Cô gái phượt 27 tỉnh trong 10 ngày: “Hú vía” khi qua vùng sạt lở ở Hà Giang
Một mình phượt hơn 3.000km, Kiều Trinh phải di chuyển trong đêm mưa gió, tự sửa xe máy, vượt qua vùng sạt lở…
Song với cô, tất cả gian nan đã tạo nên một hành trình thú vị.
Chuyến độc hành bất ngờ
Kiều Trinh (SN 2000) đang sống và làm việc tại An Giang. Một ngày, cô đưa ra quyết định một mình xách ba lô phượt xuyên Việt chỉ vì muốn đi, dù không có kế hoạch cụ thể, không biết mình sẽ được gặp những ai hay sẽ chiêm ngưỡng được những cảnh đẹp đặc biệt nào.
“Chẳng vì một lý do gì cả, chỉ là khoảng thời gian đó tôi muốn khám phá những cung đường mà tôi chưa từng đến”, Kiều Trinh nói.
Chính vì thế, hành trình hơn 3.000km của cô gái 24 tuổi bắt đầu.
Kiều Trinh thực hiện chuyến phượt hơn 3.000km bằng xe máy (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chuyến đi của Kiều Trinh mở đầu bằng hành trình từ An Giang lên Đà Lạt. Tại thành phố sương mù, cô nán lại 2 đêm. Ở đây, Kiều Trinh thăm thú hồ Tuyền Lâm, đi đồi Đa Phú, săn mây ở đồi chè cũng như tận hưởng khí trời se lạnh.
Sau chuyến đi hơn 500km, Kiều Trinh không quên dành thời gian kiểm tra chiếc xe máy – người bạn đồng hành của mình. Cô điều chỉnh phanh, thay nhớt, để xe có thể tiếp tục hoạt động trơn tru.
Rời Đà Lạt, Kiều Trinh vượt đèo Khánh Lê để từ thành phố ngàn hoa ra vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa). Từ đó, nữ phượt thủ bám sát cung đường biển, đi qua Hải Đăng Đại Lãnh (Phú Yên), Kỳ Co – Eo Gió (Bình Định). Ở nơi này, cô có dịp dạo biển đêm Quy Nhơn, bước đi trên cát mịn và tận hưởng tiếng sóng vỗ rì rào.
“Đến trưa hôm sau, tôi rời Quy Nhơn đến Phố Cổ Hội An (Quảng Nam), thăm cầu Rồng (Đà Nẵng), Đại Nội Huế, chiêm ngưỡng vẻ thơ mộng của sông Hương, chùa Thiên Mụ (Huế) rồi tiếp tục di chuyển ra Hà Nội và đi đến các tỉnh phía Bắc.
Mỗi điểm đến của tôi đều là sự ngẫu hứng, bởi tôi yêu thích sự tự do và không bao giờ lên kế hoạch trước cho hành trình khám phá của mình”, Kiều Trinh chia sẻ.
Kiều Trinh đi dọc bờ biển, tận hưởng biển xanh, nắng vàng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Dù cuối tháng 6, đầu tháng 7 không phải là khoảng thời gian tốt nhất để đi phượt vì thời điểm này nhiều khu vực ở Việt Nam thường xảy ra mưa lũ, song, Kiều Trinh tự nhủ dù thời tiết có nắng hay mưa thì mỗi thời điểm trong năm vẫn sẽ có những điều đặc biệt riêng.
Khi nhắc đến ruộng bậc thang, nhiều người thường nghĩ ngay đến những đồng lúa vàng ươm trĩu hạt, thế nhưng Kiều Trinh lại thích màu mạ non mới cấy và màu xám của đất hơn, cũng chính vì thế mà cô chọn thời gian này để thực hiện hành trình khám phá đất trời.
Video đang HOT
“Tôi thích đi vào khoảng thời gian này vì thời tiết ở các tỉnh miền núi phía Bắc không quá lạnh”, Kiều Trinh bày tỏ.
Nhiều lần muốn bỏ cuộc
Tâm sự với phóng viên Dân trí, cô gái 24 tuổi cho biết chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ di chuyển đoạn đường dài như thế. Trong chuyến đi, nhiều lần cô nung nấu suy nghĩ bỏ cuộc, muốn kết thúc hành trình nhưng lại thầm nghĩ mình đã đi được rất xa, nếu để hành trình dang dở thì rất tiếc nên cô tiếp tục “băng rừng, vượt suối” dù có nhiều bỡ ngỡ.
“Đây là lần đầu tiên tôi chập chững với những chuyến đi xa. Từ đầu, tôi đã không gò bó bản thân vào một khuôn khổ nào, không dự định sẽ dừng chân, nghỉ ngơi hay ăn uống ở đâu. Thích nơi nào tôi sẽ dừng xe ở đó vì với tôi, mọi điều trong chuyến đi này đều là trải nghiệm”, Kiều Trinh chia sẻ.
Tuy nhiên, sợ bố mẹ lo lắng khi con gái một mình đi đoạn đường dài, Kiều Trinh đã giấu gia đình, âm thầm thực hiện chuyến trải nghiệm của mình.
Kiều Trinh đi phượt một mình, không cho gia đình biết vì sợ bố mẹ lo lắng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cô cũng cho biết mỗi chuyến đi với cô đều ngẫu hứng và có thể không trở lại lần 2, vậy nên cô không đặt ra một giới hạn nào về việc chi tiêu. Tuy nhiên, cô cũng biết đâu là những nhu cầu phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Xuyên suốt chuyến đi, Kiều Trinh chi tiêu trung bình khoảng 2 triệu đồng/ngày.
Kiều Trinh nói thêm, khi bắt đầu hành trình, điều cô quan tâm nhất chính là trang phục. Cô lựa chọn những bộ quần áo thoáng mát, mỏng, nhẹ, mau khô và ít nhăn. Vì di chuyển bằng xe máy, không có quá nhiều chỗ để mang vác hành lý cồng kềnh và những nơi đi qua không có thời tiết quá lạnh nên Kiều Trinh chỉ mang theo một chiếc áo giữ ấm.
“Tôi cũng dự trù nếu lạnh quá sẽ chọn phương án mặc nhiều lớp áo. Ngoài ra, tôi còn mang theo móc gấp gọn và một ít xà phòng giặt đồ, vì đôi khi giặt sấy không lấy ngay được thì tôi có thể tự giặt quần áo. Khi đó, chất liệu vải mỏng nhẹ, khô nhanh đã phát huy tác dụng”, Kiều Trinh chia sẻ.
Cô gái 24 tuổi không lên kế hoạch cho chuyến đi mà thích nơi nào sẽ dừng chân ở nơi đó (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đặc biệt, nữ phượt thủ cũng không quên trang bị túi y tế để phòng hờ tình huống xấu nhất và những dụng cụ hỗ trợ sửa xe phòng khi gặp trục trặc. Dù không thể tự sửa xe một cách chuyên nghiệp nhưng Kiều Trinh cũng có thể vặn lại những chỗ lỏng vì xe phải di chuyển đường dài.
Cô trang bị các dụng cụ như kềm đa năng, bộ bơm tự động, bộ vá xe… và những món đồ đó đã giúp cô “cứu nguy tạm thời” khi xe thủng bánh. “Tuy không thể xử lý được những vết thủng to nhưng chúng có thể giúp xe của tôi tiếp tục di chuyển đến trung tâm, nơi có tiệm sửa xe chuyên nghiệp”, cô chia sẻ.
“Hú vía” khi vượt qua vùng sạt lở
Khi được hỏi “đơn thân độc mã” di chuyển hàng ngàn cây số có gặp khó khăn gì không, Kiều Trinh cho biết có hôm, xe cô cán đinh tận 3 lần. Bên cạnh đó, khi từ Hà Giang về Hà Nội, có lúc cô phải di chuyển trong đêm tối, trời mưa to. Do xe không lắp đèn trợ sáng, nên Kiều Trinh như bơi trong bóng đêm, chỉ có thể bám theo sau ô tô.
Không chỉ vậy, cô cũng từng đi qua đoạn đường bị sạt lở tại Hà Giang và một phen “hú vía”.
“Ngoài đoạn đường sạt lở đó không còn đường khác nên tôi cũng chỉ biết chạy về phía trước. Cũng may lúc tôi đi qua khu vực đó không có mưa, chỉ có những chỗ sạt lở cách đó mấy hôm chưa được dọn dẹp.
Do không truy cập mạng xã hội, nên tôi không biết bản thân đi qua đoạn đường đang trong tình trạng nguy hiểm. Nhớ lại, tôi cũng cảm thấy bản thân may mắn”, cô nói.
Chuyến đi giúp Kiều Trinh chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp của Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Kiều Trinh cũng cho biết tuy lưu lại Hà Giang không lâu, nhưng cô rất ấn tượng với sự nhiệt tình của người dân nơi đây. Khi cần, cô được mọi người hết lòng hỗ trợ. Ngoài ra, Kiều Trinh cũng đánh giá trong các tỉnh thành mà mình từng đi qua, các dịch vụ ở Hà Giang là tốt nhất.
“Có thể nói trong cả chuyến đi, điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là cảnh núi non hùng vĩ ở những vùng núi phía Bắc và con người giản dị vùng bản. Họ rất thân thiện và nhiệt tình. Trong tương lai, tôi sẽ trở lại nơi này”, cô nói.
Sau khi trở về Hà Nội từ Hà Giang, Kiều Trinh làm thủ tục gửi xe máy về TPHCM trong khi bản thân bay vào Đà Lạt rồi mới tiếp tục đón xe về lại TPHCM.
Nói về hành trình hơn 3.000km của mình, Kiều Trinh gọi đó là một tờ giấy trắng được cô tự vẽ nên câu chuyện từ trải nghiệm của bản thân. Nữ phượt thủ cho biết trước khi đi, cô không tham khảo thông tin, kinh nghiệm từ bất cứ ai hay bất cứ bài viết nào. Song, nhìn lại, cô không phủ nhận hành trình 10 ngày của mình đầy khó khăn và thử thách.
Kiều Trinh thừa nhận hành trình của mình có khó khăn, nhưng rất giá trị và đáng nhớ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Kiều Trinh tâm sự, điều cô học được nhiều nhất sau chuyến hành trình qua 27 tỉnh, hơn 3.000km chính là sự can đảm, dám vượt qua giới hạn và nỗi sợ của bản thân, tự làm mọi thứ mà không dựa dẫm vào ai. Hơn hết, chuyến đi này cho cô khám phá được vẻ đẹp của những vùng đất mới, hiểu hơn về các giá trị lịch sử, văn hóa của Việt Nam.
“Tôi nghĩ khi còn trẻ, có sức khỏe, nếu có thể thì hãy trải nghiệm bởi những hành trình bạn vượt qua hôm nay giúp bạn trưởng thành, mở mang tầm mắt và đó sẽ chính là những ký ức đẹp vô giá mai sau”, Kiều Trinh chia sẻ.
Hà Giang: Sự hội tụ của di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo
Hà Giang là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên và sự độc đáo của văn hóa bản địa.
Những cánh đồng lúa bát ngát, những dãy núi hùng vĩ và những con suối trong lành... của Hà Giang đã mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới lạ và hấp dẫn.
Hà Giang không chỉ là điểm đến với vẻ đẹp "đốn tim" và níu chân nhiều du khách, nơi đây còn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn thử sức với những hoạt động du lịch mạo hiểm như leo núi, trekking qua rừng núi hoang dã, hay thậm chí là tham gia các hoạt động cắm trại dưới bầu trời đầy sao. Đây thực sự là nơi lý tưởng để tận hưởng cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và khám phá những điều mới mẻ.
Những tài sản vô giá...
Tài nguyên du lịch của Hà Giang được thể hiện ở 3 không gian du lịch tiêu biểu. Đó là, không gian du lịch đồi núi thấp gắn với các địa danh: Khu di tích lịch sử cách mạng Trọng Con, Căng Bắc Mê, chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Đài hương 468, hang Dơi,... Vùng này còn thu hút khách du lịch bởi những trang trại trồng cam, trồng táo; những làng văn hóa du lịch cộng đồng của dân tộc Tày, Dao... hay một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lồng tồng của dân tộc Tày, Bàn Vương của dân tộc Dao,...
|
Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn - Ảnh: Chu Việt Bắc |
Vùng du lịch trọng điểm của Hà Giang là không gian đồi núi đá với điểm nhấn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, đa dạng sinh học. Điểm nổi bật ở không gian này là những đỉnh đèo, vách núi nổi tiếng như Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản, hoang mạc đá, rừng đá và là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mông, Lô Lô, Dao, Pu Péo,... Cùng với đó, những nét văn hóa đặc sắc như Lễ hội chợ tình Khâu Vai, Lễ hội khèn Mông, Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Hoa tam giác mạch,...
Không gian du lịch đồi núi đất phía Tây gắn với Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng nguyên sinh, nơi thượng nguồn sông Chảy và sông Bạc cùng nhiều suối khoáng nóng. Khu vực này hội tụ những điểm thăm quan độc đáo mà ít nơi nào có được như Di tích bãi đá cổ Nấm Dẩn, Di tích danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, đặc sản chè Shan tuyết, cùng sự đa dạng về văn hóa độc đáo của các dân tộc: Dao, Tày, Nùng, Mông,... được thể hiện qua các lễ hội như: Lễ hội Quỹa Hiéng, Lễ cấp sắc... là một trong nhiều lợi thế để tạo nên không gian du lịch đặc sắc của Hà Giang.
Theo Giám đốc Điều hành Wondertour Dương Hữu Toản, trong tiềm thức của du khách, nhắc đến Hà Giang là nhắc đến Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi hội tụ nhiều di sản, cảnh quan có giá trị mang tầm quốc tế. Là Mã Pí Lèng, một trong những "con đèo đẹp nhất Việt Nam" với cảnh đẹp hùng vĩ, hoang sơ và thơ mộng của núi rừng Tây Bắc. Không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng, đèo Mã Pí Lèng còn là nơi ghi dấu nhiều câu chuyện, truyền thuyết về vùng đất Tây Bắc hùng vĩ.
Từ cung đèo nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc, đứng từ đỉnh đèo, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ thấy được dòng Nho Quế xanh trong, cong cong như dải lụa màu ngọc bích chảy xuyên qua hẻm Tu Sản, uốn lượn dưới chân đèo... tất cả hòa quyện vào nhau như một bức tranh sơn thủy.
Còn những bloger du lịch nổi tiếng lại chung nhận định, danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm ở phía Tây của Hà Giang là một kiệt tác được tạo từ sức lao động cần cù, sáng tạo của con người. Những nông cụ thô sơ đồng bào các dân tộc nơi đây đã để lại một công trình văn hóa về kỹ thuật canh tác lúa nước trên sườn núi dốc. Họ biến những quả đồi, ngọn núi thành những tòa tháp bậc thang có vẻ đẹp kỳ vĩ như ai đó dệt nên tấm thổ cẩm khổng lồ giữa lưng chừng trời.
Nấc thang vàng - Ảnh: Chu Việt Bắc |
Không chỉ có vậy, Hà Giang còn là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang một nền văn hóa truyền thống độc đáo riêng đã tạo nên một kho tàng văn hóa phong phú, nhiều di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và quốc gia bao gồm các lễ hội, các làn điệu dân ca dân vũ... Nổi bật là lễ hội Nhảy Lửa của người Pà Thẻn là một lễ hội độc đáo, đậm nét Shaman giáo, sơ khai và huyền bí. Lễ hội là bằng chứng thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên.
Chị Tô Phương (Việt kiều Đức) bày tỏ: Điểm đặc biệt của Hà Giang chính là văn hóa của người dân tộc thiểu số sinh sống tại đây. Với những truyền thống văn hóa độc đáo, những bản nhạc dân tộc sôi động và những món ăn truyền thống là sức hút đối với du khách của địa phương này. "Đến Hà Giang mình được đắm mình giữa thảo nguyên bao la, lạc vào ngôi làng cổ tích như Lô Lô Chải, Nặm Đăm hay Lũng Cẩm Trên... nơi có những căn nhà nhỏ xinh được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống trình tường đất, lợp mái ngói âm dương; được hòa mình cùng người dân bản địa sống chậm trong nền văn hóa đa sắc màu. Đó là những bộ trang phục thêu hoa văn cầu kỳ được làm bằng những nguyên liệu tự nhiên từ chính đôi tay của người phụ nữ, là những bộ trang sức bạc được trạm khắc tỉ mỉ công phu... Ở nơi đây chúng tôi còn được thưởng thức ẩm thực hấp dẫn mang phong vị đặc trưng của các dân tộc miền địa đầu phía Bắc tổ quốc Việt Nam" - chị Phương chia sẻ.
... khẳng định vị thế điểm đến hàng đầu châu Á
Hà Giang có 106 điểm du lịch đang hoạt động, tập trung ở các loại hình du lịch tâm linh, cộng đồng, văn hóa, danh lam thắng cảnh và du lịch thể thao mạo hiểm. Trong 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng, làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (huyện Quản Bạ) được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - Nguyễn Văn Sơn, Hà Giang chủ trương thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng xanh, bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Hà Giang gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang luôn hướng tới mục tiêu "phát triển có trọng tâm, trọng điểm, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; phát triển phải đi đôi với gìn giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của địa phương. Cùng với đó, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, gắn kết sản phẩm du lịch với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh".
Sức sống Cao nguyên - Ảnh: Chu Việt Bắc |
Để hiện thực hóa định hướng này, từ đầu năm đến nay, ngành Du lịch đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch chủ động phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch; rà soát, chấn chỉnh các khu, điểm du lịch tổ chức hoạt động du lịch có nguy cơ mất an toàn; thường xuyên thực hiện kiểm tra hoạt động của các hướng dẫn viên du lịch; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức; tăng cường công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Minh chứng cho những nỗ lực này là lượng khách du lịch đến với Hà Giang ngày càng gia tăng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Giang đón gần 1,7 triệu lượt du khách, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,8% kế hoạch năm. Trong đó có gần 223.000 lượt khách quốc tế và trên 1,4 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 4.200 tỷ đồng.
Để tiếp tục thúc đẩy ngành Du lịch phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với tiềm năng thế mạnh của địa phương, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, từ nay đến cuối năm Hà Giang tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, phấn đấu đạt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách trong năm 2024. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp và cộng đồng về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch Hà Giang; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào trong công tác tuyên truyền, quảng bá.
Triển khai một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong phát triển du lịch; các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch. Tiếp tục xây dựng các Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đầu tư xây dựng và bảo tồn các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các sản phẩm du lịch khác hình thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn...
Sự hội tụ của di sản thiên nhiên, văn hóa độc đáo là những tài sản vô giá cùng sự quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân các dân tộc tại Hà Giang đã đưa địa danh này thường xuyên nằm trong danh sách các điểm đến lý tưởng do các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. Tiêu biểu như: Tờ New York Times xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023. Tờ báo chuyên du lịch Canada The Travel bình trọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam. Trong năm 2022, khu nghỉ dưỡng Hmông Village được vinh danh khách sạn xanh ASEAN; tháng 01/2023, làng VHDL thôn Nặm Đăm được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng lần thứ 3. Tháng 9/2023, Hà Giang được nhận giải thưởng "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á". Năm nay, Hà Giang tiếp tục được đề cử ở hạng mục "Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á"... Đây chính là cơ hội lớn để thương hiệu du lịch Hà Giang có thể xây dựng và định vị lại vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới.
Nhờ những nỗ lực đổi mới trong công tác xúc tiến và xây dựng sản phẩm du lịch gắn với khai thác giá trị cảnh quan và văn hóa truyền thống, Hà Giang đã ngày càng khẳng định được vị thế quan trọng của mình trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế. Quy mô du lịch của Hà Giang ngày càng được mở rộng, vị thế được nâng cao.
Khám phá Vị Xuyên mùa lúa chín Lên Hà Giang mùa này có rất nhiều nơi có ruộng bậc thang đẹp, Vị Xuyên là một điểm đến hấp dẫn như vậy, nơi đây đang vào mùa lúa chín với sắc vàng đẹp nhất. Để nghắm được những ruộng bậc thang đang mùa chín vàng bạn phải trekking 10km theo sườn Đông dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ từ thôn Khuổi...