Có của ăn của để nhờ trồng thứ rau ưa “xê dịch”, mau xanh tốt
Cây rau nhút từ lâu đã không còn xa lạ với người dân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tuy giá thành khá cao nhưng với mùi vị thơm đặc trưng, thân ăn giòn nên loại rau này rất được ưa chuộng. Cây rau này cũng giúp không ít hộ dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Thu 1 triệu đồng/ngày
Chúng tôi tìm đến nhà của ông Đào Văn Hai (67 tuổi) – hộ trồng rau nhút tại ấp Trầu, xã Phước Thiền. Ông Hai có thâm niên trồng rau nhút gần 35 năm nên am hiểu về cách trồng sao cho loại rau này nhanh lớn và bán được giá.
Hiện, ông Hai đang trồng 0,7ha rau nhút, trung bình mỗi ngày ông thu được trên 50kg rau. Với giá bán rau nhút khoảng 22.000 đồng/kg, thu nhập của gia đình ông trên 1 triệu đồng/ngày.
Ông Đào Văn Hai (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) đang bó rau nhút để giao cho thương lái. Ảnh: Xuân Mai
Cho biết về cách chăm sóc rau nhút để rau nhút xanh tốt, ông Hai nói: “Tùy theo tháng, nếu tháng nào nước bị nhiễm mặn thì sử dụng phân PK bón cho rau nhút. Nếu trời mưa thì dùng phân đạm (urê) để bổ sung chất dinh dưỡng cho ao rau. Còn trời mưa nhiều thì không cần bón phân vì nước mưa rất tốt cho rau nhút”.
Để rau nhút có không gian phát triển, người nông dân phải thường xuyên tỉa gốc và di chuyển gốc rau nhút, nên nhiều người nói đùa rau nhút này ưa “xê dịch”. Mỗi gốc rau nhút cách nhau 1m để khi những đọt non lớn lên sẽ đan xen với nhau, dễ thu hoạch hơn.
Cách trồng rau nhút khá đơn giản. Đa phần người trồng đều lợi dụng mặt nước có độ sâu dưới 1m. Trước hết, người nông dân chọn những gốc rau khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, mỗi đoạn dài chừng 3 – 4cm và cắm sâu xuống đáy ao.
Nếu trồng rau nhút đúng kỹ thuật, môi trường nước sạch, chỉ sau 1 tháng là rau nhút sẽ phát triển, bò lan khắp mặt nước, bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, nếu nguồn nước bị nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn thì rau nhút không phát triển được. Nơi trồng phải có nước lưu thông liên tục để loại bỏ các chất gây ô nhiễm.
Video đang HOT
Với nhiều năm kinh nghiệm trồng rau nhút, ông Hai đã biết cách chăm sóc, xử lý môi trường nước giúp cho ao rau nhút phát triển quanh năm, mùa nào cũng có. Sau mỗi đợt hái rau nhút cần tiến hành phun phân bón lá nhằm giúp cây lấy lại sức và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây rau nhút mau ra đọt non.
Theo ông Hai, trồng rau nhút chi phí rất thấp, chủ yếu là mất công thu hoạch. Ông thu hoạch rau nhút theo đơn đặt hàng của khách. Khi cắt đủ số lượng yêu cầu thì nghỉ vì rau nhút không để lâu quá 1 ngày, lá rau dễ héo và khi bị ngả vàng sẽ rất khó bán.
Rau nhút của ông Hai được nhiều người biết đến nên thường đến nhà mua, số còn lại ông đem bán cho thương lái ở chợ đầu mối Long Thành. Dịp cuối tuần, số lượng rau nhút có thể tăng lên gấp đôi do các quán ăn và nhiều đám tiệc nên nhu cầu tiêu thụ rau nhút tăng cao.
Tạo việc làm, tăng thu nhập
Ngoài trồng lúa, gia đình ông Lê Văn Thường (ngụ ấp Trầu, xã Phước Thiền) cũng trồng thêm 0,3ha rau nhút. Nhờ trồng rau nhút, gia đình ông Thường có khoản tiền lời mỗi tháng từ 4 – 5 triệu đồng.
Theo ông Thường, trước đây, cũng tại ao trồng rau nhút ông đã từng trồng lúa, trồng sen và rau muống nhưng thấy số tiền thu được không đủ trang trải cuộc sống nên ông bàn với vợ chuyển sang trồng thử rau nhút.
Từ khi trồng rau nhút, thu nhập của gia đình ông cao hơn gấp 5-6 lần trồng lúa mà không tốn nhiều công sức. Ông Thường đã quyết tâm gắn bó với loại rau này, từ đó đến nay đã được trên 30 năm. Để giảm độ mặn, hạn chế sử dụng phân bón, ông thường thả bèo trong ao rau nhút. Mỗi ngày, ông chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ để cắt rau, thời gian còn lại ông làm ruộng, trồng sen và chăn nuôi bò.
Qua tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch có khoảng trên dưới 10 hộ trồng rau nhút. Tại một số xã khác như Long Tân, Phú Hội cũng có nông dân trồng rau nhút nhưng diện tích không nhiều và chủ yếu trồng theo thời vụ. Tại các xã này, diện tích trồng rau nhút không lớn một phần là do lưu lượng nước, một phần do thổ nhưỡng chưa phù hợp.
Xã Phước Thiền được thiên nhiên ưu ái về mặt thổ nhưỡng nên đất ít bị nhiễm mặn hoặc nhiễm phèn, nhờ đó cây rau nhút có điều kiện phát triển tốt. Chính vì vậy nông dân trong xã Phước Thiền rất phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập ngoài trồng lúa và các loại cây trồng truyền thống khác. Thêm vào đó, nhu cầu loại rau nhút này vẫn còn lớn nên việc mở rộng diện tích trồng rau nhút là khả quan, cho thu nhập cao hơn trồng lúa từ 4-5 lần…
Theo Danviet
Cân nhắc các phương án xây dựng cầu Cát Lái
Đồng Nai đã chính thức đưa ra các phương án để xây dựng cầu thay phà Cát Lái nối quận 2, TP.Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch.
Hiện nay lưu thông trực tiếp từ TP.Hồ Chí Minh vào trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch và ngược lại phải thông qua phà Cát Lái nên mất rất nhiều thời gian, chi phí. Ảnh: P.Tùng
Sau khi thống nhất các phương án, Đồng Nai sẽ tiếp tục làm việc với TP.Hồ Chí Minh để lựa chọn phương án chính thức xây dựng cầu Cát Lái.
* 2 phương án, 3 sự lựa chọn
Theo Sở Giao thông- vận tải (GT-VT), tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái. Sau đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã làm việc với các sở, ngành của TP.Hồ Chí Minh để thống nhất các nội dung liên quan đến dự án.
Tại lần làm việc đầu tiên với Sở GT- VT TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai chỉ đưa ra một phương án vị trí theo hồ sơ bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5-2017. Tuy nhiên, do lo ngại mật độ giao thông cao cũng như phải điều chỉnh quy mô đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2, nên các cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh chưa đồng thuận với phương án này. "Đường Nguyễn Thị Định đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch 3 lần. Do đó, nếu tiếp tục điều chỉnh thêm lần thứ 4 để kết nối với cầu Cát Lái thì rất khó khăn nên phía TP.Hồ Chí Minh đề nghị có thêm phương án mới" - ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GT- VT cho hay.
Từ đề nghị của các cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh, Sở GT-VT và Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GT-VT phía Nam đã nghiên cứu 2 phương án và đề xuất vị trí xây cầu Cát Lái. Cụ thể, phương án vị trí 1 (theo hồ sơ trình bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5-2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2 (TP.Hồ Chí Minh) sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi Cảng Cát Lái. Đối với phương án 2, vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2 (cách cổng Trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2, sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi Cảng Cát Lái.
Trong cả 2 phương án vị trí này, cầu Cát Lái sẽ được xây dựng với 2 quy mô mặt cắt ngang cầu gồm 6 làn xe (tương ứng rộng 27m) và 8 làn xe (tương ứng rộng 35m).
Tuy nhiên, hiện nay cả 2 phương án này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ phía cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh. Bởi nếu theo 2 phương án này, TP.Hồ Chí Minh sẽ gặp khó khăn khi phải thực hiện điều chỉnh quy mô đường Nguyễn Thị Định; việc kết nối cầu với các tuyến đường gây nguy cơ ùn tắc giao thông.
Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu Sở GT-VT bổ sung giải pháp cầu có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe vào phương án vị trí 1 để xem xét. Bởi trong hiện tại và tương lai, tại khu vực này, xe container, xe tải nặng đã có nhiều đường lưu thông như: cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, vành đai 3. Do đó, cầu Cát Lái sẽ không có nhu cầu quá lớn đối với các xe có tải trọng lớn nên có thể thiết kế để phục vụ cho xe máy và xe ô tô hạng nhẹ từ 9 chỗ trở xuống. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu Sở GT-VT nghiên cứu hoàn thiện 2 phương án với 3 sự lựa chọn gồm cầu 4 làn xe và 8 làn xe cho phương án vị trí 1 và cầu 6 làn xe cho phương án vị trí 2. "Quan điểm của Đồng Nai là để TP.Hồ Chí Minh lựa chọn phương án và vị trí xây cầu. TP.Hồ Chí Minh đồng ý phương án nào, Đồng Nai sẽ thực hiện theo phương án đó" - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
* Định vị quỹ đất phục vụ dự án
Theo phương án mà UBND tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, dự án xây dựng cầu Cát Lái sẽ được chia tách ra làm 3 dự án thành phần gồm: phần đường dẫn phía TP.Hồ Chí Minh được giao cho UBND TP.Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT; phần cầu chính sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo hình thức BOT.
Đối với phần cầu chính, trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo tính toán, với các phương án xây dựng, cầu Cát Lái có tổng mức đầu tư từ 7,2 ngàn đến khoảng 9 ngàn tỷ đồng. Do đó, việc tính toán nguồn vốn cho dự án hiện cũng đang được xem xét kỹ.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho hay, hiện quỹ đất để tạo vốn cho dự án trên địa bàn huyện còn khá lớn. "Qua rà soát, hiện còn khoảng 4 ngàn hécta đất có thể tạo vốn cho dự án" - ông Nguyễn Tấn Phong cho biết.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, việc xây dựng cầu Cát Lái là rất cần thiết. Dự án giúp kết nối giao thông trực tiếp giữa đô thị Nhơn Trạch với quận 2, TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời kết nối các tuyến cao tốc và hệ thống cảng sông, cảng biển... tạo điều kiện để đô thị mới Nhơn Trạch phát triển. Do đó, để tạo vốn cho dự án, UBND huyện Nhơn Trạch cần sớm định vị chính xác quỹ đất để có phương án sử dụng phù hợp, nâng cao giá trị đất. "Không thể chủ quan, cứ nghĩ có quỹ đất lớn là đủ. Cần định vị chính xác, có phương án nâng cao giá trị quỹ đất khi cầu được xây dựng" - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu.
Phạm Tùng
Theo Đongnai
Cẩn trọng khi đốt cỏ, rác vào cuối năm Còn đúng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều người dân đã bắt đầu dọn dẹp nhà cửa để đón Tết. Sau khi gom các loại rác, phát quang cỏ khô, nhiều người lại đem số cỏ, rác ấy ra bãi đất trống để đốt nhưng thiếu kiểm soát dẫn đến nguy cơ cháy rất cao. Việc đốt...