Cô gái đạt học bổng Tiến sĩ trị giá 9,3 tỷ VND của ĐH Johns Hopkins: Về Việt Nam giờ là một lựa chọn chứ không còn là thứ mình băn khoăn nữa!
Nguyễn Thị Sao Ly sinh ra trong gia đình có mẹ làm kinh doanh, ba làm giáo dục, anh trai là Tiến sĩ Vật lí tại Anh và chị gái là Thạc sĩ Kinh tế đồng thời là founder của một số start-ups về công nghệ thông tin tại Mỹ.
Sao Ly có cơ hội đến với nước Mỹ, bắt đầu hành trình du học khi 16 tuổi, hoàn thành bậc cử nhân với chuyên ngành Sinh học, và Thạc sĩ Y Tiến hoá tại trường Đại học California, Los Angeles (UCLA), nằm trong top 5% của trường. Ly cũng được nhận Giải thưởng Sinh viên xuất sắc (Excellence Award) đồng thời nhận được bằng cử nhân danh dự Honors cho chuyên ngành của mình.
Khi được hỏi về nhận xét về một cô gái xinh đẹp và “sinh ra ở vạch đích”, Ly nói: “Ly nghĩ là không có ai sinh ra ở vạch đích cả. Gia đình Ly cũng chỉ là một gia đình trí thức bình thường, không phải quá giàu có và Ly cũng đã phải đổ mồ hôi nước mắt để đạt được những thứ mình có tới bây giờ và còn phải cố gắng thêm nữa cho tương lai”.
Những thành viên trong gia đình có ảnh hưởng thế nào đến việc học tập của Ly?
Gia đình Ly cũng là gia đình trong ngành giáo dục, nên ba mẹ lúc nào cũng đặt chuyện học tập, rèn luyện của con gái lên hàng đầu. Ba mẹ tập trung đầu tư cho con về giáo dục chứ không đầu tư những thứ khác. Anh chị đi trước cũng là động lực cho Ly nữa, nên lúc nào Ly cũng cảm thấy mình có trách nhiệm phải cố gắng hết mình để đền đáp ba mẹ và để người thân không thất vọng về mình.
Tại sao Ly lại chọn ngành y? Và tại sao chọn Johns Hopkins?
Ngày xưa khi học cấp 3 ở trường Ly đã rất thích Sinh học rồi, sau này học thêm những môn chuyên sâu hơn về Sinh thì lại càng cảm thấy rất hay. Càng học thì lại càng thấy mình có khả năng giải thích những hiện tượng xảy ra trong chính bản thân mình, hiểu cơ thể mình nhiều hơn.
Khi làm nghiên cứu mình lại có khả năng đặt câu hỏi chưa có câu trả lời, và có thể chính mình sẽ là người đầu tiên trả lời câu hỏi đó trên thế giới. Ly rất thích sự tìm tòi học hỏi và trả lời những câu hỏi đó.
Johns Hopkins là trường đi đầu trong ngành này và có chương trình đào tạo tiến sĩ rất tốt. Ngay từ khi còn đại học, mình đã mơ ước được rèn luyện tại ngôi trường này. Mình đăng ký và được nhân lên mình chọn luôn.
Làm nghiên cứu thì mỗi ngày lại có kiến thức mới được tạo ra bởi những người cũng làm nghiên cứu giống như Ly. Hàng ngày Ly đến trường đều có thông tin mới, sự di chuyển kiến thức rất nhanh và mạnh vì đây là môi trường của những người tạo ra kiến thức. Đó là động lực khiến Ly muốn đến trường và làm việc mỗi ngày.
Một phụ nữ luôn muốn xinh đẹp và quyến rũ nhưng lại muốn trở thành một nhà nghiên cứu khoa học toàn thời gian, có mâu thuẫn không?
Không đâu, là do khả năng sắp xếp thời gian của mình thôi. Sẽ có người dành 100% thời gian của một ngày cho khoa học, cho công việc nhưng những nguời khác có thể dành ra 10% thời gian chăm sóc cho ngoại hình, sức khoẻ của mình, hoàn toàn phụ thuộc vào ưu tiên của người đó thôi chứ không hề mâu thuẫn.
Thực sự những người theo khoa học như Ly thì cũng đã phải hi sinh rất nhiều thời gian đáng lẽ dành cho việc chăm sóc bản thân rồi. Vì làm khoa học thì phải ở trên phòng thí nghiệm nghiên cứu rất nhiều, mà ở đó thì mọi người không để ý về ngoại hình nhiều đâu. Nên ngoại hình ở đó không phải là chuyên ưu tiên, và Ly cũng thế thôi. Ly không đặt giá trị vật chất bên ngoài lên đầu mà chủ yếu là trau dồi học hỏi kiến thức.
Vẻ ngoài xinh đẹp có làm Ly bị xao nhãng khi có nhiều người chú ý không?
Ly không rõ ở Việt Nam bây giờ thế nào nhưng trước đây thường trong nhận thức vẫn có những người nghĩ rằng xinh đẹp và tri thức thường không đi đôi với nhau. Nhưng định kiến đó giờ quá cũ rồi, hai điều đó không cần phải tách biệt với nhau. Tùy vào ưu tiên của mỗi người và khả năng sắp xếp thời gian của mỗi người thôi.
Chuyện xao nhãng thì cũng tùy vào mỗi người luôn, mình mà có khả năng tâp trung cao thì mình không bị xao nhãng, vậy thôi. Ly xưa giờ không ưu tiên vẻ ngoài là thứ nhất và thứ hai là không nghĩ đến chuyện người này người kia thích mình, những mối quan hệ không quan trọng thì mình không giữ.
Chương trình SARE được giới thiệu tại Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 đến với Ly ra sao?
Chương trình SARE (Summer Academic Research Experience – hướng tới đối tượng là các học sinh nghèo khó, yếu kém) được sáng lập ra bởi chính giáo sư mà Ly đang theo học. Bác ấy rất đam mê giáo dục và bác tin là tất cả các vấn đề xã hội như thất nghiệp, thất học, tệ nạn,… ở độ tuổi thanh thiếu niên đều có thể được giải quyết khi mình cải thiện được vấn đề giáo dục. Ly học ở ĐH Johns Hopkins, tại một thành phố nghèo nhất nước Mỹ, nên tỷ lệ tệ nạn rất cao. Giáo sư muốn cải thiện nền giáo dục ở thành phố này để tỷ lệ này được cải thiện trong xã hội. Chương trình này kể từ khi sáng lập đến nay đã được 10 năm rồi.
Video đang HOT
2 năm vừa rồi Ly là người hướng dẫn cho các em học sinh của chương trình này. Ly thấy được tính nhân văn của chương trình này rất cao và rất hiệu quả, ít nhất là ở trong thành phố này. Nên Ly cũng thấy rằng có thể Việt Nam cần hỗ trợ khi vẫn chưa phải là một nước tiên tiến về giáo dục.
Ly muốn đưa chương trình này về, hy vọng có thể giúp được một phần nào đó nhỏ thôi để giúp các em học sinh còn khó khăn được hướng nghiệp sớm và cải thiện kiến thức khoa học của mình ngay từ cấp 3.
Ly có nghĩ rằng chương trình này khả thi ở Việt Nam không?
Thực ra chương trình này Ly cũng đã làm một báo cáo trước khi ra mắt tại diễn đàn và tin là có khả năng thực thi ở Việt Nam rồi. Nhưng Ly đã ở Mỹ 10 năm rồi nên không biết ở Việt Nam sẽ đón nhận ý tưởng này ra sao, liệu ý tưởng này có thực tế ở Việt Nam hay không.
May mắn là khi báo cáo tại diễn đàn thì nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về tinh thần cũng như gặp được các đối tác tiềm năng trong diễn đàn thì mới thấy là: “Ồ, dự án này chắc sẽ cũng được”. Nhờ sự chia sẻ và hỗ trợ của các bạn, mình càng muốn thực thi chương trình này sớm!
Theo Ly mô hình giáo dục ở Mỹ đem về Việt Nam có thể có sự khác biệt gì?
Ly đã học THCS và một phần THPT ở Việt Nam, thì theo như Ly nhận thấy rất rõ là ở Việt Nam tính thực tế còn chưa cao. Việc đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh còn chưa được chú trọng nhiều.
Học chính quy trên trường là một phần nhưng các em nên có cơ hội hoạt động cả trong những lĩnh vực khác và trau dồi kỹ năng mềm khác như tham gia các dự án khoa học, khóa lãnh đạo,… có tính thực hành cao. Khoa học thì Ly biết là lý thuyết rất khô khan, mà không có thực hành thì không thể nhớ được, không thể vận dụng thì cũng sẽ không đọng lại được trong đầu các em bao nhiêu. Nên Ly hy vọng mô hình này sẽ giúp được một phần nào đó.
Khi làm nghiên cứu sinh, đặc biệt là ngành y thì khối lượng công việc cũng rất nhiều rồi. Làm thế nào để Ly có thể phân bổ thời gian cho dự án SARE?
Thực ra dự án này chỉ diễn ra trong mùa hè thôi, có 8 tuần. Tất nhiên trong 8 tuần đó sẽ rất bận, vừa phải chăm sóc các em học sinh vừa phải đảm bảo công việc của mình nữa. Nhưng cái này là kỹ năng sắp xếp thời gian thôi.
Những năm vừa rồi khi học tiến sĩ mình cũng đã phải có kỹ năng này rồi. Làm nghiên cứu đâu phải chỉ làm thí nghiệm không đâu, cũng phải đi network, đi các buổi diễn thuyết, hội thảo nữa, vì thế kỹ năng sắp xếp thời gian là thiết yếu. “Nhét” thêm một thứ nữa vào kế hoạch thì bản thân Ly phải cố hoàn thiện thêm. Nếu mình thực sự có nhiệt huyết và cố gắng thì sẽ làm được hết, Ly tin vậy.
Về nước tham gia Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam Toàn cầu lần thứ II, Ly có cảm nhận gì về diễn đàn này và những người tham gia cùng mình?
Khi về, Ly cũng coi đây là cơ hội để kết nối với tri thức trẻ Việt Nam ở khắp nơi. Với Ly đây là một diễn đàn rất thiết thực đấy! Các bạn mà Ly gặp được tại diễn đàn đều là những bạn rất giỏi và có tài. Các bạn đã sẵn sàng bỏ một số việc của mình qua một bên để đóng góp, kết nối. Các bạn vừa giỏi vừa có tư tưởng muốn đóng góp cho đất nước nữa, nên mình thấy rất khâm phục và cảm giác đây sẽ là những người rất hữu ích cho mình trong công việc của mình trong tương lai. Thanh niên với nhau nên ai cũng rất nhiệt huyết và thoải mái.
Mình khá tự hào tại diễn đàn vì người Việt của mình vừa giỏi vừa muốn đóng góp nữa. Những điều đó Ly không thấy được rõ trước khi tham gia diễn đàn này đâu, vì trước đó cứ nghĩ là Việt Nam mình bị “chảy máu chất xám” rất nhiều. Mình cứ nghĩ là không còn nhiều người hướng về đất nước nữa, nên đó sẽ là khó khăn cho đất nước nếu người giỏi cứ đi nhiều. Nhưng khi về diễn đàn này và thấy các bạn rất đam mê và nhiệt huyết thì mình thấy tự hào và được tiếp thêm động lực.
Cũng có người đi và chưa về hoặc thậm chí là không muốn về. Ly thì sao?
Ly vẫn đang là nghiên cứu sinh và vẫn còn ít nhất 2-3 năm để học xong bằng tiến sĩ nên cũng chưa đặt ra kế hoạch rõ ràng sau khi tốt nghiệp. Nhưng thật sự sau diễn đàn này, mình cũng đã có phần thay đổi ý kiến. Các anh chị trong ban tổ chức, các anh chị đã về Việt Nam và đã thành công rất muốn tạo ra cơ hội cho những người đi sau có thể quay về đóng góp. Các anh chị rất nhiệt huyết trong chuyện này nên mình cũng phần yên tâm là dù mình về hay ở lại thì cũng đều có thể phát huy khả năng của mình. Về Việt Nam giờ đã là một sự lựa chọn của mình, chứ không còn là thứ mình băn khoăn nữa.
Việc có cảm xúc thực sự trong việc muốn đóng góp cho đất nước đến từ bản thân Ly hay được truyền lửa bởi những người khác?
Ly rất thích làm về giáo dục. Một phần là do gia đình, ba Ly làm về giáo dục nên mình lúc nào cũng cảm thấy may mắn vì mình có cơ hội được ra nước ngoài, đúc kết tinh hoa của nước bạn. Khi mình có may mắn đó thì mình có thể chia sẻ điều đó với các bạn ở nhà, những người chưa có cơ hội như vậy. Tự nhiên mình cảm thấy mình có trách nhiệm đó thôi. Sinh ra là công dân Việt Nam, có may mắn thì có trách nhiệm.
Thứ hai, mình cũng được tạo động lực bởi rất nhiều người xung quanh mình, các giáo sư, các bạn bè nghiên cứu trong phòng lab,… Khi họ đạt được chỗ đứng nhất định và có những điều may mắn trong cuộc sống thì họ bắt đầu nghĩ tới việc đóng góp cho xã hội. Ly thấy điều đó đến với mình rất tự nhiên, khi mình đạt được một số thứ mình tự đặt ra cho bản thân thì mình sẽ bắt đầu nghĩ thêm về những người kém may mắn hơn.
Bài: Thái Trang
Thiết kế: Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ
Nghiên cứu sinh 9X tại Mỹ trăn trở đưa chương trình khơi gợi tiềm năng học sinh về Việt Nam
Chương trình giáo dục SARE đã được áp dụng trong suốt gần 10 năm vừa qua rất thành công tại thành phố Baltimore (Mỹ), một trong những thành phố nghèo với tỉ lệ thất học và tỉ lệ phạm tội cao nhất nước Mĩ.
Số liệu thống kê cho thấy các học viên của chương trình có tỉ lệ tốt nghiệp cấp 3 là 98%, đỗ đại học là 83% so với mức trung bình của thành phố là 65% và 48%.
Chị Nguyễn Thị Sao Ly
Nghiên cứu sinh tại ngôi trường hàng đầu nước Mỹ trong lĩnh vực y học
Nguyễn Thị Sao Ly sinh năm 1993, quê ở Đà Nẵng. Cô sinh ra trong một gia đình trí thức. Cha làm trong ngành giáo dục và mẹ làm kinh doanh.
Vì có cha làm trong ngành giáo dục nên gia đình Ly rất coi trọng việc học, cho dù đó là học ở ghế nhà trường hay trong cuộc sống thực tế.
Sao Ly có anh trai là Tiến sĩ Vật lí tại Anh và chị gái là Thạc sĩ Kinh tế đồng thời là founder của một số start-ups về công nghệ thông tin tại Mỹ. Năm 16 tuổi, Sao Ly đến với nước Mỹ bắt đầu hành trình du học.
Cô gái có vẻ ngoài ưa nhìn này hoàn thành bậc cử nhân với chuyên ngành Sinh học, và Thạc sĩ Y Tiến hoá tại trường Đại học California, Los Angeles (UCLA) với thành tích nằm trong top 5% của trường, được nhận Giải thưởng Sinh viên xuất sắc (Excellence Award) đồng thời nhận được bằng cử nhân danh dự Honors cho chuyên ngành của mình.
Ở lĩnh vực y học, Sao Ly đam mê nghiên cứu về sinh học phân tử và tế bào. Trong thời gian học cử nhân tại UCLA, cô tham gia nghiên cứu về đề tài tìm ra thuốc có khả năng thuyên giảm những bệnh liên quan đến rối loạn hình thành mạch máu, trong đó có bệnh mù, ung thư và di căn. Chị đã thuyết trình nghiên cứu của mình tại hội thảo GTCBio Drug Discovery năm 2015.
Năm 2017, Sao Ly nhận được thư mời phỏng vấn và nhập học chương trình Tiến sĩ tại 8 trường tại Mỹ và cô quyết định chọn Đại học Johns Hopkins để làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ.
Trong quá trình 2 năm vừa qua tại Hopkins, Sao Ly tập trung nghiên cứu về bộ máy cơ học của tế bào và sự liên quan đến ung thư tuỵ.
Cô đang trong quá trình hoàn thành bài báo khoa học về Phân chia tế bào cho Tạp chí Frontiers in Cell and Developmental Biology sẽ được xuất bản vào năm sau.
"Việc chọn đề tài nghiên cứu cũng một phần duyên, tôi có cơ hội được tham gia vào các lab khác nhau tại Johns Hopkins và đây là lĩnh vực làm tôi phấn khích nhất.
Lĩnh vực nghiên cứu về bộ máy cơ học của tế bào có khả năng áp dụng rất rộng. Rất nhiều các hoạt động, di chuyển của tế bào đểu qua sự điều khiển của bộ máy cơ học.
Điều này có nghĩa rất nhiều bệnh và hội chứng liên quan đến sự sai sót và hư tổn của bộ máy này", Sao Ly tâm sự.
Mong muốn tạo cú hích trong giáo dục học sinh yếu kém và đào tạo khoa học tại Việt Nam nhờ SARE
Bên cạnh công việc nghiên cứu y học, Sao Ly cũng dành nhiều tâm huyết cho giáo dục, đặc biệt là chương trình SARE (Summer Academic Research Experience) hướng tới đối tượng học sinh yếu kém.
Cô là người hướng dẫn và tư vấn cho chương trình này với đối tượng hoạt động hiện tại là các em học sinh cấp 3 ở thành phố Baltimore, Mỹ.
Mới đây, Sao Ly về nước tham gia chương trình Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với mong muốn được giới thiệu mô hình SARE đến các chương trình trung học tại Việt Nam.
Hiện tại, chương trình SARE đang được áp dụng với các em học sinh cấp 3 có gia đình thuộc diện khó khăn, thu nhập thấp tại Baltimore nhằm tạo điệu kiện cho các em tham gia một môi trường hỗ trợ học tập chất lượng cao đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức và nhà hảo tâm mong muốn cải thiện tình hình giáo dục của thành phố.
Từ nguồn kinh phí tài trợ, SARE lên kế hoạch tổ chức chương trình và chọn ra các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, thiếu động lực học, và các em chưa có định hướng sự nghiệp rõ ràng để tham gia học tập và thực hành các môn khoa học được dạy bởi những nghiên cứu sinh ưu tú nhất tại Johns Hopkins và trực tiếp làm nghiên cứu tại các phòng lab cùng với các nhà khoa học.
Tâm huyết với chương trình giáo dục kích phát tiềm năng của học sinh này, Sao Ly chia sẻ: "Tôi nhận thấy SARE là một mô hình phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là giáo dục trước đại học.
Tuy các chương trình giáo dục các cấp tại Việt Nam hiện tại đã cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn thiếu tính thực tiễn và ứng dụng trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo về STEM (các môn khoa học và công nghệ).
Vì thiếu cơ hội được cọ xát và thực hành, các bạn trẻ khó có thể say mê các môn khoa học công nghệ vốn dĩ rất khô khan trên lý thuyết. Tôi tin nếu được áp dụng, chương trình sẽ mang lại mộ cú hích nhỏ trong công tác giáo dục với học sinh yếu kém và đào tạo khoa học tại Việt Nam.
Ngoài ra SARE còn có thể kết hợp với các tổ chức, các nhà mạnh thường quân và các quỹ khuyến học tại Việt Nam để tạo ra một chương trình giáo dục có định hướng và có chọn lọc cho các học sinh - sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt".
Theo cô gái 9X này, chương trình SARE kết hợp với các quỹ khuyến học chủ yếu nhắm đến các em học sinh có gia cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các em được học tập trong môi trường chất lượng cao, được tham gia thực nghiệm trực tiếp tại lab với những nghiên cứu sinh và nhà khoa học, và thậm chí được trả lương cho những hỗ trợ của các em cho công trình nghiên cứu.
Chương trình này đã được áp dụng trong suốt gần 10 năm vừa qua rất thành công tại thành phố Baltimore (Mỹ), một trong những thành phố nghèo với tỉ lệ thất học và tỉ lệ phạm tội cao nhất nước Mĩ.
Số liệu thống kê cho thấy các học viên của chương trình có tỉ lệ tốt nghiệp cấp 3 là 98%, đỗ đại học là 83% so với mức trung bình của thành phố là 65% và 48%.
"Ưu điểm lớn nhất của SARE là khả năng tạo được sự say mê học tập và nghiên cứu khoa học cho các học viên, tạo điều kiện cho học viên tiếp xúc sớm và đánh giá được sự phù hợp của bản thân với môi trường nghiên cứu thực tế sau này.
Điều này không những giúp cải thiện rõ rệt động lực học cho các em mà còn giúp các em định hướng cho bậc đại học từ những năm cấp 2,3", Ly nói.
Nghiên cứu sinh Việt tại Mỹ cho rằng: "Môi trường giáo dục hiện tại của Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng được SARE, tất nhiên với những tinh chỉnh trong chính sách, đối tượng và hình thức tham gia của các trường đại học để phù hợp hơn.
SARE có thể trở thành cầu nối quan trọng kết nối nhà tài trợ (các quỹ khuyến học, các tổ chức và nhà hảo tâm) với các tổ chức giáo dục (các đại học lớn tại Việt Nam) và các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt (có gia cảnh khó khăn, có thành tích xuất sắc, có đam mê lớn về khoa học...).
Người Việt Nam mình rất ham học và coi trọng giáo dục, một mô hình khuyến học như SARE chắc chắn sẽ được ủng hộ để đóng góp cho nền giáo dục nước nhà".
Để ứng dụng thành công mô hình SARE, Ly hiểu rằng cần có được sự đồng thuận từ các nhà trường để cùng hợp tác tổ chức các chương trình thực nghiệm hè cho các học sinh.
Chương trình cũng cần chứng minh tính hiệu quả của mình trong mục đích khuyến học tại môi trường giáo dục Việt Nam để có thể nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức và cá nhân cũng như từ chính sách giáo dục của nhà nước.
Ngoài ra, định hướng cụ thể và rõ ràng để phát triển đào tạo khoa học kĩ thuật trong nước từ các cơ quan bộ ngành sẽ tăng khả năng ứng dụng thành công của SARE.
Về khía cạnh cá nhân, Sao Ly quan tâm nhiều tới vấn đề giáo dục bởi chị cho rằng chị may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục, được giáo dục và phát triển toàn diện khi xung quanh vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh đáng tiếc, đặc biệt là những em học sinh ham học, có tố chất nhưng không có cơ hội.
Vì thế, khi có cơ hội được tham gia SARE và nhận thấy sự phù hợp của chương trình, chị muốn mang về nước những ý tưởng hay mà chị học được từ nước bạn.
Mai Châm
Theo dantri
Chồng già mang đống nợ về nhà chỉ vì trót say tình nhân viên trẻ Không lẽ đã vào cái tuổi xế chiều này mà vợ chồng tôi còn dắt nhau ra tòa li hôn? Thấy chồng hoan hỉ, mãn nguyện tiếp đón người thân, bạn bè đồng nghiệp đến chúc mừng nhân dịp anh được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc công ty sản xuất đồ bảo hộ lao động mà tôi thương anh. Để đến...