Cô gái Hàn Quốc lĩnh án tù vì chụp lén nam người mẫu khỏa thân
Một tòa án Hàn Quốc hôm nay kết án tù hiếm thấy với một cô gái vì chụp lén nam người mẫu khỏa thân.
Cảnh sát và tình nguyện viên rà soát các camera quay lén tại một nhà vệ sinh ở bể bơi công cộng thành phố Changwon hôm 23/7. Ảnh: Washington Post
Cô gái đang ở trong độ tuổi 20, cũng là một người mẫu khỏa thân, bị kết án 10 tháng tù vì chụp ảnh đồng nghiệp tại một lớp vẽ ở trường đại học mỹ thuật Hongik, Seoul và chia sẻ nó lên mạng hồi tháng 5, AFP đưa tin.
Nạn nhân được cho là đã rất xấu hổ, khóc suốt nhiều ngày khi bị mọi người bàn luận khiếm nhã về cơ thể. Anh cho hay làm mẫu khỏa thân chỉ là công việc làm thêm và được giữ bí mật. Khi bức ảnh bị lộ, người thân và bạn bè đã có những phản ứng tiêu cực đối với anh.
Hơn 18.000 người đã ký đơn kiến nghị kêu gọi trừng phạt người đăng tải bức ảnh lên mạng.
Cô gái trên bị bắt vài ngày sau đó và bị diễu qua các ống kính truyền hình trong khi cảnh sát lục soát nhà để tìm kiếm bằng chứng. Các nhà hoạt động mô tả việc bắt giữ cô gái là một phản ứng rất vội vàng và hung hăng của cảnh sát.
“Toàn bộ phản ứng của cảnh sát đối với vụ việc hiếm có này, trong đó nạn nhân là nam giới, thực sự chưa từng có tiền lệ”, Seo Seung-hui, trưởng nhóm dân sự phản đối bạo lực tình dục qua mạng ở Hàn Quốc, nói. “Chúng tôi hiếm khi thấy họ phản ứng nhanh như thế với vô số vụ mà nạn nhân là nữ giới”.
Hàn Quốc, một quốc gia đi đầu về công nghệ và mạng Internet, đang đối mặt với vấn nạn về quay lén tại các trường học, văn phòng, tàu xe, toilet, phòng thay đồ và trên đường phố. Các bức ảnh và video sau đó được những kẻ phạm tội bán lại hoặc chia sẻ lên mạng.
Số vụ quay lén được trình báo lên cảnh sát nước này đã tăng từ khoảng 1.100 vụ vào năm 2010 lên 6.500 vào hồi năm ngoái. Theo thống kê, khoảng 98% số tội phạm là nam giới, đủ mọi ngành nghề từ các giáo viên, giáo sư đại học cho đến mục sư, cảnh sát, trong khi hơn 80% nạn nhân là phụ nữ.
Tuy nhiên, quan điểm gia trưởng đã ăn sâu vào đời sống người Hàn Quốc. Số liệu quốc gia cho thấy chỉ 8,7% số tội phạm ngồi tù trong lần kết án đầu tiên, còn hầu hết chỉ bị phạt tiền hoặc nhận án treo.
Trường hợp của nữ người mẫu trên là chất xúc tác dẫn tới các cuộc biểu tình lớn của phụ nữ Seoul gần đây, trong đó người biểu tình cáo buộc cảnh sát và tòa án đang thiên vị nam giới so với nữ giới.
Các điện thoại thông minh được bán ở Hàn Quốc đều có âm thanh lớn mỗi khi thực hiện thao tác chụp ảnh nhưng nhiều tội phạm đã dùng các ứng dụng đặc biệt để tắt tiếng hoặc gắn các camera quay lén công nghệ cao trong kính mắt, bật lửa, đồng hồ, chìa khóa xe, thậm chí cà vạt.
Video đang HOT
Anh Ngọc
Theo Vnexpress
Nạn quay lén phụ nữ trong nhà vệ sinh ở Hàn Quốc
Nhiều phụ nữ cho hay việc đầu tiên họ làm khi vào toilet công cộng ở Hàn Quốc là kiểm tra xem có camera hay cái lỗ nhỏ nào trên cửa không.
Cảnh sát Hàn Quốc cảnh báo nhiều phụ nữ bị đặt camera quay lén trong toilet hoặc phòng thay đồ. Ảnh: South Korean Police
Laura Bicker vẫn nhớ lần đầu tiên cô nghe nhắc đến những chiếc camera theo dõi. Đó là khi cô vừa đến Seoul và đạp xe đi dạo cùng một người bạn.
"Nhớ kiểm tra xem có camera trong đó không nhé", người bạn hét lên khi Laura chạy vào một nhà vệ sinh bên sông Hàn. Laura quay lại cười, nhưng người bạn không hề đùa.
Theo BBC, Hàn Quốc đang đối mặt với một vấn nạn lớn đó là camera quay lén. Những chiếc máy quay bí mật ghi lại cảnh phụ nữ, đôi khi là cả đàn ông, cởi đồ đi vệ sinh, hay thay đồ trong các cửa hàng quần áo, phòng tập gym, bể bơi. Các video sau đó được đăng lên những trang web khiêu dâm.
Các nhà hoạt động ở Seoul cảnh báo rằng nếu không có biện pháp để ngăn chặn, loại tội phạm này sẽ lan rộng ra các quốc gia khác và rất khó để kiểm soát. Hơn 60.000 trường hợp bị quay lén được trình báo lên cảnh sát Hàn Quốc hàng năm và 80% nạn nhân là nữ giới.
Hàng trăm người khác có thể đã không dám lên tiếng. Một số người bị quay lén bởi những người đàn ông mà họ nghĩ là bạn bè.
Một phụ nữ tên Kim cho hay cô từng bị quay lén dưới bàn ăn ở một nhà hàng. Người đàn ông đã đặt một camera nhỏ dưới váy cô. Khi phát hiện ra, Kim đã giật lấy điện thoại của anh ta rồi tìm thấy một video quay lén khác về mình đang được bạn bè của anh ta bàn luận sôi nổi.
"Khi tôi lần đầu nhìn thấy phòng chat, tôi đã rất sốc, tâm trí trở nên trống rỗng và tôi bắt đầu khóc", Kim kể. Cô đã đến cảnh sát nhưng việc trình báo vụ việc làm cô thậm chí thấy tổn thương hơn.
"Tôi cứ nghĩ người khác sẽ nghĩ gì? Liệu cảnh sát có nghĩ rằng quần áo của tôi quá hở hang? Rằng tôi trông rất rẻ tiền?", Kim nói. "Tại sở cảnh sát, tôi thấy rất lạc lõng. Tôi cảm nhận tất cả cánh đàn ông đang nhìn mình như thể tôi là một miếng thịt béo bở hay một đối tượng tình dục. Tôi sợ hãi. Tôi đã không kể cho bất kỳ ai. Tôi sợ bị đổ lỗi. Tôi sợ gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh sẽ nhìn tôi như những người đàn ông kia nhìn tôi".
Và người quay lén Kim đã không bị xử lý.
Vấn đề không chỉ riêng Hàn Quốc
Hàng nghìn phụ nữ tham gia biểu tình ở Seoul hôm 4/8 để phản đối nạn quay lén, với khẩu hiệu "cuộc sống của tôi không phải là sự khiêu dâm của anh". Ảnh: AFP
Hàn Quốc nằm trong số những quốc gia có nền công nghệ và kỹ thuật số phát triển nhất trên thế giới. Nước này dẫn đầu về số người sở hữu điện thoại thông minh, với gần 90% người lớn có ít nhất một chiếc và 93% người dân tiếp cận với Internet. Tuy nhiên, những lợi thế này cũng khiến loại hình tội phạm quay lén khó bị phát hiện và khó bắt giữ.
Park Soo-yeon đã thành lập nhóm Digital Sex Crime Out dưới cái tên Ha Yena vào năm 2015 nhằm đóng cửa một trong những trang web khiêu dâm khét tiếng nhất.
Có hơn một triệu thành viên và hàng nghìn video đã được quay và chia sẻ mà các phụ nữ trong đó không hay biết. Nhiều video trên trang web được quay bí mật trong toilet, phòng thay đồ hay được những người bạn trai cũ đăng lên để trả đũa.
Một số nạn nhân trong các video sau đó đã tự tử.
"Những trang web biện hộ rằng họ không biết các video trên được quay trái phép. Thật vậy sao? Sao họ có thể không biết được?", Park nói. Cô muốn những kẻ phát tán phải bị xử lý và tin rằng chiến dịch này sự nỗ lực quốc tế bởi tội phạm tình dục kỹ thuật số không chỉ có ở Hàn Quốc.
"Đã có nhiều trường hợp ở Thụy Điển và Mỹ nhưng Hàn Quốc có công nghệ rất tiên tiến, Internet nhanh và dễ tiếp cận nhất trên thế giới. Sẽ không lâu nữa trước khi việc này trở thành vấn nạn lớn ở các quốc gia khác", cô nói.
Cảnh sát Hàn Quốc có hai nhiệm vụ cơ bản: bắt tội phạm và truy tố chúng. Các nhóm chuyên trách đã kiểm tra những địa điểm công cộng khắp Seoul nhưng không tìm thấy camera nào.
Thanh tra Park Gwang-Mi đã dành hai năm để lục soát hơn 1.500 toilet ở vùng Yongsan. Bà kể rằng mình đi tìm bất kỳ chiếc lỗ nào trên tường nơi có thể đặt được camera.
"Tôi thấy rất khó để bắt loại tội phạm này. Chúng lắp đặt camera và tháo xuống trong 15 phút", bà nói.
Trong số gần 6.500 vụ quay lén được báo cáo vào năm ngoái, hơn 5.400 người đã bị bắt nhưng chỉ có 119 người ngồi tù, tương đương 2%.
Thanh tra cảnh sát Park Gwang-Mi cùng đồng nghiệp lục soát một toilet công cộng để tìm camera giấu kín. Ảnh: BBC
'Cuộc sống của tôi không phải là sự khiêu dâm của anh"
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc cảm thấy công lý chưa được thực thi. Những cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở trung tâm Seoul. Park Mi-hye là trưởng nhóm điều tra tội phạm tình dục đặc biệt của cảnh sát Seoul. Bà cho hay rất khó để theo dõi những người sử dụng máy chủ ở nước ngoài và việc phát tán loại hình khiêu dâm này ở nhiều nước không bị xem là bất hợp pháp.
"Thậm chí cả khi chúng tôi đóng cửa trang web, họ có thể điều chỉnh địa chỉ web một chút và mở lại. Chúng tôi tiếp tục theo dõi từng thay đổi nhưng chúng vẫn tiếp tục phát triển những biện pháp mới", bà nói.
Theo bà Park, hình phạt đối với loại tội phạm quay lén cũng không đủ nghiêm khắc. Hình phạt hiện nay là một năm tù hoặc phạt tiền 10 triệu won (gần 9.000 USD) vì phát tán hình ảnh trái phép.
"Quan trọng nhất là phải có sự thay đổi trong nhận thức của mọi người. Để xóa bỏ loại tội phạm này, mọi người cần nhận thức được tác động của nó đối với nạn nhân, bà nói.
Hàng nghìn phụ nữ đã xuống đường với khẩu hiệu "cuộc sống của tôi không phải là sự khiêu dâm của anh" vào cuối tuần qua, cuộc biểu tình thứ 4 về vấn đề này trong năm nay. Họ tin rằng biểu tình sẽ dẫn tới các hình phạt nghiêm khắc hơn, tỷ lệ truy tố cao hơn và các biện pháp phát hiện tội phạm ưu việt hơn để đối phó với vấn nạn này.
Trong lúc đó, họ vẫn sẽ kiểm tra phòng thay đồ để đề phòng mình đang bị quay lén.
Anh Ngọc
Theo Vnexpress
Kết đắng của nhiếp ảnh gia chụp bức ảnh 'hôn nhau dưới mưa' Bức ảnh thơ mộng về cặp đôi hôn nhau dưới mưa khiến nhiếp ảnh gia khốn đốn với hậu quả khôn lường. Bức ảnh về nụ hôn dưới mưa "gây bão". (Ảnh: Jibon Ahmed) Nhiếp ảnh gia Jibon Ahmed (30 tuổi) người Bangladesh gần đây đã đăng lên Facebook cá nhân bức ảnh gây tranh cãi về một cặp đôi hôn nhau dưới...