Cô gái 23 tuổi đột quỵ do một nguyên nhân phổ biến
Liên tiếp trong thời gian ngắn, nhiều người trẻ bị đột quỵ xuất huyết não, nguyên nhân chủ yếu do ’ sát thủ thầm lặng’ mang tên tăng huyết áp.
Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng – Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, ông liên tục nhận được thông tin các ca đột quỵ ở người trẻ. Một bệnh nhân nữ sinh năm 2001 vào viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu dữ dội. Bác sĩ chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não, hiện người bệnh đang thở máy.
Phó giáo sư Thắng chia sẻ, các bác sĩ vẫn đang hồi sức tích cực cho bệnh nhân nhưng cơ hội hồi tỉnh mỏng manh, nếu cứu sống được, di chứng vẫn nặng nề. Gia đình “khóc hết nước mắt” vì người bệnh còn trẻ, cao huyết áp không uống thuốc.
Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.
Trường hợp khác là nữ bệnh nhân 38 tuổi được người thân chuyển đến từ Cần Thơ. Phim chụp CT cho thấy hình ảnh xuất huyết rất lớn bán cầu T. Với thể tích máu lớn như vậy, khả năng cứu sống gần như bằng không. Cô đến phòng cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn 2 bên, huyết áp 240 mmHg. Gia đình hoàn toàn không biết bệnh nhân đã bị tăng huyết áp trước đó. Cấp cứu vào buổi trưa, đến chiều, các y bác sĩ giải thích không thể cứu được nên gia đình đã đưa bệnh nhân về lo hậu sự.
Phó giáo sư Thắng cho biết, từ tháng 11 tới nay, ông liên tục nhận được các cuộc gọi “gửi gắm” người thân bị đột quỵ, đa phần đều là chảy máu não và bệnh nhân còn rất trẻ, có tiền sử tăng huyết áp.
Đột quỵ có hai thể là nhồi máu não và xuất huyết não. Cho đến nay, y học hiện đại vẫn gặp khó khăn với cấp cứu xuất huyết não. Tỷ lệ tử vong cao, di chứng nhiều.
Nghiên cứu Enrich của Giáo sư Gustavo Pradilla công bố tại nghị thường niên Phẫu thuật Thần Kinh Mỹ cho thấy phẫu thuật chọc hút xâm lấn tối thiểu có thể cho hiệu quả khác biệt so với điều trị nội khoa đơn thuần. Tuy nhiên, ít bệnh viện tại Việt Nam (đặc biệt là bệnh viện công lập) có thể thực hiện kỹ thuật này theo đúng quy trình vì gặp khó khăn về dụng cụ. Khi gặp bệnh nhân xuất huyết não, các thầy thuốc đều hiểu, điều trị nội khoa bảo tồn tác động rất ít đến diễn tiến bệnh.
Vì vậy, dự phòng xuất huyết não được xem là vấn đề quan trọng. Trong đó, tăng huyết áp là “thủ phạm” gây ra hơn 90% trường hợp xuất huyết não. Việc kiểm soát chặt huyết áp là chiếc chìa khóa vàng trong điều trị phòng ngừa.
Video đang HOT
Theo khuyến cáo hiện nay của Hội Đột quỵ Mỹ, huyết áp nên được duy trì dưới 130/80 mmHg đối với các bệnh nhân có tiền căn xuất huyết não. Trên những bệnh nhân tiền căn đột quỵ có mức huyết áp bình thường dưới 120 mmHg.
Theo y văn, 70% trường hợp đột quỵ có thể tránh được nếu được dự phòng sớm, đối với xuất huyết não tỷ lệ này còn lớn hơn. Mức huyết áp tâm thu ổn định trong khoảng 90-120 mmHg giúp người bệnh tránh biến cố.
Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam, bác sĩ Thắng cho biết việc tuân thủ điều trị, đặc biệt ở người trẻ, là trở ngại rất lớn. Hầu hết người bị tăng huyết áp đều không có triệu chứng trước khi đột quỵ. Nhiều bệnh nhân trẻ đến khám với huyết áp 240 mmHg nhưng vẫn không có biểu hiện gì khác lạ.
Tăng huyết áp ở người trẻ có nhiều nguyên nhân. Trong đó, ăn nhiều thức ăn nhanh, chế biến mặn dễ gây tăng huyết áp.
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi động mạch não bị nứt vỡ và chảy máu vào nhu mô não. Trong vòng vài phút, các tế bào não chết đi gây ra các biến chứng về thần kinh và vận động liên quan đến vùng não bị tổn thương. Triệu chứng là đột ngột buồn nôn, nôn, đau đầu, nhanh chóng thay đổi ý thức, hôn mê.
Xuất huyết não nguy hiểm như thế nào?
Xuất huyết não là tình trạng vỡ mạch trong não đột ngột, dẫn đến tổn thương cả mô não nên mức độ ảnh hưởng đến chức năng thần kinh sẽ nặng nề hơn nhồi máu não.
Theo nghiên cứu, xuất huyết não ít gặp hơn nhồi máu não chiếm khoảng 20% nhưng tỷ lệ tử vong và di chứng cao hơn.
Nguyên nhân, đối tượng dễ mắc xuất huyết não
- Nguyên nhân xuất huyết não
Xuất huyết não tiên phát:
Do bệnh lý xơ vữa, thoái hóa vi thể thành mạch thường do hậu quả của tăng huyết áp kéo dài, rối loạn mỡ máu. Khi người bệnh có cơn tăng huyết áp sẽ làm tăng áp lực lên thành mạch yếu và vỡ ra gây chảy máu não.
Vùng chảy máu sẽ đè đầy trực tiếp mô não xung quanh, sẽ gây viêm hoại tử mô não và làm nhồi máu não thứ phát, và tiếp diễn quá trình hoại tử và khiến xuất huyết tiếp tục và khó cầm, khiến khối xuất huyết tăng dần. Khi kích thước đủ lớn sẽ chèn ép não, tăng áp lực nội sọ, phù não nặng, gây tụt kẹt não và chết não.
Xuất huyết não thứ phát:
Căn nguyên dị dạng mạch máu (phình mạch, thông động-tĩnh mạch, rò động-tĩnh mạch màng cứng, dị dạng mạch thể hang), biến chứng chảy máu sau nhồi máu, bệnh lý rối loạn đông máu, các khối u não chảy máu. Diễn biến sau đó cũng gây vòng xoáy bệnh lý như trên. Xuất huyết não do chấn thương sọ não có cách xử trí khác liên quan đến ngoại khoa nên thường không đề cập trong đột quỵ xuất huyết não.
Về mặt vị trí, chảy máu trong não không do chấn thương được chia thành xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết khoang dưới nhện, xuất huyết trong nhu mô não và xuất huyết trong não thất. Mỗi vị trí chảy máu cỏ thể gợi ý vùng tổn thương, mạch máu tổn thương, dạng xuất huyết để có phương án xử trí thích hợp.
Yếu tố nguy cơ mắc xuất huyết não:
Tuổi cao, tiền sử đột quỵ não, nghiện rượu, nghiện ma túy
Người mắc bệnh lý nền như: tăng huyết áp, rối loạn đông máu, dùng thuốc chống đông, điều trị thuốc tiêu sợi huyết (trong nhồi máu não hoặc nhồi máu cơ tim cấp), dị dạng động mạch não, viêm mạch, bệnh amyloidosis não, u tân sinh nội sọ.
HÌnh ảnh tổn thương xuất huyết não
Biểu hiện xuất huyết não
Các triệu chứng xảy ra đột ngột, dữ dội, thường là trong khi vận động nặng. Với biểu hiện bao gồm nôn, đau đầu dữ dội, rối loạn ý thức. Thường nặng trong những giờ đầu ở bệnh nhân xuất huyết não. Sau 12 giờ đầu, bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn.
Đôi khi có dấu hiệu màng não. Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có dấu hiệu sốt, bạch cầu ngoại vi tăng cao. Đây là điểm khác biệt so với nhồi máu não.
Ngoài ra, xuất huyết não còn có biểu hiện: Chóng mặt, mất thăng bằng và phối hợp vận động, nhạy cảm với ánh sáng, có vấn đề về tầm nhìn ở một hoặc cả hai mắt, cổ cứng, liệt hoặc bất tỉnh trong trường hợp nặng. Yếu một cánh tay hoặc chân. Mất tỉnh táo, hôn mê. Khó nói hoặc khó hiểu được lời nói. Khó nuốt, có vị lạ trong miệng. Khó đọc hoặc viết.
Điều trị xuất huyết não Xuất huyết não là một cấp cứu, nên cần tuân theo nguyên tắc ưu tiên ổn định đường thở, hô hấp, mạch huyết áp. Tiếp đến là kiểm soát chảy máu, tình trạng co giật, huyết áp và áp lực nội sọ.
Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ chỉ định có thể sử dụng các loạt thuốc an thần, giảm đau, dùng thuốc cắt cơn co giật. Điều chỉnh rối loạn đông máu (thuốc cầm máu, truyền các yếu tố đông máu nếu thiếu hụt như tiểu cầu, huyết tương).
Chống phù não, giảm áp lực nội sọ...Phẫu thuật lấy huyết khối nội sọ, dẫn lưu não thất, can thiệp nội mạch xử trí dị dạng mạch máu não.
Ngoài ra, người bệnh cần được chăm sóc hỗ trợ, điều chỉnh các tình trạng bệnh đi kèm (ví dụ như sốt, nhiễm trùng, thiếu oxy máu, mất nước, tăng đường máu, tăng huyết áp).
Tóm lại: Xuất huyết não là một dạng của đột quỵ, khá thường gặp trên lâm sàng và tiên lượng tử vong cao. Đối với bệnh lý này thì việc thực hiện đúng thao tác xử trí xuất huyết não tại chỗ có vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm đến trí tuệ và tính mạng của người bệnh.
Dự phòng và điều trị các biến chứng trong giai đoạn cấp tính cũng như giai đoạn hồi phục giúp hỗ trợ người bệnh tránh biến chứng, vừa giúp nhanh chóng trở về trình trạng bình thường trước đây. Bởi thế khi phát hiện hoặc nghi ngờ cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế, cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ.
Cô gái xuất huyết não sau phẫu thuật thẩm mỹ, gia đình xin đưa về nhà Nữ bệnh nhân 26 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch vì xuất huyết não sau phẫu thuật nâng ngực, gọt hàm, nhổ răng khôn. Sáng 11/1, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết bệnh nhân H. (26 tuổi) đã được gia đình xin đưa về nhà do tình trạng quá nặng. Chị là bệnh nhân bị...