Cô gái khuyết tật một tay xung phong tham gia chốt chặn dịch COVID-19
Không may mắn như những người bạn đồng trang lứa, Phạm Thị Hồng Mai sinh ra đã thiếu bàn tay trái. Khuyết tật không chỉ khiến sinh hoạt hàng ngày của Mai khó khăn hơn, đôi khi cô gái nhỏ cũng chạnh lòng vì những lời trêu chọc từ bạn bè thời còn học phổ thông.
“Mỗi lần khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện, em như được cộng thêm sức mạnh vô hình để vượt qua mặc cảm khuyết tật. Được là đoàn viên, được giúp đỡ mọi người, được cống hiến chút sức lực bé nhỏ cho Tổ quốc thân yêu là niềm vinh hạnh cho em rồi” – Đó là chia sẻ giản dị của Phạm Thị Hồng Mai, cựu sinh viên Trường đại học Hàng Hải Việt Nam, người khuyết tật 1 tay vẫn xung phong tham gia chốt chặn dịch COVID-19 ở Hải Phòng.
Vượt lên khuyết tật của bản thân
Không may mắn như những người bạn đồng trang lứa, Phạm Thị Hồng Mai sinh ra đã thiếu bàn tay trái. Khuyết tật không chỉ khiến sinh hoạt hàng ngày của Mai khó khăn hơn, đôi khi cô gái nhỏ cũng chạnh lòng vì những lời trêu chọc từ bạn bè thời còn học phổ thông.
Hồng Mai chia sẻ: “Em sinh ra bẩm sinh đã mất bàn tay trái bởi vậy hồi còn bé và lúc đi học phổ thông em khá rụt rè, nhút nhát. Những lời trêu chọc của bạn bè khiến em mất tự tin rồi dần trở thành sợ hãi khi tiếp xúc với mọi người”.
Tuy nhiên, nhờ được gia đình luôn đồng hành, động viên nên Hồng Mai đã có thể tự tin như hiện tại. Đặc biệt, hành trình 4 năm đại học đã cho Mai thêm nghị lực chiến thắng mặc cảm và tìm lại nhiệt huyết khi tham gia các hoạt động tình nguyện.
Khoác lên mình chiếc áo Đoàn viên, Hồng Mai có thêm động lực vượt qua mặc cảm và tìm lại nhiệt huyết khi tham gia các hoạt động tình nguyện.
“Khi cánh cửa đại học mở ra, trải nghiệm môi trường mới và khi em được thấy những hình ảnh anh chị khóa trên mặc áo đoàn viên, hoạt động sôi nổi, vui vẻ khiến em rất thích. Khoảnh khắc được khoác trên mình chiếc áo xanh đoàn viên cũng là lúc em cảm thấy bản thân đã tiến một bước dài. Màu áo xanh trở thành động lực khiến em dần trở nên tự tin hơn và tự nhủ người ta làm được thì cớ gì mình không làm được. Qua 4 năm đồng hành cùng những hoạt động đoàn trường đại học em như trở thành một con người khác vậy!” Hồng Mai chia sẻ thêm.
Suốt 4 năm đại học, Hồng Mai từng là Sinh viên 5 tốt cấp trường và liên tiếp đạt học bổng trong mỗi kì học. Không chỉ học giỏi, Mai còn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng như: Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh, Mùa đông nơi biên giới… Mai cũng cùng bạn bè xây dựng kế hoạch, tham gia vận động sinh viên hiến máu cứu người.
Hồng Mai chủ động đăng ký tham gia Chốt kiểm soát phường Thành Tô, quận Hải An, Hải Phòng.
Thời điểm cả nước đang bước vào giai đoạn quyết định đầy cam go của công cuộc phòng, chống dịch bệnh, Hồng Mai đã chủ động đăng kí tham gia tình nguyện tại tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại chốt trực phường Thành Tô, quận Hải An, Hải Phòng.
Trách nhiệm của mỗi đoàn viên thanh niên
Kể về lý do tham gia tổ kiểm soát, Hồng Mai chia sẻ: “Những ngày qua, theo dõi phương tiện thông tin đại chúng, em được biết tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp. Thành phố đang “căng mình” chống dịch bệnh, từ các khu dân cư đến từng cửa ngõ, các lực lượng từ cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên…đều tham gia vào công tác phòng dịch ở địa phương.
Khi biết Mai có ý định tham gia tổ công tác phòng, chống dịch ban đầu gia đình không đồng ý: “Bố mẹ em rất lo ngại khi tình trạng dịch bệnh cả nước phải cách ly thì con mình lại đi ra ngoài này tham gia chống dịch, tiếp xúc rất nhiều người. Sau em cố gắng thuyết phục bố mẹ hiểu rằng em có đủ sức khỏe và được trang bị đầy đủ kiến thức, thiết bị chống dịch an toàn. Hơn nữa, bố mẹ em cũng hiểu được lý tưởng của em suốt 5 năm tham gia tình nguyện nên đã đồng ý cho em tham gia” Hồng Mai cho biết.
Vấp phải sự phản đối của gia đình, Hồng Mai đã kiên trì thuyết phục để có thể chung tay cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh.
Cũng theo Hồng Mai dù bản thân là người khuyết tật, sức khỏe có phần hạn chế nhưng “Các bác cựu chiến binh tuổi cao sức yếu mà vẫn có thể ngồi chốt được cả nắng mưa mà mình là thanh niên, sức trẻ không có đáng là gì”.
Là thành viên đặc biệt của tổ kiểm dịch, Hồng Mai không tự ti khi là người khuyết tật mà luôn gương mẫu đi sớm, về muộn, phối hợp nhịp nhàng với các thành viên trong tổ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bác Lê Duy Hiếu (63 tuổi), thành viên Tổ công tác kiểm soát dịch COVID-19 thuộc Tổ dân phố 16 phường Thành Tô (Hải An, Hải Phòng) chia sẻ: “Tình thần của cháu Mai rất nhiệt tình và hăng hái, quên đi mọi cái ấn tượng về bản thân mà tham gia công tác xã hội. Bác mong rằng những bạn trẻ hãy noi gương Mai để cùng chung tay vào công cuộc cả nước đẩy lùi dịch bệnh”.
Việc làm của Hồng Mai góp phần lan tỏa tinh thần “đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên”.
Kết thúc cuộc trò chuyện, Hồng Mai quay trở lại với công việc tại chốt kiểm soát và không quên nhắn nhủ mong muốn của bản thân: “Em nghĩ thanh niên là tương lai của đất nước với tinh thần đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên thì các bạn đừng ngại cống hiến sức mình. Trong khi mình trong nhà chăn ấm đệm êm thì ngoài kia có rất nhiều người sẵn sàng tham gia chống dịch bất kể ngày đêm mưa gió. Các bạn hãy đừng ngại những việc đó mà hãy đi ra và đóng góp chút sức của mình, việc làm nhỏ bé thôi nhưng sẽ đóng góp phần nào trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19″.
HOÀNG DƯƠNG – PHƯƠNG LINH
'Áo xanh' Đà Nẵng cùng chống dịch ở các chốt y tế ngoại ô
Có mặt cùng lực lượng chức năng 24/24 ở các chốt chặn dịch COVID-19 ngoại ô Đà Nẵng là những thanh niên tình nguyện giỏi ngoại ngữ. Ngoài nhiệm vụ cầu nối hỗ trợ ngôn ngữ, họ còn giúp người nước ngoài hiểu chính sách phòng dịch của Việt Nam.
Một ca làm việc tại chốt đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) với sự tham gia hỗ trợ của các thanh niên tình nguyện - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Chung tay cùng xã hội
Chiếc xe 32 chỗ đỗ xịch sau hiệu lệnh, nhiều người nước ngoài bước xuống chốt kiểm tra y tế với vẻ mặt không vui vì bị dừng lại đột ngột.
Ngay lập tức những bóng áo xanh bước tới để trấn an những vị khách nước ngoài bằng một giọng tiếng Anh lưu loát: "Chúng tôi ở đây để giúp chúng ta an toàn trên hành trình thăm thú, chúng tôi vì sức khỏe của bạn".
Đã hai ngày liên tiếp, Lê Đức Thắng (sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) tham gia hỗ trợ tại điểm chốt dịch giáp ranh với tỉnh Quảng Nam. Đường Trường Sa, nơi "đóng quân" của chốt chặn này là tuyến đường chính nối đô thị cổ Hội An với TP Đà Nẵng, nên mỗi ngày có hàng trăm lượt xe chở khách du lịch nước ngoài qua lại.
Mỗi khi có đoàn khách nước ngoài đến, lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe cũng là lúc 3 thành viên trong nhóm của Thắng cùng ra hỗ trợ đội y tế.
Lực lượng này tiến hành đo thân nhiệt từng vị khách rồi triển khai cho những hành khách khi điền vào tờ khai y tế. Thỉnh thoảng có những vị khách không nhớ nổi địa chỉ lưu trú của mình khi ở Việt Nam thì lực lượng "áo xanh" lại phải giúp họ truy cập vào booking.com, Agoda.com hoặc trao đổi lại với lái xe người Việt.
Đưa tay quẹt mồ hôi, Thắng cho biết nhà ở quận Liên Chiểu, phải đi gần 30km mới tới điểm chốt dịch nên đăng ký ca tình nguyện kéo dài 12 tiếng hằng ngày từ 7 giờ sáng.
"Ngoài việc đo thân nhiệt, triển khai ghi chép tờ khai y tế liên quan đến các nội dung như lý lịch dịch tễ, địa chỉ nơi lưu trú của khách khi đến Đà Nẵng, mục đích đến Đà Nẵng thì bọn em cũng hỗ trợ một số người không rõ cách dùng phần mềm khai báo y tế điện tử"- Thắng nói.
Thanh niên Đà Nẵng tham gia hỗ trợ tại các chốt kiểm tra y tế ngoại ô Đà Nẵng - VIDEO: TRƯỜNG TRUNG
Tương tự Thắng, sinh viên Phạm Lam Vy cũng đăng ký công việc tình nguyện hỗ trợ tiếng Anh cho các lực lượng chức năng tại điểm chốt chặn cuối đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn).
Là sinh viên Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng, Vy được nhà trường thông báo cho nghỉ hai tháng nay vì dịch COVID-19. Ngay khi có lời kêu gọi, Vy xung phong đăng ký tham gia dù có chút e dè từ những thành viên trong gia đình.
"Nói không sợ thì cũng không đúng, nhưng được trang bị kiến thức và thiết bị bảo hộ an toàn nên em cũng không lo lắng lắm. Vừa rồi em thi tiếng Anh đủ điều kiện tốt nghiệp, giờ ra đây vừa được ôn lại kỹ năng vừa giúp đẩy lùi bệnh dịch để sớm trở lại trường" - Vy hồ hởi.
Sinh viên Phạm Lam Vy (bìa trái) hỗ trợ phiên dịch tại chốt kiểm tra y tế ra vào Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Công việc trôi chảy hơn
Theo dược sĩ Hồ Thị Phương Mai (cán bộ Trung tâm y tế quận Ngũ Hành Sơn), từ khi có sự đồng hành của đội thanh niên tình nguyện, công việc của chốt đã trôi chảy hơn.
Theo chị Mai, đối tượng kiểm tra của các chốt đo thân nhiệt đa số là khách nước ngoài. Với vốn ngoại ngữ lưu loát, các "cầu nối giao tiếp" này dễ dàng giải thích, làm an lòng những vị khách nước ngoài trong quá trình làm việc với lực lượng chức năng.
"Người nước ngoài vốn có văn hóa riêng tư rất cao, nhất là vấn đề thông tin cá nhân. Khi lực lượng y tế chúng tôi cùng với các đơn vị chức năng làm việc nhiều khi do lực lượng mỏng nên không kịp trao đổi hết với các đoàn khách, người hiểu thì không sao, nhưng có những người tỏ ra khó chịu"- chị Mai nói.
Sự hỗ trợ của những thanh niên tình nguyện trẻ trung, năng động cùng khiến người nước ngoài cảm thấy thoải mái hơn trong giao tiếp. Đặc biệt vốn ngoại ngữ chuyên sâu đã giải thích cặn kẽ để bạn bè hiểu và chấp hành những quy định phòng dịch COVID-19 đang triển khai ở nước ta.
Sau hai ngày kêu gọi đến nay, Thành đoàn Đà Nẵng đã nhận được hơn 1.200 lượt đăng ký của các tình nguyện viên. Đã có hơn 200 tình nguyện viên "ra trận" tại các chốt kiểm dịch. Thành phần đăng ký đa số là các bạn sinh viên có trình độ ngoại ngữ khá về tiếng Anh, Trung, Hàn và một số hướng dẫn viên đang tạm nghỉ việc trong mùa dịch.
Đồng hành cùng các lực lượng chức năng trên các chốt phòng dịch 24/24 ở Đà Nẵng trong những ngày này là những màu áo xanh tình nguyện - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Không để người nước ngoài cảm thấy bị kỳ thị
Anh Nguyễn Duy Thành, trưởng Ban tuyên giáo Thành đoàn Đà Nẵng, cho biết công việc chính của các bạn là hỗ trợ phiên dịch để các lực lượng chức năng làm việc, đồng thời hỗ trợ công tác phòng dịch như phát khẩu trang, xịt dung dịch sát khuẩn tay.
Theo anh Thành, trước khi các tình nguyện viên đăng ký tham gia sẽ được trang bị kiến thức phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y và trang bị các dụng cụ bảo hộ phòng dịch trong quá trình làm việc.
"Đương nhiên quá trình làm "cầu nối" cho các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ chúng tôi cũng trao đổi với các bạn làm sao để những vị khách nước ngoài cảm thấy thoải mái, an lòng mà không có cảm giác như bị kỳ thị"- anh Thành nói.
TRƯỜNG TRUNG - QUỲNH TRÂN
Nổi bật hình ảnh thanh niên cống hiến vì cộng đồng trong mùa dịch Covid-19 Tuổi trẻ cả nước trải qua Tháng Thanh niên chưa từng có vì dịch Covid - 19. Thích ứng tình hình mới, thanh niên góp sức, góp công, sáng tạo thực hiện hàng loạt hoạt động góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM: "Dù trong hoàn cảnh nào, các bạn trẻ luôn khẳng định niềm tin và...