Cô gái bị nhà chồng ép ly hôn ở tuổi 22 sau khi sảy thai
Khi đã tìm lại được hạnh phúc với người chồng hiện tại, cô khuyên chị em hãy mạnh mẽ, ‘cầm lên được thì buông ra được’.
Ngày 8/8/2016, trang Facebook NEU Confession đăng tải tâm sự của một cựu nữ sinh trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đã tốt nghiệp cách đây hơn 10 năm. Cô nhẹ nhàng xưng “chị” và mở lòng với thế hệ đàn em về câu chuyện đời mình.
Cô tâm sự, ở tuổi 18, 20, cô cũng từng có những hoài bão, mơ ước như bao người khác. Dù xuất thân từ gia đình thuần nông nghèo khó nhưng cô luôn cố gắng vươn lên. 12 năm đèn sách, cô đều đạt học sinh xuất sắc và có điểm thi đại học cao nhất xã. 3 năm học đại học, cô không phải xin tiền bố mẹ. Ngày nào cô cũng tự nhủ phải học tập tốt, nhanh chóng ra trường xin việc và giúp gia đình thoát nghèo.
Nhưng mọi dự định tươi đẹp của cô bỗng chốc tan biến khi cô yêu chàng trai hơn mình 4 tuổi. Vào cuối năm học thứ 3, cô đánh mất bản thân và làm mẹ ở tuổi 21. Bố mẹ cô suy sụp, thiên hạ chê cười vì nghĩ cô dùng cái thai trong bụng để đạt được mục đích “làm dâu nhà giàu”. Ngày cưới, cô dậy trang điểm từ 2h sáng, ấy vậy mà nhà trai đến rước dâu và làm lễ nạp tài vẻn vẹn trong 30 phút, cốt cho xong thủ tục. Cô ra khỏi nhà lúc hơn 6h và có mặt ở nhà trai lúc gần 10h, người mệt lử sau quãng đường 200 km. Dù có bầu, cô vẫn cố làm tròn bổn phận, chúc tụng anh em họ hàng đến tận 12h30. Xong xuôi, chồng say mèm, mẹ chồng kéo khách khứa của con trai đi ăn uống và bỏ mặc con dâu một mình dọn dẹp.
Ngày cưới, ngày hạnh phúc nhất của bao người là ngày tủi hổ nhất trong cuộc đời cô.
Cô kể lại về ngày trọng đại nhất trong cuộc đời mình: “Lúc ấy, nước mắt chị tuôn rơi vì ngày đầu tiên về nhà chồng mà như vậy. Chị là dâu mới nên không thể tùy tiện cầm bát đũa và ngồi ăn uống. Ngày ấy tập quán còn lạc hậu lắm. Chị đói và muốn ngất đi. Cũng may sao, chị đi lấy bát cho mấy đứa trẻ con nhà các dì ăn uống, thấy có nồi xôi, chị bèn bốc một miếng vào nhà tắm ăn, vừa ăn vừa khóc các em ạ. Chị nghĩ cho bé con đang trong bụng chị nên đành thế. 15h xong việc, chị vào phòng và gọi chồng dậy đưa đi gội đầu nhưng anh bảo: ‘Tự e đi đi’. Ôi làm sao mà chị biết ở đâu chứ. Lại tự tháo kẹp ghim và ra giếng gội”.
Video đang HOT
Đến bữa cơm tối, mẹ chồng cô chỉ tiếp đãi mấy cô em kết nghĩa của chồng, coi như con dâu không tồn tại, còn chồng cô vẫn hồn nhiên ăn uống, hát hò. Cô xin phép vào phòng nằm, một mình khóc vì tủi thân.
Những chuỗi ngày sau đó của cô dâu mới còn chật vật hơn. Chồng cô nuốt lời hứa cho vợ đi học tiếp. Ngày ngày, chồng đi sớm về khuya, còn cô dậy từ 5h sáng quét dọn, nấu nướng, giặt giũ cho cả nhà. Cơ thể cô ngày một gầy yếu do thai nghén. Một đêm, trong khi đi vệ sinh, cô không may trượt chân và mất con. Từ đó, gia đình chồng càng đối xử tệ bạc với cô hơn. 8 tháng sau, cô vẫn không có bầu lại, phần vì do sức khỏe yếu, phần vì 2 vợ chồng ít gần gũi nhau. Mẹ chồng lấy lý do đó bắt cô ly hôn để chồng cưới vợ mới “môn đăng hộ đối”. Bà không quên dè bỉu cô là đồ “đũa mốc đòi chòi mâm son”. Vậy là ở tuổi 22, cô đã có một đời chồng.
“Bước chân vào một gia đình mới không chào đón mình đã là nỗi đau khổ rồi. Gặp người chồng bạc nhược đớn hèn thì đúng là khổ càng thêm khổ”, một Facebooker bình luận về câu chuyện của cô gái trong tâm sự.
Sau 4 tháng, chồng cô vui vẻ lấy vợ khác còn cô trở lại trường học, làm lại cuộc đời. Hằng ngày, cô đi làm hợp đồng và dành thời gian học ngoại ngữ. Một năm sau, cô được nhận vào công ty nước ngoài. Cô tâm sự: “Cuộc đời chị sang một trang khác sau những chuỗi ngày đắng cay tủi nhục. Chị nhận ra rằng, trước khi yêu ai đó thì hãy yêu bản thân mình trước, trân trọng mình trước. Không ai yêu thương mình bằng chính mình và bố mẹ mình. Đến khi chị có thể lo được cuộc sống, chị mới dám kể sự thật cho bố mẹ. 2 năm ấy, một năm đi học lại và đi làm, chị nói dối chồng đi công tác xa. Lúc đó, bố mẹ chị cũng không có điện thoại. Có muốn gọi là gọi nhờ máy bán hàng xóm. Khi bố mẹ biết sự thật chỉ khóc và động viên chị”.
Rồi cô gặp anh, chồng hiện tại bây giờ. Anh hơn cô 5 tuổi, học xây dựng. Anh mất mẹ từ nhỏ và ở với bố. Bố anh là giáo viên. Khi nghe chuyện của cô, bố anh đã chấp nhận cô là con dâu. Giờ dây, sau nhiều sóng gió, cô đã có cuộc sống viên mãn bên một bé trai 4 tuổi và bé gái một tuổi. Khi nghĩ về chuyện cũ, cô thấy “nhói đau” nhưng vẫn “mỉm cười” vì tất cả. Cô từng nghĩ: “Giá như chồng cũ mạnh mẽ hơn thì khác”. Nhưng anh vẫn không thay đổi tính nhu nhược. Cô vợ mới nghe nói rất ghê gớm và coi thường nhà chồng, “có lẽ do duyên nợ”.
Cuối tâm sự, cô nhắn nhủ các bạn nam hãy có lập trường của riêng mình, bởi “là đàn ông, nếu không bảo vệ được người mình yêu thương thì chẳng làm được việc gì cả”. Còn với các bạn nữ, “hãy mạnh mẽ lên”, “cầm lên được thì buông ra được”. Bởi bản thân cô đã nhận ra điều đó, “tuy hơi muộn nhưng vẫn còn kịp để bây giờ có một cuộc sống rất hạnh phúc”.
Sau một vài ngày đăng tải, chia sẻ của cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân đã nhận được hơn 41.000 lượt thích, hơn 4.000 lượt chia sẻ và hàng nghìn comment. Đa số ý kiến cảm thông với câu chuyện của cô gái giấu tên và ủng hộ quan điểm của cô. Một bình luận thu hút hơn 2.300 like: “Các thanh niên trước khi làm việc gì có lỗi với vợ mình thì hãy nghĩ tới bố mẹ vợ đầu tiên nhé. 9 tháng trời mang nặng đẻ đau, 1/4 thế kỷ nuôi nấng, chăm sóc. Già rồi mới gả cho các anh, mong các anh thay mình chăm sóc cô công chúa. Thế mà đối xử với con nhà người ta không ra gì là tội lớn lắm đấy”.
Facebooker khác đồng tình: “Là con gái cứ phải độc lập về tài chính, chẳng cần phụ thuộc vào ai. Bố mẹ sinh ra còn không làm tổn thương mình thì không ai có quyền đó”. Một người kết luận: “Phụ nữ không phải hơn nhau ở tấm chồng mà là ở bản lĩnh dám cầm và dám buông bỏ”.
Theo Emdep
'Nhiều người sẽ ghen tị khi con có mẹ chồng thế này'
"Ngày xưa, con vẫn sợ mình sẽ có một "bà mẹ chồng chợ búa". Nhưng mà con đã rất may mắn. Cám ơn mẹ đã coi con như con gái".
Người ta vẫn bảo, phụ nữ sướng khổ, hơn nhau ở tấm chồng. Nhưng mà, đúng ra, phụ nữ sướng khổ, còn hơn nhau ở mẹ chồng nữa. Người phụ nữ "sướng thật sự", phải là người phụ nữ có chồng yêu thương và có mẹ chồng coi con dâu như con gái. Có lẽ, con là một trong số "không nhiều" người phụ nữ may mắn thế.
Ngày tìm hiểu nhau, khi biết mẹ anh buôn bán ở chợ, con hơi "ái ngại". Không phải vì con "coi thường" công việc của mẹ, mà vì con vẫn nghe người ta nói "dân chợ búa thường rất ghê gớm". Con sợ tương lai sẽ có một bà mẹ chồng cay nghiệt, soi mói con dâu. Đến lúc gặp mặt, con mới cảm thấy "nhẹ bớt phần nào" vì nhìn mẹ chồng tương lai của con khác hoàn toàn điều con tưởng tương, và tính cách mẹ cũng khá nhẹ nhàng, ôn hoà.
Đến khi về làm dâu, con mới khẳng định mình may mắn vì được làm con dâu của "mẹ chồng chợ búa" (con xin lỗi vì cách mà con vẫn hình dung về mẹ trước kia).
Ảnh minh họa.
Khi kết hôn, con đã có bầu. Nên khi về nhà chồng, ngoài nấu nướng, lau nhà, phơi quần áo, thời gian còn lại con chỉ cần ngủ và ngủ. Hàng ngày, mẹ đi chợ sớm, mua sẵn thức ăn cho gia đình. Mẹ không quên hỏi con khi nghén ngẩm muốn ăn gì, hay có dị ứng đồ ăn gì, không thích ăn đồ ăn gì. Không phải vì con bầu bí mẹ mới chăm thế, vì kể cả khi cháu gái đã ba tuổi, mẹ vẫn thi thoảng hỏi con hôm nay thích ăn gì để mẹ mua.
Con vẫn nhớ ngày con đau đớn trên bàn đợi đẻ, hai mẹ và chồng con vẫn luôn chân "trốn bác sĩ" vào động viên con cố gắng chịu đau. Khi con sinh xong, bà ngoại một bên, bà nội một bên, hai người thay nhau thức đêm bế cháu để con ngủ. Các sản phụ khác đều "ganh tị" khen con "tốt số". Và thật sự lúc đó, con thấy mình may mắn vô cùng, vì có đến hai người mẹ luôn lo lắng cho con.
Tháng đầu ở cữ, mẹ "giành quyền" chăm con chăm cháu với bà ngoại. Suốt một tháng, mẹ "bắt" con trai (chồng con) mang giường xếp lên phòng ngủ bên dưới, còn mẹ lên giường ngủ cùng con. Hàng đêm, ngoài việc cho cháu ti, việc duy nhất của con là ngủ. Mẹ bảo "ngủ để nhiều sữa cho con". Đêm nào cũng vậy, mẹ đều phải bế cháu ít nhất 2 tiếng. Rồi 5 giờ sáng, mẹ lại nhẹ nhàng rời phòng chuẩn bị đi chợ sớm. Suốt cả tháng, con dâu béo ú, còn mẹ chồng thì sút mất 3kg.
Mùa hè nóng bức, lại nực sữa, đầu con nổi cái nhọt to đùng. Thấy con kêu đau, mẹ vội tìm cách chích nhọt cho con. Mẹ biết không, khi nằm trên gối để mẹ nặn mụn, con có cảm giác như đang được mẹ đẻ mình vuốt tóc ngày xưa. Cảm giác đó rất thư thái, và ấm áp mẹ ạ. Nó khiến con nhớ mãi không quên. Con hiểu rằng mẹ thực sự coi con như con gái mẹ, và khi con cũng tự hứa với lòng mình, sẽ đối với mẹ không khác gì mẹ đẻ của con.
Ba năm rồi từ ngày con được làm con dâu - con gái mẹ, đến hôm nay con mới có "cơ hội" để thể hiện tấm lòng mình. Nhưng thật sự, con không muốn có "cơ hội" chăm mẹ chút nào vì con luôn mong mẹ khỏe mạnh. Hôm trước trời mưa, đường trơn quá khiến mẹ không may trượt ngã. Ngã thế nào mà đầu đập xuống đất bất tỉnh đến 15 phút liền. Thấy mẹ nằm trên nền đất, con giật mình và thấy tim thảng thốt. Con sợ những điều quá đáng sợ sẽ xảy ra.
Con như đứa trẻ oà khóc lay mẹ dậy, rồi cố gắng đỡ mẹ lên giường. Mẹ đã tỉnh, nhưng mẹ đau lắm. Nhìn mẹ đau, con cũng thấy đau vô cùng. Giá mà, con có thể chịu đau thay mẹ. Từ giờ, mẹ đừng đi chợ nữa, chỉ ở nhà dưỡng già và chăm cháu giúp chúng con thôi mẹ nhé. Con sợ lắm nếu mẹ lại không may xảy ra chuyện gì, mẹ ơi!
Theo Emdep
Thất bại lớn nhất của đàn ông là người phụ nữ đã không cần họ bên cạnh nữa Thất bại lớn nhất của người đàn ông không phải là phá sản, cũng không phải là hết tiền. Mà đó chính là khi người phụ nữ bên cạnh, yêu thương họ giờ đây đã chẳng còn cần đến bàn tay che chở của họ nữa. Đàn ông sẵn sàng chở che người phụ nữ của mình Trong cuộc sống xã hội hiện...