Cô gái khiếm thị viết sách, nuôi ước mơ thành diễn giả
Không có khả năng nhìn rõ vạn vật như bao người, thế nhưng Nghiêm Vũ Thu Loan vẫn giành học bổng 1,5 tỷ đồng để viết tiếp ước mơ theo đuổi ngành truyền thông.
Khiếm thị bẩm sinh, không có khả năng nhìn rõ vạn vật như bao người, thế nhưng Nghiêm Vũ Thu Loan (sinh năm 1998, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn có thể viết sách, truyền cảm hứng và giành học bổng 1,5 tỷ đồng để viết tiếp ước mơ theo đuổi ngành truyền thông. Hành trình theo đuổi đam mê của Thu Loan truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những người khiếm thị sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương chủ đề “Đôi mắt của thiên thần” lên sóng ngày 03/9 trên kênh VTV1.
Mang đến Trạm yêu thương cuốn sách “Giấc mơ nơi thiên đường”, Nghiêm Vũ Thu Loan tự tin chia sẻ rằng đó là tâm huyết của cô năm 20 tuổi. “Tôi bị khiếm thị bẩm sinh, nên từ khi sinh ra một bên mắt của tôi chỉ nhìn thấy lờ mờ. Thế nhưng nếu chúng ta nhìn mọi vật bằng đôi mắt thiên thần, chúng ta sẽ thấy mọi thứ như thiên đường mà ta mơ ước” – Đó không chỉ là lời mở đầu cho cuốn sách đầu tiên của Loan mà còn là kim chỉ nam giúp cô dũng cảm vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Sinh ra trong một gia đình làm nông, nhà có 3 chị em, nhưng Loan và chị gái không may mắc khiếm thị bẩm sinh. Để có chi phí phẫu thuật mắt cho hai con, trong nhà có gì giá trị bố mẹ em đều mang đi bán hết. Dù chỉ nhìn được mọi thứ rất mờ ảo nhưng ước mơ hồi nhỏ của Loan là trở thành họa sĩ, vì em muốn vẽ mọi thứ bằng màu sắc mà mình thích. Thế nhưng, suốt những năm tháng thơ ấu, Loan đã phải bước vào “cuộc chiến” để giành lại thị lực. Sau ca phẫu thuật đầu tiên, em nhìn được lờ mờ, đủ để phân biệt được những màu sắc cơ bản dưới ánh sáng mặt trời.
Nhưng rồi tai nạn năm 11 tuổi đã lấy đi những tia sáng cuối cùng ấy. Những tưởng bất hạnh liên tiếp ập đến sẽ khiến Thu Loan này gục ngã. Nhưng khi thực sự không còn nhìn thấy chút ánh sáng nào nữa, cô gái nhỏ vẫn đi tìm những nguồn sáng của riêng mình, em bắt đầu tìm niềm đam mê trong những con chữ và viết lách.
Video đang HOT
Cả tuổi thơ gắn với bệnh viện để chữa mắt, đến năm 9 tuổi, Loan mới bắt đầu cắp sách tới trường học lớp 1. “Hành trình đến trường của em gói gọn trong hai chữ “gian nan”. Loan và mẹ đã nhận được rất nhiều từ chối, thế nhưng để được đi học, dù là ngồi bàn cuối em cũng chấp nhận. Biết bản thân mình khiếm khuyết, các bạn cố gắng 1 thì em nỗ lực gấp 10. Nhờ sự chăm chỉ và năng lực vượt trội, học xong lớp 1, em được tuyển thẳng lên lớp 3″- Thu Loan chia sẻ.
Không chỉ theo kịp bạn bè, cô gái khiếm thị còn đạt học sinh giỏi suốt những năm cấp 1 và cấp 2. Khi lên cấp 3, các trường THPT lại không nhận em vì “không có chương trình dành riêng cho người khiếm thị”. May mắn thay em được THPT Yên Hòa nhận vào học chung với các bạn mắt sáng khác. “Ngay từ khi học lớp 6, em đã nhận thức được rằng không có kỳ thi vào cấp 3 riêng cho người khiếm thị, nên bằng mọi giá em phải đạt được giải quốc gia để có cơ hội được tuyển thẳng vào một trường nào đó. Thật may mắn vì trường THPT Yên Hòa đã nhận để em tiếp tục viết ước mơ vào Đại học”- Loan tâm sự.
Năm 2019, Loan được Đại học RMIT Việt Nam trao học bổng toàn phần trị giá 1,5 tỷ đồng. Với thành tích học tập nhiều người mơ ước, nếu là một người mắt sáng thì có lẽ Loan đã sớm được nhận vào các công ty để làm thêm hoặc thực tập, nhưng hầu như em đều bị từ chối. Điều mong ước nhất của cô gái khiếm thị này là được mời đến phỏng vấn để có cơ hội thể hiện khả năng của mình.
Trên hành trình chinh phục ước mơ của Thu Loan luôn có sự đồng hành của mẹ. Những chia sẻ của cô Vũ Thị Hương, mẹ của Loan, sẽ giúp khán giả hình dung rõ hơn về sự mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng nghỉ của cô gái này.
Hiện tại ngoài việc học tập, viết lách,Thu Loan còn là chủ nhiệm CLB Step – Hành động vì người khiếm thị, tham gia các hoạt động hỗ trợ người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, đi làm gia sư cho các em nhỏ khuyết tật và nuôi ước mơ trở thành một diễn giả, truyền cảm hứng đến những người có hoàn cảnh khó khăn. Món quà của Trạm yêu thương sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Thu Loan trên hành trình theo đuổi đam mê của mình.
Nhiều điều bất ngờ thú vị về cô gái khiếm thị Nghiêm Vũ Thu Loan sẽ được bật mí trong Trạm yêu thương, chủ đề “Đôi mắt của thiên thần” lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy (03/9) trên kênh VTV1.
Trạm yêu thương: Cô bé giành giải "Đại sứ văn hóa đọc" và tình yêu văn học từ người cha mù
Dù bố không thể nhìn thấy nhưng ông lại là người tiếp sức cho cô gái Bùi Thị Thu Nhớ theo đuổi đam mê văn học và ca hát.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Gio Linh, Quảng Trị, từ năm lớp 1 Bùi Thị Thu Nhớ đã trở thành "đôi mắt" dẫn bố đi hát rong để có thêm thu nhập cho cả nhà. Dù bố của Nhớ bị mù, nhưng ông lại là người tiếp thêm sức mạnh và đam mê cho con gái theo đuổi đam mê văn học và ca hát. Giải Ba quốc gia cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" và giải A cuộc thi "Tìm kiếm tài năng thiếu niên vùng đông Quảng Trị" là kết quả cho một hành trình nỗ lực cùng niềm tin về tương lai tươi sáng của bố và Nhớ. Câu chuyện "Cổ tích cho họa mi" sẽ được Thu Nhớ kể lại trong Trạm yêu thương lúc 10h00 ngày 27/8 trên kênh VTV1.
Xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương, Bùi Thị Thu Nhớ (15 tuổi) gây ấn tượng bởi nụ cười hồn nhiên, trong sáng, đặc biệt là giọng hát thánh thót như họa mi khi em thể hiện ca khúc "Ba kể con nghe" trên sân khấu chương trình. Dù có phần gầy gò và nhỏ bé so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng Nhớ rất tự tin, hoạt bát khi giới thiệu về bản thân dù đây là lần đầu tiên em xuất hiện trên sóng truyền hình.
Nhớ hào hứng khoe thành tích mà mình đạt được trong những năm qua và giải thưởng mà em tâm đắc nhất là Giải Ba quốc gia cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc". Bài thi đó được Nhớ lấy cảm hứng từ bố em. Kể về bố, đôi mắt của cô bé 15 tuổi ánh lên sự tự hào: "Bố em bị mù bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc màu da cam. Thế nhưng, bố rất thích nghe đọc sách, nhất là truyện cổ tích. Tình yêu văn học của em được nhen nhóm từ những lần đọc truyện cho bố nghe".
Không chỉ đạt giải thưởng về văn hóa đọc, Nhớ còn đạt giải A cuộc thi "Tìm kiếm tài năng thiếu niên vùng đông Quảng Trị". Giải thưởng này cũng chính nhờ bố đã truyền cảm hứng cho con gái. Nhớ kể, từ năm 6 tuổi em đã cùng bố đi hát rong. Không nhìn thấy gì nhưng bố em rất đam mê âm nhạc. Thích bài nào là bố nhờ thu âm lại rồi nghe cho bằng thuộc mới thôi. Những lần theo bố đi hát rong, thi thoảng Nhớ cũng được dịp trổ tài. Những năm đi hát rong cùng bố, lời ca tiếng hát về quê hương dần ăn sâu vào tâm hồn cô gái bé nhỏ.
Lạc quan là thế nhưng ít ai biết rằng gia đình Nhớ thuộc diện hộ nghèo của xã. Ngoài trợ cấp khuyết tật của bố Nhớ, cả gia đình trông chờ vào từng đồng bạc lẻ từ công việc hát rong. "Mỗi ngày hai bố con em hát được mấy chục bài. Lúc đầu em thấy vui lắm vì kiếm được tiền để mua sách vở và quần áo mới. Nhưng có khi bị khách xua đuổi, hoặc gặp bạn bè trong quán ăn, những lời bâng quơ của họ khiến em hơi chạnh lòng" - Nhớ buồn bã chia sẻ. Những lúc như thế, Nhớ càng quyết tâm học thật giỏi để thoát nghèo. Suốt 9 năm liền, em luôn đạt học sinh khá, giỏi toàn diện.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Thu Nhớ ấp ủ ước mơ trở thành luật sư, còn bố em có một mong ước thật giản dị, đó là có một chiếc loa thùng mới để đi hát không gặp khó khăn như trước đây nữa. Món quà từ Trạm yêu thương sẽ phần nào giúp gia đình Nhớ san sẻ gánh nặng về kinh tế và giúp em viết tiếp ước mơ đang rộng mở phía trước.
Câu chuyện về nghị lực vươn lên trong cuộc sống của Thu Nhớ và hành trình lan tỏa tình yêu âm nhạc, văn học của người cha mù sẽ được bật mí trong Trạm yêu thương chủ đề "Cổ tích cho họa mi" lúc 10h00 ngày 27/8 trên kênh VTV1.
Cô gái khuyết tật vượt khó bằng tình yêu thương Là một người khuyết tật vận động nhưng Nguyễn Thị Thanh Thiện đã vượt qua mọi mặc cảm về bản thân để vươn lên trong cuộc sống. Cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Thanh Thiện là khách mời của chương trình "Trạm yêu thương" số 34. Ảnh: VTV Thanh Thiện không chỉ giành được học bổng của Chính phủ Australia mà còn được...