Cô dâu ôm vàng, bỏ trốn trong đêm tân hôn
Mặc dù vụ việc xảy ra đã gần một tháng nhưng chuyện cô dâu bỏ trốn ngay đêm tân hôn vẫn đang là đề tài nóng, được bà con xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, Bình Định bàn tán xôn xao.
Chú rể Phạm Văn Được (SN 1987, ở xã Nhơn Hậu) bị cô dâu Hồ Thị Ngọc Ý (SN 1991, ở xã Nhơn Khánh) bỏ đi khi tiệc cưới đang diễn ra đã không giấu được nỗi buồn khi kể lại sự việc mà theo anh, khó có thể quên được trong đời mình.
Anh Được (áo màu sậm) tâm sự về chuyện xảy ra trong ngày vui của đời mình
Hôm đó, khoảng 11 giờ ngày 21-5, xe đưa dâu từ xã Nhơn Khánh về xã Nhơn Hậu, khi qua cầu Gò Quan thuộc địa phận thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu thì bị 4 thanh niên đeo khẩu trang, đi trên 2 mô tô chặn đường không cho cô dâu về nhà chồng.
Một người trong họ nhà gái đã xuống xe khuyên can nhóm thanh niên đó và họ đã bỏ đi, xe hoa tiếp tục lăn bánh. Lễ tân hôn được họ nhà trai cử hành đúng vào giờ hoàng đạo và diễn ra suôn sẻ cho đến tối hôm đó.
Theo thông lệ, sau khi tiếp đãi họ hàng, cô dâu chú rể mở tiệc tiếp đãi bạn bè. Khoảng 20 giờ, các bàn tiệc đã đủ người, đến giờ ra mắt bạn bè bỗng nhiên cô dâu Hồ Thị Ngọc Ý “biến mất” cùng với sính lễ gồm 10 chỉ vàng 24K và toàn bộ phong bì mừng cưới trong tiệc đãi bạn.
Anh Phạm Văn Được bàng hoàng, gọi điện thoại di động cho vị hôn thê nhưng không liên lạc được. Gọi cho gia đình Ý thì mọi người bảo không biết Ý đi đâu…
Video đang HOT
Sau khi sự việc xảy ra, cha mẹ chú rể và cha mẹ cô dâu đã gặp nhau để tìm cách giải quyết. Lúc đầu, cha mẹ cô dâu đồng ý sẽ trả lại cho cha mẹ chú rể số nữ trang và tiền con gái họ mang đi; nhưng sau đó lại nói chừng nào có thì trả và ông Hồ Ngọc Tuấn – cha cô dâu- thách thức ông Phạm Văn Ánh – cha chú rể: “Có tức thì đi kiện đi!”.
Ảnh cưới của anh Được, chị Ý (do chú rể cung cấp)
Và, họ đã kiện nhau. Cả hai gia đình chính thức gửi đơn đến chính quyền địa phương và cơ quan pháp luật huyện An Nhơn. Cha mẹ cô dâu đề nghị làm rõ việc con gái họ là Hồ Thị Ngọc Ý mất tích; cha mẹ chú rể Phạm Văn Được yêu cầu cha mẹ cô dâu trả lại cho họ sính lễ gồm 10 chỉ vàng 24K và số tiền mừng cưới Ý mang đi khi bỏ trốn khỏi nhà chồng.
Công an huyện An Nhơn cho biết, đây là một vụ tranh chấp dân sự. Theo thông tin ban đầu, trước khi quen anh Được, Hồ Thị Ngọc Ý đã có người yêu nhưng mối tình của họ không được gia đình chấp nhận…
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là khi đã chấp nhận hôn nhân với anh Được và hai bên đã đăng ký kết hôn (tại UBND xã Nhơn Khánh vào ngày 29-3-2011) nhưng chị Ý vẫn giữ mối quan hệ với người yêu cũ và chuẩn bị khá chu đáo cho việc bỏ trốn trong đêm tân hôn. Hành vi đó phải bị phê phán và xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Về phần chú rể, anh Được tâm sự, anh không có ý định cướp người yêu của ai, chị Ý đã tự nguyện nhận lời cầu hôn của anh. Gia đình anh không khá giả gì, phần lớn chi phí để lo đám cưới cho anh, gia đình phải vay mượn của bà con, họ hàng. Chị Ý bỏ trốn trong ngày cưới đã để lại cho gia đình anh món nợ lớn và bao nhiêu phiền não, tủi hổ.
Anh Phạm Văn Được khẳng định, giữa anh và chị Hồ Thị Ngọc Ý đã là vợ chồng, được pháp luật bảo vệ; việc chị Ý bỏ trốn để sống chung với người khác như vợ chồng là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, anh cũng không muốn cô gái đó phải đối diện với pháp luật, chỉ mong sao mọi việc được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, chị Ý được sống hợp pháp với người mình yêu và danh dự, quyền lợi của anh được bảo vệ.
Theo Pháp Luật TP
Những trai làng nổi máu côn đồ
Tòa án nhân dân huyện An Nhơn (Bình Định) đã đưa vụ án Trương Đắc Thời cùng đồng bọn đánh người gây thương tích xảy ra chiều 4/8/2010 tại xã Nhơn Lộc (An Nhơn) ra xét xử hình sự sơ thẩm và tuyên tổng hình phạt 107 tháng tù. Trong 12 bị cáo đứng trước vành móng ngựa có 2 người đang là sinh viên.
Chiều 4/8/2010, sau khi ăn nhậu "đủ đô" tại quán Trúc Đào thuộc thôn Thọ Tân Bắc (xã Nhơn Tân, An Nhơn) đến 16h Huỳnh Hà Ngọ (SN 1990) rủ Trương Đắc Thời, Dương Phú Hoàng (đều sinh năm 1992) Cao Văn Tường, Trình Văn Hiếu (đều sinh năm 1991) Trình Tuấn Nam (SN 1990), Nguyễn Hồng Vương (SN 1988) đều ở xã Nhơn Lộc Tạ Quang Toàn (SN 1990), Dương Quốc Đạt (SN 1990), Nguyễn Đức Thành (SN 1993) ở xã Nhơn Tân, Tạ Thành Đô (SN 1993) ở xã Nhơn Hòa và Trần Văn Vinh (SN 1992) ở xã Nhơn Thọ cùng đến nghĩa địa Núi Thơm thuộc thôn Tráng Long (xã Nhơn Lộc) để viếng mộ một người bạn quá cố.
Trương Đắc Thời cùng đồng phạm tại phiên tòa HSST 22.4.2011.
Trên đường đi Vương nói: "Nếu gặp thanh niên Tráng Long đánh luôn, do hồi bữa tao lên đá banh tụi nó láo với tao!". Nghe vậy cả bọn gật đầu đồng ý. Khi thắp nhang cho người bạn xong, nhóm thanh thiếu niên ra khỏi nghĩa địa thì gặp Huỳnh Hữu Có điều khiển xe máy chở sau Võ Tường Duy (đều SN 1991, ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc) vào viếng mộ người thân.
Thấy vậy Trương Đắc Thời rỉ tai đồng bọn: "Hôm bữa tao xuống Trường Cửu chỗ nó chơi, bạn của nó đánh tao, bây giờ quay lại đánh nó tụi bay". Theo chỉ dẫn của Thời, cả nhóm hùng hổ quay xe lại chạy đuổi theo xe máy của Có và Duy.
Khi xe tới nơi Nguyễn Hồng Vương đến gần lên giọng đàn anh, hỏi Duy: "Mầy ở đâu?". Duy lịch sự trả lời: "Ở Trường Cửu". Liền đó Thời chạy đến dùng tay đánh trúng vào mặt Duy hai cái, thấy Duy loạng choạng muốn ngã Nam, Tường dùng tay đấm mạnh vào bụng Duy. Bị số đông đánh bất ngờ liên tiếp Duy trúng đòn ngã ngửa ra đất thì bị Vương bồi tiếp một đá vào bụng. Đang "hăng máu" Thời lấy một viên gạch 6 lỗ ném vào đầu Duy, Duy ôm đầu đỡ nên chỉ bị thương tích ở vành tai. Thấy Thời lấy gạch, Tường ngăn: "Đánh tay chứ đừng dùng gạch đá". Duy thừa cơ vùng dậy bỏ chạy liền bị Vinh cầm mũ bảo hiểm rượt theo đánh, nhưng Duy đã chạy thoát.
Lúc này Huỳnh Hữu Có thấy Duy bị Vương, Thời cùng đồng bọn đánh ngã, hoảng quá bỏ chạy ra hướng cổng nghĩa địa thì bị Vương, Thời, Tường, Ngọ, Hiếu đuổi theo. Không để cho Có thoát thân, Hoàng điều khiển xe mô tô chở sau Thành, Toàn, Đạt rượt đuổi. Khi cách Có khoảng 5 mét Hoàng dừng xe để Thành, Toàn, Đạt lao xuống đánh túi bụi vào người Có. Thời cũng đuổi kịp dùng gạch 6 lỗ đập vào đầu Có làm bị thương vùng thái dương bên phải, Ngọ đạp vào bụng Có ngã xuống đất thì bị Cao Văn Tường nhảy lên để hai đầu gối thúc vào người và Vương lấy gạch 6 lỗ nện tiếp vào đầu làm Có bất tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thảo (SN 1939) trông coi nghĩa địa Núi Thơm thấy đánh nhau đã la lớn: "Tui bay quậy phải không?" liền bị Vương lấy đá ném. Ông Thảo sợ bị đánh nên cũng bỏ chạy. Sau đó cả nhóm chở nhau chạy về hướng xã Nhơn Tân. Còn Võ Tường Duy chạy trốn gặp ông Phạm Ngọc Lành (SN 1971) và anh Võ Văn Thu vác cuốc thăm ruộng. Biết Duy bị đánh nên họ khuyên vào xóm băng bó, nhưng Duy sợ vẫn nấp chờ tại bờ ruộng.
Thời điểm trên nhóm của Thời cũng đi xe máy ngang qua, ông Lành liền la lớn: "Mấy đứa kia dừng lại!". Trình Văn Hiếu nghe kêu liền dừng xe. Cao Văn Tường bước đến hỏi ông Lành: "Ông nói cái gì?". Không cho ông Lành trả lời, cả bọn xúm lại đả thương ông Lành.
Anh Thân - Con trai ông Lành - hay tin đến giải vây cho cha cũng bị nhóm côn đồ do Thời cầm đầu đánh phải bỏ chạy thục mạng, cho đến khi nhân dân địa phương kéo đến đông bọn chúng mới lên xe bỏ đi.
Tại phiên tòa ngày 22/4/2011 TAND đã tuyên phạt Trương Đắc Thời 18 tháng tù giam, Nguyễn Hồng Vương 15 tháng tù giam, Cao Văn Tường 12 tháng tù giam, Tạ Quang Toàn 9 tháng tù giam, Huỳnh Hà Ngọ 6 tháng 15 ngày tù giam, Dương Quốc Đạt 6 tháng 16 ngày tù giam, Trần Văn Vinh 6 tháng tù giam, Dương Phú Hoàng 4 tháng tù giam, Trình Văn Hiếu và Trình Tuấn Nam mỗi tên 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Nguyễn Đức Thành và Tạ Thành Đô 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo còn liên đới bồi thường 20 triệu đồng tiền đền bù tổn hại sức khỏe cho các bị hại.
Theo Người Đưa Tin