Có dấu hiệu ‘bảo kê’ cho khai thác cát lậu
Chiều 21-4, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức cuộc họp để nghe đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản (cát, đất, cát nhiễm mặn) không phép trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: Từ đầu năm 2015 đến nay Sở đã báo cáo tỉnh về tám vụ khai thác cát, đất không phép ở các huyện, TP. Trong số đó có các vụ khai thác cát tại khu vực đất quốc phòng (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) và vụ khai thác cát nhiễm mặn tại khu vực sông Mỏ Nhát (vụ này do Bộ đội biên phòng tỉnh bắt giữ 16 xà lan, ghe bầu hút cát ngày 4-4 tại xã Phước Hòa, huyện Tân Thành – PV).
Theo ông Lợi, thực trạng khai thác khoáng sản không phép vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, hầu hết thông tin về các khu vực khai thác đất, cát không phép đều không phải do chính quyền cơ sở cung cấp. Một số địa phương còn có thái độ không hợp tác, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. “Lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép quá lớn nên nhiều chủ ghe, xà lan bất chấp để khai thác cát trái phép. Hiện Sở đang khảo sát và sẽ đề xuất đưa vào quy hoạch một số điểm mỏ cho phép doanh nghiệp được cấp phép khai thác” – ông Lợi nhấn mạnh.
Hiện trường vụ biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt giữ 16 xà lan, ghe bầu khai thác cát không phép trên sông Mỏ Nhát (TP Vũng Tàu) ngày 4-4. Ảnh: TK
Đại tá Trần Công Hiểu – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ: Do địa bàn quản lý rộng, lực lượng và phương tiện không đủ khiến công tác tuần tra, mật phục và bắt giữ các ghe, xà lan khai thác cát gặp khó khăn. Các đối tượng thường tỏ ra manh động, chống đối. Nhiều xà lan, ghe từ các địa phương khác tới khai thác khiến biên phòng khó quản lý. “Vụ biên phòng bắt giữ 16 xà lan, ghe bầu khai thác trái phép ngày 4-4, qua đấu tranh ban đầu xác định có đối tượng tại xã Phước Hòa đứng ra chỉ huy và ăn chênh lệch 50.000-60.000 đồng/m3″ – Đại tá Hiểu thông tin.
Đại tá Nguyễn Văn Thưởng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá: Ở một số nơi hiện tượng có “bảo kê” cho khai thác cát lậu. Công an đã xác định có hai đối tượng tổ chức đứng đằng sau thuê ghe bầu, xà lan để khai thác rồi bán cát và đang củng cố hồ sơ, chứng cứ để xử lý.
Đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam khẳng định việc khai thác cát trái phép đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đường ống dẫn khí LPG. “Theo khảo sát, vị trí bị khai thác cát nằm cách đường ống dẫn khí 500 m về hướng cảng Thị Vải và 1 km về hướng Nhà máy Dinh Cố. Hiện nay khoảng 3 km tuyến ống đã bị lộ và có chỗ bị cong, chúng tôi phải dùng cát, đất để gia cố lại. Nếu ghe hút cát dùng máy hút đụng trúng đường ống sẽ gây nguy cơ nổ, vỡ đường ống. Vì thế chúng tôi mong các cơ quan chức năng phối hợp ngăn chặn triệt để tình trạng này. Chúng tôi sẽ hỗ trợ công tác tuần tra kiểm soát bằng phương tiện, xăng dầu” – vị này đề nghị.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Tịnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh: “Khai thác khoáng sản trái phép đang là vấn đề rất nóng mà tỉnh tập trung xử lý. Tỉnh sẽ trang bị thêm phương tiện để tuần tra kiểm soát các khu vực trọng điểm; tuyên truyền cho người dân hiểu biết các quy định pháp luật. Tỉnh cũng sẽ sớm phê duyệt quy hoạch về các điểm mỏ được phép khai thác cát nhiễm mặn phục vụ nhu cầu san lấp, xây dựng”.
TRÙNG KHÁNH
Theo_PLO
Dừng các dự án cải tạo đất ở Đà Nẵng: Huyện "qua mặt" sở
Lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường khẳng định việc cải tạo đất là một hình thức trá hình để khai thác đất đem bán và cho rằng sở này đã bị "qua mặt"...
Video đang HOT
Cán bộ Phòng tài nguyên - môi trường huyện Hòa Vang đến hiện trường giám sát việc ngưng khai thác đất của các doanh nghiệp - Ảnh: L.Trung
"Đồi đang xanh tốt mắc gì xin cải tạo đất. Cải tạo rồi lấy nước đâu mà trồng, tưới cây? Người ta làm để bán đất là chính thôi"
Ý kiến của một lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng
Liên quan tới việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng các dự án cải tạo đất do cựu chủ tịch TP Văn Hữu Chiến ký trước khi nghỉ hưu một ngày, lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường khẳng định việc cải tạo đất là một hình thức trá hình để khai thác đất đem bán.
Một đại diện lãnh đạo của Sở Tài nguyên - môi trường cho biết chỉ trong một thời gian ngắn, có không dưới sáu chủ trương cho cải tạo đất trên địa bàn huyện Hòa Vang được thông qua.
Điều đáng nói là hầu hết trong số đó đều không có sự tham mưu của cơ quan chủ quản là Sở Tài nguyên - môi trường.
Những tờ trình vượt cấp
Sáng 13-3, ông Phạm Xuân Thu - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng - cho biết nếu chiếu theo đúng chỉ thị 16 do đích thân chủ tịch TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký ban hành ngày 13-11-2013, quy trình cấp giấy phép được bắt đầu từ các hộ dân làm đơn xin cải tạo đất đồi gửi Phòng tài nguyên - môi trường huyện Hòa Vang.
Từ đây, chủ tịch UBND huyện Hòa Vang làm tờ trình gửi lên Sở Tài nguyên - môi trường TP. Nhận được tờ trình của huyện, Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng sẽ tổ chức đoàn đi khảo sát, đánh giá thực trạng cũng như lập hồ sơ khai thác.
Nếu đúng như đề xuất thực tế của địa phương thì giám đốc sở tài nguyên - môi trường tham mưu cho chủ tịch TP có văn bản đồng ý về chủ trương, đồng thời cấp phép cho khai thác.
"Đúng quy trình là vậy. Nhưng trên thực tế, các dự án xin cải tạo đất mà dư luận quan tâm gần đây hầu như không hề trình qua chúng tôi" - ông Thu nói.
Theo tài liệu, riêng trong ngày 26-12-2014, ông Trần Văn Trường - chủ tịch huyện Hòa Vang - có hai tờ trình (số 492 và 493) gửi UBND TP Đà Nẵng với nội dung: UBND huyện Hòa Vang nhận được đơn xin cải tạo mặt bằng đất gò đồi để sản xuất nông nghiệp của ông Nguyễn Duy Vinh (16.200m) và của ông Nguyễn Tuấn (14.500m) ở xã Hòa Phước.
"Qua kiểm tra nhận thấy khu đất (16.200m) gần tuyến quốc lộ 14G, vách taluy đứng có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến tuyến đường. Do vậy việc xin cải tạo, cắt tầng nhằm giảm nguy cơ sạt lở là cần thiết". Tờ trình cũng ghi rõ "trong quá trình cải tạo, san gạt mặt bằng sẽ dư đất, nên nhóm hộ ông Nguyễn Duy Vinh xin tận dụng để làm vật liệu san lấp các công trình".
Ba ngày sau khi nhận được tờ trình, chủ tịch TP Đà Nẵng (ông Văn Hữu Chiến) có công văn (số 11846 và 11847) gửi Sở Tài nguyên - môi trường và huyện Hòa Vang. Nội dung của công văn là đồng ý chủ trương đề xuất của huyện cho phép các nhóm hộ dân nói trên "được cải tạo mặt bằng đất đồi".
Nhận được công văn đồng ý của ông Văn Hữu Chiến, Sở Tài nguyên - môi trường tiến hành nghiên cứu tài liệu, hồ sơ liên quan.
Đến ngày 26-2-2015, sở có công văn phản hồi gửi UBND TP cho rằng: "Hai khu vực trên không nằm trong khu vực cho phép thăm dò, khai thác đất đồi được TP phê duyệt trước đó. Vị trí dự kiến cải tạo nằm sát quốc lộ 14G, cây cối phát triển tốt. Việc cho cải tạo tại các vị trí trên sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tại khu vực".
Từ thực tế này, ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng, kiến nghị TP xem xét dừng việc cải tạo đất tại xã Hòa Phú nhằm tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc cải tạo đất để khai thác khoáng sản, vận chuyển làm vật liệu san lấp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực.
"Nếu các tờ trình, công văn trên đi đúng trình tự, thủ tục thì không xảy ra những chuyện lùm xùm vừa rồi, đây là những tờ trình vượt cấp" - ông Nguyễn Điểu nói.
Xe tải di chuyển khỏi khu vực đồi gò thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú. Tất cả máy múc đất đã tạm ngưng hoạt động sáng 12-3 - Ảnh: Lê Trung
Dự án nhỏ, không cần tham mưu?
Ông Nguyễn Điểu cho biết theo đúng chỉ thị 16 mà UBND TP ban hành, toàn bộ việc khai thác khoáng sản hay xin cải tạo đất vườn, đồi đều phải thông qua Sở Tài nguyên - môi trường. Tuy nhiên theo ông Điểu, trong các trường hợp vừa rồi "nói trắng ra là phía văn phòng UBND đá trái bóng trách nhiệm qua sở".
Ông Điểu cho rằng trong số các dự án xin cải tạo đất nói trên, phía Sở Tài nguyên - môi trường có trình lên TP một tờ trình là xin cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác. Nếu doanh nghiệp đó được cấp thì phía sở có trách nhiệm lập hồ sơ, xác định khối lượng, vận chuyển đi đâu... Nhưng khi sở trình lên, văn phòng UBND lại biến tờ trình của doanh nghiệp thành tờ trình của cá nhân, nhóm hộ, rồi giao trách nhiệm cho UBND huyện Hòa Vang làm các thủ tục xúc tiến.
"Như vậy, nếu chiếu theo chỉ thị 16 là hoàn toàn sai. Vì công việc này thuộc về Sở Tài nguyên - môi trường" - ông Điểu nhấn mạnh.
Điều này khác với những gì mà ông Võ Văn Thương - người phát ngôn TP Đà Nẵng - nói với Tuổi Trẻ vào chiều 12-3.
Theo ông Thương, việc ký đồng ý về mặt chủ trương (cho phép cải tạo đất) của chủ tịch TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến là đúng thẩm quyền, đúng quy trình bởi có sự tham mưu hẳn hoi. Ông Thương cho rằng các dự án cải tạo đất này nhỏ về quy mô, nên cấp huyện trình và TP đồng ý, không cần phải có sự tham mưu của Sở Tài nguyên - môi trường.
Theo tài liệu, ngoài hai dự án xin cải tạo đất nói trên, ngày 19-12-2014 UBND TP Đà Nẵng còn có công văn (số 11613) đồng ý theo đề xuất của huyện Hòa Vang cho phép nhóm hộ ông Nguyễn Văn Hải (thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú) xin cải tạo 16.500m đất để sản xuất, phần đất dư dôi vận chuyển làm vật liệu san lấp.
Chỉ năm ngày sau, qua kiểm tra thực tế Sở Tài nguyên - môi trường có công văn kiến nghị dừng ngay việc cải tạo khu đất vì "khu vực cải tạo khá bằng phẳng, cây lâm nghiệp phát triển tốt. Việc cải tạo đất sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tại khu vực".
Tương tự ngày 30-12-2014, TP Đà Nẵng có công văn đồng ý về chủ trương xin cải tạo 5.584m đất của hộ ông Lê Ích Tiến (thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong) theo tờ trình của huyện Hòa Vang.
Về vụ này, Sở Tài nguyên - môi trường cũng cho rằng "việc cải tạo đất ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường", đề nghị không cho phép việc cải tạo nói trên.
Theo ông Trần Văn Dũng - trưởng phòng quản lý khoáng sản và tài nguyên nước (Sở Tài nguyên - môi trường), sở vừa thành lập đoàn đi kiểm tra và phát hiện có đến sáu nhóm hộ, cá nhân được đồng ý về chủ trương cho cải tạo đất, một số đã triển khai. Hiện phải tạm dừng việc cải tạo đất của các hộ này.
"Có gửi cả 2 nơi chứ"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Khoa - trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Hòa Vang - nói toàn bộ các tờ trình về cải tạo đất đều được huyện gửi hai nơi, đó là UBND TP và Sở Tài nguyên - môi trường.
Tuy nhiên, khi xem lại nơi nhận ghi trong các tờ trình số 492 và 493 của UBND huyện Hòa Vang, không hề thấy có Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng.
Theo ông Khoa, Sở Tài nguyên - môi trường thường chờ khi nào phía TP có "phiếu chuyển" thì mới đi kiểm tra, nên các hộ dân khi nộp đơn xin cải tạo đề nghị huyện chuyển thẳng đơn lên TP để có ý kiến cho nhanh.
Cần nói thêm, trong hầu hết các tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng, phía chính quyền huyện Hòa Vang (chủ tịch huyện Trần Văn Trường ký) đều cho rằng đó là những khu đất đồi cao, đe dọa sự sạt lở, đất đai cằn cỗi, không thuận tiện cho việc sản xuất, đề nghị cho cải tạo đất.
Thế nhưng qua kiểm tra thực tế thì Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng đều cho rằng đó là những khu vực ở địa hình thấp, độ dốc nhỏ, cây lâm nghiệp phát triển tốt... vậy nên đề nghị dừng không được cải tạo.
Theo Tuổi Trẻ
Kiến nghị xử lý 28 doanh nghiệp khai thác khoáng sản có vi phạm Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các tỉnh xử lý đối với 28 doanh nghiệp có vi phạm, khuyết điểm theo biên bản kiểm tra, xác minh mà cơ quan này và Tổng cục Địa chất- Khoáng sản đã ghi nhận. Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý 28 doanh nghiệp khai...