Cô gái sở hữu mái tóc xù độc nhất Việt Nam, từng bị nhiều người trêu chọc và giờ tự hào vì cái khác biệt của chính mình
Chính vì mái tóc dài đặc biệt này, nên người ta đã ưu ái, đặt cho cô biệt danh là “Cô gái tóc mây”.
“Cái răng, cái tóc là gốc con người” dường như đã trở thành phương châm về cái đẹp của nhiều thế hệ phụ nữ Việt. Theo đó, răng muốn đẹp là phải trắng sáng, tóc muốn đẹp là phải đen dài suôn mượt. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện xưa, ngày nay dưới sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, quan niệm về cái đẹp của mọi người nói chung và phụ nữ Việt nói riêng đã thay đổi ít nhiều.
Nói riêng về mái tóc thì ở thời hiện đại, chị em có thể nhuộm bất cứ màu nào mình thích, cắt theo bất cứ kiểu nào mình muốn, uốn hay duỗi cũng tùy vào nhu cầu của bản thân, chẳng ai cấm cản, miễn sao đẹp là được. Ấy thế mà cô gái tên Trần Lê Ánh Tuyết sinh năm 1995 (hay còn gọi là Yuki) lại không hề làm gì với mái tóc của mình trong suốt nhiều năm nay.
Thay vào đó Yuki lại trung thành với mái tóc dài, đen và xù bồng bềnh vô cùng đặc biệt của mình. Và cũng chính vì mái tóc đó mà nhiều người đã ưu ái, đặt cho Yuki biệt danh là “ Cô gái tóc mây”.
Ban đầu gặp Yuki với mái tóc độc đáo, nhiều người không tránh khỏi tự nhủ thầm “tóc này uốn xù chắc cực lắm đây” hay “ ra salon làm cả đầu tóc thế này chắc tốn vài triệu là ít”. Bất ngờ thay, Yuki cho biết tóc của mình hoàn toàn tự nhiên không hề có sự can thiệp của các phương pháp chăm sóc, làm đẹp tóc nào. Cụ thể, Yuki cho biết:
“Thật ra, nói tóc của mình bẩm sinh cũng không đúng, nhưng mà nó hoàn toàn tự nhiên thật đấy. Mình sinh ra vốn có mái tóc bình thường, chỉ đến khi bắt đầu từ năm lớp 4 hay lớp 5 gì đó thì nó bỗng dưng… xù lên. Bên nhà nội mình vài người bác tóc cũng hơi xoăn xoăn nhưng không ai quá đà như mình cả. Nghĩ lại, đúng là lạ thật”.
Bỗng dưng sở hữu mái tóc xoăn xù trong khi trước đó hoàn toàn như bao bạn bè đồng trang lứa, điều này đã khiến Yuki và cả gia đình cô nàng vô cùng “sốc” trong giai đoạn ấy. Mẹ của Yuki rất hoang mang, bản thân cô nàng cũng không tránh khỏi xấu hổ, nhất là những khi đến lớp. Cô nàng kể hồi nhỏ chưa chấp nhận chính mình và hay mắc cỡ lắm nên luôn tìm cách giấu nó mỗi khi đi học bằng cách cột hoặc búi cho gọn hết mức có thể.
Vì kín kẽ nên hầu như trong những năm cuối cấp 1 đầu cấp 2, bạn bè trong trường lúc đó cũng chưa ấn tượng gì về mái tóc của Yuki để mà trêu chọc quá đà, nếu có cũng chỉ là đôi ba danh xưng khá trẻ con như “cô bé có mái tóc rễ tre”. Đến nửa cuối giai đoạn cấp 2, Yuki được mẹ cho phép đi làm đẹp, tất nhiên sự lựa chọn đầu tiên của cô nàng chính là lao ngay ra một tiệm tóc gần nhà và… duỗi tóc.
Đáng tiếc, dù có cố gắng duỗi cách mấy, có khi tốn cả ngày trời ở ngoài tiệm tóc để duỗi thì mái tóc xoăn xù vẫn cứ là xoăn xù, không thể cải thiện được. Yuki hài hước nói: “Suốt từ năm lớp 8 đến năm nhất đại học mình toàn ra tiệm duỗi với hy vọng tóc sẽ thẳng ra. Và dĩ nhiên câu trả lời là không. Cứ duỗi thì sau 2, 3 tháng tóc gốc của mình vẫn tiếp tục mọc lên. Các bạn cũng biết rồi đó, tóc duỗi mà ra chân xoăn xù nó rất kỳ. Đến đó mình cũng quá mệt mỏi với việc ra tiệm ngồi từ sáng tới tối xong còn tốn tiền, thế là mình thôi không duỗi nữa”.
Không đơn giản chỉ là “quá mệt” nên Yuki dừng việc duỗi tóc của mình, thật ra đằng sau quyết định này đã rất nhiều vấn đề khác tác động đến tư tưởng của cô nàng. Đặc biệt là kể từ khi rời quê nhà để lên Sài Gòn học đại học. Thời điểm ấy, chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, cứ lo sợ sẽ bị “kỳ thị” vì mái tóc lạ, nhưng bất ngờ thay, cái mà Yuki nhận được hoàn toàn ngoài mong đợi. Mọi người ai cũng văn minh, môi trường đại học lại cởi mở, tôn trọng nhau, kể từ đó Yuki học được cách trân trọng chính mình nên quyết định không che giấu mái tóc độc đáo nữa.
Video đang HOT
“Càng lớn càng được tiếp xúc với nhiều người, được nghe nhiều câu chuyện, thì mình thấy việc sở hữu 1 nét lạ trên cơ thể không phải là điều gì đáng để xấu hổ hay phải che giấu đi. Chính thức là từ khi mình được mời làm mẫu ảnh, hình ảnh của mình được nhiều người biết đến và được quý mến hơn vì mái tóc này thì mình nhận ra rằng: Muốn người khác tôn trọng mình thì mình phải trân trọng bản thân mình trước” – Yuki tâm sự thêm.
Chấp nhận bản thân là thế, được nhiều người yêu quý là thế nhưng thi thoảng Yuki vẫn bị kha khá cá nhân thiếu văn minh dán cái nhìn ác ý vào mái tóc của mình, những lời trêu chọc cả những lời nói khiếm nhã vô duyên. Nếu trước kia Yuki bị trêu chọc thì cô nàng sẽ rất buồn, xấu hổ, thậm chí là còn ôm mặt khóc. Tuy nhiên, bây giờ thì nhiều quá thành quen, ai phản ứng gì thái quá về tóc mình, Yuki chỉ biết cười cho qua, không để tâm nữa.
Nói đi cũng phải nói lại, trân trọng bản thân, yêu quý mái tóc của mình không có nghĩa Yuki phủ nhận hoàn toàn những khổ ải mà nó mang lại. Chẳng hạn như những khi trời nóng, các cô nàng có mái tóc dài bình thường thôi đã thấy khó chịu, đằng này cái sự khó chịu của Yuki còn gấp mấy chục lần. Ngoài ra, khi đi xe máy mà tóc tai không gọn gàng, gió tạt phát là “bung xòe” rối nùi ngay lập tức. Hoặc có khi cả ngày phải cột, phải búi nên đầu rất đau.
Riêng về công cuộc chăm sóc tắm gội cho mái tóc xù, Yuki cũng cực hơn người khác nhiều lắm. Cô nàng cho biết, bản thân gội, ủ cho tóc 2 ngày 1 lần, mỗi lần phải mất hàng giờ, nhất là khi chờ cho tóc khô tự nhiên (không sấy tóc vì không muốn tóc tiếp xúc với nhiệt). Chính vì quá mất thời gian nên khi có việc phải ra ngoài, Yuki chuẩn bị trước đó vài giờ đồng hồ là chuyện bình thường.
Hiện nay, bên cạnh việc học ở trường, Yuki còn đang làm việc buôn bán thức ăn qua mạng để kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt hơn, nhờ vào việc sở hữu mái tóc xoăn xù độc đáo cùng danh xưng “Công chúa tóc mây”, Yuki cũng nhận được khá nhiều lời mời đi chụp ảnh. Tất nhiên, thù lao của mỗi buổi chụp tuy không quá nhiều chỉ rơi vào khoảng tầm vài triệu/buổi chụp nhưng nó là minh chứng cho việc: ai nói khác biệt là không thể kiếm được tiền, khác biệt đôi khi còn là chìa khóa giúp mở ra biết bao cơ hội cho mỗi người. Vì vậy thay vì tự ti, hãy tự tin và quý trọng nó, cũng như là yêu thương chính bản thân mình.
Yuki gửi lời nhắn nhủ những người giống mình dù làn da, hay mái tóc hoặc một điểm gì đó trên cơ thể “không bình thường”: “Mỗi người là một màu sắc khác nhau, nếu mình chấp nhận và tôn trọng việc màu của người đối diện khác màu của mình thì bức tranh tổng thể về cuộc sống sẽ thú vị rất nhiều so với việc khó chịu và thắc mắc tại sao họ khác biệt. Trong thời đại này, mọi sự khác biệt đều đáng được tôn trọng hãy nắm bắt điều đó và cho bản thân mình một cơ hội để được tự tin, để được trân quý và nhìn nhận”.
Theo Helino
Nữ nhà văn chia tay bạn trai ngay sau buổi ra mắt, nguyên nhân từ câu nói: "Ngồi đấy đi"
Dù yêu nhưng sau bữa ăn trong ngày ra mắt, nữ nhà văn trẻ đã rất quyết tâm cắt đứt mối nhân duyên ấy.
"Phụ nữ đừng cứ trông chờ vào mấy ngày như 8-3 hay 20-10 để được đối xử như một người phụ nữ!"
Đó chính là thông điệp trong một chia sẻ mới nhất của nữ nhà văn Phan Ý Yên. Cô là nhà văn được giới trẻ yêu thích, cây bút giàu nội lực khi đem đến cho độc giả những dư vị đầy ngọt ngào và sự thấu hiểu cuộc sống.
Cô cũng thường có quan điểm tiến bộ về cuộc sống hôn nhân, gia đình, những phẩm chất của phụ nữ Việt... nhận được sự quan tâm của mọi người.
Mới nhất, cô tiếp tục chia sẻ câu chuyện chỉ xoay quanh việc...rửa bát, kể về bữa cỗ đầu tiên mà cô được một người bạn trai cũ mời về nhà tham dự và "công tác" dọn dẹp sau đó.
Thế nhưng, phía sau công chuyện là thông điệp về sự bình đẳng giữa hai giới, xuất phát từ những việc nhỏ nhặt nhất hằng ngày.
Nữ nhà văn xinh đẹp kể lại: "Hồi xưa mình có một anh bạn trai người Hà Nội. Có lần ảnh dắt mình về nhà ăn cỗ. Tầm mười mấy người gì đó.
Bữa ăn xong, mình chủ động đứng lên dọn bàn rồi rửa bát. Anh bạn trai cứ ngồi xem điện thoại. Mình nói nhỏ: "Anh ơi giúp em!". Mẹ anh í nghe được nói rõ to: "Ngồi đấy đi!"
Thế là chuyện tình cảm của mình cũng dừng ở cái bữa cỗ đấy luôn. Bữa trước, mình có tới nhà một cô bạn ăn cơm. Con trai nó năm nay đã mười bốn tuổi. Nhưng thằng bé nó chả làm cái gì trong nhà. Tới bữa cơm, mẹ nó gọi xuống thì nó xuống ăn.
Ăn xong thì đứng lên, thằng bé hỏi: "Con dọn bàn nhé?". Bạn mình gạt phắt đi. Thế là thằng bé lại đi cắm mặt vào điện thoại.
Mình bảo nó: "Ô hay, đứa nào ngày xưa bảo chỉ thích đàn ông biết đỡ đần phụ nữ nhỉ?". Nó ngẩn ra chưa hiểu. Mình chỉ cười hề hề bảo con zai mày, sao mày không để nó giúp?"
"Ôi đàn ông con trai, làm mấy cái việc này làm gì. Tao làm cho nhanh!"
Nhà văn Phan Ý Yên cho hay, cô rất hiếm khi chia sẻ về chuyện tình cảm riêng tư của mình. Và lần này cô cũng không muốn đào sâu về chuyện với anh bạn trai cũ mà chỉ muốn nhấn mạnh thông điệp phía sau:
"Thực ra mình và anh bạn đó cũng chỉ mới tìm hiểu nhau chứ chưa đến mức tình cảm sâu đậm. Do vậy hồi ấy mình quyết đoán lắm, kết thúc mối quan hệ với anh sau bữa cỗ đó luôn, mình không muốn bó buộc cả đời với một người đàn ông không được hình thành khái niệm chia sẻ, giúp đỡ việc nhà.
Mình kể hai câu chuyện trên để thấy các chị phụ nữ, chị nào cũng thích được quan tâm, được đàn ông thấu hiểu và đỡ đần.
Nhưng muốn như vậy, các chị đẻ ra đàn ông mà, các chị phải dạy đàn ông chứ! Làm gì có cái gọi là việc vĩ đại hay việc lặt vặt dưới một mái nhà?
Bởi nếu các chị tự phân ra như thế, các chị đã tự hình thành nên ranh giới rồi còn gì. Đàn ông không ý thức được vai trò của "chuyện lặt vặt" thì còn lâu mới làm được "chuyện vĩ đại"
Thế nên, anh hãy rửa bát đi!"
Bài viết phủ nhân quan niệm đàn ông là người lo toan việc đại sự, còn bếp núc là của phụ nữ được dân mạng đồng tình
Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, thời điểm mà người ta tung hô, ngợi khen phụ nữ và dành cho họ sự ưu tiên, thì nữ nhà văn với những quan điểm thẳng thắn đã quả quyết: "Phụ nữ đừng cứ trông chờ vào mấy cái ngày như 8-3 hay 20-10 để được đối xử như một người phụ nữ. Thử hỏi có khổ không!?"
Là một nữ nhà văn trẻ thành công, năng động và tràn đầy năng lượng tự tin, hiện đại, Phan Ý Yên thường có những quan điểm tiến bộ về cuộc sống hôn nhân, gia đình, những phẩm chất của phụ nữ Việt...nhận được sự quan tâm của mọi người.
Và một lần nữa, câu chuyện "rửa bát" của cô thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ. Bởi không chỉ dừng ở việc "rửa bát", bài viết của Phan Ý Yên là thông điệp về sự bình đẳng, sẻ chia mọi việc, từ việc "lặt vặt" trong nhà đến chuyện đại sự.
Nhiều chị em và thậm chí cả các chàng trai cũng để lại bình luận thể hiện sự đồng tình sau câu chuyện. Facebook Kim Ngân nói: "Em thấy còn một cách cứu vãn nhẹ nhàng hơn là con gái đến nhà bạn trai ăn cơm có thể phụ dọn dẹp rửa bát, nhưng bạn nam nhất định phải đứng cạnh phụ úp chén, bê chén...
San sẻ nhỏ xíu vậy thôi cũng làm con gái thấy đỡ "tủi", chứ kiểu cứ thấy bạn gái đi rủa chén thì cũng để bạn gái rửa chén luôn, còn anh ngồi xem tivi cắn hột dưa thì th.ôi rửa xong đống chén đó mình tạm biệt luôn nhé!"
Anh Zou Nguyễn cũng tán thành: "Cái này là hoàn toàn lỗi của các mẹ, các bà đào tạo ra đàn ông gia trưởng, lười nhác.
Hồi xưa mình ở nước ngoài mới về, ăn cơm xong mình dọn dẹp, rửa bát thì bà chị dâu thảng thốt: "Ôi chú làm gì đấy?" - Mình cũng giật mình: "Ờ em rửa bát"...
"Ơ không không, chú lên nhà đi chị rửa".
Mình mới nói mẹ nấu rồi, chị cũng đi làm mới về, để em rửa cho, giành mãi mới được rửa. Sau đó chị dâu xúc động lắm, tâm sự là anh chú chả bao giờ động tay vào đâu.
Nhưng về sau mọi người vẫn không chịu cho mình rửa nên đành thôi. Thế nên nói chuyện đấu tranh bình quyền này nọ, các bạn hãy đấu tranh từ gia đình mình trước đã".
Nữ nhà văn Phan Ý Yên: "Phụ nữ đừng cứ trông chờ vào mấy cái ngày như 8-3 hay 20-10 để được đối xử như một người phụ nữ!"
Cũng theo nữ nhà văn Phan Ý Yên, phụ nữ chính là người quyết định cách đàn ông đối xử với mình, bắt đầu từ việc tạo thói quen cùng nhau san sẻ mọi việc trong nhà cho chính con trai, hay với chồng họ.
Bởi phụ nữ không chỉ bận rộn với chuyện nhà cửa, con cái, chuyện công việc... mà tất tần tật mọi thứ đều làm cho phụ nữ khổ sở quá.
Nếu không biết tự giải phóng - thay vì trông chờ những ngày lễ để được "ưu tiên", phụ nữ sẽ không còn thời giờ chăm lo cho bản thân, và đôi khi phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân và thời gian, cơ hội của mình cho những thành viên khác trong nhà.
Theo Thế giới trẻ
Định cư nước ngoài: Giấc mơ của người này có thể là ác mộng của người khác - chia sẻ "gây bão" mạng Từng sống ở Pháp 7 năm, ở Úc 1 năm và đi du lịch hầu hết các nước châu Âu, châu Á, bà mẹ hai con đã có chia sẻ về chủ đề "Định cư nước ngoài: Đi hay ở", thu hút hàng nghìn lượt quan tâm của dân mạng. Giấc mơ của người này có thể là ác mộng với người khác!...