Cô gái khuyết tật từng bị xâm hại và hạnh phúc bất ngờ với chồng Ấn Độ
Bị xâm hại tình dục, Thơm – cô gái khuyết tật đã mạnh mẽ bước qua nỗi đau, sống và mơ về một hạnh phúc. Cô muốn được làm mẹ, được yêu thương như bao cô gái khác.
“Lật tung quá khứ tìm người anh thương”
Cách đây không lâu, cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Thơm, cựu sinh viên Học viện hành chính quốc gia TP.HCM đã khiến nhiều người sửng sốt và khâm phục. Cô đã dũng cảm chia sẻ lại câu chuyện của mình, sau khi chứng kiến nhiều phụ nữ, trẻ em cùng cảnh ngộ với mình bị xâm hại nhưng bất lực vì không đủ sức chống cự. Cô dám công khai nỗi đau trong quá khứ để lên tiếng thay cho những ai đang từng ngày từng giờ chịu đựng nỗi đau vì đã từng bị xâm hại tình dục.
Trò chuyện với PV báo điện tử Người Đưa Tin Thơm bảo, khi quá khứ được đưa lên truyền thông, cuộc sống của Thơm cũng bị đảo lộn. Đi đến đâu ai cũng nhìn ngó, hỏi han. Thậm chí một thời gian dài nhiều người còn viết số điện thoại dán lên cửa phòng để gạ Thơm đi chơi.
Nhưng trong những việc đó có một điều may mắn và như là định mệnh với cô. Vào năm 2015 một anh chàng người Ấn tên Bablu chẳng hiểu sao cứ đi tìm người con gái tên Thơm khuyết tật và từng bị xâm hại tình dục.
“Anh ấy nói đã xem hết bài báo này anh lại tìm những tờ báo khác, xem hết video này anh lại tìm video khác, anh tìm trên YouTube, trên các kênh truyền hình Việt Nam, các album…và cuối cùng không dừng được anh tìm trang cá nhân của tôi.
Thơm dám công khai mình từng bị xâm hại tình dục.
Anh vẫn ngày ngày vào trang cá nhân xem tôi sống thế nào, có hạnh phúc không? Khi tôi đăng những dòng tâm trạng buồn thì anh cũng buồn và liền gửi lời mời kết bạn, anh nhắn một lời chào nhưng tôi không hồi âm. Tôi coi như anh không tồn tại”, Thơm chia sẻ.
Thời điểm ấy cũng là lúc Thơm khủng hoảng rất nhiều: gia đình nhiều biến cố, thất nghiệp, người yêu hơn 4 năm rời bỏ, sống thui thủi 1 mình tại đất Sài Thành, cô rơi vào stress, chẳng quan tâm tới ai hay điều gì…Nửa tháng sau cô vực dậy, đi làm và lặng lẽ dọn Facebook: ẩn hết tất cả hình ảnh có người yêu cũ và không hề đăng status liên quan tới người cũ.
Một ngày, cô thấy báo tin nhắn chờ cô đọc và chọn lọc bạn, cô tò mò về người đàn ông tên Bablu. Chính Bablu không tin được Thơm đã hồi âm sau gần 1 năm.
Cuối năm 2016, thấy cô đăng tuyển design trên facebook, anh vào bình luận có tuyển anh không? Anh liền nhận được tin nhắn của Thơm.
Sau đó họ trò chuyện rất nhiều, chia sẻ mọi thứ trong công việc. Cô đã gửi hình đôi chân của cô cho anh xem.
Video đang HOT
“Anh xem xong thì lại càng muốn nói chuyện với tôi nhiều hơn. Chúng tôi gọi video mỗi ngày. Đặc biệt hơn anh luôn động viên, an ủi lúc tôi gặp khó khăn, chúng tôi như có thần giao cách cảm. Tôi đã yêu anh từ lúc nào không hay. Nhưng gia đình tôi phản đối. Họ lo tôi lại bị lừa gạt chuyện tình cảm. Nhưng tôi tin vào anh. Anh biết quá khứ của tôi, anh đã lục tung quá khứ ấy và kiên nhẫn chờ đợi tôi. Tôi cảm nhận được anh chính là người mà tôi cần”, Thơm bày tỏ.
Muốn sinh con để một lần được gọi là mẹ
Cô hạnh phúc vì tìm được người yêu thương mình thật lòng.
Họ yêu nhau và quyết bên nhau dù có bị cha mẹ Thơm phản đối. 7 tháng sau đó, cô và anh bàn đến chuyện cưới xin và 3 chuyến bay 2 ngày đã đưa Thơm sang Ấn Độ sống với người đàn ông cô yêu thương.
Quyết định yêu và theo anh qua Ấn sống, cô đã phải tự học tiếng anh, bồi dưỡng cho mình đầy đủ những kiến thức cần thiết nhất. Anh vì thương cô mà đã đi tìm tài liệu, giúp đỡ cô về mọi mặt.
Thơm bảo: “Cứ nghĩ đến việc anh đã mất hai năm để tìm mình là tôi xúc động lắm. Quá khứ của tôi thật sự tôi không muốn nghĩ đến. Vậy mà anh lại vì nó để đi tìm tôi rồi yêu tôi. Đến giờ tôi không hối hận về quyết định của mình”.
Người đàn ông của cuộc đời cô.
Tôi hỏi chị: Thơm có ý định sinh con không? Nghe vậy Thơm cười hạnh phúc: “Có chứ, rất muốn sinh con. Tôi và anh ấy đã cố gắng rất nhiều và có bầu nhưng sức khỏe của tôi quá yếu không thể giữ được. Tôi đã khóc rất nhiều nhưng anh ấy chỉ im lặng. Anh ấy tin chúng tôi sẽ có những đứa con tiếp theo”.
Lý do để cô bất chấp sức khỏe để có con cũng vô cùng đơn gian, cô muốn được làm mẹ, muốn được nghe con gọi từ thiêng liêng đó. Và quan trọng hơn cô muốn con có mắt của anh, mũi của anh, miệng của anh…
Giờ đây, cô hạnh phúc với những gì mình đang có. Thơm được gia đình nhà chồng yêu quý, được chồng nâng niu. Đối với cô, may mắn nhất cuộc đời là được yêu anh và làm vợ anh.
* Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại
Theo Mai Thu (Người Đưa Tin)
CEO Hà Nội gặp lại ân nhân sau 10 năm tìm kiếm
Chiều tháng 7, Duy (Hà Nội) chạy xe 60km để tìm bà Tịnh, sẵn sàng tâm lý một lần nữa sẽ phải nhận nhầm người.
Nhà không có địa chỉ rõ ràng, Trần Mạnh Duy (27 tuổi) hỏi đường hết 20 phút mới đến cổng làng Bảo Tháp, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, thấy bà Tịnh đứng đó sẵn chờ. Trong mắt Duy, bà vẫn tóc đen, to béo, lưng thẳng, còn trong mắt bà có lẽ Duy vẫn như đứa bé lớp 4 trắng trẻo. Gần một phút, hai bà cháu mới nhận ra nhau sau 18 năm mất liên lạc.
"Con có phải là Duy, con mẹ Mai không?", bà Tịnh vừa nói vừa ngấn nước mắt. Ông bố một con đỗ xe xuống ôm chầm lấy bà và nói "Vâng, con về với bà rồi đây". Trưa đó, Duy ăn bữa cơm cùng bà như năm nào hai bà cháu còn ở trong căn chung cư cũ kỹ ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.
"Tôi luôn nghĩ không biết đến cuối đời có gặp lại cháu Duy. Nhớ mãi thời đó, lúc về hưu dưỡng già, tôi đã không nghĩ đến chuyện nuôi nấng ai nữa. Nhưng gặp Duy, tôi thấy một đứa bé thông minh, có nụ cười rạng rỡ, không thể thiếu sự giáo dục của gia đình. Thế nên tôi bỏ qua lời ngăn của chồng mà nhận Duy về nhà nuôi", bà Vũ Thanh Tịnh (73 tuổi), nói.
Câu chuyện Duy gặp lại bà Tịnh hồi tháng đầu tháng 7 nhận được hàng chục nghìn lượt thích và chia sẻ trên trang cá nhân. Ảnh: Mạnh Duy.
Duy mồ côi cha từ năm 2 tuổi. Chị Bùi Tuyết Mai (47 tuổi), mẹ của Duy, khi đó còn trẻ, muốn tìm việc tốt hơn nên từ Quảng Ninh chuyển lên Hà Nội sinh sống. Được một thời gian, chị Mai biết được bà Tịnh từng chăm sóc trẻ ở làng SOS, tính tình hiền lành nên xin bà giúp chăm con để có thể đi học nghề y ở Trung Quốc. Sau một đêm suy nghĩ, bà Tịnh nhận Duy về chăm sóc.
Sau 5 năm, Duy được 10 tuổi, mẹ cậu về nước với cơ ngơi ổn định, cậu bé về ở với mẹ. Ngày chia tay, bà Tịnh khóc nhiều vì thương cháu. Vì điều kiện liên lạc khó khăn, khi bà chuyển chỗ ở, hai mẹ con Duy không hay biết.
Năm ôn thi lên đại học, Duy gặp nhiều stress. Mẹ của cậu cũng hay đi nước ngoài lo việc kinh doanh. Lúc này, cậu lại nhớ đến khi còn nhỏ, học bài xong lại chạy xuống sân chung cư ngồi khóc vì nhớ mẹ. Bà Tịnh có lúc đến dỗ dành "càng buồn con phải coi nó như là động lực để biến thành những hành động quyết liệt". Nhớ lời bà, Duy cố gắng hơn và đậu đại học năm 2010.
Ở tuổi 18, cảm xúc biết ơn bà Tịnh đã rõ ràng hơn trong tâm trí Duy. Cậu về lại nơi bà từng ở, gõ cửa từng nhà xem có ai có thông tin của bà không, Duy còn dán một mẩu giấy nhỏ ghi thông tin bà Tịnh, số điện thoại của mình, mong rằng có người thân của bà trở về và gọi cho anh.
"Tuần nào tôi cũng thấy Duy dành vài lần ghé chung cư, đi qua hành lang nhà bà Tịnh, ngó nghiêng xem có ai bóc mất mẩu giấy của mình. Trước khi về, Duy lại đi thêm một vòng để xem bà có để lại gì cho mình hay không, rồi ra về với tiếng thở dài", bà Vũ Thị Chiến, người ở cạnh nhà chung cư của bà Tịnh, chia sẻ.
Từ ngày gặp lại bà Tịnh, tuần nào Duy cũng mang đồ ăn đến, cùng ôn lại những kỷ niệm ngày thơ ấu. Ảnh: Mạnh Duy.
Năm 2017, khi được làm cha, Duy bắt đầu làm quen với cảnh tắm rửa cho con, dỗ con nín khóc, mớm con ăn từng chút một. Đây cũng là lúc anh bắt tay vào gây dựng chuỗi nhà hàng, nhiều áp lực dồn đến. Lúc này, Duy lại càng nghĩ đến bà Tịnh nhiều hơn, anh tự hỏi, tại sao một người không phải máu mủ ruột rà lại có thể dành nhiều tình cảm để kiên nhẫn dạy dỗ cho mình như vậy.
Khi đã trở thành chủ nhà hàng mỳ cá có tiếng ở quận Ba Đình (Hà Nội), Duy vẫn nhớ mãi cách sống của bà Tịnh, dù tiết kiệm nhưng trong bữa ăn phải luôn đầy đủ. Trong bữa cơm, Duy phải tập trung vào chén cơm của mình để có thể ăn nhanh, thay vì nghĩ đến chuyện khác. Trong công việc cũng vậy, để mọi thứ thuận lợi, anh phải luôn tập trung để xử lý và đưa ra quyết định đúng đắn.
"Nhớ đến bà tôi rất lo lắng, sợ bà có cuộc sống khổ cực mà mình không giúp được gì. Vả lại, lúc không còn ở nhà bà nữa, thậm chí tôi còn không có được một lời cảm ơn bà đúng nghĩa. Điều đó luôn làm tôi canh cánh", Duy nói.
Một hôm, có số điện thoại lạ gọi đến bảo rằng biết bà Tịnh, nhưng cần một số tiền đặt cọc rồi mới nói rõ địa chỉ. Không ngần ngại, anh chuyển khoản cho người đó 2 triệu đồng. Trời mưa tầm tã, trên chiếc xe máy cũ, anh đi sâu vào ngôi làng thuộc huyện Ba Vì để tìm, loanh quanh bị lạc suốt một tiếng đồng hồ. Khi hỏi ra nhà, thì không phải vị ân nhân anh cần tìm.
Thành công trong cuộc sống, Duy (áo đen) càng nhớ nhiều đến bà Tịnh, người đã dạy cho mình nhiều bài học lớn trong đời. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Một lần khác, Duy lần xuống thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh theo một thông tin, nhưng cũng không thành. Duy đã quay lại nhiều lần, hỏi hàng chục gia đình. Một năm sau, người ta nói bà đã chuyển đi.
Sau nhiều lần tìm kiếm thất bại, Duy cũng chỉ còn biết cầu nguyện để tìm thấy bà, nhưng hy vọng đã bớt đi nhiều. Tháng 6 vừa qua, khi đi ăn cùng vài người quen cũ, Duy và mẹ có kể câu chuyện bà Tịnh giúp đỡ gia đình mình trong quá khứ. Nghe chuyện, một người khẳng định mình có biết bà Tịnh và đã giúp Duy liên lạc với đúng người.
Hiện tại, bà Tịnh vẫn khỏe mạnh, còn nuôi chim, nuôi gà... quanh vườn. Con của bà cũng trở thành những người thành đạt.
"Tôi vẫn tin rằng không có bà dạy dỗ, tôi sẽ không bao giờ có được hôm nay. Tôi chỉ hy vọng bà có nhiều sức khỏe, để nếu có thể, những đứa con của tôi cũng sẽ nhận được những bài học từ bà", Duy bày tỏ.
Theo Trọng Nghĩa (VNE)
Cái kết như mơ của cặp đôi 20 năm không có con, từng bị nói khích Trải qua năm lần gom trứng, lần nhiều nhất cũng chỉ bảy quả, cuối cùng người phụ nữ đã tìm được đứa con đầu lòng cho mình. Đó là câu chuyện của chị Lò Thị Nhung, 41 tuổi, (Điện Biên), chị Nhung lập gia đình năm 2011, có con tự nhiên sau một năm cưới nhưng không may bị lưu thai khi thai...