Cô bé dân tộc Giấy bán giá đỗ giữa chợ đạt giải Văn toàn quốc
Lò Thị Chiêm đạt giải thưởng học sinh giỏi quốc gia môn Văn – tin vui ấy tựa như hương rừng thơm ngát trong chốc lát lan ra, rộng khắp miền biên giới Lai Châu.
Hôm dự buổi Tuyên dương các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đạt thành tích xuất sắc năm 2014, tôi ngồi cạnh một cô sinh viên trẻ. Nhìn trang phục của em, thấy là lạ, tôi thầm nghĩ chắc em thuộc một dân tộc hiếm gặp trong cộng đồng các dân tộc. Và, chỉ trong chốc lát khi Ban Tổ chức xướng lên: Lò Thị Chiêm – dân tộc Giấy – nguyên học sinh Trường Chuyên THPT Lai Châu đạt giải Ba Văn toàn quốc, thì cái băn khoăn của tôi đã được giải đáp.
Theo tư liệu: Người Giấy cư trú chủ yếu ở các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Yên, Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) huyện Yên Minh, Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), huyện Phong Thổ, Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Người Giấy còn có tên gọi khác như Nhắng hay Giẳng là những tên gọi có biến âm từ tộc danh Giấy, ví dụ ở tỉnh Lào Cai và Lai Châu người Tày, người Thái gọi người Giấy là Giẳng, người Việt gọi người Giấy là Nhắng, còn Giấy là tên tự gọi. Lần trong lịch sử xa xưa người Giấy còn được gọi là Bố Y, Bạch Y Chủng Cha, Sa Nhân, Pu Năm…
Em Lò Thị Chiêm (bên phải) chụp ảnh cùng tác giả bài viết.
“Cô bé bán giá đỗ” đỗ trường chuyên
Gia đình Chiêm là gia đình thuần nông tại bản Nậm Loỏng 2, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu. Ngoài việc đồng áng, mẹ Chiêm còn nuôi lợn, gà và đặc biệt có nghề truyền thống làm giá đỗ. Chiêm cho biết: “Nhìn mẹ chắt chiu từng hạt đậu để làm ra những thúng giá đem bán ngoài chợ kiếm tiền về nuôi gia đình và hai chị em cháu ăn học, cháu lại trào nước mắt thương mẹ. Ba cháu làm nông nhưng cứ sau mỗi vụ mùa thì lại bị căn bệnh quái ác hành hạ. Bố mẹ cháu ngày xưa chưa có điều kiện học chữ, là người dân tộc thiểu số vùng cao nhưng vẫn luôn mong cho con cái mình được học hành tử tế.
Người luôn khiến cháu xem là thần tượng không ai khác là bà nội cháu. Ông nội cháu mất khi còn rất trẻ, lúc đó ba cháu mới 3 tháng tuổi. Một mình bà nuôi nấng, dạy dỗ 4 người con trong hoàn cảnh hết sức thiếu thốn và khi con cái đã trưởng thành, đã có cháu chắt, bà vẫn luôn nhắc nhở con cháu mình phải cố gắng học tập để trở thành người có ích cho xã hội”.
Nhớ lời bà, thấu hiểu tấm lòng cha mẹ, Chiêm luôn cố gắng học tập và giúp đỡ gia đình. Là con gái nhưng Chiêm không nề hà học cày, học cấy, gặt lúa làm nương.
Video đang HOT
Chiêm được mọi người quen gọi với cái tên “cô bé bán giá đỗ” cũng là do cứ mỗi khi hè về hay những ngày nghỉ, Chiêm thường giúp mẹ bán giá đỗ ở chợ. Hàng ngày, ngồi ở chợ, “cháu thấy gia đình mình dẫu khó khăn, song vẫn còn may mắn hơn nhiều người, điều đó thúc giục cháu phải cố gắng hơn”. Dạo cấp 1, cấp 2, Chiêm học ở các ngôi trường trong bản đều đạt học sinh giỏi và khá. Lên cấp 3 thi đỗ hai trường THPT là trường Dân tộc nội trú tỉnh và trường chuyên Lê Quý Đôn. Quyết định học chuyên Văn tại trường chuyên Lê Quý Đôn, nhớ lại ngày đầu vào trường, Chiêm tâm sự: “Mỗi ngày đạp xe 4 km đến trường cùng biết bao ấp ủ và những lo lắng vì cháu không được tự tin như các bạn. Nhưng học Văn không biết đã trở thành niềm đam mê thích thú của cháu từ khi nào. Rồi nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy cô, và đặc biệt cứ mỗi khi nghĩ đến hình ảnh mẹ cháu đang tần tảo giữa chợ để cho cháu học tập, cháu lại cố gắng để học tập”.
Học sinh giỏi quốc gia và ước mơ sinh viên làng báo
Lò Thị Chiêm đạt giải thưởng học sinh giỏi quốc gia môn Văn – Tin vui ấy tựa như hương rừng thơm ngát trong chốc lát lan ra, rộng khắp miền biên giới Lai Châu. Đạt giải Ba HSGQG đã giúp cháu đỗ được ba trường đại học là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Đại học Văn hóa Hà Nội. Ước mơ của cháu là trở thành nhà báo. Cháu chọn nghề báo bởi cháu mong muốn sau này khi bước chân vào nghề cháu sẽ có cơ hội nói lên được những cái hay cái đẹp của quê hương, dân tộc mình và cũng có điều kiện chỉ ra những điều sai trái và lắng nghe những trăn trở bức xúc của người dân.
Trong niềm vui ấy, Lò Thị Chiêm vẫn canh cánh khi những khoản tiền ăn, tiền học đang là vấn đề không nhỏ đối với một gia đình dân tộc Giấy ở tận Lai Châu, Chiêm thủ thỉ: “Cháu nghĩ mình sẽ kiếm một công việc bán thời gian chẳng hạn để đỡ một phần cho gia đình. Cháu biết, nuôi được cháu ăn học hết THPT gia đình cũng kiệt quệ lắm rồi, lại còn em trai cháu nữa. Hiện tại, cháu vẫn còn nhiều bỡ ngỡ khi bước vào bậc đại học về đường sá đi lại tại Hà Nội, nhịp sống ở đây quá gấp gáp đôi khi khiến cháu cảm thấy rất căng thẳng và với những người bạn mới, cách học mới, học theo tín chỉ thì còn lạ lẫm cùng những khó khăn khi tiếp cận các trang thiết bị hiện đại phục vụ ngành học như máy tính, máy quay, máy ảnh… và đặc biệt trình độ tiếng Anh cháu còn kém… nhưng cháu nghĩ đại học là tự học rồi cháu sẽ cố gắng hòa nhập, khắc phục và không ngừng hoàn thiện bản thân và hiện thực hóa được ước mơ của mình”.
Một mùa xuân nữa lại tới khi những nhánh hoa ban đã trổ lộc biếc, đào rừng chúm chím, mận lê hé nụ. Cùng với các dân tộc khác, dân tộc Giấy của Chiêm cùng góp những tà áo, vành khăn, những khúc hát “vươn”, điệu nhạc Pí Kẻo, và những điệu múa duyên dáng đắm say vào những mùa lễ hội góp nên một mùa xuân rực rỡ.
Phan Lương
Theo Dantri
Thực hư "làng ăn mày" đóng cửa đi ăn xin ngày Tết
Đã từng có một thuở gần như cả làng phải đi ăn mày, để rồi cho đến bây giờ, xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vẫn mang cái biệt danh để đời "làng ăn mày".
Chuyện "làng ăn mày" một thuở...
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, xưa kia, Quảng Thái là một trong những vùng đất nghèo khó nhất của huyện Quảng Xương, người dân chủ yếu sống bằng nghề đi biển và trồng lúa. Những năm 1980, Quảng Thái liên tiếp dính nhiều trận bão, nhà cửa ruộng vườn bị tàn phá hết. Đặc biệt, cơn bão số 6 năm 1980, hơn 90% nhà cửa và tài sản của người dân bị bão đánh sập cuốn trôi ra biển. Cùng lúc này, 2 Hợp tác xã Thống Nhất và Độc lập chuyên sản xuất chiếu cói, thêu ren xuất sang Liên Xô và các nước Đông Âu đóng cửa. Người dân không có công ăn việc làm, nhà cửa tan hoang, nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.
Không còn cách nào khác, để có thể sống sót, rất nhiều người dân làng Đồn Điền bỏ quê đi tứ xứ hành khất, xin ăn. Phong trào tha phương cầu thực cũng bắt đầu từ đó. Những năm 1982 - 1983, Quảng Thái có hàng trăm người bỏ xứ đi tha phương cầu thực. Nhiều gia đình, vợ chồng con cái đều dắt díu nhau đi ăn xin. Đặc biệt, những năm sau đó, tình trạng trẻ em đang trong độ tuổi đi học bỏ học đi lang thang khắp nơi. Những năm 1993, 1994, cả xã hơn 700 em nhỏ đi lang thang, có gia đình 3, 4 trẻ đi lang thang đánh giày, bán báo, ăn xin... Để rồi tên "làng ăn mày" cũng có từ đó.
"Làng ăn mày" bây giờ đã khác xưa rất nhiều
Ông Trần Công Tính, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái kể lại: "Sau khi nhận thấy tình trạng người dân bỏ xứ đi tha phương, tại Đại hội Đảng bộ xã năm 1994, xã đã thông qua nghị quyết tập trung nâng cao đời sống kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân về quê ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường học, kêu gọi con em trở về quê tới trường học. Nhờ đó mà hàng trăm trẻ em lang thang trước đó đã về nhà và tới trường theo học".
Ngoài việc kéo trẻ em và người già lang thang trở lại quê hương, Quảng Thái chủ trọng kêu gọi hỗ trợ đầu tư, nâng cao trang thiết bị đánh bắt hải sản cho người dân, tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển chăn nuôi. Nhờ có một cuộc "cách mạng" táo bạo mà người dân Quảng Thái đã nhận thức và thay đổi được chính mình.
Đã qua rồi cái thời vì cái đói mà phải tha phương cầu thực nhưng rồi bao nhiêu năm qua, người đời vẫn không thể quên cái tên "làng ăn mày" để nói về người Quảng Thái. Trẻ em Quảng Thái đi học bị trêu chọc là "dân ăn mày", người Quảng Thái đi làm ăn xa thì bị coi người "xã cái bang". Những lời đồn thổi về "làng ăn mày", những câu chuyện được thêu dệt vẫn không được dập tắt.
Và câu chuyện ăn xin ngày Tết
Hiện nay, trên mảnh đất của làng Đồn Điền thuộc xã Quảng Thái có một đền thờ Thành Hoàng Làng- nơi thờ hai vị tướng Tô Chính Đạo và Uông Ngọc Châu. Thế nhưng cũng chỉ vì làng từ lâu bị gán cho tên "làng ăn mày" nên sự thật về ngôi đền cũng được người đời thêu dệt thành một câu chuyện hoàn toàn khác.
Đền thờ Thành Hoàng Làng bị cho là ngôi đền thờ "ông tổ cái bang" và hàng năm cứ Tết đến, người dân Quảng Thái phải đóng cửa đi ăn xin, không kể già trẻ, trai gái hay những người có chức có quyền. Sau chuyến đi ăn xin về thì những gì có được đều phải mang ra đền làm lễ tế. Ngôi đền còn được đồn thổi thờ một chiếc gậy và cái bị, những vật không thể thiếu của những người làm nghề "cái bang" nên hàng năm mới có cái Tết mùng 1/2 to hơn cả Tết cổ truyền.
Thành Hoàng Làng- nơi thờ hai vị vưa có công với dân nhưng lại bị đồn thổi là thờ ông tổ "nghề cái bang".
Theo sử sách ghi lại, làng Đồn Điền xưa kia là vùng đất hoang vu, chỉ có cát nóng, cây dại, ruộng đồng hoang vu. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, chánh sứ Tô Chính Đạo và Uông Ngọc Châu được nhà vua cử về đây trấn giữ vùng đất này và thành lập nên sở đồn điền với mục đích "'ngự binh ư nông" có nghĩa vừa phát triển quân lính, vừa sản xuất lấy lương thực. Trong một lần sắp tới Tết Nguyên đán, 2 ông được vua ra lệnh dẫn quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Sau khi chiến thắng trở về, lúc này đã qua Tết cổ truyền từ lâu. Nhưng để mừng thắng trận, hai vị tướng đã mở hội khao quân và cho người dân ăn Tết lại vào ngày 1/2 (âm lịch). Từ đó, tập tục ăn Tết lại của người dân Quảng Thái được duy trì cho đến tận ngày nay.
Cụ Đề buồn rầu khi kể về câu chuyện của làng
"Việc thiên hạ truyền miệng Thành Hoàng Làng là nơi thờ "ông tổ ăn mày" và câu chuyện dân làng Đồn Điền 3 ngày Tết đóng cửa đi ăn mày, khi có tiền mới về quê ăn Tết lại chỉ là những câu chuyện thêu dệt của người đời mà thôi. Thành Hoàng Làng là thờ hai vị thần có công với dân với nước nhưng người ta bịa đặt ra những câu chuyện như thế thì thật là phải tội quá" - Cụ Trịnh Văn Đề (80 tuổi), một trong 3 cụ cao niên trong làng Đồn Điền trông coi đền trải lòng.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Những kiểu cầu hôn "độc nhất vô nhị" vùng Tây Bắc Vùng núi Tây Bắc có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống với bản sắc văn hóa độc đáo, hấp dẫn. Nhân ngày lễ tình yêu 14/2, xin giới thiệu tới độc giả những kiểu cầu hôn "độc nhất vô nhị" của các bạn trẻ người dân tộc thiểu số nơi đây. Cùng nhau chùm kín chăn để hát giao duyên Người dân...