Cô gái Campuchia lạc đến Thanh Hóa sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc
Người phụ nữ Campuchia bị lừa bán sang Trung Quốc nhưng trốn thoát được và đi lạc đến huyện biên giới Mường Lát ( Thanh Hóa).
Ngày 14/4, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, cho biết địa phương đang hỗ trợ, chăm sóc cho một người phụ nữ quốc tịch Campuchia tên Son So Kheng (25 tuổi) đi lạc đến địa bàn.
Theo ông Cường, ngày 29/2, Đội liên ngành của Công an huyện Mường Lát (gồm công an, quân đội, biên phòng) đang làm nhiệm vụ tại bản Cha Lan, xã Mường Lý (giáp với huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) thì phát hiện người phụ nữ này.
Tổ công tác kiểm tra hành chính nhưng chị này chỉ nói được tiếng Campuchia.
Sau khi nhận tin báo, UBND huyện Mường Lát đã tìm kiếm người biết tiếng Campuchia để tìm hiểu thông tin. Chị này không cung cấp được giấy tờ tùy thân và chỉ nói là người Campuchia tới thủ đô Phnom Penh thăm bạn rồi đi lạc.
Do đang trong thời gian dịch bệnh Covid-19, chính quyền huyện Mường Lát đưa người này về khu cách ly để theo dõi y tế. Sự việc cũng được báo cáo đến UBND tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 6/3, Sở Ngoại vụ tỉnh Thanh Hóa có văn bản báo cáo gửi Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Vương quốc Campuchia.
Đến ngày 24/3, Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Hà Nội có văn bản phúc đáp, xác nhận người phụ nữ này là công dân của họ, tên Son So Kheng (25 tuổi, quê ở huyện Chloung, tỉnh Kratie).
Cũng theo Đại sứ quán, Chị Kheng trước đó bị lừa bán sang Trung Quốc nhưng trốn thoát được. Không biết bằng cách nào thì chị này đã đi lạc tới huyện Mường Lát.
Video đang HOT
Công an huyện Mường Lát hỏi thông tin chị Kheng. Ảnh: Như Thanh.
Đại sứ quán cũng đề nghị phía Thanh Hóa giúp đỡ, tiếp tục chăm sóc trong thời gian chờ làm thủ tục để đón công dân về nước theo quy định.
Tuy nhiên, tới ngày 14/4, chị Kheng chưa thể về nước do tình hình dịch Covid-19 phức tạp và đang được UBND huyện Mường Lát hỗ trợ 120.000 đồng/ngày, gồm 80.000 đồng tiền ăn và 40.000 đồng các chi phí khác.
Ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, cho biết qua theo dõi sức khỏe hàng ngày ở khu cách ly, chị Kheng không có dấu hiệu nghi vấn với dịch bệnh Covid-19.
“Những ngày đầu, tâm lý chị ấy còn hoang mang, lo lắng. Nhưng sau khi được chúng tôi chăm sóc về các vấn đề sức khỏe, ăn uống và sinh hoạt nên giờ chị ấy đã thoải mái, vui cười”, ông Trọng nói.
Nguyễn Dương
Lớp học đặc biệt của thầy giáo quân hàm xanh
Khi màn đêm buông xuống, giữa đại ngàn biên cương Việt - Lào vang lên tiếng đánh vần "ê a" của một lớp học xóa mù chữ mà thầy giáo là những người lính.
Lớp học đặc biệt này được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa), đóng tại huyện biên giới Mường Lát, mở để dạy chữ cho những người lớn tuổi, giúp bà con có thể đọc thông, viết thạo, cộng trừ nhân chia tốt...
Ngày lên nương, tối đi học chữ
Theo chân những người lính biên phòng vượt quãng đường rừng heo hút khoảng 12 km từ Đồn Biên phòng Quang Chiểu tới bản Lách (xã Mường Chanh, huyện Mường Lát) vào một buổi tối giá lạnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nghe những tiếng đánh vần đồng thanh vang lên. Học viên trong lớp toàn những người đã ngoài 20 tuổi, thậm chí có người đã 50 tuổi. Trên bục giảng, người lính say sưa dạy. Bên dưới, "học sinh" chăm chú nghe giảng, tập đánh vần.
Lớp học ở vùng đặc biệt khó khăn nơi biên cương giáp nước bạn Lào này có 38 học viên, chủ yếu là người dân tộc Khơ Mú của bản Lách và một số ít ở bản Chanh (xã Mường Chanh). Ban ngày, bà con lên nương rẫy, nên phải mở lớp buổi tối để họ có thời gian theo học.
Đại úy Nguyễn Văn Cường đang giảng bài cho các học sinh đặc biệt
Đại úy Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội Hoạt động quần chúng Đồn Biên phòng Quang Chiểu - người trực tiếp đứng lớp, cho biết để mở lớp học này, các chiến sĩ phải cắt rừng, lội suối nhiều tuần liền, tới từng bản, từng nhà để vận động người dân đi học. Lúc đầu, do tâm lý e ngại, tự ti nên lớp học chỉ hơn chục người. Nhưng dần dần, người nọ rủ người kia và ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc đi học chữ nên lớp ngày càng đông. "Ngoài vận động người dân tới lớp, việc dạy học cũng khá vất vả do chúng tôi không có nghiệp vụ sư phạm, học viên đa phần lại không nói được tiếng Kinh nên những lời mình truyền đạt nhiều khi họ không hiểu hết" - đại úy Cường bộc bạch.
Do học sinh của lớp chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, mục đích họ tới lớp cũng chỉ để biết đọc, biết viết, cộng trừ nhân chia thành thạo nên khi soạn giáo án, các chiến sĩ thường sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, gần gũi mà người dân thường gặp trong giao tiếp. Vì sự nhiệt tình của những thầy giáo không chuyên, bà con đi học rất chăm chỉ. Thậm chí, có nhà cả 3 thế hệ cùng rủ nhau đến lớp.
Chị Cút Thị Yêng (SN 1991, ngụ bản Lách) cho biết trước đây, do hoàn cảnh khó khăn nên chị không được tới trường. Vì không biết chữ mà cuộc sống hằng ngày gặp nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng tham gia lớp học, chị đã có thể viết được tên mình, biết cộng trừ nhân chia những bài toán cơ bản. "Được đi học thế này tốt lắm à. Nhờ biết chữ, biết làm phép tính mà việc bán ngô, bán sắn hằng ngày của gia đình khi giao tiếp với người dưới xuôi cũng đỡ vất vả hơn trước" - chị Yêng hào hứng nói.
Lồng ghép các chủ trương, chính sách
Không chỉ giúp bà con học chữ, trong các buổi học, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu còn lồng ghép các mô hình làm kinh tế giỏi để giúp bà con trong công tác xóa đói giảm nghèo, tổ chức các buổi giao lưu văn hóa theo lối sống văn minh. Đặc biệt, đồn cũng tập trung tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, góp phần nâng cao ý thức người dân cùng lực lượng vũ trang bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới. "Chúng tôi thường lồng ghép các chương trình, cách làm kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học như trồng lúa nước thế nào, nuôi heo ra sao... để lớp học thêm phong phú, thiết thực" - thiếu tá Lê Thế Chiến, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu, nói.
Là người có vai trò đặc biệt trong lớp học, ông Trịnh Văn Xôm, Trưởng bản Lách, ngày nào cũng phải đến lớp sớm để lo chuyện điện đóm thắp sáng cho lớp học, theo dõi sĩ số và làm "phiên dịch". "Lớp học của các chiến sĩ biên phòng rất có ý nghĩa với bà con chúng tôi, nhờ những lớp học này mà người dân khi ra xã làm giấy tờ, có thể tự viết tên mình, không phải điểm chỉ như trước, việc giao thương buôn bán với bên ngoài cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Bà con chúng tôi rất biết ơn các chiến sĩ bộ đội biên phòng" - ông Xôm xúc động.
Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, nhìn nhận địa phương là huyện xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa (cách trung tâm TP Thanh Hóa 250 km) nên đời sống của người dân còn khó khăn, tỉ lệ những người lớn tuổi tái mù chữ vẫn diễn ra ở những bản xa xôi.
"Nhờ có sự góp sức không nhỏ của các chiến sĩ biên phòng, đặc biệt là Đồn Biên phòng Quang Chiểu mà hằng năm có rất nhiều lớp xóa mù được mở ra, giúp người dân nâng cao dân trí góp phần rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" - ông Cường nhận định.
Chặn tái mù chữ
Thiếu tá Lâu Văn Lâu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quang Chiểu, cho biết từ năm 1991 đến nay, đồn đã mở rất nhiều lớp xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc, nhờ đó mà tỉ lệ tái mù chữ ở những bản người Mông, Khơ Mú, Thái... trong vùng rất thấp.
"Từ năm 1991 tới nay, đồn đã phối hợp mở 13 lớp, xóa mù cho hơn 600 người dân trong vùng. Các lớp học thường mở từ 3-5 tháng, khi kết thúc khóa học, 100% học viên đều biết đọc, biết viết, sử dụng thành thạo các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản" - thiếu tá Lâu khẳng định.
Bài và ảnh: THANH TUẤN
Theo Người lao động
Thanh Hoá cách ly theo dõi 5 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19 Theo báo cáo của Sở Y tế Thanh Hoá, tính đến 16 giờ ngày 17-2, trên địa bàn tỉnh có 5 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid -19 được đưa vào cách ly theo dõi tại bệnh viện. Đó là nữ bệnh nhân ở xã Trung Lý, huyện Mường Lát, làm việc tại Công ty NTS Vina ở khu Công nghiệp Bình Xuyên,...