Có cán bộ “quên” kê khai tài sản, tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp
Cán bộ “quên” kê khai tài sản, nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng,… Đó là những điểm nóng trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2018 của UBND tỉnh Bạc Liêu.
Một huyện có 17 cán bộ “quên” kê khai tài sản
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2018 (báo cáo số 184) do Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung ký cho biết, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 57 cơ quan và 4.845 người phải kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, có 4.826 người đã kê khai, còn 19 người không kê khai.
Đáng chú ý, UBND huyện Phước Long có đến 17 không kê khai nhưng không có lý do. “UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Phước Long tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định, báo cáo trước ngày 7/5/2018. Tuy nhiên, đến nay huyện Phước Long vẫn chưa có văn bản báo cáo”, báo cáo 184 thông tin.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, qua công tác kê khai tài sản cho thấy, một vài đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm, chú trọng công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; số liệu báo cáo chưa chính xác, việc công khai còn mang tính hình thức.
“Đến nay chưa thực hiện việc xác minh tài sản thu nhập của các đối tượng kê khai nên chưa phát hiện trường hợp không trung thực trong minh bạch tài sản, thu nhập”, báo cáo 184 nêu rõ.
Theo báo cáo, năm 2017, UBND huyện Phước Long có 17 người không kê khai tài sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh chưa có vụ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng thuộc phạm vi quản lý, phụ trách. Tỉnh cũng chưa phát hiện trường hợp cán bộ, công chức, viên chức nào nhận quà và nộp lại quà tặng đã nhận.
Nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
Báo cáo 184 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành Thanh tra đã triển khai 24 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 2 cuộc đột xuất tại 26 đơn vị. Qua đó, phát hiện 5 đơn vị vi phạm, với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi hơn 1,3 tỷ đồng; kiến nghị chấn chỉnh hơn 400 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 5 cá nhân.
Video đang HOT
Ngoài ra, Thanh tra các Sở, Ban ngành cũng đã tổ chức 189 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành tại 768 tổ chức, cá nhân. Qua đó, phát hiện 421 tổ chức, cá nhân vi phạm; xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu không khởi tố điều tra vụ án mới về tham nhũng. Tuy nhiên, đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ 2 tin báo có liên quan đến tham nhũng. Đồng thời, Cơ quan điều tra Công an huyện Đông Hải đang điều tra làm rõ 1 vụ.
Trong đó, vụ có dấu hiệu “Tham ô tài sản” xảy ra tại trường Trung cấp VHNT Bạc Liêu, thiệt hại tài sản hơn 1 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 290 triệu đồng; vụ có dấu hiệu “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ban quản lý Xây dựng dân dụng và Công nghiệp tỉnh Bạc Liêu, với đối tượng là Lê Bá Cường, thiệt hại tài sản khoảng 700 triệu đồng, đã thu hồi 700 triệu đồng.
Vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra vào năm 2014 tại UBND thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), với đối tượng là Huỳnh Văn Tỏ. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào ngày 1/4/2018 và đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, chờ kết quả giám định bổ sung.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, nơi cơ quan Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường trực thuộc, có 3 cán bộ bị điều tra về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Báo cáo cũng cho biết, TAND 2 cấp tỉnh Bạc Liêu thụ lý giải quyết 4 vụ, với 8 bị cáo liên quan đến tội danh tham nhũng.
Cụ thể, vụ “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ban quản lý dự án Xây dựng dân dụng và Công nghiệp tỉnh Bạc Liêu, với bị cáo Bạch Thu Loan, số tiền tham ô hơn 1,3 tỷ đồng, đã khắc phục 10 triệu đồng, xử phạt 16 năm tù.
Vụ “Lạm quyền trong thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng Nam Việt (Navibank) chi nhánh Bạc Liêu, với các bị cáo: Quách Lạc, Nguyễn Thanh Hậu và Trần Thanh Hoa. Tháng 10/2017, TAND tỉnh đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung, với lý do cần điều tra truy tố các bị cáo về tội “Tham ô tài sản”.
Vụ “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu) với các bị cáo: Lê Trung Kiên, Ngô Văn Tá và Bùi Mạnh Hòa. Tháng 3/2018, TAND tỉnh đã trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Vụ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại trường THPT Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), với bị cáo Châu Cẩm Phiến. Tháng 2/2018, TAND huyện Hồng Dân đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo 3 tháng 28 ngày tù giam.
Hình phạt tham nhũng chưa nghiêm khắc
Từ những vụ việc trên, UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa tham nhũng và công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án liên quan đến tham nhũng đã có tác dụng răn đe và hạn chế tham nhũng.
“Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn đối với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị. Trong đó, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, ngân hàng, tài chính ngân sách, vốn và tài sản tại một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước là những lĩnh vực dễ xảy tham nhũng”, UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng tuy trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đã được nâng lên, nhưng hành vi tham nhũng hiện nay tinh vi, phức tạp nên quá trình thanh, kiểm tra chưa phát hiện hoặc đối tượng có hành vi tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội.
“Chính sách pháp luật liên quan phòng, chống tham nhũng nói riêng chưa được hoàn thiện, thiếu đồng bộ; chính sách hình sự hóa hành vi tham nhũng còn thiếu kiên quyết; các hình thức kỷ luật và hệ thống hình phạt đối với hành vi tham nhũng chưa nghiêm khắc, chưa tương xứng với mức độ nguy hại cho xã hội,… là những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận.
Huỳnh Hải
Theo Dantri
Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2017
Thanh tra Chính phủ đang tổ chức hội nghị tập huấn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2017.
(Ảnh minh hoạ)
Theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở kết quả của năm 2016 sẽ tiếp tục triển khai thí điểm áp dụng Bộ công cụ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại UBND các cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 nhằm hoàn thiện bộ chỉ số, phục vụ việc xây dựng quy định đối với đánh giá công tác phòng chống tham nhũng.
Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2017 được Thanh tra Chính phủ ban hành mới đây có tổng thang điểm 100 với 4 nội dung đánh giá.
Chỉ số đầu tiên là Quản lý nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng (20 điểm), bao gồm đánh giá các nội dung: Lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng; nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng...). 3 chỉ số còn lại là Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa (30 điểm); Phát hiện các hành vi tham nhũng (25 điểm) và Xử lý các hành vi tham nhũng (25 điểm).
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, thông qua việc đánh giá sẽ tăng cường phối hợp công tác giữa Thanh tra Chính phủ và UBND cấp tỉnh về công tác phòng chống tham nhũng trên cơ sở phối hợp đánh giá, chia sẻ và nhân rộng những thực tiễn tốt, hỗ trợ các hoạt động trong công tác này. Đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin, báo cáo công tác và từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác phòng chống tham nhũng.
Trước đó, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh năm 2016 chỉ đạt được 58,11% yêu cầu. Điều này cho thấy còn có khoảng cách rất xa để đáp ứng được mục tiêu phi tham nhũng mà Đảng, Chính phủ cũng như người dân đã đề ra.
Thanh tra Chính phủ nhận định, điểm công tác phòng chống tham nhũng giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa.
"Khoảng cách điểm giữa các tỉnh phân tán cho thấy rằng cần phải có sự quan tâm thực sự tới công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh với chính sách có phân loại và một chương trình hỗ trợ thỏa đáng từ Trung ương"- báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Trên cả nước, tỷ lệ xác minh tài sản thu nhập đối với tổng số bản kê khai trong cả nước là 0,057% tức là cứ 12.000 người thực hiện kê khai chỉ có 6 người được xác minh tài sản thu nhập. Việc triển khai, thực hiện xác minh còn bị động, thủ công, thiếu thống nhất, lãng phí nguồn lực cho cả các cơ quan quản lý công tác kê khai cũng như người có nghĩa vụ phải kê khai, trong khi đó việc kê khai tài sản thu nhập chưa giúp cơ quan nhà nước kiểm soát được tính trung thực của bản kê khai.
Mới đây nhất, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công. Trong đó, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu.
Tổ chức này cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, củng cố và xây dựng các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội.
Theo Dantri
Chống tham nhũng tại TPHCM: Kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức Theo UBND TPHCM, việc công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực như kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn mang tính hình thức. TP cũng chưa phát hiện trường hợp sử dụng tài sản công, tặng quà, nhận quà không đúng quy định, có tính chất vụ lợi. UBND TPHCM cho biết trong quý...