“Cò” bằng lái xe tung hoành – Kỳ 1: Loạn giá đổi bằng
“Cò” Liên tiếp thị dịch vụ đổi bằng lái – Ảnh H.B
Hộ kinh doanh nước giải khát, nhân viên bảo vệ, người giữ xe… đều là “cò” bằng lái xe, trong khi người có nhu cầu phải trả phí “dịch vụ” với giá cao gấp 12 – 25 lần so với quy định.
Phố Cao Bá Quát (P.Điện Biên, Q.Ba Đình, Hà Nội) vốn là phố chuyên dán xe máy, bọc yên. Nay chỉ cần chạy xe qua đầu phố, khách đi đường đều được mời chào đổi mới bằng lái xe ô tô. Bởi lẽ tại số 16 Cao Bá Quát có một bộ phận phục vụ việc đổi mới giấy phép lái ô tô thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT).
Trong vai một người đi đổi bằng lái xe sắp hết hạn, chúng tôi ghé vào quán trà đá, chưa kịp mở lời, bà chủ quán tên Liên đã kéo chúng tôi vào nhà. Bà Liên giới thiệu, dịch vụ của bà hoạt động rất uy tín. Từ mất bằng, đổi bằng mới của Sở GTVT hay của Cục đường bộ bà đều làm tuốt. Giá đổi bằng nội thành 350.000 đồng, bằng nhựa Cục đường bộ 500.000 đồng, bằng chuyển đổi ngoại tỉnh: 800.000 đồng. Mất bằng cấp lại giá 1 triệu.
Video đang HOT
“Nói có sách, mách có chứng”, bà Liên lôi ra một cuốn sổ dày cộp đã kín phân nửa, ghi chi tiết tên khách hàng, kèm theo giá tiền. Từng trang sổ chi chít những địa chỉ, cái tên đổi bằng ở tỉnh xa, như anh L.T.H ở Nam Định, chị V.H.Y ở Phú Thọ, hay anh N.H.L ở Đồng Nai…
“Chỉ cần đưa 4 ảnh 3×4, photo chứng minh và bằng lái, đặt cọc ít tiền, phần còn lại cô lo hết từ A đến Z. Bằng cũ cứ cầm mà chạy, bao giờ có bằng mới, cô alô qua lấy bằng rồi trả tiền luôn một thể. Còn nếu là bằng ngoại tỉnh, phải có hồ sơ gốc, thời gian xác minh cũng lâu hơn tầm từ 40-45 ngày”, bà nói, rồi dúi vào tay chúng tôi chiếc card giới thiệu dịch vụ với đầy đủ địa chỉ, số điện thoại. Khách quen có thể giao bằng tận nơi.
Cách đó vài bước chân là quán cà phê Phương A., “cò” kê ghế ngồi ngay cửa, hễ thấy “đối tượng” nào mặt mũi ngơ ngác, chạy xe chầm chậm là chèo kéo liền.
Cô “cò” này còn trẻ, nhưng giải đáp thủ tục còn tường tận hơn cán bộ nhà nước: “Trường hợp bằng của anh, chị thì mất thời gian đấy. Vì hộ khẩu trong thời gian thi lấy bằng ở Nghệ An, còn nơi cấp bằng tại Hưng Yên, hộ khẩu lại ở Hà Nội nên phải chờ họ đánh công văn về 2 tỉnh trên. Sau khi các dữ liệu trùng khớp và được sự đồng ý của Hưng Yên thì mới tiến hành đổi bằng mới được. Làm bên trong, phải đúng hẹn mới được lấy. Còn làm ở ngoài, chỉ cần địa phương trả lời, thủ tục ra bằng nhanh lắm. Có khi chưa tới 20 ngày đã có bằng. Giá 700.000 đồng và phải chờ từ 45 – 60 ngày. Giá cả “mềm” lắm rồi, không bớt được đâu. Đây, không tin thì anh, chị cứ xem quyển sổ này thì biết”.
Vừa nói cô vừa trưng cho chúng tôi xem danh sách khách hàng. Rồi cô kể vanh vách, nào là Hải Phòng, Vĩnh Phúc là nơi hay gây “khó dễ”, thủ tục chuyển đổi lâu. Nhất là Hòa Bình, có những trường hợp nộp hồ sơ từ tháng 5 đến giờ vẫn chưa có bằng. Nhưng có khi xa tít tận TP.HCM, thủ tục chuyển đổi chỉ trong vòng 20 ngày.
Chê đắt, chúng tôi sang quán cà phê số 1 Cao Bá Quát, bà chủ quán đon đả: “Giá chị là rẻ nhất đấy. Em cứ đi hỏi, nếu đâu rẻ hơn, mang lại đây chị làm không công cho. Để chị viết tích kê, hôm nào có bằng mới phải đưa tiền”.
Theo bà chủ này, nếu bằng của người Hà Nội, phí là 400.000 đồng, đợi 5 ngày. Trong khi đó, phí đổi bằng B2 ngoại tỉnh giá 650.000 đồng và phải đợi 30 – 45 ngày. Tuy nhiên, đây chưa phải là giá cuối cùng, một nhân viên photocopy ngay bên cạnh tiết lộ, đổi bằng Hà Nội 350.000 đồng, bằng ngoại tỉnh: 600.000 đồng trao tay. Muốn rẻ hơn 500.000 đồng chỉ lấy giấy hẹn…
Theo TNO
Xe khách giả thương hiệu tung hoành
Hàng chục xe khách giả thương hiệu Hoa Mai (Bà Rịa-Vũng Tàu) hoạt động tuyến Vũng Tàu - TP.HCM và ngược lại, đã gây thiệt hại cả cho doanh nghiệp và hành khách.
Ông Lê Văn Đào, Trưởng phòng Điều hành hãng xe Hoa Mai, Công ty TNHH vận tải và dịch vụ du lịch Hoa Mai, cho biết thời gian qua, công ty nhận được nhiều phản ảnh của hành khách về việc bị xe khách Hoa Mai bỏ dọc đường, nhà xe hành hung khi khách phản ứng. Có xe đưa khách từ Vũng Tàu lên TP.HCM thì bỏ rơi ở Suối Tiên (Q.9, TP.HCM), có xe chở khách từ TP.HCM về Vũng Tàu nhưng đến Bà Rịa thì bỏ xuống ven đường. Thậm chí có trường hợp nhà xe cấu kết với kẻ xấu móc túi hành khách... "Chúng tôi khẳng định, những xe nêu trên đều là xe dù, giả thương hiệu của hãng Hoa Mai để lừa khách", ông Đào bức xúc. Công ty Hoa Mai đã có văn bản gửi Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Chi cục Quản lý thị trường về tình trạng này.
Hàng loạt xe giả nhãn hiệu Hoa Mai hoạt động công khai trên QL51 - Ảnh: Nguyễn Long
PV Thanh Niên đã tận mắt chứng kiến các hoạt động bát nháo của xe giả thương hiệu Hoa Mai. Cụ thể, tại ngã tư Giếng Nước (TP.Vũng Tàu), trong khoảng 30 phút, có 7 xe "nhái" Hoa Mai liên tục đón, trả khách. Cách đó không xa, ở vòng xoay Khu công nghiệp Đông Xuyên, nhiều xe khách giả liên tục ép xe Hoa Mai thật để giành đón khách từ Vũng Tàu đi TP.HCM.
Ở một bến cóc tại xã Phước Hòa (H.Tân Thành), chỉ trong một tiếng đồng hồ, có hàng chục lượt xe khách giả thương hiệu Hoa Mai đi TP.HCM. Với hướng ngược lại (từ TP.HCM về Vũng Tàu), xe khách "nhái" Hoa Mai cũng tung hoành trên QL51. Xe "nhái" gắn logo hình hoa mai phía trước ca pô và kính sau xe, được dán bằng băng keo để dễ lột khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Khi lực lượng CSGT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tuần tra trên QL51, đoạn thuộc xã Tân Hòa (H.Tân Thành) kiểm tra một số xe khách tuyến TP.HCM đi Vũng Tàu có gắn logo Hoa Mai thì trong lúc lái xe xuất trình giấy tờ lập tức lơ xe lén tháo các logo Hoa Mai để giấu. Lái xe và lơ xe 2 xe khách bị phát hiện này cũng sử dụng đồng phục giả Công ty Hoa Mai.
Trung tá Nguyễn Trọng Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát trật tự Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay có từ 40 - 50 xe khách giả logo Hoa Mai để đón khách từ Vũng Tàu đi TP.HCM và ngược lại. Từ năm 2011 đến nay, PC64 đã chuyển cho Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử phạt 6 trường hợp xe giả thương hiệu Hoa Mai, mức phạt từ 10-15 triệu đồng/xe. Nhưng với thực tế xe giả thương hiệu đang hoạt động rầm rộ như hiện nay thì xem ra mức phạt này còn quá nhẹ.
Theo TNO
Quảng cáo tung hoành cả trên mặt đường Sáng sớm 16-8, nhiều người đi đường tỏ ra bất bình trước hình ảnh quảng cáo rao vặt được sơn vẽ trên mặt đường tại giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM). Nội dung quảng cáo là cần tìm nhà đầu tư cho chuỗi cà phê - ý tưởng độc đáo. Địa chỉ email và số điện thoại...