Có bệnh vái tứ phương, tiêm cả vaccine tả cổ điển chống tả châu Phi
Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến vô cùng phức tạp trong khi không có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vaccine phòng bệnh, nhiều doanh nghiêp, cơ sở, trang trại chăn nuôi lớn đã áp dụng nhiều phương pháp lạ chỉ với mục đích bảo vệ bằng được đàn vật nuôi.
Sử dụng chế phẩm sinh học, tăng đề kháng
Đó là cách Công ty CP Kinh doanh thuốc thú y Amavet đang triển khai. Chia sẻ tại Hội nghị bàn giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc Công ty cho biết, dù đã áp dụng các biện pháp phòng chống nhưng thật không may, đàn lợn của công ty vẫn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau đó, công ty phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị dương tính và lợn ở chuồng bên cạnh, cắt nguồn lây lan của virus sau khi đã rà soát lại toàn bộ quy trình chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. “Chúng tôi cũng dùng thêm chế phẩm sinh học cho lợn ăn để tăng sức đề kháng, khả năng miễn dịch. Rất may là sau 30 ngày, chưa có thêm con lợn nào mắc bệnh” – ông Bách nói.
Từ thực tế việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi của đơn vị, ông Bách cho rằng, muốn đạt hiệu quả chống dịch cao nhất ngay khi phát hiện ra lợn mắc bệnh phải cách ly sớm, đúng cách để mầm bệnh không lây lan, phát tán; tiêu độc khử trùng ngay để tiêu diệt virus trong trang trại; quy trình chăm sóc cũng phải thay đổi. “Những trang trại chuồng có nước dịch lây lan nhanh hơn chuồng khô” – ông Bách đúc rút từ kinh nghiệm thực tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, chuồng ướt dịch lây lan nhanh hơn chuồng khô. Ảnh: I.T
Video đang HOT
Tiêm thêm vaccine tả cổ điển
Trong khi Amavet chú ý cách ly, diệt trừ sớm, dứt điểm mầm bệnh, cho lợn ăn chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng thì Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) lại áp dụng cách có một không hai, đó là tiến hành tiêm vaccine dịch tả lợn cổ điển cho đàn lợn để có thể giúp tạo ra kháng thể, biết đâu hỗ trợ được trong việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài ra, ông Phạm Duy Phẩm, Giám đốc Trung tâm cho biết thêm, ngay khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại Việt Nam, Trung tâm phối hợp với doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi loại bỏ hoàn toàn thành phần bột thịt, bột xương ra khỏi khẩu phần ăn của lợn; đồng thời nâng cấp các biện pháp an toàn sinh học và khử trùng thức ăn, nguồn nước thành nhiều lớp, thậm chí ngay cả tiền khách hàng trả cũng phải có quy trình để xử lý mầm bệnh triệt để.
“Dù tất cả các biện pháp phòng chống dịch cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá hiệu quả nhưng đến thời điểm này, 3 trại của chúng tôi vẫn an toàn”- ông Phẩm nói.
An toàn sinh học là hiệu quả nhất
Đó là khẳng định của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi về hiệu quả trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiện nay. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn CP cho rằng, bản thân CP cũng mày mò tất cả các biện pháp có thể để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi như an toàn sinh học, ức chế virus, dùng thuốc giảm sốt, song hiệu quả nhất đến thời điểm này vẫn là an toàn sinh học.
Tương tự, Công ty CP Green Feed Việt Nam cũng đang phối hợp với các địa phương và người chăn nuôi hình thành nên những cụm chăn nuôi an toàn sinh học theo xã, cụm liên xã hoặc huyện để bảo vệ được trang trại của doanh nghiệp nằm trong cụm chăn nuôi đó.
Trong khi đó, nhờ tuần thủ nghiêm túc các biện pháp an toàn sinh học, 6.000 con lợn của HTX Hoàng Long (Hà Nội) vẫn an toàn. Ông Nguyễn Trọng Long, Chủ nhiệm HTX cho biết, HTX đang ứng dụng ion trong diệt khuẩn chuồng trại, dụng cụ, nguồn nước, công nhân trước khi ra vào trại và trong khu giết mổ.
Đặc biệt, HTX đang thử nghiệm dùng trấu trộn dầu đốt nền chuồng, dùng bình khò gas xử lý nhiệt bên trên và thành chuồng trước khi thả lợn vào đến nay đã qua 20 ngày chưa thấy lợn bị dịch trở lại.
Đánh giá cao những sáng kiến phòng chống dịch tả lợn châu Phi của các đơn vị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, cần sớm có những đánh giá thật khoa học về hiệu quả của từng phương pháp, để từ đó có thể khuyến cáo người dân áp dụng, giảm thiểu thiệt hại trên đàn vật nuôi do dịch tả lợn châu Phi.
Theo Danviet
Dịch tả lợn Châu Phi lan 29 tỉnh, cần huy động công an, quân đội vào cuộc
Địa phương cần huy động công an, quân đội để tiêu hủy kịp thời lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi.
Địa phương cần huy động công an, quân đội để tiêu hủy kịp thời lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi
Sáng nay, 13/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi họp trực tuyến với các tỉnh, thành để bàn biện pháp đối phó trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp.
Theo thống kê đến ngày 12/5, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là trên 1,22 triệu con. Đáng nói, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. "Trong thời gian tới nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch; tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường", Ban chỉ đạo nhận định.
Trước tình hình trên, hàng loạt biện pháp khẩn cấp đã được đặt ra. Theo đó, các địa phương mắc dịch, cần huy động các lực lượng của địa phương, kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân,... để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để trong vòng 24 giờ theo đúng quy định; thực hiện tốt việc vệ sinh, sát trùng bằng thuốc và vôi bột, nhất là tại các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, khu vực xung quanh và trong quá trình xử lý ổ dịch; tránh tình trạng để lâu, vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch bệnh.
Cần xem xét việc thành lập các trạm, chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển động vật nội tỉnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan; kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thù lao phù hợp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh; củng cố và tăng cường năng lực của hệ thống thú y các cấp để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật...
Hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng các vùng chăn nuôi, chuỗi sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, an toàn sinh học.
Hoàng Ngân
Theo Baogiaothong
Con số đáng ngại: Lợn, gà ngốn hơn 1.000 tấn kháng sinh/năm Đó là số liệu mà TS Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đưa ra tại Hội thảo "Áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia cầm" do đơn vị này tổ chức tại Hà Nam ngày 29.3. Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi...