Cô gái có chiếc lưỡi khổng lồ ‘oằn mình’ mưu sinh
Chiếc lưỡi đó còn tiếp tục lớn nhanh hơn cả sự phát triển cơ thể của cô bé 14 tuổi và đã làm biến dạng khuôn mặt, đồng thời gây cho em khó khăn trong sinh hoạt.
Gia đình Thảo cũng bất lực không thể chạy chữa cho em vì nghèo khó
Kỳ lạ cô bé có chiếc lưỡi khổng lồ
Cô bé có chiếc lưỡi kỳ lạ đó là Dương Thị Thảo ở xóm Xuất Tác, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Cả khuôn mặt em chỉ hiện lên chiếc lưỡi khổng lồ, đỏ và đang rỉ máu. Chiếc lưỡi to, phồng rộp che hết phần còn lại của khuôn mặt em. Hai bên má dưới thì phình ra làm biến dạng khuôn mặt xinh xắn.
Dương Thị Thảo sinh năm 1998 trong một gia đình có ba anh chị em. Bố mẹ Thảo chỉ có một công việc duy nhất đó là làm nương rẫy thuê để lo toan cho cuộc sống của gia đình. Ở mảnh đất này, mọi người đều gọi Thảo là Thảo lưỡi to.
Được biết, trong gia đình nhà Thảo đều không ai có tiền sử bệnh tật di truyền, cũng không có ai bị mắc bệnh lạ. Hai anh chị lớn của Thảo cũng đều khỏe mạnh bình thường không có bất kì khác thường nào. Cô Đỗ Thị Thơn, mẹ cô bé cho biết: “Khi mang thai nó (Thảo), tôi không có bệnh tật gì, cũng không thấy có gì khác lạ so với hai lần mang thai trước. Ngay cả đến khi sinh ra, nó vẫn bình thường như các anh chị. Nhưng càng lớn, Thảo càng có biểu hiện lạ như khó ăn, hay khóc và gầy. Đến khi tròn một tuổi thì biểu hiện bệnh lạ mới rõ rệt. Hai bên má dưới của Thảo chảy sệ, lưỡi thì phát triển nhanh một cách bất thường. Từ đó, người lớn một thì chiếc lưỡi lớn gấp hai bình thường. Tội lắm cô à”.
Hiện nay sau 14 năm, chiếc lưỡi của Dương Thị Thảo đã quá lớn làm mọi người nhất là những người gặp em lần đầu đều không khỏi kinh sợ. Chiếc lưỡi không giống với những chiếc lưỡi bình thường khác, nó không chỉ to khác thường mà còn chảy nước và máu. Nhìn khuôn mặt của em chỉ thấy toàn lưỡi. Chiếc lưỡi to làm Thảo không thể ngậm miệng lại như mọi người. “Nó to đến mức em phát sợ. Em luôn có cảm giác như có một miếng thịt to em không nuốt đi được. Dù có cố gắng đến đâu nó vẫn thò hẳn ra ngoài”, Thảo tâm sự.
Thậm chí, chiếc lưỡi khổng lồ đó còn nứt toác như da bình thường mỗi khi thay đổi thời tiết. Nhìn em không ai nghĩ em có thể nói và ăn được cơm bình thường bởi chiếc lưỡi to phủ cả môi chảy xuống phía cằm. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường cô bé lưỡi to vẫn có thể ăn uống được bình thường như mọi người trong gia đình tuy có gặp nhiều khó khăn. Tìm hiểu kỹ hơn căn nguyên về chiếc lưỡi khổng lồ, bố mẹ Thảo cho biết: “Hồi cháu một tuổi, gia đình có đưa Thảo xuống bệnh viện nhi Thụy Điển khám thì mới biết là cháu bị bệnh u cổ cằm. Nhưng sau khi đã cắt khối u thì chiếc lưỡi vẫn cứ lớn theo cơ thể, có khi nó còn lớn nhanh hơn cả cơ thể. Biết là cháu đau lắm với chiếc lưỡi to quá khổ đó, nhưng gia đình chúng tôi đành bất lực vì kinh tế quá nghèo không thể đưa cháu đi chữa được nữa”.
Video đang HOT
14 năm chiến đấu với chiếc lưỡi khổng lồ
Mang trên mình căn bệnh u cổ cằm quái ác, lại thêm một chiếc lưỡi khổng lồ, nhưng hàng ngày, Dương Thị Thảo vẫn cố gắng để được đến lớp đi học như bao bạn bè bình thường khác. “Em biết em có bệnh không được bình thường như các bạn nhưng em vẫn cố gắng đến trường. Ngày trước, các bạn bảo lưỡi em to bẩn nên không ai chơi với em. Những lúc như thế em buồn lắm. Nhưng giờ thì mọi người không còn xa lánh em và cái lưỡi dài của em nữa. Có thể, mọi người hiểu đây là bệnh không lây”, Dương Thị Thảo tâm sự.
Tuổi thơ của Dương Thị Thảo là những tháng ngày “oằn mình” cùng gánh nặng từ chiếc lưỡi to kỳ lạ
“Sinh hoạt ăn uống của em ngày thường đã có khó khăn nhưng những ngày rét này thì khổ lắm chị ạ. Lưỡi ngày thường của em đã to lắm rồi nhưng mùa đông thì sưng to hơn nữa nhất là nếu ăn đồ tanh thì nó còn to và chảy máu nhiều. Chưa hết, nó luôn luôn sưng đỏ và rỉ máu, đau đến mức không nói được. Còn sinh hoạt vệ sinh răng miệng của em cũng không được như mọi người. Những ngày đông này, em không thể đánh răng bởi chiếc lưỡi sưng to chảy máu không thể đưa bàn chải đánh răng vào được. Những ngày thường thì hầu như cũng ít đánh răng bởi đau, em chỉ súc miệng bằng nước muối thôi. Mùa đông năm nay, em sợ lắm. Thời tiết càng lạnh thì lưỡi em càng sưng to và đau. Nhà em lại nghèo nên cũng không được đi chữa bệnh. Em chỉ mong sao em khỏi bệnh để có được một chiếc lưỡi bình thường như của mọi người thôi”, Thảo tâm sự.
Được biết ngày bé, em chỉ ăn được cháo loãng bởi gia đình sợ đút cơm cho thì em sẽ đau. Nhưng gia đình nghèo bố mẹ đi làm thuê cả ngày không có thời gian nấu cháo cho Thảo nên Thảo phải tập ăn cơm cùng mọi người trong gia đình. Giờ đây, Thảo đã có thể tự ăn uống được như người bình thường. Tuy nhiên, em chỉ có thể ăn các đồ ăn mềm mà thôi. Do chiếc lưỡi to quá khổ nên thức ăn cũng phải được xé nhỏ để dễ cho việc ăn. Đối với thức ăn cứng hay có xương thì hầu như cô bé không thể ăn được. Ngoài việc khó khăn trong ăn uống còn tất cả mọi sinh hoạt của em đều như người bình thường. Hàng ngày sau giờ học, em có thể giúp gia đình các công việc, tuy nhiên đó cũng chỉ là những công việc nhẹ mà thôi.
Khi mới biết Thảo có chiếc lưỡi to khác thường, mọi người đều tò mò đến xem. Sau khi tận mắt nhìn thấy chiếc lưỡi khổng lồ của Thảo, nhiều người tỏ ra ái ngại và dần dần xa lánh. Họ sợ trước tiên bởi nỗi ám ảnh lây bệnh và sau đó là vì cho rằng lưỡi to bẩn. Thậm chí, nhiều bạn bè cùng học với Thảo còn tỏ ra miệt thị và xa lánh cô. “Những ngày bị người dân và bạn bè xa lánh là những ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời em. Có nhiều lúc, em chỉ muốn nghỉ học thôi. Đến lớp toàn lủi thủi một mình. Cũng may, giờ mọi người đã đối xử khác với em. Đi học, nhưng em cũng hay phải nghỉ học vì lưỡi sưng đau. Nhưng em vẫn cố gắng học, nhiều năm liền em là học sinh tiên tiến”, Thảo vui mừng kể cho tôi nghe.
Cô Thơn cho biết: “ Mới đầu thấy mọi người xa lánh, gia đình chúng tôi buồn lắm. Cháu nó bất hạnh đã chịu bệnh tật lại bị mọi người miệt thị nữa thì thật là tủi. Biết mọi người lảng tránh cháu nên mỗi khi có công việc gì ăn uống chung, tôi đều không cho cháu tham gia cùng. Nghĩ mà tội. Cũng may bây giờ, mọi người hiểu đó là bệnh chứ không phải bị ma tà hay bệnh lây nhiễm được nên cũng đỡ. Gia đình tôi chỉ cố gắng dành dụm ít tiền đưa cháu đi chữa. Chứ cứ để lưỡi phát triển to như thế này không biết có ai dám lấy cháu không, rồi tương lai của cháu sẽ như thế nào khi chúng tôi mất đi”.
Hiện nay, gia đình em Dương Thị Thảo kinh tế rất khó khăn, toàn bộ ruộng nương đều đã bán hết cách đây 14 năm để đi chữa bệnh cho em. Cũng từ đó cho đến giờ, em chưa một lần được đi chữa trị ở đâu mặc dù bác sĩ đã dặn mỗi năm phải đi viện khám một lần.
Nói về chiếc lưỡi khổng lồ của mình, Dương Thị Thảo đã không còn lảng tránh như trước nữa mỗi khi có người đến nhà chơi. Với Thảo, chiếc lưỡi khổng lồ đó như một số phận an bài cho em. Thảo chỉ buồn vì số phận của em lại không được may mắn như các bạn khác. Mặc dù chiếc lưỡi khổng lồ đó đã gây cho em không biết bao nhiêu đau đớn nhưng em và gia đình chưa một lần nghĩ đến việc bỏ chiếc lưỡi khổng lồ đó. “Biết chiếc lưỡi to như vậy gây rất nhiều khó khăn cho cháu nhưng gia đình tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nó đi. Bởi nếu bỏ đồng nghĩa với việc lấy đi tiếng nói của cháu mà cũng chả biết có tốt cho cháu hơn không, tương lai của cháu có thay đổi không. Thôi coi như đây là số phận bất hạnh của cháu và gia đình”, mẹ Thảo cho biết.
Theo xahoi
Cô bé 14 năm mang chiếc lưỡi khổng lồ
Bị các bạn trêu và xa lánh vì 'lưỡi to và bẩn', Dương Thị Thảo ở xã Phương Giao (Võ Nhai, Thái Nguyên) chỉ thui thủi một mình. 14 năm qua, cô bé dân tộc Mông sống cùng căn bệnh u cổ cằm với chiếc lưỡi quá khổ trồi ra ngoài.
14 năm qua, cô bé Thảo (ngoài cùng bên phải) đã quen với chiếc lưỡi khổng lồ này. Ảnh:Giang Phương.
Chiếc lưỡi to và dài khiến Dương Thị Thảo chưa bao giờ có thể khép môi lại. Những ngày se lạnh, xung quanh lưỡi của Thảo, những vệt máu tươi rỉ ra trên nền máu khô đông lại. Thấy những ánh mắt ái ngại nhìn mình, cô bé lắc đầu quầy quậy: "Không sao đâu, em quen rồi".
Sinh năm 1998, lúc chào đời, Thảo mắc bệnh u cổ cằm. Căn bệnh khiến lưỡi em to phồng lên và trồi ra ngoài. Chị Đỗ Thị Thơn, mẹ Thảo, cho biết gia đình không ai có tiền sử mắc bệnh lạ. Hai đứa con đầu lòng của anh chị đều lành lặn. Sinh Thảo, chị Thơn khóc hết nước mắt khi nhìn thấy đứa con có tật. Ngày ấy, nghe tin bé Thảo có lưỡi to, bà con dân làng tới xem rất đông.
Người mẹ dân tộc Mông chỉ nhớ mang máng là con mình mắc bệnh "u cổ cằm" bởi đã lâu lắm rồi chị không đưa Thảo đi khám. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối Thảo được tới viện làm phẫu thuật là năm 1999 khi em mới một tuổi. Kinh tế dựa cả vào nương ngô, nương lúa, nhà lại đông con nên vợ chồng chị Thơn không có điều kiện đưa con tới viện.
Tài sản lớn nhất trong nhà là "con trâu bụng to" và vài sào ruộng. Thương con, anh Dương Văn Thật, bố Thảo, bàn với vợ bán sạch rồi vay mượn để đưa Thảo xuống Hà Nội mổ.
Sau hơn một tháng ở Bệnh viện Nhi Thụy Điển, số tiền anh Thật mang đi chỉ đủ cắt u ở vùng cổ và dưới cằm cho con gái. Hết tiền, vợ chồng anh đành đưa con về, nuốt nước mắt nhìn Thảo lớn lên với chiếc lưỡi quá khổ. Trâu và ruộng không còn, cuộc sống gia đình càng thêm vất vả, gánh nặng chất đầy trên vai đôi vợ chồng trẻ. Nợ nần chồng chất, anh chị đi làm thuê để trả nợ và kiếm miếng ăn cho cả gia đình.
Chi Thơn nhớ rõ lời bác sĩ dặn rằng sau này phải đưa Thảo đến để xử lý khối u tiếp nhưng đến giờ dường như đó chỉ là giấc mơ xa vời. Từ đó, Thảo lớn lên hồn nhiên với chiếc lưỡi "khác người". Cô bé có dáng người nhỏ nhắn, ánh mắt trong trẻo biết nấu nướng, giặt giũ và làm đồng giúp ba mẹ từ những năm còn học tiểu học. Khách đến chơi, em nhanh nhẹn pha trà, tiếp chuyện như người lớn.
Không đường, không điện, Phương Giao là xã nghèo của huyện Võ Nhai. Ảnh:Giang Phương.
Chăm ngoan là vậy nhưng Thảo lại hay bị bạn bè hắt hủi. Thảo kể bằng đôi mắt đỏ hoe: "Các bạn bảo em ở bẩn, không bao giờ đánh răng, lưỡi lúc nào cũng thò ra ngoài. Em đâu có muốn vậy. Mỗi lần bị trêu em thấy tủi thân và tìm vào góc khuất ngồi khóc, không dám nói với bố mẹ".
Cô bé luôn thui thủi một mình và chỉ chơi với những con vật trong nhà. Ngày còn nhỏ, em giận các bạn rất nhiều vì họ chế giễu mình. Lớn lên, ý thức được bệnh tình, em không giận ai nữa mà lắm khi tự trách mình trở thành gánh nặng cho bố mẹ.
14 năm, chiếc lưỡi ngày càng to ra, nứt rộng khiến em thường xuyên phải mang theo khăn tay để thấm máu. Mùa đông hanh khô, khi những vết máu se mặt thì chứng đau đầu đau cổ lại hành hạ Thảo. Lúc nào răng cũng cắn vào lưỡi, mỗi lần ăn uống, nuốt nước bọt hay thậm chí đến cả hít thở cũng trở nên vô cùng khó khăn đối với Thảo.
Học hết lớp 9 ở trường Tiểu học và THCS Xuất Tác, Thảo ước được tiếp tục học cấp 3 chứ không phải nghỉ học đi làm sớm như chị gái. Điều tưởng chừng như đơn giản này lại quá khó khăn đối với vợ chồng chị Thơn bởi nhà không có tiền. Xã Phương Giao, vùng có đông người dân tộc Mông, Dao sinh sống này lại không có trường cấp 3. Muốn đi học, con em người dân tộc ở đây phải vượt hàng chục km đường hiểm trở, lầy lội bùn đất mỗi khi trời mưa để xuống núi.
Ông Dương Văn Kiều (Chủ tịch UBND xã Phương Giao) cho biết, gia đình anh Dương Văn Thật có hoàn cảnh đặc biệt nên nhà trường và địa phương thường xuyên động viên, thăm hỏi em Dương Thị Thảo những dịp đầu hay cuối năm.
"Để chữa trị cho Thảo, gia đình cháu cần số tiền lớn. Phương Giao là xã nghèo của huyện, tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. 4 xóm ở khu vực này vẫn chưa có điện, không sóng điện thoại và giao thông đi lại khó khăn. Hơn nữa, điều kiện kinh tế khó khăn nên xã chưa thể giúp đỡ gì hơn", ông Kiều chia sẻ.
Theo VNE
Bà con vùng lũ "eo sèo" vì nước lớn không về Gần đến đỉnh mùa nước nổi, nước ở các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang, Đồng Tháp,... vẫn chưa về. Nhiều nông dân lo ngại vụ mùa đông xuân tới sẽ thất thu, dịch bệnh sẽ nhiều,... Những hộ sống bằng nghề cung cấp câu lưới cũng thất thu đáng kể. Nghề câu, lưới thất thu Nhiều người dân sống ở vùng "rốn...