Cố bán rừng với giá… củi
Sự việc đang gây xôn xao dư luận tỉnh Quảng Trị mấy ngày gần đây là thông tin Ban quản lý dự án 661 Nam Bến Hải (viết tắt là BQLDA 661 Nam Bến Hải) đang hết lần này đến lần khác cố gắng bán hàng trăm ha rừng trồng cách đây 10 năm tại xã Linh Thượng (H.Gio Linh) với giá “bọt bèo” (hơn 2 triệu đồng/ha), dù liên tục bị cơ quan chức năng địa phương “tuýt còi”…
Câu chuyện bắt đầu từ quý 2 năm 2012, khi BQLDA 661 Nam Bến Hải do ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Gio Linh làm trưởng ban đã “âm thầm” bán 260 ha rừng trồng từ các năm 1998, 1999 tại xã Linh Thượng (H.Gio Linh), thuộc các dự án trồng rừng 327 và 661 mà không thông qua việc đấu giá công khai (theo quy định hiện hành, đối với rừng trồng từ nguồn vốn Chương trình 327 và dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, sau khi được phê duyệt quy hoạch là rừng sản xuất thì phải thông qua hình thức đấu giá ). Đến ngày 21.9.2012, thấy có nhiều dấu hiệu đáng ngờ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường đã có công văn yêu cầu dừng việc khai thác và kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan. Thời điểm này, trong 260 ha đã bị “cạo trọc” 140 ha…Đối với 120 ha rừng còn lại, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã có hướng dẫn gửi BQLDA 661 Nam Bến Hải yêu cầu đơn vị này phải triển khai khẩn trương 2 nội dung cốt yếu nếu muốn bán là: xem xét, thẩm định số lượng gỗ cụ thể để áp giá và phải làm thủ tục đấu giá công khai.
Những gốc cây đã bị đốn hạ trước đó trong 260 ha rừng ở Linh Thượng có đường kính lớn – Ảnh: Nguyễn Phúc
Nhưng một lần nữa, BQLDA 661 Nam Bến Hải lại “phớt lờ” tất cả để sáng 9.11, hợp đồng với Công ty CP dịch vụ bán đấu giá tài sản Đất Việt (41 Ngô Quyền, TP.Đông Hà, Quảng Trị) tổ chức bán đấu giá hơn 120 ha rừng một cách đáng ngờ khi chỉ có 3 doanh nghiệp tham gia. Kết quả, sau 2 vòng đấu, 1 doanh nghiệp đã trúng với giá 270 triệu đồng (chỉ hơn giá khởi điểm 10 triệu đồng). Tính ra mỗi ha rừng chỉ được bán ra với giá hơn 2 triệu đồng, cái giá mà nhiều người cảm thán rằng “củi còn đắt hơn thế”.
Đáng nói, theo hồ sơ thẩm định của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị thì 260 ha rừng ban đầu, tổng sản lượng gỗ khai thác lên đến hơn 6.500 m3. Lẽ nào sau khi khai thác 140 ha, thì phần rừng còn lại là “đồi trọc” hay sao mà áp mức giá rẻ chạm đáy đến vậy? “Chúng tôi đã cử cán bộ xuống tận hiện trường để kiểm tra đo đạc cụ thể. Và tính trung bình mỗi ha sẽ thu chừng 30 đến 40 m3 gỗ. Chúng tôi cho rằng mức giá đó là chưa phù hợp, đã lạc hậu do được xây dựng từ thời gian trước…”- ông Hoàng Đức Doanh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị nói.
Video đang HOT
Liên quan đến việc “cố đấm ăn xôi” của BQLDA 661 Nam Bến Hải, ngay sau khi nhận được toàn bộ hồ sơ xin bán 120 ha rừng của BQL này, phát hiện thấy các bước thủ tục chưa phù hợp với chỉ đạo của UBND tỉnh và yêu cầu của Sở NN&PTNT, ngày 15.11, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị đã bác hồ sơ theo đúng quyền hạn của mình.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định sẽ chỉ đạo UBND H.Gio Linh cho ngừng ngay việc bán rừng sai quy định này đồng thời sẽ xem xét trách nhiệm của các cán bộ liên quan.
Nhưng có một sự thật khác trớ trêu hơn là từ ngày 5.7.2012, UBND H.Gio Linh đã giải thể BQLDA 661 Nam Bến Hải, thành lập ban mới có tên gọi: Ban quản lý dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng H.Gio Linh, giao cho ông Nguyễn Văn Thức, Phó trưởng Phòng nông nghiệp H.Gio Linh làm trưởng ban. Nhưng rất nhiều văn bản liên quan đến việc bán rừng sau đó, BQLDA 661 Nam Bến Hải vẫn “đứng tên” và ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng BQL dù đã hết quyền hạn được giao vẫn đứng ra ký. Đáng nói hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên BQLDA 661 Nam Bến Hải cố ý làm trái quy định Nhà nước, bán rừng cho nhiều doanh nghiệp với giá rẻ mạt, gây bức xúc dư luận địa phương…
Theo TNO
Tận diệt cây kim cương vì thương lái TQ
Gần đây, hàng trăm người dân xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông và các xã Măng Cành, Măng Bút, Hiếu, huyện Kon Plông - Kon Tum đổ xô lên rừng tìm bứt cây kim cương về bán cho các thương lái Trung Quốc.
Cây kim cương có tên khoa học là Anoectochilus spp, là loài thực vật quý hiếm thuộc nhóm IA, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Thân cây bò ôm phủ trên những phiến đá hoặc những nơi có lớp đất mùn dày trên các ngọn núi cao. Lá cây óng ánh như kim cương nên người dân quen gọi là cây lá nhung, lan kim tuyến, lan gấm...
Cạn kiệt
Chúng tôi theo anh A Phong ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông vào núi Ngọc Linh để tìm cây kim cương. Từ xã Ngọc Lây, mất gần nửa ngày vượt rừng, lội suối, vừa đi vừa chạy vì sợ vắt đốt, chúng tôi cũng đã đến được lưng chừng núi Ngọc Linh cao chót vót, nơi còn sót lại rất ít cây kim cương. Sau hơn nửa giờ chui rúc dưới tán cây rừng, chúng tôi phát hiện 8 cây kim cương mọc bên gốc một cây cổ thụ. Anh A Phong nhẹ nhàng nhổ các cây kim cương cho vào túi rồi tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm. Sau một ngày lục lọi khắp các khu rừng Ngọc Linh, anh A Phong tìm được tổng cộng 38 cây kim cương.
Anh A Phong tìm kiếm cây kim cương trên lưng chừng núi Ngọc Linh
Anh A Phong cho biết: Không hiểu sao thời gian gần đây, thương lái tới tận làng hỏi mua cây kim cương với giá rất cao. Nhiều người đã bỏ việc nương rẫy lên rừng tìm cây kim cương. Năm ngoái, trung bình mỗi ngày anh tìm được 1 kg cây tươi, bán cho các thương lái được 500.000 đồng. Năm nay, giá 1 kg cây tươi lên đến 1 triệu đồng nhưng rất khan hiếm. "Vừa rồi tôi và mấy người cùng xã phải lên tận đỉnh núi Ngọc Linh tìm mất 3 ngày nhưng chỉ được hơn 2 kg" - anh A Phong cho biết.
Rời Tu Mơ Rông, chúng tôi về xã Hiếu, huyện Kon Plông, nơi có rất nhiều người thường xuyên vào rừng tìm cây kim cương. Ông Đinh Xuân Rường, trưởng thôn Vigơlơng, xã Hiếu, cho biết: Chính quyền xã, huyện cũng nhắc nhở không cho người dân vào rừng lấy cây kim cương nhưng loài cây này đã cho người dân nơi đây nguồn thu nhập đáng kể, vì thế không ngăn được họ. Trong thôn hiện có 96 hộ dân, từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, tất cả lại kéo nhau vào rừng tìm cây kim cương.
Có bao nhiêu mua bấy nhiêu
Khoảng 4 năm lại đây, cứ vào dịp từ tháng 9 đến tháng 11, nhiều người dân ở huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông lại đổ xô lên rừng tìm cây kim cương. Dù chưa ai biết giá trị thực sự của loại cây này nhưng với việc thương lái vào tận nhà, hỏi mua giá cao đã khiến hàng trăm hộ gia đình không quản nguy hiểm vào tận rừng sâu săn tìm, khiến cho loài thực vật quý hiếm này đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt. Không chỉ vậy, loài cây này thường sống ở những khu vực rừng nguyên sinh, rất nhiều rắn độc, thời điểm lấy cây kim cương lại thường xảy ra lũ quét nên rất nguy hiểm. Năm 2010, hai chị em Y Linh và Y Liang, ở xã Măng Cành, huyện Kon Plông, vào rừng tìm cây kim cương đã bị lũ cuốn trôi.
Chị Nguyễn Thị Tâm, chủ cửa hàng tạp hóa ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, cho biết: "Vài năm gần đây, rất nhiều người ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam lên đây hỏi mua cây kim cương. Tôi hỏi mua để làm gì, họ nói không biết vì họ mua về bán lại cho các thương lái Trung Quốc. Nghe đâu bên Trung Quốc mua về làm thuốc chữa bệnh ung thư. Không biết lá kim cương có công hiệu như thế nào nhưng bán bao nhiêu người ta cũng mua".
Bà Nguyễn Thị Thu Diễm, ngụ xã Pờ Ê, Kon Plông, một người buôn bán cây kim cương chuyên nghiệp nói: "Đối với loại kim cương mọc trên đất sẽ thu mua với giá từ 1 triệu - 1,2 triệu đồng/kg cây tươi còn kim cương mọc trên đá, giá chỉ 250.000 đồng/kg.
Mỗi ngày mua được vài chục ký. Mình thu được bao nhiêu các thương lái người Trung Quốc và Đài Loan đến mua hết. Không chỉ bán cây kim cương tươi, tôi còn sấy khô để gửi đi Trung Quốc, Hàn Quốc bán với giá 100-120 triệu đồng/kg".
Nghiêm cấm khai thác
Tại hội nghị toàn quốc ngành kiểm lâm vào ngày 23/11 vừa qua, Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đã có chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên tăng cường kiểm tra, giám sát và ngăn chặn tình trạng người dân khai thác cây kim cương ở khu vực này. Đồng thời, các địa phương khác có loài cây này cũng tăng cường vào cuộc bảo vệ. Cây kim cương là thực vật nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm IA, vì vậy nghiêm cấm việc khai thác vì mục đích thương mại. "Việc khai thác theo kiểu hủy diệt sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, làm suy giảm nguồn gien. Bộ NN-PTNT đang cùng các địa phương có biện pháp bảo vệ và tuyên truyền bà con nhận biết rõ giá trị để cùng bảo tồn" - một vị lãnh đạo nhấn mạnh.
B.Trân
Theo 24h
Khu rừng K9 - nơi lưu giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh Thủ tướng vừa có quyết định thành lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) gọi tắt là Khu rừng K9, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Theo đó, việc thành lập Khu rừng K9 "nhằm bảo tồn, tôn tạo các giá...