Có bỏ án tử hình với tội tham ô, tham nhũng?
Bộ luật Hình sự sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua cuối tuần này. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều ý kiến băn khoăn khi bỏ tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và không thi hành án tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về 2 nội dung trên.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Theo Điều 165 của Bộ luật Hình sự thì người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có thể phạt tù 10 – 20 năm. Vậy tại sao lại bỏ tội danh này, thưa ông?
Tôi khẳng định, Bộ luật Hình sự sửa đổi không bỏ tội danh cố ý làm trái, mà quy định cụ thể tội danh này thành 9 tội danh mới, gồm: quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất.
Việc cụ thể hóa tội cố ý làm trái thành 9 tội danh khác nhau nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng.
Có nghĩa là lâu nay cơ quan bảo vệ pháp luật có sự tùy tiện khi áp dụng Điều 165 của Bộ luật Hình sự?
Điều 165 hiện nay gần như là cái “túi” đựng tội phạm về kinh tế, vì rất chung chung. Nói cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng tùy tiện Điều 165 thì chưa hoàn toàn chính xác, nhưng có thực tế là khi có vụ việc liên quan đến kinh tế, đầu tư, kinh doanh xảy ra, cơ quan công an ban đầu thường khởi tố vụ án, khởi tố bị can “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Video đang HOT
“Thực tế thực hiện Điều 165 cho thấy, nếu muốn làm nhẹ tội, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng có thể áp dụng Điều 165. Ví dụ như tội tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ bị xử phạt nặng hơn, nhưng nếu muốn giảm nhẹ tội thì vẫn có thể chuyển qua tội cố ý làm trái” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Sau khi điều tra, có kết luận thì chuyển sang tội danh khác. Như vậy, quy định này khiến cơ quan bảo vệ pháp luật dễ lạm dụng, vì bất cứ hành vi nào mà không quy được tội khác thì cứ gán cho tội cố ý làm trái.
Thực tế thực hiện Điều 165 cho thấy, nếu muốn làm nhẹ tội, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng có thể áp dụng Điều 165. Ví dụ như tội tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ bị xử phạt nặng hơn, nhưng nếu muốn giảm nhẹ tội thì vẫn có thể chuyển qua tội cố ý làm trái.
Ngược lại, bị can nào đó vi phạm tội khác có mức hình phạt nhẹ hơn, nếu muốn xử phạt nặng thì cũng có thể chuyển sang tội cố ý làm trái, thậm chí nhiều hành vi chưa đến mức phải truy tố vẫn có thể bị truy tố vì tội cố ý làm trái.
Ví dụ như hành vi vi phạm chính sách về kinh tế chẳng hạn, hàng năm có biết bao nhiêu chính sách về kinh tế từ luật, nghị định, quyết định, thông tư được ban hành mới; sửa đổi, bổ sung liên tục, bất cứ ai cũng có thể vi phạm và bị truy tố bởi tội danh cố ý làm trái do không nắm được hết.
Nhưng nếu bỏ tội danh cố ý làm trái thì sẽ có nhiều người đang thi hành án vì tội danh này sẽ được coi là vô tội?
Như tôi đã nói, khi tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam, tạm giữ các tội liên quan đến kinh tế, cơ quan bảo vệ pháp luật thường áp vào “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”, nhưng sau quá trình điều tra, làm rõ tội danh đều truy tố bằng tội danh cụ thể khác. Vì vậy, không có chuyện dừng thi hành án.
Tham ô, tham nhũng, hối lộ đang là quốc nạn. Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định không áp dụng mức án tử hình trong một số trường hợp tham ô tài sản, nhận hối lộ, liệu có đủ sức răn đe loại tội phạm này không?
Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi bỏ hình phạt tử hình với 9 tội danh. Với tội tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ, nếu người nào chủ động khắc phục cơ bản hậu quả, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, hoặc lập công lớn thì sẽ được giảm mức án.
Tôi cho rằng, không thi hành án tử hình với trường hợp trên là hợp lý. Vì với những tội phạm này, thiệt hại là về tiền, khi đã đền được rồi thì thiệt hại đã được khắc phục về căn bản. Không thi hành án tử hình đối với tội danh này cũng là thể hiện quy định của Hiến pháp năm 2013 là “mọi người có quyền được sống”.
Theo Mạnh Bôn
baodautu.vn
"Cố ý làm trái" là tội danh rất chung chung, khó luận tội"
"Vì vậy, dự thảo Bộ luật không tiếp tục duy trì tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong BLHS"
Tại Điều 165, Bộ Luật Hình sự hiện hành về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3-12 năm: Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 - 12 năm; Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, người Phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là một tội danh rất chung chung, có phạm vi rộng lại không cụ thể, không rõ ràng để có thể vận dụng xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào.
"Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng. Do đó, cần cụ thế hóa các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế để thay thế tội danh này trong Bộ luật Hình sự hiện hành nhằm đảm bảo tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013"- ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, trên cơ sở cụ thể hóa các hành vi quy định tại 34 tội danh trong chương XVI Bộ luật hình sự hiện hành, dự thảo Bộ luật hình sự đã cập nhập, bổ sung thêm một số loại tội phạm mới mang tính chất "Cố ý làm trái" trong thời gian vừa qua, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Theo đó, dự thảo Bộ luật hình sự đã quy định 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, thương mại; thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; Lĩnh vực kinh tế khác. Bộ luật hình sự cũng có một số điều khoản mang tính chất "cố ý làm trái" trong các lĩnh vực khác như; bảo vệ môi trường, quả lý, sử dụng tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác; xây dựng...
"Bên cạnh đó, trong các chương tội phạm về chức vụ đã quy định một số tội danh chung liên quan đến hành vi "cố ý làm trái" của người có chức vụ, quyền hạn như tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ, tội giả mạo trong công tác... Vì vậy, dự thảo Bộ luật không tiếp tục duy trì tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong Bộ luật hình sự"- ông Trần Tiến Dũng khẳng định./.
Minh Hòa
Theo_VOV
Tham nhũng, sau 30 năm cũng không thoát tội Nhiều điểm mới của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 25/10. Bộ trưởng Hà Hùng Cường Bộ luật Hình sự là một đạo luật quan trọng, có vai trò và ý nghĩa đặc biệt trong hệ thống pháp luật...