Cơ chế gây bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân
Bệnh suy giãn tĩnh mạch xảy ra khi các van trong lòng tĩnh mạch hỏng, làm cho máu chảy theo chiều trái ngược với thông thường. Thay vì được bơm từ bàn chân lên tim, máu tĩnh mạch sẽ đi theo chiều ngược lại.
Bác sĩ Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, cho biết trong cơ thể con người có hai loại mạch máu chính: động mạch và tĩnh mạch (xem hình vẽ dưới đây).
Các đường màu đỏ là động mạch, màu xanh là tĩnh mạch ở chân. Trong đó có các tĩnh mạch sâu phân bố cạnh các động mạch.
- Động mạch giống như một mạng lưới bao gồm các cấu trúc hình ống, từ lớn đến nhỏ, với nhiệm vụ dẫn máu có ôxy và chất dinh dưỡng từ tim trái đến nuôi các cơ quan. Khi mô ở các cơ quan nhận hết chất dinh dưỡng và ôxy thì trả máu “bẩn” lại cho hệ tĩnh mạch để dẫn máu về tim phải.
- Tĩnh mạch cũng như một mạng lưới gồm các cấu trúc hình ống, vận hành theo cơ chế các tĩnh mạch nhỏ ở xa sẽ dẫn máu về các tĩnh mạch lớn hơn, gần tim hơn, sau đó đổ về tim.
Hệ tĩnh mạch chi dưới bao gồm các tĩnh mạch nông (nằm ngay dưới da), tĩnh mạch sâu (trong khoang cơ của chi dưới) và tĩnh mạch xuyên (nối từ hệ tĩnh mạch nông với tĩnh mạch sâu).
Các tĩnh mạch sâu vận chuyển 90% tổng lượng máu về tim, phần còn lại khoảng 10% là do tĩnh mạch nông đảm nhận. Khi các tĩnh mạch nông bị tắc hoặc được cắt bỏ sẽ không ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển máu của hệ tĩnh mạch chi dưới. Tương tự, các nhánh tĩnh mạch xuyên nếu hư cũng có thể được phá bỏ vì nó chỉ có nhiệm vụ dẫn máu từ hệ thống nông về hệ thống tĩnh mạch sâu.
Cơ chế gây bệnh suy giãn tĩnh mạch:
Trong lòng tĩnh mạch chi dưới, ở phía dưới nếp bẹn có các van tĩnh mạch. Van được cấu tạo bởi 2 lá van nằm trong lòng tĩnh mạch. Hai lá van này có một đầu dính vào thành tĩnh mạch, phần còn lại nằm tự do trong lòng tĩnh mạch (như ảnh dưới đây).
Video đang HOT
Cấu tạo của một van tĩnh mạch. Chú thích: a: bờ tự do của lá van, b: mép của lá van, c: phần xoang van, d. phần lá van dính vào thành tĩnh mạch.
Khi bàn chân cử động, cơ co bóp và bơm máu từ chân lên trên. Lúc đó các lá van sẽ mở ra, cho phép dòng máu “bẩn” trở về tim. Khi chân đứng yên, do tác động của trọng lực, dòng máu có khuynh hướng đi ngược từ trên xuống, nhưng vì các van đã đóng lại nên ngăn cản dòng máu chảy ngược xuống dưới. Với phương thức hoạt động như thế, các van tạo nên hệ thống dòng chảy một chiều trong tĩnh mạch như ảnh mô tả dưới đây:
Cơ chế hoạt động của van. Từ trái sang phải: (1): van tĩnh mạch, (2): van mở ra cho dòng máu đi lên trên, (2): sau đó van đóng lại ngăn không cho dòng máu chảy ngược xuống dưới. Ảnh: Ngọc Thể.
Bệnh giãn tĩnh mạch xảy ra khi các van trong lòng tĩnh mạch bị hỏng, làm cho máu chảy theo chiều trái ngược với thông thường. Thay vì được bơm từ bàn chân lên tim, máu “bẩn” sẽ đi theo chiều ngược lại làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch đồng thời kéo giãn thành tĩnh mạch. Khi các tĩnh mạch bị giãn, sẽ làm cho tình trạng hở van ngày càng nặng thêm nên dòng chảy ngược sẽ nhiều hơn.
Ảnh từ trái sang phải: (1) tĩnh mạch bị giãn to, (2) khi hai van mở ra máu vẫn đi về phía trên được, (3) van đóng lại không kín, do đó máu chảy ngược xuống dưới xuyên qua chỗ hở của hai lá van, tạo nên dòng chảy ngược. Ảnh: Ngọc Thể.
Hậu quả là gây nên tình trạng những tĩnh mạch giãn to, ngoằn ngoèo dưới da hoặc viêm ở các mô xung quanh. Biểu hiện thành triệu chứng phù mắt cá chân, viêm da và lở loét ở cẳng chân, chủ yếu là ở vùng gần mắt cá chân như ảnh dưới đây:
Giãn các tĩnh mạch mạng nhện ở dưới mắt cá trong. Đây là giai đoạn 1: Các tĩnh mạch giãn nhỏ hơn 1 mm. Ảnh: TT.
Cách điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch bằng phẫu thuật:
Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính biểu hiện ở các khía cạnh: Tổn thương thành tĩnh mạch, van tĩnh mạch và tổn thương da. Đó là kết quả của phản ứng viêm, bắt nguồn từ sự tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch. Các phương pháp điều trị đều nhằm điều chỉnh sự tăng áp lực này. Phẫu thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ dòng chảy ngược – nguyên nhân gây tăng áp lực trong tĩnh mạch.
Có nhiều phương pháp để loại bỏ dòng chảy ngược ở các tĩnh mạch nông như phẫu thuật, chích xơ, đốt bằng sóng cao tần, đốt laser nội mạch. Các phẫu này được chứng minh hiệu quả và an toàn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị khác cũng đóng một vai trò quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Riêng đối với suy tĩnh mạch sâu, đang có hai luồng quan điểm: Một nhóm bác sĩ cho rằng nguyên nhân bệnh là do lá van tĩnh mạch có vấn đề, làm cho van đóng không kín nên không ngăn được dòng máu chảy ngược. Vì thế cần tập trung sửa chữa van. Nhóm thứ hai cho rằng thành tĩnh mạch nâng đỡ van bị giãn làm cho van không thể đóng kín nên dòng máu chảy ngược xuất hiện. Vì thế cần làm vững thành tĩnh mạch bằng phẫu thuật, hy vọng các lá van có thể đóng kín. Các phẫu thuật này thường rất khó, kết quả ngắn hạn và trung hạn tốt nhưng về dài hạn không như mong muốn nên chỉ áp dụng cho những bệnh nhân bị loét chân do suy tĩnh mạch sâu mà điều trị bằng các phương pháp khác không khỏi.
Theo VNE
65% người suy giãn tĩnh mạch không biết mình mắc bệnh
Theo khảo sát tại một số bệnh viện trong nước, 65% bệnh nhân không biết mình bị bệnh tĩnh mạch cho đến khi đi đến khám bác sĩ.
Đây là khảo sát mang tên Vein Consult Program - Vietnam 2011, vừa được công bố. Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, suy tĩnh mạch mạn tính là bệnh thường gặp. Những nghiên cứu quy mô lớn trên thế giới cho thấy khoảng 30-40% dân số trưởng thành bị suy giãn tĩnh mạch ở nhiều mức độ. Hàng năm, các nước phát triển tiêu tốn hàng tỷ USD cho việc điều trị căn bệnh này.
Việt Nam chưa có nghiên cứu quy mô lớn nào về bệnh suy giãn tĩnh mạch. Một số nghiên cứu quy mô nhỏ được tiến hành trong vài năm gần đây cho thấy tỷ lệ mắc bệnh không thấp hơn so với các nước phát triển. Phần lớn người bệnh Việt Nam không biết mình bị suy tĩnh mạch nên không đi khám và điều trị sớm đúng cách.
Ảnh minh họa: Y.edu.
Cuộc khảo sát năm 2011 tại một số bệnh viện trong nước cho thấy có đến 65% bệnh nhân không biết mình bị bệnh tĩnh mạch cho đến khi khám bác sĩ (báo cáo nghiên cứu Vein Consult Program- Vietnam 2011). Trên thực tế, nhiều trường hợp bệnh suy tĩnh mạch mạn tính rất khó chẩn đoán, không chỉ đối với bác sĩ đa khoa mà cả bác sĩ chuyên khoa.
Chị Thu, một nhà báo tại TP HCM, mấy năm qua cảm thấy đau và khó chịu ở chân, vừa đến bệnh viện khám. Không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh suy giãn tĩnh mạch ở cẳng chân, nhưng với kinh nghiệm của mình, bác sĩ chuyên khoa mạch máu chẩn đoán bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới. Chị Thu được chỉ định siêu âm Doppler mạch máu ở tư thế nằm, kết quả bình thường, không phát hiện có tĩnh mạch giãn hay dòng chảy ngược. Sự khác biệt giữa kết luận của bác sĩ chẩn đoán và kết quả siêu âm khiến chị Thu hoang mang. "Bác sĩ khám bệnh hay là bác sĩ siêu âm đúng, tôi không biết tin vào ai?", chị Thu băn khoăn.
Lý giải vấn đề này, bác sĩ Lê Thanh Phong cho biết, thông thường bệnh suy giãn tĩnh mạch biểu hiện ở 2 khía cạnh: triệu chứng cơ năng (là những dấu hiệu chỉ có người bệnh cảm nhận được) và triệu chứng thực thể (là những dấu hiệu có thể nhìn thấy).
Trong y học, thuật ngữ "triệu chứng cơ năng" đề cập đến những than phiền, cảm giác khó chịu của bệnh nhân do một căn bệnh nào đó gây nên. Triệu chứng cơ năng của bệnh giãn tĩnh mạch thường là cảm giác đau nhức, nặng chân, mỏi chân, cảm giác nóng, ngứa, co cứng hay chuột rút về đêm. Có những bệnh nhân mô tả khi đứng cảm thấy tê như máu chảy dồn xuống chân, cảm giác châm chích rất khó chịu.
Triệu chứng cơ năng thường nặng hơn khi người bệnh đứng lâu hay ngồi lâu, sẽ giảm nhẹ khi người đó gác chân lên cao hay đi bộ. Nó có thể trở nên tồi tệ hơn với phụ nữ đến chu kỳ hành kinh. Đa số bệnh nhân sẽ cảm thấy bớt đau và dễ chịu khi mang tất dài, băng thun hoặc khi giảm cân và tuân thủ một chế độ tập luyện thể dục thường xuyên.
Các triệu chứng cơ năng của bệnh tĩnh mạch dễ bị chẩn đoán nhầm là bệnh của xương khớp hay thần kinh ngoại biên. Điểm khác nhau quan trọng nhất là là cảm giác đau và khó chịu do suy tĩnh mạch có liên quan đến tư thế của bệnh nhân và việc băng ép chân.
Thông thường, nếu những than phiền của bệnh nhân gợi ý bệnh suy tĩnh mạch mạn tính, các bác sĩ sẽ cho làm siêu âm Doppler mạch máu để biết bệnh nhân có bị suy tĩnh mạch hay không. Song theo bác sĩ Thanh Phong, trường hợp siêu âm Doppler mạch máu không phát hiện bất thường cũng không thể kết luận người đó không bị suy tĩnh mạch. "Khi ấy, bác sĩ cần yêu cầu bệnh nhân làm lại siêu âm Doppler mạch máu tại một thời điểm khác khi mà các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn, có thể sẽ phát hiện các bất thường của hệ tĩnh mạch chi dưới".
Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, đối với bệnh suy tĩnh mạch mạn tính, triệu chứng cơ năng ở chân thường không tương quan với dấu hiệu lâm sàng. Chẳng hạn một số bệnh nhân cảm thấy đau ở chân rất nhiều nhưng khám lại không phát hiện gì. Hoặc ngược lại, bệnh nhân có giãn tĩnh mạch ngoằn ngoèo dưới da nhưng nhưng không hề cảm thấy đau nhức hay triệu chứng cơ năng nào.
Nghiên cứu về tĩnh mạch Ediburgh ở Anh tiến hành trên 1.500 bệnh nhân tuổi từ 18 đến 64, cho thấy khoảng 40% có tĩnh mạch giãn to khi khám bệnh nhưng gần như không thấy đau hay khó chịu ở chân. Trái lại, 45% bệnh nhân than phiền có triệu chứng đau ở chân phù hợp với bệnh tĩnh mạch nhưng không bị giãn tĩnh mạch. Bên cạnh đó, cũng không có sự liên quan giữa triệu chứng đau và dòng chảy ngược trên siêu âm Doppler mạch máu. Điều này có nghĩa là kết quả siêu âm Doppler tĩnh mạch bình thường không cho phép loại trừ bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới.
Một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh làm việc lâu năm tại TP HCM cho biết, siêu âm là phương pháp chẩn đoán mà sự chính xác của nó tùy thuộc rất lớn vào trình độ và kinh nghiệm của người thực hiện. Không phải bác sĩ nào cũng có thể làm tốt các siêu âm mạch máu.
"Để siêu âm một ca bệnh tĩnh mạch chuẩn mực, bác sĩ phải rất tỉ mỉ, xem xét từng nhánh tĩnh mạch sâu, nông hay những nhánh xuyên. Đồng thời làm nhiều nghiệm pháp khác khác nhau ở tư thế đứng và nằm mới có thể kết luận tương đối chính xác các bất thường ở dòng chảy tĩnh mạch". Vị bác sĩ này cho rằng trong điều kiện Việt Nam hiện nay rất khó để làm được như vậy, bởi thực tế có bệnh viện ít bệnh nhân nhưng không có điều kiện cơ sở vật chất và bác sĩ ít kinh nghiệm, còn nơi quá nhiều bệnh nhân thì bác sĩ không có thời gian để siêu âm kỹ càng.
Trở lại trường hợp bệnh nhân Thu ở trên, bác sĩ Phong cho rằng, có thể cả hai bác sĩ đã cùng làm tốt công việc của mình. Bác sĩ lâm sàng chẩn đoán đúng bệnh và bác sĩ siêu âm làm tốt công việc siêu âm. Nhưng do tính chất đặc biệt của triệu chứng đau trong suy tĩnh mạch, nó có thể xuất hiện trong giai đoạn sớm, trong khi lúc này chưa có những thay đổi đáng kể của cấu trúc tĩnh mạch. Do đó siêu âm không phát hiện bất thường.
Bệnh suy hay giãn tĩnh mạch rất thường gặp. Việc chẩn đoán bệnh rất dễ nếu thấy các tĩnh mạch giãn to ngoằn ngoèo. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khó, chẩn đoán không ra bệnh hay chẩn đoán không chính xác có thể khiến tình trạng ngày càng nặng thêm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Một trong những phương tiện chẩn đoán hình ảnh quan trọng để phát hiện suy tĩnh mạch chính là siêu âm Doppler mạch máu với điều kiện được thực hiện tỉ mỉ bởi bác sĩ siêu âm chuyên về mạch máu. "Dù vậy, trong nhiều trường hợp chính kinh nghiệm của thầy thuốc kết hợp với việc khai thác tính chất đau ở chân của người bệnh một cách cẩn thận vẫn là yếu tố then chốt trong chẩn đoán và quyết định điều trị bệnh", bác sĩ Phong cho biết thêm.
Theo VNE
Đề phòng nguy hiểm "ẩn nấp" trong mặt nạ tiệc tùng Chính là những chiếc mặt nạ không có nguồn gốc rõ ràng mà chúng ta sử dụng trong các dịp lễ hội, tiệc tùng đấy! Dị ứng, kích ứng Hầu hết các loại mặt nạ đồ chơi không đảm bảo đều được làm từ các chất liệu như nhựa dẻo, cao su, sơn phun màu... với xuất xứ không rõ ràng và chưa...