Có của ăn của để nhờ nuôi con bay cả ngày đêm “cày” ra mật
Ở tuổi 60, nhưng lão nông Hoàng Văn Tiến (xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) vẫn kiếm được trăm triệu đồng mỗi năm nhờ gắn bó với việc nuôi ong lấy mật.
Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Hoàng Văn Tiến (60 tuổi, xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) – một trong những người tiên phong trong việc nuôi ong ở địa phương. Hiện ông Tiến là một trong những thành viên có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nuôi ong của Hợp tác xã nuôi ong Phúc Thành.
Ông Tiến là một trong những người đầu tiên nuôi ong mật ở địa phương nên đã có nhiều kinh nghiệm
Ông Tiến cho hay, nuôi ong không quá khó và công chăm sóc cũng không đáng kể. Quan trọng là phải có tính kiên trì, khả năng quan sát, phán đoán tốt để kịp thời phát hiện những bất thường ở đàn ong và có hướng xử lý đúng.
Theo ông Tiến, nuôi ong cần một quá trình tích lũy kinh nghiệm nhiều năm, vì ong thường hay mắc các bệnh về đường tiêu hóa như đi ngoài, thối ấu trùng rất khó chữa. Nhưng nếu là người có kinh nghiệm sẽ biết cách chuyển vùng, di chuyển ong đến địa điểm mới để cách ly khu vực gây bệnh, giúp cho đàn ong khỏe mạnh hơn.
Theo ông Tiến, ong thường hay mắc các bệnh về đường tiêu hóa như đi ngoài, thối ấu trùng rất khó chữa
“Lúc đầu khi mới bắt tay vào nuôi ong, tôi cũng gặp phải rất nhiều khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm, hơn nữa mô hình này khi đó vẫn còn rất mới ở địa phương. Nhưng cho đến thời điểm này, tôi đã nắm chắc được tập tính sinh hoạt của con ong và có kinh nghiệm xử lý những rủi ro nếu không may xảy ra với đàn ong của gia đình mình,” ông Tiến cho biết.
Đến bây giờ, ông Tiến đã thực sự làm chủ được con ong và có kinh nghiệm xử lý nếu không may ong bị bệnh
Video đang HOT
Do đó, nếu muốn ong sinh trưởng tốt và cho nhiều mật, cần phải đặc biệt chú ý đến đời sống sinh học của ong. Thông thường, làm ong phải chọn thời điểm vào cuối mưa, đầu nắng vì lúc này ong có sức khỏe tốt và ít khi bị bệnh. Khi mới bắt đầu mưa, ong phải được ủ ấm trong thùng. Đến khi trời nắng mới mở thùng ra để ong đi làm mật.
Theo ông Tiến khi mới bắt đầu mưa ong phải được ủ ấm trong thùng để tránh bệnh tật mà chết
Để có một đàn ong khỏe mạnh, chất lượng tốt, ông Tiến chia sẻ, điều cốt lõi khi vào ong cần phải lựa chọn những con ong khỏe, không bị bệnh, như vậy sẽ tránh được tối đa bệnh tật cho ong về sau này. Thông thường mỗi đàn ong sẽ có 1 ong chúa, nhiều ong thợ và ong đực, trong đó trung bình mỗi con ong chúa đẻ từ 4 – 5 con. Tuổi thọ trung bình của ong thợ là khoảng 40 ngày vào mùa hoa và 60 ngày vào mùa đông, còn đối với ong chúa là 90 ngày.
Do đó để phòng trường hợp ong chúa bỏ đi hoặc bị chết sẽ có con khác thay thế, những người nuôi ong kinh nghiệm đã nghĩ đến việc làm ong chúa nhân tạo. Đồng thời để tăng lượng mật cho mỗi đàn ong, cách thời điểm hoa nở khoảng 40 ngày, người nuôi phải kích thích cho ong chúa đẻ ra nhộng bằng cách làm cho ong chúa trẻ lại với chế độ ăn uống đặc biệt hơn như mua phấn hoa trộn đường cho ong ăn.
Để tăng lượng mật cho mỗi đàn ong, cách thời điểm hoa nở khoảng 40 ngày, người nuôi ong phải kích thích cho ong chúa đẻ ra nhộng
Thời gian lấy mật của ong thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hằng năm. Đây là thời điểm nguồn thức ăn của ong dồi dào nhất nên ong rất khỏe, sinh sản tốt và ít khi bị bệnh. Bởi vậy ở thời điểm này, người nuôi chủ yếu quản lý việc thả ong ra cho ong đi làm mật.
Từ tháng 9 trở đi là thời điểm khó khăn cho việc nuôi ong vì đây là giai đoạn nuôi dưỡng và chăm sóc con ong để chờ đến vụ sau tiếp tục khai thác mật. Lúc này ong sẽ được di chuyển đến những vùng đất mới, chủ yếu là lên những vùng núi đá có khí hậu lạnh.
Ông Tiến cho biết, vào những thời điểm chính vụ, cứ khoảng 6 – 7 ngày là lại có thể quay mật ong một lần. Với 100 thùng ong, mỗi lần quay sẽ cho khoảng 130 lít mật. Tính ra mỗi năm 1 đàn ong sẽ cho khoảng 15kg mật. Như vậy trung bình với 140 thùng ong gia đình ông Tiến thu được khoảng 1,3 – 1,5 tấn mật/năm.
Với 140 thùng ong mỗi năm gia đình ông Tiến thu được khoảng 1,3 – 1,5 tấn mật cho thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm.
Với giá bán ở thời điểm hiện tại từ 120.000 – 140.000 đồng/lít, mỗi năm thu nhập của gia đình ông Tiến từ việc nuôi ong lấy mật khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, việc bán ong giống với giá 180.000 đồng/cầu và sáp ong với giá 120.000 – 150.000 đồng/kg cũng mang về thêm thu nhập cho gia đình ông.
Theo Danviet
Kỳ công nuôi ong bạc hà trên cao nguyên đá vắt ra mật cực thơm
Mật ong bạc hà là đặc sản quý hiếm chỉ có ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có loài hoa bạc hà tím biếc tỏa hương thơm dịu nhẹ.
Nghề nuôi ong bạc hà của đồng bào nơi đây nhờ thế mà có từ bao đời nay. Trong những năm gần đây, mật ong bạc hà đã mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế của người dân huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Đến huyện Mèo Vạc những ngày này không chỉ thấy vẻ đẹp của loài hoa tam giác mạch mà còn thấy trên các triền núi đá một màu tím biếc của loài hoa dại mang tên "bạc hà", đây cũng là thời điểm vào vụ mật ong bạc hà trên cao nguyên đá Đồng Văn. Mùa vụ khai thác mật ong bạc hà thường kéo dài khoảng 4 tháng cuối năm (từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch).
Mùa vụ thu hoạch mật ong bạc hà thường kéo dài khoảng 4 tháng (từ tháng 9 cho đến tháng 12 âm lịch). Ảnh: Quyết Chiến - TTXVN.
Thăm mô hình nuôi ong lấy mật mùa hoa bạc hà của gia đình anh Sùng Mí Nô, một trong những hộ dân có thâm niên nuôi ong ở thôn Sủng Pờ A, xã Sủng Trà, huyện Mèo Mạc (Hà Giang), anh cho biết trước đây gia đình chỉ nuôi ong theo kiểu tự cung tự cấp, nhưng nay gia đình anh cũng như nhiều hộ gia đình trong thôn, xã đã biết mở rộng quy mô nuôi ong để phát triển kinh tế.
Việc phát triển đàn ong và sản phẩm mật ong bạc hà ngày càng giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. "Ban đầu gia đình tôi chỉ nuôi 20 đàn ong, khi thấy lợi nhuận cao đã tăng lên 50 đàn, trừ chi phí gia đình cũng có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/vụ từ mật ong", anh Nô chia sẻ.
Ông Lương Đình Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Trà cho biết, trong mấy năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, xã Sủng Trà đã triển khai cho nhiều hộ gia đình vay vốn để mở rộng và phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, số lượng đàn ong liên tục tăng, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ nuôi ong bạc hà.
Thu hoạch mật ong. Ảnh: Quyết Chiến - TTXVN.
Ông Lục Văn Dương, hội viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đại Dương, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang là một điển hình làm giàu từ nuôi ong. Mùa vụ hoa bạc hà năm nay gia đình ông có 300 đàn, mỗi đàn cho khoảng 5 lít mật/vụ, trừ chi phí, thu nhập bình quân ước đạt trên 200 triệu đồng/vụ.
Năm 2018, sản lượng mật ong bạc hà trên địa bàn huyện Mèo Vạc là 58.400 lít, với giá bán từ 400.000 - 500.000 đồng/lít, tổng giá trị đạt trên 26 tỷ đồng.
Theo ông Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang), huyện có khoảng 17.000 đàn ong, tập trung chủ yếu tại các xã Xín Cái, Thượng Phùng, Lũng Pù, Lũng Chinh, Sủng Máng, Giàng Chu Phìn, Pả Vi, Sủng Trà và Tả Lủng. Theo kế hoạch phát triển, đến năm 2020 tổng đàn ong của huyện Mèo Vạc sẽ lên đến khoảng 20.000 đàn.
Một điểm nuôi ong lấy mật. Ảnh: Quyết Chiến - TTXVN.
Để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm mật ong bạc hà, huyện Mèo Vạc hiện có 3 hợp tác xã chủ lực trong sản xuất, kinh doanh và bao tiêu sản phẩm mật ong bạc hà. Đến nay, tổng diện tích cây bạc hà đã được quy hoạch tại 13/18 xã, thị trấn của huyện Mèo Vạc với diện tích 2.922 ha.
Những năm gần đây, diện tích hoa bạc hà giảm đã ảnh hưởng đến sản lượng mật ong. Do vậy, huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân bảo vệ diện tích hoa bạc hà. Đặc biệt, Hội nuôi ong huyện Mèo Vạc đã thống nhất trích 30 nghìn đồng/đàn ong nhằm xây dựng Quỹ hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng nguyên liệu.
Theo Nguyễn Chiến (TTXVN)
Nghệ An: Phát tài nhờ nuôi loài ngày bay đêm ngủ làm đủ mật ngon Đến xóm 3, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương ( Nghệ An) hỏi thăm gia đình ông Trần Văn Dung thì bà con ai cũng biết, bởi ông là một trong những hộ đi đầu trong việc phát triển nghề nuôi ong ở huyện Đô Lương. Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi ong mật cùng với kinh nghiệm nuôi ong mật hàng chục...