Cô gái chuyển giới và mối tình kỳ lạ với ‘trai thẳng’
một người chuyển giới từ nam sang nữ. Anh – một “trai thẳng” đã từng lập gia đình nhưng không hạnh phúc nên chia tay.
Cát Thy đang rất hạnh phúc với cuộc sống hôn nhân khi lấy được người chồng tốt dù rằng cuộc hôn nhân này chưa được xã hội nhìn nhận.
Số phận run rủi để hai con người đó gặp nhau và trúng “ sét ái tình”. Cả hai đã phải vượt qua rất nhiều mặc cảm, từ những định kiến xã hội cho tới sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình để có thể chung sống với nhau. 5 năm, quãng thời gian chưa thật dài nhưng cũng không phải quá ngắn cho một cuộc hôn nhân ly kỳ như vậy.
Thương nhau từ cái nhìn đầu
Cát Thy năm nay 23 tuổi, hiện đang sống ở TP.HCM, đây không phải là tên khai sinh mà là tên mới do cô tự đổi sau khi chuyển giới. Ngày mới chào đời, Cát Thy là một bé trai được cả gia đình yêu thương và kỳ vọng. Thế nhưng khi bắt đầu nhận thức được bản thân, cơ thể và tâm hồn mình, cậu bé ấy đã nhận ra nhiều điều khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa. Đằng sau tấm thân đàn ông là một tâm hồn hoàn toàn nữ tính. Cát Thy thích mặc quần áo con gái, thích để tóc dài và điều này khiến bố mẹ “cậu bé” lo lắng, tìm mọi cách ép buộc để Thy trở thành một người “đàn ông đích thực” như gia đình mong muốn. Nhưng rồi mọi nỗ lực ấy đều bất thành bởi khát khao được sống với giới tính thật, được trở thành một cô gái của Thy quá lớn.
Theo những lời mách nước của cộng đồng người có giới tính giống như mình, Thy bắt đầu tìm đến các loại hoóc môn nữ để dần thay đổi cơ thể. Cô trải qua nhiều mối tình nhưng thật buồn khi đó chỉ là những mối tình hời hợt, chẳng tình yêu nào kéo dài quá vài tháng. “Em quen ai thì cũng có cảm giác sau 1 tháng là họ sẽ tìm cách tự động xa lánh mình. Em thường thử họ bằng cách bảo là: “Anh dẫn em về nhà anh để giới thiệu với mọi người trong gia đình đi”. Biết bao nhiêu lần nói câu đó là bấy nhiêu lần em thất vọng, họ thường gạt phăng ý định đó của em đi bằng những câu chống chế quyết liệt: “Về lúc này không đúng thời điểm đâu. Toàn rắc rối”. Nghe vậy thôi là đủ biết họ không thật lòng với mình và em biết đường tự chủ động rút lui”, Cát Thy kể.
Việc học dang dở, lại mang thân phận của người chuyển giới, Cát Thy không thể kiếm được một công ăn việc làm ổn định và có thu nhập đều đặn, cô phải đi bán lô tô và biểu diễn cho các show nhạc đám ma, hội chợ, diễn xiếc. Trong một lần biểu diễn tại hội chợ lô tô, Cát Thy đã gặp anh, người “chồng” hiện tại của cô bây giờ. Kể về giây phút ấy, cô nói: “Ngay từ khi nhìn thấy nhau, chúng em đã biết mình sinh ra là để dành cho nhau. Anh hơn Thy 3 tuổi là người đã từng có một đời vợ nhưng đối với em điều đó đâu có gì quan trọng. Ai cũng có quá khứ, bản thân quá khứ của em cũng đâu có tốt lành gì. Chúng em sống để hướng về tương lai chứ không chà đạp lên quá khứ của nhau để sống”.
Năm 18 tuổi Thy và người đàn ông ấy về sống chung một nhà, cô thành “gái có chồng” nhưng theo cái cách mà cả gia đình cũng như xã hội không một ai nhìn nhận. Cô đau xót nhớ lại: “Chúng em tự kết hôn rồi về góp gạo thổi cơm chung thôi chứ không có cưới xin gì hết. Nhà nước đâu có chấp nhận hôn nhân đồng giới nên dù có đám cưới to cỡ nào thì cũng chả ích gì”.
Sống với nhau được 1 tháng thì chồng của Thy muốn đưa Thy về gia mắt gia đình anh. Trước đây, Thy thường là người chủ động gợi ý việc về ra mắt này, giờ lần đầu tiên được một người đàn ông chủ động nói ra câu ấy, Thy bất ngờ đến mức cứ bật khóc nức nở, không nói nên lời. Biết rằng đây là một người tốt, có thể chung sống với mình đến hết cả cuộc đời song vượt qua được cảm xúc, Thy vẫn muốn thử thách anh. Thy tâm sự: “Em nhớ lại câu mà những người đàn ông trước đây từng nói với em để đối đáp lại với anh: “Em nghĩ giờ chưa phải thời điểm đâu”. Lúc ấy thú thực là em cảm thấy có lỗi lắm song vẫn quyết nói vậy”.
Video đang HOT
Sau lần đó, anh vẫn tìm mọi cách để năn nỉ, thuyết phục Thy về nhà mình. Cảm động trước tấm chân tình của anh nhưng cũng sợ gia đình anh khó chấp nhận chuyện anh đang chung sống với một cô gái chuyển giới nên Thy nói với anh về trước để ướm thử ý gia đình: “Anh cứ về nói với gia đình anh trước đi”. Nào ngờ sau câu nói ấy của Thy, anh về quê thật và công khai nói với cả gia đình chuyện yêu Thy. Mọi người chưa hiểu sự tình câu chuyện ra sao nên bố anh dặn: “Thôi thì mày cứ dẫn nó về đây xem thế nào”.
Rồi Thy theo anh về quê. “Lần đầu tiên gặp mặt, nhìn bề ngoài của em, cả nhà anh không ai tin em chuyển giới. Đến khi bố anh hỏi, em trả lời thì ông mới giật mình hỏi tại sao thân hình con gái mà giọng lại nam tính. Gia đình anh ở miền Tây, người dân ở đây rất kỳ thị chuyện giới tính. Ngặt nỗi nữa là gia đình anh rất “căn bản”, bà nội anh là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bố là người từng hoạt động cách mạng mới về hưu, anh trai hiện đang làm công an ở tỉnh. Không ai đồng ý chấp nhận một cô dâu chuyển giới như em nên đồng loạt phản đối gay gắt. Em không còn nhớ mình và anh đã bao nhiêu lần khóc lóc, chịu biết bao đau thương, tủi nhục để năn nỉ, thuyết phục hết lời nhằm giúp mọi người trong nhà hiểu và chấp nhận”.
“Kiên trì suốt một thời gian dài, gia đình anh cũng đành chấp nhận nhưng em hiểu đó chỉ là sự chấp nhận mang tính “mặc kệ” chứ không hẳn là đồng ý. Họ không thể làm khác được nên mới để em và anh ấy chung sống thôi chứ họ không yêu thương và coi em như dâu con trong nhà đâu”, Thy kể.
Sống với nhau bằng tình cảm, tấm lòng
Hiện Thy và chồng đang sống trong căn nhà của bố mẹ Thy nên được miễn phí tiền nhà, 2 vợ chồng chỉ lo kiếm tiền ăn uống, nhu cầu chi tiêu cá nhân và đỡ đần cho bố mẹ chút ít tiền điện. Chồng của Thy đang làm công nhân cho một công ty giày da còn Thy thì vẫn nhận các show hát hò thâu đêm (thường từ tối đến 6h sáng hôm sau mới về nhà) để kiếm tiền. Vào những ngày cuối tuần, chồng Thy thường chở Thy đi diễn. Lúc đầu có chồng đi cùng Thy cũng thấy vui nhưng rồi cô sớm nhận ra việc hát hò này rất nhạy cảm, thường xuyên bị khách đụng chạm, chồng cô lại là người hay ghen nên cho đi cùng thì ngoài việc cô diễn mất tự nhiên thì chồng cô còn có nguy cơ gây gổ cãi vã với các vị khách say xỉn có hành vi khiếm nhã với vợ.
Thy chia sẻ: “Đôi lúc có những vị khách say cứ nhào lên kéo em xuống rồi sờ ngực, chồng em mà nhìn thấy cảnh đó là ức lắm. Về đến nhà là anh kiếm cớ này nọ để mắng em rồi còn bảo em không cần đi hát nữa”. Thương vợ vất vả, chồng Thy đã nhiều lần thủ thỉ khuyên Thy nên ở nhà, một mình anh kiếm tiền là đủ, dù ít dù nhiều, 2 vợ chồng cố gắng chắt chiu tiết kiệm chi tiêu là cũng sống tạm. Thế nhưng Thy tính toán rất kỹ, mỗi tuần Thy đều phải tốn chừng 200.000 đồng tiền tiêm hoóc môn nữ và mua các loại vitamin, kem dưỡng da (tiêm hooc môn sẽ khiến da bị khô, người chuyển giới thường hạn chế tác động này bằng cách mua kem dưỡng da có bổ sung vitamin E, C để bôi hoặc uống trực tiếp vitamin – PV). Đó là còn chưa kể đến tiền mua son, phấn trang điểm. Chỉ mới tính riêng nhu cầu làm đẹp bản thân của riêng Thy đã hết chừng 300 – 400.000 đồng/tuần, mà như vậy thì chỉ mỗi lương của chồng Thy thì nhất định là “chết đói”. Vì vậy Thy lại phấn son trang điểm để đêm đêm hát hò, kiếm được đồng nào hay đồng ấy.
Thy bảo rằng với những người chuyển giới như cô, tìm được một người thực sự yêu thương để đồng hành tới cuối cuộc đời là một niềm hạnh phúc lớn lao và rất đáng trân trọng. Hơn nữa, chồng của Thy đâu chỉ đơn giản là một người đồng hành tốt bụng mà anh còn đem đến cho cô tất cả những hạnh phúc ngọt ngào nhất. “Vì biết anh thương em nên đôi lúc em cũng ghê gớm lắm. Đồ đi diễn của em toàn bộ là do anh giặt hết nhưng nếu anh giặt không sạch là còn bị em la mắng liền. Dạo em lên tàu ra Hà Nội, cũng chính anh là người đã lau giày giúp em. Rồi ngày nào anh cũng điện thoại ra hỏi thăm em đang làm gì, nếu mà đi ăn, anh nghe thấy láo pháo có tiếng đàn ông xung quanh là kiểu gì cũng gặng hỏi xem có đi cùng đàn ông không”, Thy cười kể lại.
Cũng theo Thy, vì là người miền Tây thật thà chất phác nên chồng Thy không thuộc túyp lãng mạn, ngay cả những ngày 8/3 hay 20/10 cũng không quan tâm và thậm chí chẳng biết đó là ngày gì. Thế nhưng chính sự yêu thương chân thật, săn sóc Thy từng chút một và sự đặc biệt chung thủy đã khiến Thy cảm động vô cùng, thậm chí cô còn sợ mất anh.
Thy bảo: “Bản thân em không thể sinh con được, em rất sợ vì điều đó mà anh ấy bỏ em. Em cũng từng nói với anh ấy vậy, có lẽ sợ em lo nghĩ, tổn thương nên anh nói rằng giờ có 2 miệng ăn còn lo chưa nổi thì lấy đâu tiền mà nghĩ thêm chuyện con cái. Anh còn bảo một câu khiến em đến giờ vẫn cảm động: “Chuyện con cái không thể là lý do khiến vợ chồng mình chia tay. Sống với nhau là vì tình cảm, tấm lòng chứ không chỉ riêng chuyện con cái”. Hiện cuộc sống của hai vợ chồng Thy đang ở mức trung bình. Cả hai mong muốn khi có tiền thì sẽ tổ chức một đám cưới nho nhỏ, dẫu rằng không được pháp luật công nhận thì cũng công bố cho mọi người biết mình đã kết hôn.
Chia sẻ chuyện tình cảm này lên báo, Thy chỉ mong những người chuyển giới giống như Thy sẽ có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống bởi tất cả mọi người, ngay cả người chuyển giới đều có quyền được yêu, được hạnh phúc và ở phía trước, tình yêu vẫn luôn đợi họ.
Theo Xahoi
Bỏ cấm kết hôn đồng giới để chống kỳ thị
Ngoài việc bỏ "cấm kết hôn đồng giới", Luật sẽ có những biện pháp để chống kỳ thị đối với người đồng tính.
Nhiều cặp đôi đồng giới mong muốn được công nhận "vợ-chồng"
Bộ Tư pháp vừa trình chính phủ xin ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình. Một trong những nội dung gây chú ý trong Dự án Luật HN&GĐ (sửa đổi) được Bộ Tư pháp đề xuất là bãi bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người cúng giới tính.
Thay đổi thái độ
Tuy nhiên, nội dung dự thảo nêu rõ "Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn." Theo Bộ Tư pháp trong Luật HN&GĐ sửa đổi, Nhà nước vẫn không thừa nhận việc kết hôn giữ những người cùng giới tính.
Mặt khác, Ban soạn thảo đã bổ sung thêm quy định việc giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng cùng giới tính. Dự thảo Luật cũng quy định được áp dụng các quy định về giải quyết hậu quả của nam, nữ sống chung như vợ chồng.
Tại cuộc Họp báo công tác tư pháp quý II/2013, vấn đề được nêu ra là, "cấm" và "không thừa nhận" thì khác gì nhau. Có chăng chỉ là "bình mới rượu cũ"?
Tuy nhiên, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, chuyển từ "cấm" sang "không thừa nhận" có ý nghĩa rất lớn. Mặc dù bản chất không khác đi, nhưng sự thay đổi từ ngữ chính là thay đổi thái độ của cộng đồng với người đồng giới.
Theo ông Huệ, từ "cấm" nghe rất nặng nề, có nghĩa là không cho phép bất cứ sự qua lại nào. Còn "không thừa nhận" là vẫn cho phép người đồng giới quan hệ, qua lại, sống chung nhưng không công nhận trên giấy tờ mà thôi.
Nếu ai đó đặt câu hỏi, "hai người đàn ông, hoặc hai người đàn bà đến cơ quan nhà nước xin đăng ký kết hôn" có được không. Ông Huệ khẳng định là chưa thể giải quyết. Bởi Luật vẫn chỉ thừa nhận "kết hôn là sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà".
Chưa thể thừa nhận ngay
Ông Dương Đăng Huệ cũng cho biết, hiện nay, toàn thế giới mới chỉ có 11 nước thừa nhận kết hôn đồng giới. Pháp là nước thứ 11, thừa nhận cách đây không lâu. Mặc dù các nước này đã chuẩn bị cho việc thừa nhận hôn nhân đồng giới từ nhiều năm, nhưng khi Tổng thống ký quyết định, đã vấp phải những phản ứng từ dư luận. Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra.
Ông Huệ phân tích thêm, ngoài việc bỏ "cấm kết hôn đồng giới", Luật sẽ có những biện pháp để chống kỳ thị đối với người đồng tính. Mặt khác, Luật đã bổ sung những cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề phát sinh, hậu quả đời sống của họ.
Theo ông Huệ, đây là vấn đề phức tạp. Việc bổ sung một số điều liên quan đến người đồng tính được Ban soạn thảo đưa ra trong Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) là phù hợp với với điều kiện phát triển kinh tế, nhận thức xã hội Việt Nam hiện nay.
Trước đó, Ông Nguyễn Hồng Hải (Trưởng phòng Pháp luật Dân sự - Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế - Bộ Tư pháp) cho biết, nhiều người ý kiến cũng cho rằng Luật chưa công nhận cần bổ sung các quy định về người đồng tính (trước đây chưa có). Một mặt, điều này ngăn ngừa thái độ kỳ thị với người đồng tính, mặt khác tạo cơ sở pháp lý giải quyết các quan hệ về tài sản, con cái (nếu có) trong trường hợp họ sống chung với nhau như vợ chồng.
Chưa thể thừa nhận vì theo quan niệm truyền thống, người Việt dựng vợ, gả chồng của từ hàng ngàn năm nay phải là quan hệ tình cảm giữa nam và nữ. Quan niệm đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt.
Việc thừa nhận kết hôn đồng giới phải có lộ trình, bước đi phù hợp, chưa thể đưa vào luật ngay bây giờ. Với xã hội Việt Nam hiện nay, bước đi phù hợp nhất là Nhà nước không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới của người đồng tính. Nhà nước cần có những quy định thích hợp để giúp họ giải quyết ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung. Điều đó cũng đảm bảo sự ổn định các quan hệ xã hội.
Theo Xahoi
Thế giới 'sung sướng' của quý bà khát tình và những gã đồng tính Tôi ngạc nhiên vì trong phòng có thêm một gã thanh niên nữa trần như nhộng: "Với chị, một mình em "lái" không nổi đâu, vì nhu cầu của chị cao lắm. Nam thanh niên bị bắt quả tang đang bán dâm Đột kích vào hang ổ "sung sướng" Lâu nay, có không ít lời đồn thổi về một thế giới mua vui...