Cô gái sáng tạo ra dòng tranh dây đồng, chỉ truyền nghề cho người khuyết tật
Nguyễn Nhật Minh Phương (33 tuổi) được tổ chức Guinness Việt Nam xác lập kỷ lục người làm tranh dây đồng đầu tiên của Việt Nam. Từ niềm đam mê với dây đồng, cô đã sáng tạo ra một dòng tranh mới và chỉ truyền nghề cho người khuyết tật.
Không gian làm việc thân thiện của lớp học – Ảnh: DUYÊN PHAN
Sau hơn 10 năm theo đuổi đam mê với những sợi dây đồng, hiện tại cô đang sở hữu một cơ ngơi nho nhỏ tại quận Gò Vấp (TP.HCM) với những sản phẩm ấn tượng được thị trường trong nước ưa chuộng, sau đó được xuất đi New Zealand và Mỹ. Cùng với đó là lớp học truyền nghề cho hơn 10 học viên khuyết tật.
Xuất thân là một giáo viên mầm non, không có nhiều kiến thức về mỹ thuật, cô tự nhận: “Tôi chẳng biết gì về các quy tắc trong hội họa, tôi làm tranh từ trái tim và những gì tôi tự tìm hiểu được, không qua trường lớp nào.
Chuyện bắt đầu từ năm tôi 19 tuổi, khi tình cờ cầm trên tay một cuộn dây đồng và sau một hồi nghịch chơi cho vui, không ngờ cuộn dây đồng lại biến thành một món đồ trang sức lạ mắt. Tôi thấy những sợi đồng như có ma lực khủng khiếp, nó kích thích tôi sáng tạo không ngừng. Năm 2016 tôi phải nghỉ dạy do viêm họng cấp tính, khi đó mới có thời gian toàn tâm toàn ý cống hiến cho loại hình nghệ thuật mới mẻ này”.
Nguyễn Nhật Minh Phương
Là một người đam mê thiện nguyện, những chuyến đi thăm và tặng quà đến nhiều vùng miền, hình ảnh của các bạn trẻ khuyết tật cứ ám ảnh cô mãi. Cô nảy sinh ý tưởng sẽ để nghề này lại cho những người khuyết tật. Đây sẽ là dòng tranh của các bạn khuyết tật, do chính các bạn ấy làm nên.
Cô bắt đầu tập tành học về kinh doanh, sau đó thành lập công ty mặc sự phản đối của bạn bè và gia đình vì họ cho rằng Phương quá mạo hiểm, dòng tranh này cũng chưa được biết đến nhiều nên rủi ro khá cao. Rất may mắn cô gái trẻ ấy đã tìm được chỗ đứng riêng cho mình.
Đã có nhiều doanh nhân ngỏ ý mua lại thương hiệu hoặc đầu tư cho cô mở cơ sở lớn hơn để cùng hợp tác, nhưng Phương đều từ chối. Cô muốn làm việc độc lập cùng với các “cộng sự” đặc biệt của mình.
Video đang HOT
Với bàn tay khéo léo và tình yêu dành cho những cuộn dây đồng vô tri vô giác, Minh Phương đã biến chúng thành những sản phẩm nghệ thuật độc đáo – Ảnh: DUYÊN PHAN
Phác thảo trước khi bắt tay vào thực hiện bức tranh cổ động chống dịch COVID-19 – Ảnh: DUYÊN PHAN
Dương Thị Mỹ Huyền (quê Quảng Ngãi) – cô gái bị chứng teo cơ bẩm sinh cho biết tìm được công việc đúng với chuyên môn là quá khó, cho đến khi Huyền thấy được thông tin tuyển dụng từ công ty của chị Phương – Ảnh: DUYÊN PHAN
Dây đồng được sử dụng phải có chất lượng tốt và mỏng để dễ cuốn – Ảnh: DUYÊN PHAN
Mang trong mình tình yêu với Phật giáo nên trong các bức tranh của Phương luôn tận dụng tối đa hình ảnh Đức Phật và hoa sen – Ảnh: DUYÊN PHAN
Những sản phẩm ấn tượng và độc đáo từ dây đồng – Ảnh: DUYÊN PHAN
Những sản phẩm của chị Phương giản dị, gần gũi nhưng rất hút khách hàng – Ảnh: DUYÊN PHAN
Các học viên đều cảm thấy biết ơn cô Phương vì đã tạo việc làm phù hợp với khả năng của họ – Ảnh: DUYÊN PHAN
Tất cả công đoạn đều thực hiện thủ công bằng tay – Ảnh: DUYÊN PHAN
Cô giáo Phương tận tình hướng dẫn cho các học viên – Ảnh: DUYÊN PHAN
Giúp người khuyết tật làm chủ cuộc đời
Năm 2006, lúc qua nhà một người bạn có nghề làm hoa bằng vải, Nguyễn Nhật Minh Phương (SN 1986, TP HCM) nhờ bạn chỉ cách làm. Trong lúc làm, thấy dư nhiều sợi dây kẽm, cô quấn thành hình những đồ trang sức, cỏ cây, hoa lá để chơi.
Một lần, qua chương trình của riêng mình về nấu cơm và tặng quà Tết cho trẻ khuyết tật, cô nhìn thấy quá nhiều trẻ khuyết tật. Điều này làm cô đau đáu trong lòng, đặc biệt khi thấy cảnh bạn bế một em bé trên tay và đút cơm nhưng bé ăn rất khó, bọt mép cứ chảy ra.
Phải làm điều gì đó để giúp trẻ khuyết tật và gia đình các em. Nghĩ vậy nên dù tốt nghiệp chương trình giáo viên mầm non tại Trường ĐH Sài Gòn và đã có 4 năm đi làm nhưng cuối năm 2015, cô vẫn quyết định nghỉ dạy học để tập trung đầu tư vào sản xuất tranh bằng sợi dây đồng.
Thấy thị trường chấp nhận sản phẩm này và người khuyết tật có thể đảm đương được nhiều công đoạn, tháng 9-2018 cô quyết định thành lập doanh nghiệp tại số 1/7 Đỗ Thúc Tịnh, phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM nhằm tạo công ăn việc làm cho họ. Nghe tin này, bạn bè, học trò cũ hết sức giúp đỡ, đặc biệt là người yêu của cô - anh Bhavesh (quốc tịch Thụy Điển).
Tổ ấm của người khuyết tật tại cơ sở sản xuất tranh dây đồng của cô Nguyễn Nhật Minh Phương
Từ ban đầu chỉ có 4 người khuyết tật tham gia, sau lên 8 người và nay đã có 11 người được đưa vào làm việc; có người mang dị tật bẩm sinh, có người câm điếc hoặc teo cơ, tai nạn lao động. Người lớn tuổi nhất trong số này là ông Huỳnh Ngọc Thanh (56 tuổi), trợ lý giám đốc. Nhỏ nhất là em Thủy bị câm điếc, đến từ Đắk Lắk. Họ hưởng mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng và cá biệt có người sau đào tạo 1 năm, nay đã tự lực được 100% để làm ra những bức tranh rất đẹp, gắn với thương hiệu SHARK UMA.
Em Dương Thị Mỹ Huyền (25 tuổi), quê Quảng Ngãi, bị dị tật từ nhỏ, vừa mới lập gia đình hơn 1 tháng với anh Nguyễn Thanh Định (26 tuổi), quê Đồng Nai, cho biết hiện thu nhập của vợ chồng em là hơn 10 triệu đồng/tháng. Anh K'Macos (35 tuổi, người dân tộc Châu Mạ ở Lâm Đồng, bị bệnh hoại tử cả 2 chân sau một vụ tai nạn), về với công ty hơn 1 năm nay. Anh Lê Hữu Tài bị bại liệt 2 chân, phụ trách mảng thiết kế và marketing, nay đã có gia đình. Tất cả họ đều yên tâm học nghề và góp phần làm ra sản phẩm để nuôi sống mình.
Minh Phương cho hay sau 14 năm theo đuổi việc quấn tranh bằng dây đồng, cô đang được đề xuất xác lập kỷ lục Việt Nam "Nghệ nhân làm tranh dây đồng ở Việt Nam". Điều đó rất vui nhưng vui hơn và hạnh phúc hơn là đã giúp được những người khuyết tật đoàn kết làm việc, hạnh phúc bên nhau như một gia đình.
"Dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy cho người khuyết tật, đặc biệt là người câm điếc, càng khó gấp bội" - cô giáo Minh Phương tâm sự và cho biết dù thế nhưng quyết tâm của cô vẫn cháy bỏng, chưa bao giờ nản lòng.
Bài và ảnh: Phạm Danh Lư
Theo nguoilaodong
Xót xa người phụ nữ cao 90cm, bị tai biến đến mức méo miệng, cuối đời chỉ mong có tiền mua thuốc uống cầm cự qua ngày 60 tuổi, không gia đình, con cái, cô Điệp sống lay lắt nhờ tình thương của đứa em trai út. Nhìn cơ thể lùn đi, khuôn mặt biến dạng, người phụ nữ lớn tuổi chỉ mong những ngày còn lại, cơm ngày 3 bữa được đủ no. Nửa đời người sống trong cảnh tật nguyền Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm...