kg, ngỡ ung thư vì tiêm corticoid chữa vảy nến
Phát hiện mắc vảy nến từ năm 13 tuổi, cô gái trẻ luôn mặc cảm vì những vảy mủ, đỏ trên da mặt. Vì thế, có lần cô đã lén mẹ đi tiêm corticoid vì nghe quảng cáo “3 mũi khỏi ngay”. Khi tiêm đến mũi thứ 3, cô liên tục bị rong kinh kéo dài, sụt hơn 10kg đến mức cả nhà nghĩ đến nguy cơ ung thư.
Có mặt tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Chủ động quản lý toàn diện bệnh vảy nến” diễn ra ngày 29/10 tại BV Da liễu Trung ương, cô gái sinh năm 1981 có gương mặt nhẵn nhụi, trắng trẻo, không ai nghĩ cô bị vảy nến.
Nhưng thực tế, Hà Thu Trang (Phúc Khánh, Ba Đình) đã sống chung với bệnh vảy nến 24 năm. Do có mẹ cũng bị vảy nến, nên năm lên 13 tuổi, khi thấy cơ thể bỗng dưng xuất hiện các vảy đỏ, bong mủ, chị biết ngay mình mắc bệnh giống mẹ.
Nhiều người bệnh chung sống hòa bình với bệnh vảy nến vài chục năm do quản lý điều trị tốt.
Nhưng khác với mẹ kiểm soát rất ổn định vì dùng thuốc đều đặn, cô gái trẻ thấy tự ti, mặc cảm khi xuất hiện các vẩy đỏ, thậm chí mưng mủ trên khuôn mặt nên quay cuồng tìm mọi cách để chữa.
Trầm trọng nhất là cô đã nghe mọi người mách, đi tiêm corticoid với mục đích khỏi nhanh. Đến mũi tiêm thứ 3, cô bị rong kinh kéo dài hơn 1 tháng, cân nặng sụt chỉ còn 30kg khiến cả nhà hoảng sợ nghĩ con mình bị ung thư.
“Sau đợt đó, mình đã tìm được phương pháp điều trị ổn định tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Đợt chiếu đèn mới nhất của mình cách đây đã 3 năm, sau 25 buổi chiếu đèn giờ tình trạng mình ổn định”, Trang chia sẻ.
Một bệnh nhân khác, anh Vũ Chí C. (ở Bạch Mai, Hà Nội) đã được các bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và cho thuốc điều trị và kê thuốc uống, thuốc bôi. Sau đó anh được điều trị bằng chiếu tia UVB dải hẹp, bệnh đã ổn định hơn.
Tuy nhiên, vì nóng lòng muốn chữa khỏi triệt để như quảng cáo nên anh đã bỏ tây y điều trị thuốc nam không rõ nguồn gốc. Sau một thời gian uống, bệnh vảy nến của anh càng nặng nề hơn, bùng phát thành bệnh vảy nến thể mủ toàn thân với những tổn thương da hết sức nghiêm trọng khiến anh phải nhập viện cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh C. còn bị suy thận nặng do một thời gian dài dùng các thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
Không thể khỏi hoàn toàn như lời quảng cáo!
Video đang HOT
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cảnh báo, rất nhiều trường hợp bệnh nhân sai lầm khi quay cuồng tìm các phương pháp với mục đích chữa dứt điểm vẩy nến. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân quay lại viện do bị biến chứng gây đỏ da toàn thân, da nổi mụn mủ, khớp dính lại. Với những trường hợp bệnh nặng, vảy nến có thể gây biến dạng và phá hủy khớp không hồi phục. Một số bị nhiễm độc thuốc dẫn đến suy thận, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
“Tuy nhiên, cho đến nay y học vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh vảy nến hoàn toàn mà chỉ có thể quản lý bệnh tốt hơn, từ thể nặng sang thể nhẹ và ổn định. Do đó, người bệnh cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu giúp kiểm soát và chung sống hòa bình với bệnh được tốt hơn”, PGS Doanh cảnh báo.
Bệnh nhân vảy nến được bác sĩ tư vấn điều trị.
Vảy nến là bệnh lành tính, ít nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng nặng nề tới tâm sinh lý, thẩm mỹ người bệnh. Bởi khi mắc bệnh, trên da bệnh nhân xuất hiện nhiều nốt đỏ, sau đó bong vẩy. Những tổn thương với nhiều nốt bong tróc toàn thân trên da khiến người bệnh rất mặc cảm bởi người ngoài nhìn thấy là sợ.
Nhưng vảy nến là bệnh không lây nhưng cũng là bệnh lý mãn tính không thể khỏi dứt điểm. Tuy nhiên có nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, gia truyền quảng cáo chữa khỏi vẩy nến hoàn toàn là không chính xác Hiện có nhiều phương pháp điều trị vẩy nến nhưng hiện vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn. “Khỏi” ở đây thực ra là bệnh giảm thiểu trong một thời gian rồi lại bị, còn không thể khỏi hẳn được. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng ngừa thì bệnh có thể ít tái phát hoặc tái phát ở mức độ nhẹ và bệnh nhân lại cần điều trị lại.
Thêm một yếu tố dẫn đến bệnh dễ tái phát, đó chính là tình trạng stress, lo lắng, buồn bã của người bệnh.Khi bị vẩy nến, người bệnh rất khó chịu, ngứa ngáy và cả đau đớn tại các tổn thương trên da (do nứt và xuất huyết) nên họ thường xấu hổ, mặc cảm, lo lắng, buồn phiền, thậm chí là chán nản, buông xuôi,…
Một “bài thuốc” tinh thần rất quan trọng với bệnh nhân vẩy nến là hãy chấp nhận, sống hòa bình với nó bởi stress làm bệnh trầm trọng hơn, nhanh tái phát hơn.
Về điều trị bệnh vảy nến, một trong những phương pháp được ưu tiên hiện nay hiện đang được áp dụng tại BV Da liễu Trung ương đó là điều trị bằng UVB dải hẹp toàn thân. Theo PGS. Doanh, đối với kiểm soát trường hợp bệnh nhân vảy nến mức độ vừa và nặng thì UVB dải hẹp đáp ứng tốt (khoảng 80% các trường hợp được nghiên cứu là đáp ứng tốt đến rất tốt; một số trường hợp khác cần chuyển phác đồ điều trị tùy đáp ứng của bệnh nhân).
Đây là phương pháp mới, ổn định bệnh lâu dài (so với các phương pháp trước đây là điều trị ánh sáng UV, UVA dải rộng). Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng gần 50% bệnh nhân vẫn ổn định bệnh sau 6 tháng điều trị.
Theo PGS. Doanh, bệnh vảy nến là bệnh không lây, bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến da làm cho đỏ da, bong vảy, da xấu xí khiến người xung quanh có sự kỳ thị, thậm chí bản thân người bệnh cũng mặc cảm. Bệnh lại rất dễ tái phát, bệnh nhân hay ngại ngùng, giấu bệnh, tâm lý căng thẳng, lo âu.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Bé trai mắc vảy nến nặng bị gọi là 'người cóc'
Từ một bé trai mắc bệnh vảy nến toàn thân hiếm gặp ở trẻ em, da bong tróc, nhiều mủ lông trắng, sau 10 ngày điều trị, các bác sĩ đã kiểm soát tình trạng ổn định.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhi Chung Ngọc Thuyên (5 tuổi, người dân tộc Nùng, ở Cao Bằng) mắc bệnh vảy nến thể mủ toàn thân rất nặng đã được ra viện sau 10 ngày điều trị.
Trước đó, bé được đưa vào viện khám trong tình trạng bong tróc, chảy mủ trên da, toàn thân. Bé bị bạn bè, hàng xóm gọi là "người cóc" do toàn thân bong tróc. Thuyên có tiền sử bị bệnh từ hai tháng tuổi với nhiều bất thường trên da, bong vảy ở da đầu, thân mình.
Khi vào viện, bé Thuyên trong tình trạng rất nặng. Ảnh: HH.
Gia đình của bé Thuyên đặc biệt khó khăn khi bà nội 90 tuổi bị mù, bố bị thiểu năng trí tuệ, một mình mẹ phải lo liệu cho cả 5-6 người trong nhà. Vì thế, từ 2 tháng tuổi, dù bé Thuyên có biểu hiện bệnh, gia đình cũng chỉ nghe mọi người mách lên rừng nhặt các loại lá về tắm cho bé khiến tình trạng tồi tệ hơn. Khi tròn một tuổi, bé được chẩn đoán mắc bệnh vảy nến tại Bệnh viện đa khoa Cao Bằng, nhưng gia đình không có điều kiện để tiếp tục điều trị.
Trước hoàn cảnh khó khăn và tình trạng nặng của bé Thuyên, ngày 16/10, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ đưa bé tới khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Qua thăm khám, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc bệnh viện, nhận thấy bệnh nhi có tổn thương cơ bản là các dát đỏ bong vảy trắng dày, dễ bóc ở tay chân, thân mình, tập trung chủ yếu ở bàn tay, bàn chân, cẳng chân hai bên. Mụn mủ nông, tập trung rải rác thành đám nơi đầu gối, cẳng tay, bụng. Bệnh nhi hơi sốt nhẹ, nhưng tỉnh táo, ngứa nhiều. Móng tay vàng và có dấu hiệu bị mủn. Bé được nhập viện điều trị.
Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bé Thuyên đã ổn định. Ảnh: N.H.
Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi này, ThS.BS Nguyễn Thùy Linh - Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em của bệnh viện - cho biết bé Thuyên được làm các xét nghiệm cơ bản, sinh thiết khẳng định chẩn đoán vảy nến thể mủ toàn thân.
Sau 10 ngày điều trị tích cực bằng thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc bôi, dưỡng ẩm, hiện tại tình trạng bệnh của bé đã ổn định, có thể xuất viện.
Đây là trường hợp bệnh nhi rất nặng và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên đã được bệnh viện miễn phí toàn bộ chi phí điều trị, suất ăn hàng ngày cấp phát thuốc miễn phí khi ra viện. Bên cạnh đó, lãnh đạo bệnh viện và các nhà hảo tâm đã ủng hộ cho bệnh nhân hơn 50 triệu đồng.
Theo PGS Doanh, vảy nến là một bệnh mạn tính, có thể tái phát nhiều đợt, chưa chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể kiểm soát tốt bệnh. Bệnh nhân cần chú ý không tự điều trị nhằm hạn chế các biến chứng có thể xảy ra, cần khám và theo dõi định kỳ theo hẹn của bác sĩ.
Nếu người dân có bất thường trên da cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Bệnh nhân không nên lo lắng, vì có thể khiến tình trạng tăng nặng. Bên cạnh đó, người bệnh không nên tự chữa theo phương pháp dân gian, tự mách nhau vì có thể khiến bệnh nặng hơn.
Với vảy nến thể mủ, thuốc nam, thuốc lá không phải phương pháp điều trị bệnh chính thống. Thực tế, nhiều người đã giảm triệu chứng ngay khi sử dụng, nhưng khi tái phát bệnh rất nặng. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, PGS Doanh và đồng nghiệp từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết, đắp lá hoặc dùng thuốc nam, thuốc bắc khiến bệnh trầm trọng thêm.
Khám miễn phí cho bệnh nhân vảy nến
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết ước tính có khoảng 2-3% dân số thế giới mắc bệnh vảy nến. Việt Nam tuy chưa có số liệu điều tra chính xác nhưng theo ước tính có từ 1,5-2% dân số mắc bệnh.
Hưởng ứng ngày Vảy nến thế giới (29/10), Bệnh viện Da liễu Trung ương đang tiến hành khám, tư vấn miễn phí cho bệnh nhân mắc vảy nến từ ngày 22-31/10.
Thời gian khám vào buổi sáng, từ 8h-12h tại Phòng khám số 1 - Tầng 6 - Nhà Điều hành - Bệnh viện Da liễu Trung ương (15A - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội).
Theo Zing
Đông trùng hạ thảo Himalaya nguy cơ tuyệt chủng Được thu hoạch quá mức và khí hậu biến đổi, số lượng đông trùng hạ thảo ở Himalaya bị giảm một cách nghiêm trọng. Tại các nước châu Á, đông trùng hạ thảo được coi là thần dược. Dù khoa học phương Tây chưa chứng minh, người dân vẫn tin loại "thuốc" này chữa được mọi chứng bệnh, từ suy giảm khả năng...