Cô chủ quán bar (P.5)
Khi cô ấy nắm tay tôi, tôi bỗng nhận ra, trong mắt cô ấy, tôi rất mạnh mẽ và đáng tin cậy.
Tóm tắt kỳ trước
Cô gái cao bồi nằm bệnh viện. Hai người bạn thân chia nhau thời gian, tiền bạc tập trung cho cô. Cùng một mục tiêu chăm sóc và nâng đỡ tinh thần người ốm nhưng hai chàng trai có hai hướng nghĩ khác nhau.
Nhìn chung, các cá nhân trên thế giới này vẫn được chung quanh nhìn nhận theo những cách rất khác nhau, thậm chí đặc biệt nhưng hoàn toàn không như họ tự nghĩ về mình. Chẳng hạn, hồi mới đến văn phòng thực tập, khi tôi nghĩ mình tràn đầy năng lực, sẵn sàng đương đầu với các khó khăn, thì người ở đấy lại đánh giá tôi như một tay học việc non nớt, chỉ nên giao cho những việc giấy tờ vụn vặt. Trong các sân chơi thể thao, tôi luôn hăm hở tin rằng, sự góp mặt của mình sẽ giúp đồng đội giành được chiến thắng vẻ vang thì đối thủ lại xem tôi là kẽ hở cần phải tấn công kịch liệt để có thể lật ngược tình thế. Dần dần, ra ngoài làm việc và tiếp xúc với nhiều kiểu người, tôi bắt đầu trở nên từ tốn, nói ít hơn, nghe nhiều hơn, đôi khi, cũng chấp nhận thỏa hiệp chút ít. Không phải tôi kém đi sự tự tin về bản thân, mà tôi đã học được bài học giá trị: Khi tự xem mình yếu hơn kẻ khác, đó là khi tôi mạnh hơn chính tôi trước đây vài phần. Nghe thì có vẻ khiêm tốn sáo rỗng nhưng chẳng phải tất cả những điều sáo rỗng đều là những sự thật chính xác buộc người ta phải thường xuyên sử dụng đấy sao?
Nhưng với An, một lần nữa, sự nhún nhường mà tôi rèn tập cho chính mình lại đảo lộn. Khi cô ấy nắm tay tôi, tôi bỗng nhận ra, trong mắt cô ấy, tôi mạnh mẽ, người mà cô ấy thực lòng tin cậy. Điều tôi từng mong ước bỗng xảy đến, vào lúc tôi không ngờ. Cho đến khi vào trong quán cà phê, ngồi cạnh nhau dưới những dãy phong lữ thảo xanh nhạt, cô ấy và tôi vẫn nắm tay nhau thêm một hồi lâu.
Tôi đã nói tôi từng quen một vài cô bạn trước kia chưa nhỉ? Vài người khá hay. Nhưng sự thật là chưa bao giờ tôi tiếp xúc với một tính cách mạnh mẽ như cô gái cao bồi. Thường thì sự mạnh mẽ ở phái nữ vẫn làm ta khó chịu, hơi tổn thương và tìm cách né tránh. Nhưng trong trường hợp An, điều ấy lại mang đến niềm vui lẫn sự ngạc nhiên. Tôi ngưỡng mộ tính chân thật, luôn nhìn thẳng vào mọi vấn đề của cô. Ngay cả những vấn đề mà người đau ốm thường tìm cách tránh né như phương pháp điều trị khắt khe, cảm giác chi tiết từng bộ phận cơ thể phản ứng và chịu đựng khi cơn đau hoành hành, hay tàn khốc hơn, là việc đối diện với sự bấp bênh trong cảm giác mỗi ngày còn sống, thì cô cũng có thể nói hết với tôi, bằng giọng hài hước, với những so sánh chính xác, có khi hơi giễu cợt. Khá nhiều sắc thái. Chỉ trừ một thứ: Cô không bao giờ là than vãn hay sợ hãi.
Nếu không tìm ra những câu tương thích để đùa với người ốm, thì tôi ngồi im, giữ một nụ cười mà tôi hy vọng là dễ tin, không kịch sĩ thường thể hiện.
Còn hai tháng để sống.
Nhắc lại với chính mình lời hé lộ của Minh, tôi tự hỏi, liệu An có biết sự thật này hay không?
Video đang HOT
Không, có lẽ không ai tàn nhẫn đến độ dám nói ra những lời ấy.
Nhưng cũng có thể, khi chung quanh che giấu thì sự thông mình hay trực giác sáng rõ sẽ có cách mách bảo.
Rõ ràng, cô ấy không hy vọng gì cả. Vấn đề là sự can đảm đã cho An một thái độ tích cực. Và quan trọng hơn nữa, cô ấy chọn cách nói với tôi, khi bàn về bệnh tật, là cách của người ngoài cuộc. Phải, tôi với cô ấy ở cùng một phía, ngồi đây bàn về bệnh tật của ai đó xa vời. Điều ấy thoải mái mà chính tôi cũng thấy nhẹ nhõm phần nào. Tôi hơi xấu hổ khi nhìn nhận điều này. Nhưng thực tế, trong sâu xa, tôi cảm thấy kinh hoàng khi đối diện nỗi hoảng sợ của người khác. Phải gánh vác sự đau đớn của người khác là việc còn khó khăn hơn. Điều này, về căn bản, tôi hoàn toàn trái ngược với Minh. Khi tôi kinh ngạc lần đầu nhìn thấy An, khi tôi xao xuyến nhớ đến cô ấy, tưởng tượng vài việc có phần kỳ quặc vớ cô ấy, khi tôi hơi ghen giận nghĩ rằng, Minh quen biết cô ấy trước tôi, chiếm nhiều tình cảm cô ấy hơn tôi, thì tôi đã không hề lường đến vấn đề cô ấy gặp phải. Những vấn đề quá nặng nề mà tôi không chắc mình có đủ sức để đối diện hay không. Tuy nhiên, vẻ im lìm và kiên nhẫn mà tôi thể hiện đã che khuất những suy tính thầm kín và tồi tệ ấy.
Ngay lúc này, theo một quy ước từ hơn chục ngày qua, tôi và cô gái cao bồi giao tiếp với nhau như là mọi việc vẫn thật bình thường. Rằng chỉ vài ngày nữa, người ốm sẽ xuất viện. Khi ấy thì cả cô ấy, tôi và Minh sẽ lại ngồi xuống cùng nhau, đi ăn một bữa thật ngon, đến một quán nhạc sôi động, nghe tất cả những bản electro thời thượng nhất, rồi thể cũng bàn về chuyến đi chơi khác, bù vào hành trình dở dang. Đôi khi, trong các viễn ảnh rực rỡ, chừng như cô ấy quên không tính Minh vào. “Tôi sẽ… Anh sẽ…”. Còn tôi thì sử dụng nhiều hơn mẫu câu: “Chúng ta và Minh sẽ…”. Nhất thiết phải có cậu bạn ấy, cả trong các tình huống giả định. An gật đầu, mỉm cười, thoáng bối rối như một cô gái thành thục trên lưng ngựa mà lại bắn trượt mục tiêu: “Đúng là phải có Minh đi cùng. Anh ấy luôn biết rõ tình trạng của tôi!”.
Tôi cảm thấy buồn vì nghĩ An chỉ còn 2 tháng để sống (Ảnh minh họa)
Một luồng nắng xuyên qua dãy phong lữ thảo, chiếu thẳng vào mắt tôi. Trong khi tôi xoay trở dịch sang chỗ khác, An bỗng cầm lên cốc cà phê đá của tôi, uống cạn. Tôi ngoảnh lại, ngạc nhiên. Theo tôi nhớ, cô ấy không được phép dùng bất kỳ thứ gì bên ngoài thực đơn bác sĩ đã hướng dẫn. Những món như cà phê lại càng không.
- Ngon quá! - Cô ấy nhìn chút cà phê còn dưới đáy cốc bằng ánh mắt tiếc rẻ - Em phát ngấy mấy thứ nước quả ép nhạt nhẽo. Còn món cháo loãng và súp nghiền mỗi bữa thì vượt qua định nghĩa về sự kinh khủng!
- Nhưng chúng vẫn tốt cho em hơn là cà phê! - Tôi cau mày.
- Đúng vậy! – An nhún vai.
- Vậy thì đừng liều mạng làm sai nữa.
- Anh nói hộ em xem, tất cả những cố gắng này để làm gì nhỉ? – Cô ấy bỗng mỉm cười. Nụ cười tươi tắn, chờ đợi và cũng hoàn toàn xa lạ.
- Để không có thêm rắc rối nào nữa!
Ngay lúc câu nói thốt ra, tôi hiểu mình đã phạm sai lầm không thể tha thứ. Nụ cười trên gương mặt đối diện vẫn nguyên vẹn. Nhưng cái vệt sáng sống động của niềm hưng phấn, láu lỉnh và thách thức vừa lóe lên trong đôi mắt ấy đã lịm tắt. Cô gái cao bồi đi vào quầy bar, xin một cốc nước và biến mất mươi phút. Khi tôi bắt đầu thấy lo âu thì An lại hiện ra, trắng bệch như một cây nến sáp, hơi lẩy bẩy ngồi xuống ghế. Nhìn thẳng vào tôi, cô buồn rầu nói khẽ: “Em đã nôn hết chỗ cà phê ra rồi. Không có gì rắc rối nữa đâu!”.
Luồng nắng chói lúc này đã chiếu đến chỗ An, biến thành vết loang chảy từ cái cổ còm nhom xuống đôi vai hơi so lên. Cô ấy vẫn ngồi im. Và tôi cũng ngồi im, trong cảm giác buồn thương song hành cùng nỗi tuyệt vọng. Buồn thương cho hình ảnh đẹp đẽ trước mắt sắp tan đi cùng vệt nắng kia. Và tuyệt vọng cho sự tàn nhẫn không thể cưỡng chống hiện diện ngay bên trong con người mình.
Trên đường quay trở lại bệnh viện, cô gái cao bồi phát hiện một quầy cho thuê sách cũ khuất sau cửa hiệu tạp hóa lớn. Dù sao cũng đã muộn giờ thăm bệnh của bác sĩ, nên ghé thêm vào đây cũng chẳng sao. Ở giá sách có dán chữ F mờ nhạt, cô ấy tìm được mấy tựa sách của Faulkner mà cô từng đọc, từng đánh mất sau những lần chuyển nhà. Giờ cô muốn đọc lại. Sách cũ chẳng bao nhiêu tiền, tôi móc ví trả luôn. Nhưng cô ấy lắc đầu, nói với ông chủ tiệm rằng chỉ thuê thôi, khi nào đọc xong, hoặc có thể chưa xong, thì cuối tháng này cũng sẽ nhất định trả lại. “Mất công như vậy để làm gì chứ!”, tôi càu nhàu, giành phần cầm hộ An mấy quyển sách cũ mèm được gìn giữ bằng lớp plastic bọc bìa cũng đã vàng ố. “Em giữ mãi những quyển sách này làm gì?”, cô ấy nhìn vào mắt tôi, nở nụ cười thiết tha, pha trộn giữa vẻ u ám với niềm hy vọng đã tàn lụi.
Nhìn nụ cười ấy, tôi hiểu, cô ấy đã biết tất cả.
Một buổi chiều, khi tôi tắt laptop, chuẩn bị đến bệnh viện, vị trưởng phòng đề nghị tôi vào phòng riêng của ông. Với ngữ điệu điềm đạm được dẫn dắt bởi thái độ tin cậy, ông cho biết có một cơ hội đang dành cho tôi. Trong thời gian qua, tôi đã làm việc hết sức, nhận được nhận xét thiện cảm từ các anh chị nhân viên, và nhất là ký được một hợp đồng giá trị, tôi sẽ được chọn vào êkip ra hỗ trợ cho văn phòng mới thành lập ở Đà Nẵng. Mỗi kỳ làm việc kéo dài 3 tuần. Một tuần trở về thành phố, tự do, để tôi hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Và tôi sẽ bắt đầu được nhận lương nhân viên như mọi thành viên văn phòng, ngay đầu tháng sau. Và tôi sẽ có cơ hội đi tu nghiệp, sau khi trở thành nhân viên chính thức. Và… sẽ… Cụm từ hứa hẹn tựa các cột trụ, dựa vào đó, hiện lên một tương lai sáng rõ. Và… sẽ… cụm từ liên tục được lặp lại, biến thành nhịp trống dồn.
Hai bàn tay tôi đặt trên mặt bàn kính, không run rẩy hay co giật nhẹ. Nhịp đập của khối cơ trong lồng ngực vẫn bình thản. Điều tốt lành đến quá đột ngột, đến mức tôi không biết nên phản ứng với nó thế nào. Một công việc không thể thích hợp hơn giữa thời buổi sinh viên ra trường đều vất vả kiếm một chỗ làm. Một mức lương khởi điểm mà nhiều đồng môn chỉ có thể mơ ước… Giá lúc khác, hẳn tôi đã hồ hởi đứng lên, cảm ơn trưởng phòng bằng cái bắt tay thật chặt. Nhưng giờ đây, xen vào giữa tôi và gương mặt mỉm cười bên kia bàn, là đôi mắt cô gái cao bồi, cùng vài hình ảnh lướt qua của bệnh viện. “Cậu đồng ý chứ?”, trưởng phòng ngả người về phái trước. Tôi cảm ơn ông, cho biết sẽ đưa ra trả lời vào sáng mai. “ Có vài thứ em cần cân nhắc, thưa anh!”. Câu trả lời cùng thái độ của tôi rõ ràng không phải là điều ông ấy chờ đợi. Thậm chí, tôi có thể đọc trên nét mặt ông tính toán chớp nhoáng cho một phương án thay thế.
(Còn tiếp)
Theo 24h
Thật lòng yêu em không anh?
Lời đầu tiên em muốn nói với anh là em yêu anh nhiều nhưng anh nào có hay. Có những lúc em tưởng chừng như mình không thể sống thiếu anh được nhưng khi nghĩ đến anh chị bố mẹ trong gia đình em lại đổi sang một suy nghĩ khác.
Thực lòng em cũng không thể nào hiểu được con người của anh bởi nó quá phức tạp anh ạ! Anh nói yêu em, khi xa em anh bảo nhớ nhưng tại sao mỗi khi em lấy một số máy khác nhắn thử anh thì anh lại có thể nói lời trìu mến với số máy lạ đó. Điều đó làm em rất buồn nhưng em vẫn tha thứ cho anh mặc dù đã rất nhiều lần.
Anh bảo đợi anh hai năm nữa nhưng đối với em 2 năm dài tựa 2 thế kỷ, không phải là em muốn cưới nhưng em thấy nó thật mơ hồ khi thời gian quá dài và lại gia đình em cũng không cho em yêu lâu như vậy . Anh không hiểu em thấy buồn và em suy nghĩ nhiều như thế nào đâu. Em cũng không thể đặt vấn đề là mình suy nghĩ như vậy vì em sợ anh nghĩ sai về em, em chỉ mong anh hiểu cho em và cầu mong anh đừng lừa dối tình cảm của em vì đối với em, anh là tất cả những gì em có và em không thể yêu ai khác được.
Em chỉ có mình anh thôi mặc dù có rất nhiều người theo nhưng em thờ ơ với tất cả. Vì vậy anh hãy trân trọng tình cảm mà em dành cho anh nhé anh! Anh có thật lòng yêu em không anh? Hãy cho em biết nhé anh yêu!
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tạm biệt tình yêu của em Honey...hãy để em gọi anh như thế một lần nữa anh nhé! Dù biết rằng mai sau sẽ không còn được gọi honey nữa nhưng trong lòng em anh vẫn mãi là honey của em... Viết cho anh đây những lời sau cuối của cuộc tình chúng mình mà trái tim em đau quá anh à. Nhìn những ngọn nến xung quanh mà...