Cơ duyên ‘Thầy lang’ bốc thuốc thề suốt đời không lấy tiền
Đôi chân bị dị tật bẩm sinh, đi lại gặp nhiều khó khăn, vợ bỏ đi, ông Nguyễn Văn Sáu Em tìm niềm vui bằng cách tìm những cây thuốc về điều chế, chữa bệnh cho mọi người.
Thầy lang chữa bệnh miễn phí cho mọi người
Sinh ra trong gia đình có truyền thống về nghề thuốc, từ nhỏ ông Sáu Em đã theo cha học nghề, được truyền dạy lại những bài thuốc đặc trị bệnh gan và loạn tim. Trước kia, vì cuộc sống mưu sinh, ông vẫn lấy tiền của bệnh nhân. Tuy nhiên khi đứa con trai thứ hai vừa được 2 tuổi thì bị bệnh rất nặng, các bác sĩ đều nói cháu khó qua khỏi cơn nguy kịch. Lúc đó, ông Sáu Em đã lên chùa cầu nguyện và tự thề trước tượng Quan Thế Âm Bồ Tát rằng: “Chỉ cần ơn trên phù hộ cho con trai được khỏe mạnh, con xin tình nguyện bốc thuốc không công suốt kiếp này”. Hơn 10 ngày sau, con trai của ông khỏi bệnh và được xuất viện. Từ đó để thực hiện lời thề, ông Sáu Em bốc thuốc, chữa bệnh mà không bao giờ đòi hỏi tiền của bất kỳ ai.
Nhờ các phương thuốc bí truyền, ông Sáu Em rất giỏi trong việc điều chế thuốc trị bệnh loạn tim và bệnh gan. Bình quân, mỗi ngày có khoảng 50 lượt bệnh nhân từ các xã trong huyện An Phú tới khám và bốc thuốc, còn có người ở tận Cần Thơ, Kiên Giang cũng tìm đến.
Gia cảnh nghèo khó, bản thân lại bị tật nguyền, mãi tới năm 31 tuổi, ông Sáu Em mới lập gia đình. Ban đầu, cuộc sống của vợ chồng tương đối hạnh phúc. Tuy nhiên, càng về sau, người vợ càng tỏ ra quá đáng, thường xuyên cáu gắt chồng vì chuyện tiền bạc. Khi có hai đứa con trai, kinh tế gia đình càng trở nên khó khăn, chật vật. Người vợ đã thẳng thừng tuyên bố với chồng, nếu không bán đất để lấy tiền thì sẽ ly hôn. Vì mảnh đất ấy cha để lại cho hai anh em nên ông Sáu Em quyết định không bán. Mấy tháng sau, hai người dẫn nhau ra tòa, chính thức chấm dứt quan hệ vợ chồng. Người vợ dẫn theo con trai đầu mới 5 tuổi ra đi, bỏ lại chồng và đứa con trai thứ hai mới 3 tuổi.
Hụt hẫng vì người vợ quá cạn tình, ông tâm sự có lúc định buông xuôi tất cả. May nhờ sự cưu mang của người anh trai và bà con xóm giềng, ông mới gắng gượng vượt qua được khoảng thời gian đau buồn ấy. Nhớ lại khoảng thời gian 14 năm trước, ông trầm ngâm: “Tôi bị tật từ nhỏ, đi lại khó khăn, sức khỏe không có, bốc thuốc lại không công nên kinh tế gia đình rất eo hẹp. Không bán đất nên ly dị, chuyện quá phũ phàng khiến tôi rất chán nản. Tình nghĩa vợ chồng mà người ta coi như trò chơi con nít”.
Video đang HOT
Ông Sáu Em thú thực, ông không đòi, nhưng thỉnh thoảng thoảng vài bệnh nhân đến bốc thuốc, thấy hoàn cảnh đáng thương nên dúi tiền. Cuộc sống của hai cha con vẫn phải nương nhờ vào người anh trai chạy làm nghề xe ôm là chính. Vậy thuốc lấy từ đâu ra? Ngoài số dược liệu ông tự kiếm tìm, còn có Hội y học cổ truyền huyện An Phú chuyển dược liệu đến theo yêu cầu. Năm 2006, UBND xã Vĩnh Trường cũng đã vận động và xây dựng cho ông một phòng thuốc để tiện lợi hơn trong việc khám chữa bệnh.
Ông Huỳnh Văn Vong (SN 1983, phó ấp Vĩnh Bình) xác nhận: “Ông Sáu Em vừa thuộc diện hộ nghèo, vừa có giấy chứng nhận tàn tật nhưng 15 năm nay vẫn bốc thuốc giúp người là chính”.
Một chi tiết rất thú vị, đó là khả năng tự nổi trên mặt nước của ông Sáu Em. Ông hào hứng: “Năm lên 8 tuổi, cha và anh trai đưa tôi ra sông tập bơi. Ai ngờ chẳng cần tập tôi cũng biết bơi. Khi xuống nước, dù tay chân không cử động nhưng người tôi cứ nổi phềnh lên”. Để chứng thực, ông cởi phăng đồ ra sông tắm. Hơn 10 phút dưới nước, tự đan tay, vắt chéo chân, nằm giữa dòng sông nhưng ông vẫn không hề chìm. Lại thêm một chuyện lạ trong cuộc đời người đàn ông này.
BOX: Một vài bài thuốc ông Sáu Em hướng dẫn có thể tự chế:
1. Bài thuốc chữa bệnh loạn nhịp tim gồm 9 loại dược liệu chính: Cây tầm gửi, ô môi rừng, chấp mao, chùm bao, chùm hôi, hồng khấu, táo nhơn, rễ tranh và lá sầu huyết. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân mà gia giảm thêm hai vị thuốc khác là nhân trần và cây hoa tinh giới. Tất cả 11 vị này đều phải phơi khô, sau đó sắc lấy nước uống. Cứ mỗi thang thuốc cho vào 4 bát nước, khi sắc lại thành 1 bát thì thuốc sẽ có công dụng tốt nhất. Theo ông Sáu Em, bài thuốc vừa có tác dụng an thần, ổn định nhịp tim vừa giúp bệnh nhân dễ ngủ. Muốn thuốc phát huy tối đa công hiệu, phải uống trước khi ăn và theo giờ giấc cố định.
2. Bài thuốc trị bệnh gan gồm 11 vị: Cây chấp mao, cây dâu mèo, cây vòi voi, cây dàn xây, cơm thảo núi, đỗ trọng, rễ tranh, bông tranh, củ các lòi, lá kê cách, trái ké đầu ngựa. Cách sắc thuốc cũng tương tự như bài thuốc trị bệnh loạn tim. Theo ông Sáu Em, đây là bài thuốc có tác dụng giải độc, làm mát gan, giúp người bệnh ăn ngon. Nếu càng uống nhiều và liên tục, thuốc càng phát huy hiệu quả.
Theo Xahoi
Cuộc đời 'làm ơn, mắc oán' của thầy lang tự học nghề chữa bệnh cho con
"Bao năm nay tôi chữa bệnh giúp người nhưng gia đình toàn gặp phải những điều không hay, khiến tôi nhiều lúc chỉ biết kêu than với trời không thể làm gì được".
Thầy lang Phúc đang chắt nước thuốc chữa cho người bệnh
Thương cô con gái đầu mắc bệnh hiểm nghèo, ông giáo Triệu Tiến Phúc (SN 1947, người dân tộc Dao, ngụ xóm Liên Thành, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) tự học nghề thuốc cứu con. Con khỏi bệnh cũng là lúc ông trở thành "thầy lang" có tiếng khắp vùng. Nhưng bất hạnh vẫn đeo đuổi, người con đó bị lừa bán sang Trung Quốc 20 năm, người con gái khác mới đây lại bị sát hại tức tưởi. Ông lang quá đau lòng, chỉ gắng gượng sống với nghề thuốc để giúp người đời.
Học nghề thuốc cứu con
Nhiều năm nay, người Dao, người Mường ở các thôn bản thuộc huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) và cả những bệnh nhân người Kinh ở dưới xuôi lên đều gọi ông một cách giản dị: "Ông Phúc đông y". Ông Phúc thấu hiểu được nỗi khổ cực của bà con dân tộc mình ở nơi sống thiếu thốn, lạc hậu. Khi chưa "chạm ngõ" nghề bốc thuốc, với mong muốn đem lại cái chữ cho người dân, ông đã tự học chữ để về dạy cho bà con và trở thành anh giáo trẻ được dân bản tin yêu. Năm 1971, ông Phúc cưới bà Phùng Thị Tình (kém 3 tuổi). Cuộc sống của một thầy giáo khó khăn, nay phải lo cho gia đình càng trở nên vất vả. Đôi vợ chồng trẻ đã cùng nhau khai hoang nhiều đồi để trồng cây, trồng chè nhằm tạo thêm thu nhập. Tuy còn thiếu thốn nhưng ngôi nhà nhỏ trên lưng chừng đồi luôn rộn vang tiếng cười.
Hạnh phúc càng tròn đầy khi người vợ sinh con gái đầu lòng vào năm 1972, đặt tên là Triệu Thị Vân. Bé con bụ bẫm, kháu khỉnh, hay ăn chóng lớn làm bao nỗi lo toan vất vả của bố mẹ như được tan biến. Nhưng bất hạnh đến khi đứa con được bốn tuổi. "Nó bỗng không chịu ăn uống, cấm khẩu, nằm như một khúc gỗ. Vợ chồng tôi mang con đi khám, bác sỹ bảo mắc bệnh viêm não Nhật Bản rất khó chữa", ông Phúc kể. Nhà nghèo nhưng vợ chồng ông vẫn lặn lội mang con đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc mong con khỏi bệnh. "Có lúc tưởng đã phải bỏ cuộc nhưng nhìn con nằm đấy, bị bệnh tật hành hạ, không ăn uống, không nói cười khiến lòng tôi quặn đau", bà Tình bồi hồi nhớ lại.
Ông Phúc vừa thương con vừa thương vợ đã gắng sắp xếp việc dạy học hợp lý để có thời gian đưa con đi chữa bệnh. Sau mấy năm trời ngược xuôi khắp nơi, cuối cùng ông bà đưa con đến chữa trị tại nhà một ông lang xã bên cạnh, không ngờ bệnh tình bé Vân ngày một chuyển biến. Thấy con có vẻ hợp thầy hợp thuốc, ông Phúc tràn trề hi vọng, quyết định xin nghỉ dạy một thời gian để sang nhà ông lang kia chăm sóc con và phụ giúp chữa bệnh. "Ban đầu, ông lang không đồng ý nhưng khi tôi trình bày hoàn cảnh, ông ấy đã giúp đỡ nhiệt tình", ông Phúc vui vẻ kể. Thời gian đầu, ông khá lóng ngóng với việc phơi khô, nghiền, sắc thuốc... Nhưng sự chăm sóc chu đáo dành cho con gái và tính chịu thương chịu khó của ông đã khiến ông lang kia cảm động, bắt đầu tỉ mẩn hướng dẫn từng đơn thuốc, thang thuốc, còn cho đi theo mỗi lần hái thuốc. "Nhiều cây thuốc tôi không biết tên, nhưng do nhìn quen trong mỗi lần theo thầy đi hái nên giờ chỉ cần nhìn cây, nhìn lá là biết cây đó dùng để chữa bệnh gì", ông Phúc cho biết.
Sau đó, ông đã được thầy lang nhận làm con nuôi và truyền hẳn nghề. Khi cô con gái được chữa khỏi bệnh cũng là lúc ông Phúc học thành thạo và trở thành một thầy lang "chính hiệu" chuyên bốc thuốc chữa bệnh cứu người.
Con vừa khỏi bệnh đã bị lừa bán sang Trung Quốc
Tâm sự hoàn cảnh gia đình, ông Phúc buồn rầu: "Bao năm nay tôi chữa bệnh giúp người nhưng gia đình toàn gặp phải những điều không hay, khiến tôi nhiều lúc chỉ biết kêu than với trời không thể làm gì được". Gia đình có chín người con (hai trai, bảy gái), cảnh nghèo, con đông, cuộc sống chật vật. Mới đây, vào ngày 30 Tết Giáp Ngọ, cô con gái út tên Triệu Thị Phượng (SN 1995) lấy chồng cùng xóm bị người chú giở trò đồi bại và nhẫn tâm giết hại.
"Con gái tôi lấy chồng chưa được bao lâu nhưng chồng nó không may gặp tai nạn giao thông qua đời. Thấy nó còn trẻ, người chú họ gần nhà thường mon men rình mò, tán tỉnh nhưng bị nó từ chối, còn đem chuyện kể cho vợ chú biết. Vợ chồng hắn ta cãi nhau. Hắn tức mình qua trút giận lên con tôi. Cháu ngoại tôi mới hơn hai tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ", ông Phúc nghẹn ngào. Vừa dứt tâm sự về người con vắn số, ông Phúc lại đưa tay chỉ người phụ nữ đang bận rộn chắt nước thuốc cho bệnh nhân, giới thiệu chính là Triệu Thị Vân, cô con gái đầu từng mắc bệnh viêm não.
Nhìn con gái với ánh mắt đầy yêu thương, ông tâm sự: Vân mới trở về nhà được hơn một năm sau 20 năm bị lừa bán sang Trung Quốc. Năm 1993, sau khi được cha chữa khỏi bệnh, cô bé gặp nạn trong một lần đi cắt tóc ở thị trấn Thanh Sơn. "Chúng tôi tưởng đã mất hẳn đứa con gái tội nghiệp, nào ngờ sau 20 năm, nó vượt qua bao khổ cực đã trở về đoàn tụ với cha mẹ và các em", ông nói. Theo lời kể, hôm đó Vân về nhà sau một ngày theo bố đi hái thuốc khá vất vả. Biết bố vui vì hái được nhiều cây thuốc quý, cô gái mạnh dạn xin phép xuống thị trấn Thanh Sơn vui chơi và làm tóc. Dù không yên tâm để con gái mới khỏi bệnh đi một mình, nhưng ông vẫn bằng lòng chiều con.
Trước khi con đi, ông còn dúi cho con dăm ba đồng mua đồ. "Bệnh tình Vân chưa khỏi hẳn, lúc nó ra khỏi nhà, tôi còn dặn với theo đi đường cẩn thận, đừng tiếp xúc với người lạ và phải nhanh về cho sớm", vợ ông Phúc cho hay. Tới 19h chưa thấy con gái về, cả nhà mới tá hỏa đi tìm, xuống tới thị trấn được người ta cho biết: "Con gái ông bà đã bị kẻ xấu lừa bán sang biên giới Trung Quốc". Ông bà quá thương con, phải mất một thời gian rất lâu sau đó mới lấy lại được tinh thần. Ông Phúc nhớ lại: "Không tin con gái bị người ta lừa, vợ tôi ngày ngày bắt tôi đi hỏi người quen xem Vân có qua đó chơi không... Nhưng tin tức về con ngày một biệt tăm biệt tích. Ngay cả cơ quan công an cũng đành bó tay trước sự mất tích của nó".
Ngày đoàn viên không trọn vẹn
Chị Vân nãy giờ ngồi im lặng nghe bố mẹ kể chuyện, bắt đầu trải lòng: Chiều hôm đó chị đang ngồi làm tóc, bất ngờ một người đàn bà tới vỗ vai cười nói như đã thân quen từ trước. "Bà đó rủ đi uống bia. Tôi bảo không biết uống. Nhưng bà ta nài nỉ và cứ thế kéo tôi qua một quán bia, ép phải uống. Có thể cốc bia có thuốc mê nên mới uống được một ngụm tôi đã gục xuống bàn không biết gì", Vân kể. Lúc tỉnh lại, chị thấy mình ở một nơi rất xa lạ, hỏi người bên cạnh mới biết đã bị đưa sang biên giới Trung Quốc.
Người con gái tiếp tục kể về chuỗi ngày khốn khổ nơi xứ người: "Chúng cho tôi uống thuốc nằm mê man mất 3 ngày. Tỉnh lại, tôi thấy mình đang ở trong một ngôi nhà khá giả, sạch sẽ, gọn gàng. Chúng bảo sẽ đưa tôi đi gặp "chồng" tương lai. Tôi sợ quá kêu lên liền bị đánh đấm cho tối tăm mặt mũi". Cuối cùng chị bị bán làm vợ một người đàn ông Trung Quốc tên A Chén với giá 5 triệu đồng.
Theo Xahoi
Bài thuốc phù phép "biến gái thành trai" của thầy lang dỏm Với tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhiều cặp vợ chồng đã không quản xa xôi tìm đến đất Phú Khê, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên tìm thầy lang Nguyễn Trọng Bằng xin thuốc sinh con trai, để mong sau này có người "chống gậy". Bài thuốc của thầy lang này uống vào lúc chị em đã có thai(!?)....