Có chế tài mạnh mới chống được ùn tắc giao thông
Sáng 16-11, Học viện CSND đã tổ chức Hội thảo khoa học về chống ùn tắc giao thông tại các khu đô thị. Tới dự và tham gia hội thảo có đại diện Tổng cục QLHC về TTXH – Bộ Công an; Dự án Jica tại Học viện CSND; Công an TP Hà Nội; Sở Giao thông Vận tải Hà Nội…
Lực lượng CSGT – Hà Nội đang vất vả làm nhiệm vụ trong dòng xe cộ lộn xộn
Hội thảo đã tập trung phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc và giải pháp chống ùn tắc giao thông tại các đô thị hiện nay đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay là do quỹ đất dành cho giao thông động và tĩnh còn thấp; trong khi đó chất lượng các công trình giao thông còn ít, số lượng km đường tăng không đáng kể so với sự phát triển của dân số, chính sách phát triển hạ tầng giao thông chắp vá không đồng bộ, công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT còn bị buông lỏng. Bên cạnh đó, mật độ dân số tại các đô thị tăng quá nhanh, nhất là ở 2 đô thị lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, sự gia tăng đột biến các phương tiện tham gia giao thông trong thời gian gần đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu đô thị.
Cũng theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân có tính mấu chốt nhất gây ra ùn tắc giao thông là ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân còn yếu kém, tùy tiện; trong khi đó chế tài xử lý thì lạc hậu, chưa đủ sức giáo dục, răn đe.
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông đô thị đã được đưa ra tại hội thảo, trong đó, theo Đại tá Phạm Trung Hòa – Trưởng khoa Nghiệp vụ CSGT – Học viện CSND, để chống ùn tắc giao thông đường bộ trước mắt tại các thành phố lớn, việc đầu tiên là cần xác định được địa bàn giao thông thường xảy ra ùn tắc, thời gian và nguyên nhân dẫn đến ùn tắc… Trên cơ sở đó, các lực lượng chức năng sẽ đồng loạt triển khai làm tốt công tác hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến, cắm chốt và có biện pháp duy trì. Đồng thời, các lực lượng làm nhiệm vụ cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kiên quyết triệt để; thực hiện có hiệu quả việc thông báo vi phạm đến nơi cư trú và công tác để có hình thức xử lý tiếp theo.
Đại tá Phạm Trung Hòa nhấn mạnh, để chống ùn tắc tại các tuyến giao thông nội thị, bên cạnh việc cấm các phương tiện như ô tô, mô tô ở những thời điểm tuyến đường thường xảy ra ùn tắc, cần vận động các doanh nghiệp vận tải công cộng đầu tư các loại xe công cộng lớn (xe buýt), vận tải đúng tuyến, đúng giờ để giảm tải số người và phương tiện tham gia giao thông tại các tuyến đường thường xảy ra ùn tắc trong các giờ cao điểm.
Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Trưởng phòng CSGT – CATP Hà Nội, thời gian gần đây, ý thức chấp hành các quy tắc giao thông của đa số người dân tham gia giao thông đã được nâng lên rõ rệt, tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông vẫn cố tình vi phạm như: đi sai làn đường, ngược chiều, chen lấn, dừng, đỗ không đúng quy định… gây ách tắc giao thông. Vì thế, để đảm bảo an toàn giao thông cũng như góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, bên cạnh các giải pháp đồng bộ cần có chế tài đủ mạnh để xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Video đang HOT
Theo ANTD
"Tắc đường là do chúng ta thiếu tôn trọng nhau"
"Tắc đường là do những người tham gia giao thông, kể cả người đi bộ lẫn người điều khiển các phương tiện giao thông khác đều không tôn trọng nhau".
Mỗi người chúng ta đều ít nhiều đã gặp những tình huống gây ức chế nặng khi tham gia giao thông: có việc gấp gặp tắc đường. "Nhẹ nhàng" hơn có thể là buổi sáng vội đi học, đi làm hoặc chiều mệt mỏi về nhà gặp tắc đường. Mỗi khi đó, hẳn mọi người đều mong muốn không bị tắc đường hoặc chí ít là ai đó có ý thức hơn một chút để không quay xe hay sang đường một cách thiếu ý thức để rồi tất cả cùng đi chậm lại.
Trước vấn đề nan giải tắc đường, Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi tiếp xúc với một số tài xế lái xe buýt tại bến xe Mỹ Đình - những người bị khống chế về mặt thời gian chặt chẽ khi tham gia giao thông. Các ý kiến và kiến nghị của những bác tài xế này hẳn sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Những lượt xe buýt chậm đến... 40 phút
Ông Nguyễn Đức Thắng (50 tuổi, tài xế xe buýt tuyến 16 : Bến xe Mỹ Đinh - bến xe Giáp Bát) cho biết: "Tuyến xe buýt 16 nối giữa hai đầu bến lớn, dù đường không phải thuộc loại dài nhưng chạy qua trung tâm thành phố từ quận nọ sang quận kia và đường rất nhỏ.
Trong khi đó, lưu lượng xe trên đường này thì nhiều. Đặc biệt, đường rất đông vào giờ cao điểm. Trên trục đường, có nhiều điểm giao thông hay bị tắc đường như đường Trường Chinh, các nút ngã ba, ngã tư trên trục đường Láng.
Nhìn cảnh này, ai chẳng sợ!
Lần tắc đường lâu nhất trên đường Trường Chinh tôi phải chờ là gần 20 phút và có lần để qua ngã tư Láng - Láng Hạ - Lê Văn Lương thì phải chờ qua 6 - 7 lượt đèn đỏ thì mới vượt qua được.Bản thân là một lái xe buýt bị khống chế thời gian lưu thông phương tiện, hơn ai hết chúng tôi cảm nhận rõ nhất ảnh hưởng của tắc đường và tác hại của nó đến mọi người tham gia giao thông. Tắc đường là 1 vấn đề lớn đối với chúng tôi.
Khi xảy ra tắc đường chúng tôi không thể đi đúng giờ như quy định về giờ của Xí nghiệp xe buýt Hà Nội (Tổng công ty vận tải Hà Nội) được".
Cùng chung nỗi niềm đó, ông Phạm Khắc Vỹ - một tài xế lái xe buýt tuyến 34 (Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Gia Lâm) cho biết: "Vấn đề tắc đường ở Hà Nội là một vấn đề nan giải. Các cơ quan chức năng đều tập trung giải quyết vấn đề này nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này.
Trong nội thành, đường thì không mở rộng ra thêm mà phương tiện tham gia giao thông thì ngày càng nhiều. Ai cũng chen nhau đi thì tắc đường là điều đương nhiên sẽ xảy ra thôi. Trên tuyến tôi đi tắc đường có thể bắt đầu từ đường Xuân Thủy - điểm trung chuyển ĐH Giao thông vận tải - ngã tư Khách sạn Deawoo - cửa Nam.
Theo lịch trình, tuyến của tôi đi là 1 giờ đồng hồ. và để đi từ Bx Mỹ Đình đến phố cửa Nam chúng tôi chỉ được đi trong 30 phút. Tuy nhiên nhiều hôm, để đến ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã chúng tôi đã mất 30 phút rồi. Có những chuyến, chúng tôi bị âm gần 40 phút".
Không tôn trọng nhau
Lý giải về một số nguyên nhân tắc đường, ông Thắng cho biết: "Số lượng người tham gia giao thông quá lớn. Khi hạ tầng cơ sở giao thông chưa tốt trong khi đó tần suất tham gia giao thông của các phương tiện quá cao nên tôi nghĩ đó là nguyên nhân chính dẫn đến tắc đường.
Mặt khác, ý thức của người tham gia giao thông thì chưa có. Khi xảy ra tắc đường, người tham gia giao thông (chủ yếu người điều khiển xe máy) lại đi từ làn đường nọ tràn sang làn đường đối diện hoặc làn đường dành cho các phương tiện khác dẫn đến 1 sự hỗn loạn và gây ách tắc thêm. Hở ra chỗ nào lách lên chỗ ấy, sẵn sàng lách lên đỗ uỵch một cái trước đầu xe người khác.
Đặc biệt, tại các ngã tư lớn, ai cũng cố đi cho bằng được kể cả khi đèn báo tín hiệu giao thông màu vàng rồi nhưng vẫn cố đi để rồi thường xuyên tạo ra sự ì ạch cho tất cả những người từ hướng đường khác".
Được coi là một trong những tuyến xe buýt lớn, tuyến xe buýt số 34 (Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Gia Lâm) đi qua nhiều trục đường lớn và nhiều trường đại học. Ông Vỹ chia sẻ những bức xúc: "Trên đường Xuân Thủy đoạn từ ĐH Quốc gia HN đến siêu thị Pico Plaza (Tòa nhà Xuân Thủy) có hai cái đèn tín hiệu dành cho người đi bộ sang đường.
Đôi khi tắc đường chỉ xuất phát đơn giản từ sự thiếu tôn trọng nhau như thế này
Tuy nhiên ý thức của những người tham gia giao thông rất kém. Ở đây thường xuyên xảy ra hiện tượng giao thông hỗn loạn, các phương tiện ì ạch lăn bánh. Điều này xuất phát từ việc những người tham gia giao thông qua đây kể cả người đi bộ lẫn người điều khiển các phương tiện giao thông khác đều không tôn trọng nhau.
Họ đi vào phần đường của nhau ngay cả khi đèn tín hiệu báo họ phải dừng lại. Nhất là sinh viên, khi đèn báo không được đi bộ qua nhưng vẫn có hàng chục sinh viên "rồng rắn" đi qua.
Và hậu quả của những việc này có thể nghiêm trọng đến mức xảy ra tai nạn giao thông. Như hôm kia là một ví dụ, tôi dừng lại chỗ đèn tín hiệu dành người di bộ sang đường thấy có 1 phụ nữ ngoài 30 tuổi đi qua. Ngay lúc đó có 2 người đi xe máy vẫn cố tình đi lên không chú ý đã đâm luôn vào người phụ nữ này khiến chị ấy bị gẫy chân".
Cần hạn chế phương tiện cá nhân và xử phạt nặng hơn...
Để góp phần giải quyết vấn đề nan giải này, ông Thắng góp ý: "Tôi thấy ngã tư đường Nguyễn Chí Thanh -Láng mà bịt vào như hiện nay là không ổn. Nói đúng ra một ngã tư thì phải có phần giao cắt.
Bịt ngã tư liệu có là giải pháp triệt để khi vẫn ùn tắc như thế này?
Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên có nghiên cứu để có thể điều chỉnh theo tín hiệu đèn thì ngã tư đó sẽ "thoát": có thể là một chiều nhanh một chiều chậm tùy theo thời điểm lưu lượng xe trên đường nào tham gia nhiều hay ít.Khi lái xe vào giờ cao điểm tôi thấy, tất cả các xe dồn vào một đoạn vòng sang bên kia đường như thế không thể nào nhúc nhích được. Bình thường, khi lượng người tham gia giao thông ít thì một chiếc xe buýt quay vòng tại đây là dễ dàng nhưng khi đông người thì việc quay đầu xe buýt trở nên rất khó khăn và rất dễ gây tắc đường vì những người điều khiển xe máy sẽ tận dụng mọi chỗ hở có thể để lách lên" .
Chúng ta đang thiếu văn hóa xếp hàng trong giao thông?
"Theo tôi, hạ tầng của mình cần phải được được thay đổi theo hướng cải thiện. Nhưng tôi nghĩ đó cũng chỉ là một phần mà quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông. Bởi vì ý thức tham gia giao thông là quan trọng nhất.
Xem qua truyền hình tôi thấy đường xá của nước ngoài cũng không hơn gì mình nhiều nhưng theo tôi điểm làm nên sự khác biệt đó chính văn hóa xếp hàng". Ông Thắng nói.
Trước thông tin phân làn đường cho các phương tiện tham gia giao thông trên đường Kim Mã trong thời gian tới đây, ông Vỹ kiến nghị: "Tôi nghĩ nên để phần đường dành cho ô tô lớn hơn 1 chút và của người đi xe máy và phương tiện thô sơ nhỏ hơn 1 chút.
Cái đích cuối cùng của việc này là để cải thiện tình hình giao thông hiện nay. Vì vậy tùy vào thời điểm mà các phương tiện giao thông có thể đi sang phần đường của phương tiện một chút để tránh tắc đường".
Tuy nhiên, cũng giống như ông Thắng, theo ông Vỹ nói: "Theo tôi, đề khắc phục hiện tượng tắc đường thì phải làm sao hạn chế được các phương tiện giao thông cá nhân. Thứ hai là phải thay đổi cho được ý thức của người tham gia giao thông".
"Chế tài xử lý những đối tượng vi phạm phải mạnh tay hơn. Nếu không xử lý mạnh thì chỗ này ra chỗ kia thì không ăn thua". Ông Vỹ chia sẻ trước khi bắt đầu một lượt xe mới.
Theo Giáo Dục VN
Hải Dương: Thiếu chế tài xử lý, tội phạm "thủ" súng tự chế lộng hành Súng tự chế dù thô sơ song có tính sát thương cao, tầm ảnh hưởng rộng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Xuất hiện lần đầu tại tỉnh Hải Dương trong một vụ trọng án, súng tự chế đang là vũ khí tối ưu được tội phạm sử dụng gây án. Thông tin trên được Đại tá Bùi Mậu Quân - Giám...