Cô gái bị hiểu nhầm ở ATM gạo: ‘Mình sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà’
Hà nói với Zing những ngày qua cuộc sống của cô bị xáo trộn vì bị hiểu nhầm, lo sợ đến mức không dám ra khỏi nhà. 10X thấy may mắn khi được giải oan và có nhiều người giúp đỡ.
Sau 2 lần tìm đến nhà trọ tại quận Bình Tân (TP.HCM) và chờ đợi khá lâu, phóng viên mới gặp được Hà (15 tuổi) – nhân vật trong clip bị từ chối tại “ ATM gạo” gây xôn xao trên mạng những ngày gần đây.
Hai ngày qua, Hà ít khi ở phòng vì bận cùng những người bạn chở quà do mạnh thường quân tặng đi trao lại cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Trước đó, ngày 12/4, một YouTuber đăng tải clip ghi lại hình ảnh Hà bị từ chối cho nhận gạo tại đường Vườn Lài (quận Tân Phú) với lời bình phẩm khiếm nhã khiến dân mạng hiểu nhầm. Nhiều người chỉ trích, cho rằng một thanh niên sức dài vai rộng lại được chở bằng xe máy đến nhận quà từ thiện là không hợp lý.
Tuy nhiên, sau khi có người quen lên tiếng “giải oan”, Hà được mọi người cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn. Dân mạng chuyển sang ném đá người quay clip vì “câu like” bất chấp, đăng nội dung có lời lẽ mạt sát người khác mà không kiểm chứng.
Nói với Zing, Hà cho hay những ngày qua cuộc sống của mình bị đảo lộn, song cô vui và biết ơn khi nhận được nhiều sự giúp đỡ.
Hà bị quay clip với lời lẽ xúc phạm khi đi nhận gạo từ thiện. Ảnh cắt từ clip.
“Mong muốn lớn nhất là cuộc sống trở lại bình thường”
Trưa 22/4, tại nhà trọ ở quận Bình Tân, Hà trò chuyện với phóng viên sau một buổi sáng đi trao đồ từ thiện cho nhà tình thương tại quận 8. Cô bối rối, không biết bắt đầu kể từ đâu bởi những ngày qua có quá nhiều chuyện xảy đến khiến cô bất ngờ.
Quê ở An Giang, sau khi cha mẹ ly hôn, Hà ở với cha. Nhưng vì khúc mắc, 10X một mình lên Sài Gòn để kiếm việc làm, tự trang trải. Những ngày cách ly xã hội, công việc bấp bênh khiến cuộc sống của cô và những người bạn cùng phòng trọ gặp khó khăn.
Hà cho biết ngày 12/4, cô được một anh đồng nghiệp chở đi nhận gạo từ thiện vì biết cô khó khăn. Song đến lượt mình thì Hà nghe có tiếng loa thông báo: “Người mặc áo đen không được nhận gạo”, cô bất ngờ, trả lại túi và đi về.
10X không biết khi đó đang có người quay lén rồi đăng hình ảnh của mình lên với lời bình luận sai sự thật.
Những ngày qua, cuộc sống của Hà có nhiều xáo trộn vì đoạn clip lan truyền trên mạng.
Trong clip lan truyền trên mạng, người quay có ý nói Hà không phải người khó khăn vì được xe máy chở đến nên đã bị đuổi đi. Thực tế, hai người chở Hà đến chỉ là người quen và họ không hề lấy gạo.
“Khi ấy mình không nghe rõ lắm, chỉ nghĩ họ không cho thì mình đi về thôi. Không ngờ, mọi chuyện lại thành ra như vậy. Thấy nhiều người bình luận chửi, nói mình lừa đảo khiến mình rất sợ, hoảng loạn không dám bước ra khỏi nhà”, Hà kể.
Ít ngày sau, cha của Hà gọi điện từ quê lên trách cứ khi xem được clip và đọc những lời bình luận chửi bới con. “Ba gọi lên cứ chửi thôi, không giải thích gì cả. Lúc đó mình rất buồn”, cô nhớ lại.
Sau khi hiểu nhầm được tháo gỡ, mọi người càng thương Hà hơn. Rất nhiều mạnh thường quân liên tục gọi điện, nhắn tin muốn giúp đỡ. Họ đến tận nhà trọ gửi quà hoặc gửi qua đường bưu điện.
Hà vui và cảm động trước tấm lòng hảo tâm, biết ơn khi dù xa lạ nhưng mọi người quan tâm và yêu quý mình đến vậy. Tuy nhiên, sau những sự việc vừa qua, điều Hà mong muốn nhất là câu chuyện lắng xuống và cuộc sống trở lại bình thường như trước đây.
Trao lại quà cho những người khó khăn hơn
Đến ngày 22/4, vẫn còn nhiều người gọi điện hoặc tìm đến nơi để giúp đỡ. Có người muốn gửi vài triệu đồng, người đến cho bao gạo, thậm chí có người tặng Hà cả xe máy để đi lại. Song Hà từ chối, không nhận nữa vì cảm thấy đã nhận đủ.
Hà chỉ giữ lại một ít nhu yếu phẩm đủ dùng, còn lại cô mang đi tặng cho những người khó khăn hơn.
“Từ hôm qua, mình mang gạo, mì và đồ ăn được cho để đi gửi tặng những người khác. Chiều qua mình mang gạo sang tặng cho ngoại của một người bạn. Sau đó nhờ cô chủ nhà đưa đi trao quà cho một số hoàn cảnh khó khăn trong khu phố”, cô nói.
Hà mang phần lớn quà từ thiện đi tặng lại cho những người khó khăn mà cô biết.
Từ sáng sớm hôm nay, nhiều bạn bè đã đến giúp Hà chở hết phần gạo, đồ ăn còn lại đưa đến tặng nhà tình thương.
“Hiện mình đã tìm được công việc mới, cũng không còn nhiều khó khăn. Mình mong mọi người không gửi quà cho mình nữa, hãy để tặng lại cho những người thực sự khó khăn hơn”, cô nói
Đào Phương
Đơn vị 'ATM gạo' chính thức lên tiếng vụ tài khoản facebook miệt thị cô gái 15 tuổi và xúc phạm cộng đồng LGBT
Đơn vị này khẳng định, tài khoản facebook tên Vũ Uyên Nhi không phải là nhân viên của 'ATM gạo'. Những phát ngôn cá nhân của người này đang làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của công ty.
Câu chuyện cô gái tóc ngắn bị từ chối tại 'ATM gạo' một lần nữa được chú ý trên mạng xã hội khi một tài khoản có tên là Vũ Uyên Nhi liên tục cập nhật những status miệt thị, chỉ trích và thậm chí là xúc phạm cộng đồng LGBT.
Clip: Cô gái 15 tuổi bị từ chối ở 'ATM gạo'
Theo nội dung đăng tải, tài khoản này cho rằng gạo dành cho người nghèo, người khó khăn. Do vậy, ai đi nhận gạo từ thiện cần ăn mặc 'giống người nghèo', 'đi bộ hoặc xe đạp'.
Về trường hợp cô gái 15 tuổi, tài khoản này cho rằng việc từ chối phát gạo cho em cũng có mặt tích cực. Nhờ những clip đăng tải, mọi người mới biết đến em mà giúp đỡ. 'Ví dụ hôm đó cho 2kg gạo rồi thôi, ăn vài hôm hết. Nhờ chị Đ. đuổi mà bạn này được giúp đỡ gấp 1.000 lần nên mình nghĩ bạn này nên mang ơn chị Đ.', tài khoản Vũ Uyên Nhi viết.
Hình ảnh trên trang cá nhân của Vũ Uyên Nhi.
Đặc biệt, người này còn chia sẻ quan điểm với lời lẽ kỳ thị cộng đồng LGBT sau khi bị dân mạng chỉ trích.
Tiếp sau đó, tài khoản giả mạo này còn thay mặt những người tổ chức 'ATM gạo' 'xin lỗi do sai sót nhỏ' khiến nhiều người lầm tưởng người này là thành viên ban tổ chức 'ATM gạo' ở đường Vườn Lài.
Những dòng satus gây phẫn nộ của tài khoản Vũ Uyên Nhi.
Một trong những status được chú ý, người này còn nhắc đến tên nhân viên phát loa trong clip khiến nhiều người hiểu lầm là đồng nghiệp của nhân viên 'ATM gạo'. Để rồi phía đơn vị này cũng nhận về không ít chỉ trích, dèm pha.
Một chi tiết đáng chú ý là chiều 21/4, tài khoản Vũ Uyên Nhi - người bị giả mạo cũng đã lên tiếng khẳng định đó không phải là mình. Việc bị sử dụng hình ảnh và họ tên với mục đích xúc phạm và bôi nhọ người khác khiến 'chính chủ' nhận về không ít bình luận phẫn nộ, chửi bới.
'Chính chủ' lên tiếng khi bị dân mạng tấn công.
Đại diện Công ty PHGLock (đơn vị sáng chế 'ATM gạo') cũng cho biết tài khoản ảo tên Vũ Uyên Nhi không phải nhân viên công ty và hiện đang làm rõ chuyện tài khoản ảo này đăng nhiều bài viết ảnh hưởng uy tín của nhân viên công ty, xúc phạm người đến nhận gạo.
Hiện tại, trang facebook giả mạo đã khóa, tuy nhiên những phát ngôn của người này đã được chụp lại và vẫn gây phẫn nộ trong dư luận.
Sóc nâu
Cô gái 15 tuổi bị từ chối ở 'ATM gạo' nghẹn ngào thông báo đã có việc làm, sẽ cố gắng sống tốt Cô gái cho biết, vì thất nghiệp trong mùa dịch nên phải ở nhà, không còn gạo mới phải cầu cứu cây 'ATM gạo', nào ngờ gặp phải chuyện ngoài mong muốn. Thời gian gần đây, clip ghi lại hình ảnh cô gái tóc ngắn bị từ chối khi đến nhận gạo ở 'ATM gạo' trên đường Vườn Lài (Q.Tân Phú, TP. HCM)...