Cô gái “chết nửa người” nguyện hiến giác mạc
Bị căn bệnh u tủy sống quái ác hành hạ suốt gần 10 năm qua, sức khỏe Nguyễn Thị Nga (xóm 1, thôn An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ, Hải Dương) ngày càng suy kiệt, đôi chân đã bị hoại tử. Tuy vậy, nguyện ước được hiến giác mạc cho Ngân hàng Mắt Trung ương của cô đã khiến nhiều người xúc động và cảm phục.
Tai họa ập đến
Nhà Nga nằm ở cuối một con ngõ nhỏ. Nga – một “nhúm thịt nhỏ” như miêu tả của chính cô bất động trên giường. Cô gái 26 tuổi này nằm như thế đã gần chục năm nay, từ sau một cuộc phẫu thuật bất thành đầu năm 2004.
“Tôi từng ước có ai đó chữa khỏi bệnh cho mình nhưng điều đó là không thể, nên tôi rất hiểu hoàn cảnh của những người bị bệnh. Tôi chỉ còn đôi mắt là khỏe mạnh nên quyết định hiến tặng cho ai đó không may mắn, coi như đó là món quà trả nợ cuộc đời”. Chị Nguyễn Thị Nga
Năm học lớp 9, đôi chân của cô bé Nga xinh tươi, nhí nhảnh, hay múa hay hát bỗng dưng tê dại dần, không thể chạy được trong giờ thể dục. Những ngày nghỉ học, ở nhà thêu ren giúp đỡ bố mẹ, chân Nga càng tê buốt hơn. Rồi sau một đêm ngủ dậy, Nga không thể đứng lên và đi lại được. Sau nhiều đợt khám, xét nghiệm, bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, Nga bị một khối u bám vào tủy của 7 đốt sống cổ nên phải thực hiện cuộc phẫu thuật rất phức tạp mà tỷ lệ thành công là rất nhỏ. Chần chừ mãi, sau khi đưa Nga đi khám khắp nơi, chuyển sang điều trị bằng cả Đông y… cũng không được, gia đình Nga đồng ý ký vào cam kết xin phẫu thuật.
Video đang HOT
Bất hạnh thay, ca phẫu thuật phức tạp của Nga không thành công. Nga bị liệt, vĩnh viễn phải sống đời thực vật. Bố mẹ còn chật vật với gánh nặng mưu sinh, nên Nga chỉ được đảo tư thế nằm vào ban đêm. Nằm lâu trên giường, nhiều phần cơ thể Nga bị lở loét, phần xương đùi đã gãy vụn. Mẹ Nga – bà Vũ Thị Dụ nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi phải làm quần quật để lo thuốc thang cho Nga và cái ăn cho cả gia đình. Con bé ngoan ngoãn bị “trời đày” như vậy, còn anh trai nó khỏe mạnh thì lại mải chơi. Đợt anh trai nó chơi bời, nợ tiền người ta, tôi thấy đời mình cực quá, nghĩ quẩn, bảo với Nga là lấy dây điện buộc hai mẹ con lại rồi cắm điện cho giật chết quách đi.” Nhưng khi ấy, Nga lại rất bình tĩnh động viên mẹ: “Mẹ đã giúp con chiến đấu giành sự sống, chúng ta không thể chết dễ như thế”. Nghe con nói, bà Dụ choàng tỉnh, ôm con khóc nức nở.
Bà Dụ chăm sóc cô con gái bất hạnh nhưng giàu lòng nhân ái
Vượt lên nỗi đau
Hàng ngày, bố mẹ Nga cắm ống tiểu, rồi lấy những mảng da chết cho Nga khỏi đau. Nhìn con gái chết mòn trong căn nhà tuềnh toàng, ông bà thường phải lén lau nước mắt, nén tiếng thở dài. Thế nhưng, vượt qua nỗi buồn và nỗi đau thể xác, chính Nga lại là người luôn an ủi, động viên bố mẹ, cho bố mẹ thấy nghị lực sống và yêu đời mãnh liệt của cô để từ đó, ông bà vơi bớt buồn đau.
Qua tivi, năm 2007, Nga biết đến chương trình hiến giác mạc cho Ngân hàng Mắt Trung ương, cô suy nghĩ suốt hai năm mới quyết định nói cho bố mẹ biết ước nguyện của mình. Nghe Nga nói, bố mẹ cô quyết liệt phản đối. Ông bà vốn thương đến thắt lòng đứa con gái phải chôn vùi tuổi thanh xuân trong bệnh tật, nay càng xé lòng khi nghĩ đến cảnh con ra đi mà thân thể không vẹn toàn. Nhưng Nga cứ dần dần thuyết phục bố mẹ, cô nói đó là việc làm thiện nguyện, giúp ích cho đời duy nhất mà cô có thể làm trong tình trạng bệnh tật này: “Con sẽ ra đi, nhưng đôi mắt của một người khác sẽ sáng hơn, điều đó làm con ấm lòng hơn và bố mẹ cũng sẽ vui hơn khi biết đôi mắt con còn sống, còn hữu ích”. Và Nga đã thuyết phục được mẹ gọi điện đăng ký hiến giác mạc, để cô đã trở thành người đầu tiên của tỉnh Hải Dương tự nguyện hiến giác mạc.
Theo Khánh Vũ – Ngọc Mai (Giaothongvantai.com.vn)
Một xã có hơn 100 người hiến giác mạc
Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng là xã thuần nông. Người dân nơi này quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời". Thế nhưng, những nông dân ấy lại có một ý nguyện cao cả là được hiến giác mạc của mình sau khi qua đời. Cả xã đã có hơn 120 người tình nguyện đăng ký hiến giác mạc trong gần ba năm nay, đồng nghĩa họ sẽ mang lại ánh sáng cho hàng trăm người mù lòa.
Ông Trần Công Tương, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thôn Thanh Nham Tây, xã Hòa Nhơn nhớ lại: "Ý tưởng hiến giác mạc sau khi qua đời còn quá lạ lẫm với người dân nơi đây. Chính vì thế, vào năm 2009, khi Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng phát động phong trào tình nguyện hiến giác mạc thì chẳng có ai hưởng ứng, bởi dễ dàng chi thay đổi được nếp ý nghĩ của họ".
Lúc phát động, ông nhận được những... phớt lờ. Họ nói hiến đi giác mạc chẳng khác nào không được toàn thây khi chết. Mà như thế thì khi đầu thai sang kiếp khác sẽ gặp khó khăn. Vắt óc, ông Tương phát hiện... tia sáng cuối đường hầm: vận động chính người trong gia đình tự nguyện hiến giác mạc. Thế rồi, vợ chồng ông là người tiên phong ở Hòa Nhơn tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Sau đó, cảm phục ý nguyện của vợ chồng ông Tương, ở độ tuổi ngoài sáu mươi vẫn còn mong ước được làm việc có ích cho đời, hàng xóm đã thuận tình theo ý ông. Ban đầu là những hộ gia đình kế cận nhà ông Tương, dần dà phong trào tình nguyện hiến giác mạc lan rộng ra cả xã.
Nguồn giác mạc hiện rất khan hiếm. (Ảnh Internet)
Ông Hồ Tiến, nay đã ngoài 60 tuổi, nghe hỏi, cười vồn vã: "Nghe đến hiến giác mạc, vợ chồng tui sợ lắm. Cứ nghĩ rằng đôi mắt của mình bị người ta móc đi, mình chết mà không được toàn thây. Thôi, ai tình nguyện thì kệ họ, dù rằng mình biết nó sẽ mang lại ánh sáng cho người mù". Bà Như vợ ông xen vào: "Tui chỉ sợ khi chết mà không còn đôi mắt thì cũng coi như là mình sẽ bị mù lòa, sẽ không còn biết người thân đang sống sẽ như thế nào".
Khi biết ông Tương cùng vợ tình nguyện hiến trước, ông Tiến không khỏi băn khoăn: "Mình chết đi rồi mà còn giúp được người khác, chẳng phải là để đức cho con cháu hay sao?". Nhưng, khi vợ chồng ông lập di chúc với tâm nguyện được hiến tặng giác mạc thì lại gặp sự phản ứng của ba người con. Các con nhất quyết không đồng ý cho bố mẹ hiến tặng giác mạc. "Tụi tui phải thay nhau thuyết phục các con, cho chúng nó hiểu đây là việc làm nhiều ý nghĩa, chẳng những mang lại ánh sáng cho người mù mà còn đem lại cho họ cả tương lai tươi sáng hơn" - ông Tiến nói. Hiểu được lòng cha mẹ, ba người con đồng ý và họ... cũng đăng ký theo. Gia đình ông Tiến trở thành điển hình đầu tiên "cả nhà cùng hiến" của xã Hòa Nhơn.
Bà Võ Thị Thanh, 76 tuổi, sẻ chia: "Mình cho đi giác mạc sau khi đã mất và chắc chắn sẽ có người nhờ đó mà thay đổi cuộc sống với đôi mắt sáng. Nghĩ đến đó là tôi cảm thấy hạnh phúc lắm". Trong tâm khảm của những dân nghèo nơi đây, cho đi giác mạc là tiếp nối nguồn sáng cho bao người mù lòa đang rất cần đến ánh sáng. "Nếu một mai gia đình mình có người mù, nếu không ai đồng ý cho giác mạc thì làm sao có được ánh sáng. Mà người mù thì sống cực khổ lắm", bà Thanh nói thêm.
Từ ngày tình nguyện đăng ký hiến giác mạc, họ bắt đầu khép mình trong quy trình... giữ mắt. Họ chăm sóc đôi mắt chu đáo theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Xem ti vi, làm việc gì khiến đôi mắt căng thẳng họ đều cân nhắc, bởi đôi mắt ấy bây giờ không chỉ còn là của riêng họ, mà còn dành cho người nhận - những người đang đón chờ ánh sáng vào một ngày nào đó.
Theo 24h