Cô gái bị ung thư vượt qua bệnh tật nhờ tình yêu của một chàng trai
Năm 2017, Nguyễn Hùng Hoàng Như có một công việc tốt, chuẩn bị lên kế hoạch tổ chức đám cưới với chàng trai khôi ngô, tuấn tú cùng quê. Nhưng mọi thứ sụp đổ hết khi Như nhận kết quả ung thư tuyến giáp giai đoạn 2…
Vượt qua căn bệnh ung thư, Như và Khoa tiếp tục cùng nhau thực hiện những giấc mơ còn dang dở – Ảnh: NVCC
Trước đó, Như (ở TP.Nha Trang, Khánh Hòa) đã bị u ở cổ, nhưng khám ở các bệnh viện gần nhà, bác sĩ đều chẩn đoán là u lành tính. Đến năm 2017, thấy mẹ của bạn trai mất vì ung thư hạch, cô gái trẻ bất chợt rùng mình lo lắng “có khi nào cục hạch ở cổ mình cũng…”.
Thế là, Như và bố bắt xe vào Sài Gòn để thăm khám. “Khi nghe bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bảo “ sao em khám trễ vậy, ung thư tuyến giáp của em đã ở giai đoạn 2 và di căn qua hạch rồi, phải mổ gấp”, hai tai em đã ù đi. Những câu sau của bác sĩ em không thể nghe thêm được gì nữa, chân tay em cũng bủn rủn theo”, cô gái nhớ lại.
“Dù thế nào con cũng không bỏ cô ấy”
Đấy là vào tháng 4.2017. Ra khỏi phòng bác sĩ, Như chỉ biết ôm chặt bố khóc nức nở và trong đầu chỉ nghĩ được việc “có lẽ án tử sắp gọi tên mình rồi”. Khóc chán, cô quyết định cùng bố về lại Nha Trang, sắp xếp mọi thứ cho cuộc phẫu thuật quyết định sự sống còn của bản thân.
Mất mẹ cách đó chỉ vài tháng vì ung thư, khi đón nhận tin bạn gái cũng đứng trước nguy hiểm vì căn bệnh này, Trần Đăng Khoa (ở Nha Trang) – bạn trai của Như, gần như chết đứng. Đêm đó, Khoa thức trắng suy nghĩ. Nhưng rồi không muốn để người mình yêu mất tinh thần, chỗ dựa, Khoa tự vực mình dậy, vui vẻ nói cười với Như để cô có thêm động lực chiến đấu với bệnh.
Biết con gái mình mắc bệnh hiểm nghèo, bố của Như gọi chàng rể sắp cưới sang nhà nói chuyện. “Thôi, bây giờ nó bị vậy rồi, tương lai cũng chưa biết ra sao. Con để Như đấy cho bố lo, còn con nên tìm người khác…”, nghe bố vợ tương lai nói vậy, Khoa lúc đó chỉ biết hét lên: “Không! Dù Như thế nào con cũng không bỏ được đâu”.
Video đang HOT
Còn riêng Như, cô rơi vào trạng thái hoang mang, sợ hãi và không biết phải làm sao với bạn trai. Hai người đã lên kế hoạch cho đám cưới, nhưng bị hoãn lại sau khi mẹ Khoa mất đột ngột. Bây giờ, đám cưới ấy có thể không bao giờ thực hiện được nữa…
“Chỉ nghĩ tới việc phải nhường anh ấy cho người khác là tim em đã đau quặn thắt rồi. Nhưng nếu giữ anh lại bên mình thì quá ích kỷ. Nên cuối cùng em đã nói với anh là, bây giờ em bị ung thư, nếu may mắn có trị được hết thì cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi hóa chất, sau này đường con cái cũng rất khó khăn, anh lại là con trai một, nên thôi, anh đi lấy người khác đi”, Như nói.
Khoa lúc đấy chỉ biết cầm tay cô gái và hứa sẽ dành cả cuộc đời để chăm sóc Như. Tháng 6 năm đó, Như hoàn thành thủ tục nhập viện tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để bước vào cuộc phẫu thuật định mệnh thì Khoa cũng hoàn thành các thủ tục để nghỉ việc ở công ty.
“Khi mẹ bị ung thư, em vẫn còn làm việc trong TP.HCM, không có nhiều thời gian ở bên chăm sóc mẹ, đến khi mẹ mất em rất buồn. Giờ thấy bạn gái như vậy, em không muốn phải hối hận lần thứ 2, nên đã quyết định bỏ ngang công việc để có thể dành toàn thời gian, tâm trí chăm sóc người mình yêu”, Khoa lý giải về quyết định của mình.
Vượt qua bệnh tật, tiếp tục những dự định còn dang dở
Trong quá trình đưa Như vào TP.HCM phẫu thuật, chữa bệnh Khoa cũng thường xuyên lên mạng, tìm hiểu thông tin về căn bệnh của bạn gái mình gặp phải và cách chăm sóc khoa học. Không ngại ngần bất cứ công việc gì, Khoa là người bón từng thìa cháo, động viên cô uống từng ngụm sữa đến việc làm vệ sinh, giúp Như tất cả sinh hoạt trong ngày.
Cuộc phẫu thuật của Như thành công, tuy nhiên bác sĩ sau đó phát hiện bệnh đã di căn tới phổi, nên cô phải tiếp tục uống iod phóng xạ liều cao để điều trị.
Mỗi đợt uống iod, Như phải cách ly 3 ngày trong phòng. Những ngày này, không biết làm gì, Khoa chỉ biết quanh quẩn ở bên ngoài. Biết tính Như sạch sẽ, trước khi điều trị, Khoa vào phòng tỉ mỉ lau dọn, vệ sinh từng vật dụng. Sợ đồ ăn của bệnh viện không hợp khẩu vị, Khoa lặng lẽ nấu đồ ăn, cứ đến bữa lại mang để ngoài cửa cho Như.
“Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật kéo dài, hay từ phòng hóa trị đi ra, Khoa luôn là người đầu tiên đứng đợi em ở cửa. Những ngày em đau đớn, tê mỏi tay chân sau mỗi đợt uống thuốc, Khoa không ngại lại gần, xoa bóp, nắm tay em động viên dù có thể bị ảnh hưởng bởi các chất xạ trị”, Như cảm động nói.
Cứ thế, đều đặn 2 năm liền Như đi về giữa hai thành phố để điều trị bệnh, Khoa luôn là người đưa đón, đợi ở cửa phòng bệnh chờ Như.
Sau gần 2 năm chữa bệnh, cảm thấy không thể chờ nhau lâu thêm nữa, tháng 4.2019 cặp đôi Nguyễn Hùng Hoàng Như và Trần Đăng Khoa quyết định về chung một nhà trong lời chúc phúc của hai bên gia đình và bạn bè.
May mắn, đến tháng 11 năm trước, sau đợt điều trị kéo dài, Như chính thức được bác sĩ báo đã thoát “án tử” khi khối u ở phổi, hạch đã điều trị thành công. “Nhiều lúc đau đớn, mệt mỏi em từng nghĩ mình sẽ bỏ cuộc, nhưng chính tình yêu và sự ân cần của Khoa đã giúp em có động lực vượt qua tất cả. Nhiều dự định tương lai của hai đứa đang dang dở giờ lại có cơ hội để thực hiện cùng nhau. Và dự định lớn nhất bây giờ chính là lên kế hoạch để thực hiện giấc mơ có tiếng cười trẻ con trong ngôi nhà nhỏ”, Như nói.
Theo Thanh niên
Khoảng 4 năm tới TP.HCM sẽ có lực lượng bác sĩ đạt chuẩn Châu Âu
TP.HCM đang có một đội ngũ được học tập và đào tạo bác sĩ tại Châu Âu, và dự kiến khoảng 4 đến 5 năm tới sẽ có đội ngũ bác sĩ đạt chuẩn Châu Âu nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao cũng như thực hiện tốt các kỹ thuật tiến tiến của thế giới.
Một ca phẫu thuật điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - Ảnh: PV
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học hàng năm phòng, chống ung thư TP.HCM lần thứ 22 do Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam và Hội Ung thư TP.HCM tổ chức hôm 5.12, GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế TP đang định hướng phát triển mạnh tuyến y tế cơ sở và đưa bệnh lý ung bướu cũng như các bệnh ung thư về tuyến cơ sở để điều trị, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế này gần nhà, đồng thời góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Ông Bỉnh cho biết, UBND TP.HCM đã giao cho ngành y tế phải phấn đấu đưa TP trở thành trung tâm y tế của khu vực, làm sao để người Việt Nam nói chung và người dân TP.HCM nói riêng không ra nước ngoài chữa bệnh, và thu hút người nước ngoài vào TP.HCM chữa bệnh nhằm thu ngoại tệ về cho đất nước.
"Hiện TP.HCM đang có một đội ngũ được học tập và đào tạo bác sĩ tại Đức. Khoảng 4 đến 5 năm tới, TP sẽ có một lực lượng bác sĩ đạt chuẩn Châu Âu. Đây là điều kiện để chúng ta có thể thực hiện tốt những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trên thế giới", ông Bỉnh chia sẻ.
Theo GS.TS.BS Nguyễn Viết Tiến - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Mặc dù trong thời gian qua, công tác truyền thông về phòng, chống ung thư được đẩy mạnh, nhưng hiện nay vẫn còn khá nhiều trường hợp phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn.
Ông Tiến mong muốn các bác sĩ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học trên thế giới để tìm ra phương pháp điều trị ung thư ngày càng hiệu quả hơn, tìm ra những giải pháp điều trị cho từng bệnh nhân ung thư...
TS.BS Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, trưởng Ban tổ chức hội thảo cho biết đây là lần đầu tiên trong 22 năm tổ chức, hội thảo có các chuyên gia Nga báo cáo các chuyên đề điều trị ung thư tại Trung tâm sức khỏe nghề nghiệp đa chuyên khoa, dự phòng độc tính thận do hóa trị và phòng ngừa ngộ độc gan do hóa trị.
Hội thảo sẽ có 21 phiên chuyên đề về tổng quát, tiêu hóa, đầu cổ, tổng quát - huyết học, phổi - lồng ngực, nhi - phụ khoa, chăm sóc giảm nhẹ - điều dưỡng... vầ phiên hội thảo vệ tinh.
Bên cạnh những chuyên đề chuyên sâu về ung bướu, Hội thảo lần này còn tổ chức tập huấn quốc tế về chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư. Kỳ tập huấn này có sự tham gia báo cáo của các chuyên gia Mỹ về hoạt động chăm sóc giảm nhẹ, quá trình phát triển chăm sóc giảm nhẹ tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, đánh giá và điều trị đau trong ung thư...
Đây là dịp mở rộng hợp tác quốc tế thường xuyên, liên tục của bệnh viện nhằm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ tiếp cận những nền y học tiến bộ trên thế giới, nhất là y bác sĩ trẻ đang công tác tại khoa phòng.
Hồ Quang
Theo motthegioi
Cả trường 10 năm đỡ đần anh em thầy giáo mồ côi 10 năm ròng rã chống chọi bệnh tật của anh em thầy giáo mồ côi Truyền Luân - Truyền Nhân, thầy cô Trường tiểu học Quảng Phú 2 và phụ huynh luôn cận kề 'tiếp sức'... Nụ cười của thầy Luân luôn có sự thầm lặng phía sau của các giáo viên đầy tử tế - Ảnh: TRẦN MAI Giây phút đôi mắt...