Cô bé 14 năm mang chiếc lưỡi khổng lồ
Bị các bạn trêu và xa lánh vì ‘lưỡi to và bẩn’, Dương Thị Thảo ở xã Phương Giao (Võ Nhai, Thái Nguyên) chỉ thui thủi một mình. 14 năm qua, cô bé dân tộc Mông sống cùng căn bệnh u cổ cằm với chiếc lưỡi quá khổ trồi ra ngoài.
14 năm qua, cô bé Thảo (ngoài cùng bên phải) đã quen với chiếc lưỡi khổng lồ này. Ảnh:Giang Phương.
Chiếc lưỡi to và dài khiến Dương Thị Thảo chưa bao giờ có thể khép môi lại. Những ngày se lạnh, xung quanh lưỡi của Thảo, những vệt máu tươi rỉ ra trên nền máu khô đông lại. Thấy những ánh mắt ái ngại nhìn mình, cô bé lắc đầu quầy quậy: “Không sao đâu, em quen rồi”.
Sinh năm 1998, lúc chào đời, Thảo mắc bệnh u cổ cằm. Căn bệnh khiến lưỡi em to phồng lên và trồi ra ngoài. Chị Đỗ Thị Thơn, mẹ Thảo, cho biết gia đình không ai có tiền sử mắc bệnh lạ. Hai đứa con đầu lòng của anh chị đều lành lặn. Sinh Thảo, chị Thơn khóc hết nước mắt khi nhìn thấy đứa con có tật. Ngày ấy, nghe tin bé Thảo có lưỡi to, bà con dân làng tới xem rất đông.
Người mẹ dân tộc Mông chỉ nhớ mang máng là con mình mắc bệnh “u cổ cằm” bởi đã lâu lắm rồi chị không đưa Thảo đi khám. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối Thảo được tới viện làm phẫu thuật là năm 1999 khi em mới một tuổi. Kinh tế dựa cả vào nương ngô, nương lúa, nhà lại đông con nên vợ chồng chị Thơn không có điều kiện đưa con tới viện.
Tài sản lớn nhất trong nhà là “con trâu bụng to” và vài sào ruộng. Thương con, anh Dương Văn Thật, bố Thảo, bàn với vợ bán sạch rồi vay mượn để đưa Thảo xuống Hà Nội mổ.
Sau hơn một tháng ở Bệnh viện Nhi Thụy Điển, số tiền anh Thật mang đi chỉ đủ cắt u ở vùng cổ và dưới cằm cho con gái. Hết tiền, vợ chồng anh đành đưa con về, nuốt nước mắt nhìn Thảo lớn lên với chiếc lưỡi quá khổ. Trâu và ruộng không còn, cuộc sống gia đình càng thêm vất vả, gánh nặng chất đầy trên vai đôi vợ chồng trẻ. Nợ nần chồng chất, anh chị đi làm thuê để trả nợ và kiếm miếng ăn cho cả gia đình.
Chi Thơn nhớ rõ lời bác sĩ dặn rằng sau này phải đưa Thảo đến để xử lý khối u tiếp nhưng đến giờ dường như đó chỉ là giấc mơ xa vời. Từ đó, Thảo lớn lên hồn nhiên với chiếc lưỡi “khác người”. Cô bé có dáng người nhỏ nhắn, ánh mắt trong trẻo biết nấu nướng, giặt giũ và làm đồng giúp ba mẹ từ những năm còn học tiểu học. Khách đến chơi, em nhanh nhẹn pha trà, tiếp chuyện như người lớn.
Video đang HOT
Không đường, không điện, Phương Giao là xã nghèo của huyện Võ Nhai. Ảnh:Giang Phương.
Chăm ngoan là vậy nhưng Thảo lại hay bị bạn bè hắt hủi. Thảo kể bằng đôi mắt đỏ hoe: “Các bạn bảo em ở bẩn, không bao giờ đánh răng, lưỡi lúc nào cũng thò ra ngoài. Em đâu có muốn vậy. Mỗi lần bị trêu em thấy tủi thân và tìm vào góc khuất ngồi khóc, không dám nói với bố mẹ”.
Cô bé luôn thui thủi một mình và chỉ chơi với những con vật trong nhà. Ngày còn nhỏ, em giận các bạn rất nhiều vì họ chế giễu mình. Lớn lên, ý thức được bệnh tình, em không giận ai nữa mà lắm khi tự trách mình trở thành gánh nặng cho bố mẹ.
14 năm, chiếc lưỡi ngày càng to ra, nứt rộng khiến em thường xuyên phải mang theo khăn tay để thấm máu. Mùa đông hanh khô, khi những vết máu se mặt thì chứng đau đầu đau cổ lại hành hạ Thảo. Lúc nào răng cũng cắn vào lưỡi, mỗi lần ăn uống, nuốt nước bọt hay thậm chí đến cả hít thở cũng trở nên vô cùng khó khăn đối với Thảo.
Học hết lớp 9 ở trường Tiểu học và THCS Xuất Tác, Thảo ước được tiếp tục học cấp 3 chứ không phải nghỉ học đi làm sớm như chị gái. Điều tưởng chừng như đơn giản này lại quá khó khăn đối với vợ chồng chị Thơn bởi nhà không có tiền. Xã Phương Giao, vùng có đông người dân tộc Mông, Dao sinh sống này lại không có trường cấp 3. Muốn đi học, con em người dân tộc ở đây phải vượt hàng chục km đường hiểm trở, lầy lội bùn đất mỗi khi trời mưa để xuống núi.
Ông Dương Văn Kiều (Chủ tịch UBND xã Phương Giao) cho biết, gia đình anh Dương Văn Thật có hoàn cảnh đặc biệt nên nhà trường và địa phương thường xuyên động viên, thăm hỏi em Dương Thị Thảo những dịp đầu hay cuối năm.
“Để chữa trị cho Thảo, gia đình cháu cần số tiền lớn. Phương Giao là xã nghèo của huyện, tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. 4 xóm ở khu vực này vẫn chưa có điện, không sóng điện thoại và giao thông đi lại khó khăn. Hơn nữa, điều kiện kinh tế khó khăn nên xã chưa thể giúp đỡ gì hơn”, ông Kiều chia sẻ.
Theo VNE
Hơn 2.000 người "đu dây" qua sông
Từ trung tâm huyện Sơn Hà, vượt hơn 30km sẽ đến xã nghèo Sơn Ba, nơi có con sông Re chảy vào lòng xã. Khi sông Re hiền hòa, 629 hộ dân phải "đu dây" qua sông. Khi con lũ ập về, 6 thôn trong xã bị cô lập hoàn toàn.
Những học sinh treo tính mạng trên một sợi dây, qua sông học chữ
Có dịp đến xã Sơn Ba (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) trong những ngày mưa giữa tháng 11/2012, PV Dân trí không khỏi thót tim khi cùng người dân và các học sinh ngồi chênh vênh trên chiếc bè gỗ, bên dưới có chằng săm xe ô tô làm phao, vượt qua sông Re. Hành khách trên bè cùng chủ bè con người vít vào sợi dây thừng vắt ngang sông để lấy lực đưa chiếc bè rộng chưa đầy 4m2 sang bờ bên kia.
Xã Sơn Ba có 6 thôn phải qua sông gồm thôn Làng Già, Làng Chai, Mò O, Làng Bung, Kà Khu và Gò Da, với 629 hộ, tương ứng với 2.533 nhân khẩu, trong đó học sinh phải qua sông Re đi học là 234 em, đa phần là con em người H're.
Thầy Trần Duy Hùng - Hiệu trưởng trường THCS Sơn Ba - tâm sự: "Sau buổi học, các em phải đi bộ gần 2km mới đến điểm đu dây qua sông Re về nhà. Khi mưa lớn, nước lũ từ đầu nguồn đổ về rất hung dữ, nhìn thấy các em qua sông mà lòng tôi lo lắng".
Chênh vênh và hiểm nguy
Theo quan sát của PV Dân trí, dọc con sông Re thuộc xã Sơn Ba có khoảng 7 điểm kéo dây nối hai bên bờ sông. Dây được nối rất đơn sơ với trụ cây hay bụi tre, nhưng là điểm tựa bao lâu nay của hàng ngàn con người.
Là người đưa khách sang sông với chiếc bè tự tạo và di chuyển bằng cách "đu dây", ông Đinh Văn La (ngụ thôn Làng Bung) cho biết: "Khi mực nước lên khoảng 30cm nữa thì không thể kéo bè được, chỉ dùng ghe đi qua thôi, nếu nước lũ là không qua được. Mỗi người dân đi qua thường đóng lệ phí 2.000 đồng, có thêm xe máy là 4.000 đồng, riêng học sinh thì tôi không lấy tiền".
Các học sinh nơi đây không chỉ lo học cái chữ mà còn lo chuyện sáng đi trưa về, tính mạng các em chênh vênh giữa dòng sông Re. Những lúc dòng lũ ập đến đột ngột, nhà trường phải lo nơi ăn chốn ở cho các em tá túc tạm thời, chờ nước lũ lắng dịu mới cho các em trở về nhà.
"Toàn xã chỉ có 1.007 hộ nhưng số hộ dân bên kia sông chiếm hơn 60%, mỗi khi dòng sông chảy xiết, các học sinh lẫn người dân phải ở lại bên này, chúng tôi phải mượn tạm trường học làm nơi ở và vận động nguồn lương thực giúp bà con. Xã Sơn Ba nằm ở nơi hẻo lánh, tài chính có hạn nên khó khăn đủ bề. Người dân ở đây mơ ước có một chiếc cầu treo để đi lại thuận lợi, kể cả lúc bão lũ", ông Đinh Văn Nã - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Ba - chia sẻ.
Mối nối rất sơ sài
Là người dân của xã Sơn Ba, bà Nguyễn Thị Thu Trinh (60 tuổi, ngụ thôn Làng Bung) nói: "Trước đây có chiếc cầu bằng cây nhưng khi mùa mưa đến, nước lũ cuốn trôi và ảnh hưởng tính mạng người dân. Khi cây cầu trôi, người dân chuyển sang dùng bè rồi đu dây qua sông, thế nhưng cũng có nhiều lần cả xe máy lẫn người bị rơi xuống sông rất nguy hiểm".
"Em ước mơ có cây cầu đi qua sông, chúng em sẽ không sợ hãi mỗi khi lũ ập đến đột ngột và không sợ thiếu ăn, thiếu mặc nữa", em Đinh Văn Sợ - học sinh lớp 7B trường THCS Sơn Ba) tâm sự.
Theo Dantri
Chùm ảnh: Trường em ở lưng chừng núi Học sinh dân tộc Mông nơi Háng Đồng ngày xưa chỉ dùng ngựa thồ hoặc đi bộ 3 ngày trời mới tới được trường... Háng Đồng là xã vùng cao khó khăn bậc nhất huyện Bắc Yên (Sơn La). Nơi đây có 100% người Mông sinh sống trên dãy núi cao gần 2000m so với mặt biển, bốn mùa ngập chìm trong mây...