Có ai thấy Bắc Kim Thang giống tác phẩm kinh dị nổi tiếng xứ Hàn A Tale of Two Sisters không ta?
Sau khi ra rạp, Bắc Kim Thang nhận được khá nhiều phản hồi tích cực của khán giả về một phim kinh dị thuần Việt thời gian gần đây. Tuy vậy, vẫn có khá nhiều ý kiến cho rằng bộ phim quá giống hai tác phẩm kinh dị nổi tiếng của Hàn Quốc ra mắt trước đó là A Tale of Two Sisters và Forgotten.
Với doanh thu 30 tỷ, Bắc Kim Thang đã chính thức trở thành phim Việt Nam có doanh thu mở màn cao nhất mùa Halloween. Bộ phim nhận được nhiều lời khen về kịch bản, hình ảnh cũng như diễn xuất của dàn diễn viên. Tuy vậy, không ít khán giả cho rằng Bắc Kim Thang chưa phải là một khám phá mới mẻ của điện ảnh Việt mà vẫn còn na ná những tác phẩm kinh dị nổi tiếng khác của Hàn Quốc.
A Tale of Two Sisters
Dù được sản xuất cách đây 16 năm nhưng A Tale of Two Sisters (tên tiếng Việt: Câu Chuyện Hai Chị Em) vẫn được đánh giá là một tác phẩm kinh dị xuất sắc nhất của điện ảnh Hàn Quốc. Với sức ảnh hưởng mạnh mẽ tại châu Á, A Tale of Two Sisters được các nhà làm phim Mỹ làm lại với tên gọi The Uninvited nhưng vẫn không thể vượt qua bản gốc. Có một điều trùng hợp là trong Bắc Kim Thang có một số chi tiết hao hao bộ phim kinh điển của Hàn Quốc.
A Tale of Two Sisters là tác phẩm kinh dị xuất sắc nhất của điện ảnh Hàn Quốc
Đầu tiên, cả hai bộ phim đều lấy cảm hứng từ những chất liệu dân gian. Nếu Bắc Kim Thang khai thác một bài đồng dao quen thuộc với trẻ em Việt Nam thì A Tale of Two Sisters khai thác câu chuyện dân gian nổi tiếng Jangwha và Hongryun của Hàn Quốc. Trong phim, hai chị em Soo Mi (Im Soo Jung) và Soo Yeon (Moon Geun Young) trở về nhà sau một thời gian điều trị tâm lý vì cái chết của mẹ. Sau khi quay về mái nhà của mình, cô chị Soo Mi luôn nhìn thấy những điều bất thường trong căn phòng của người mẹ quá cố. Bên cạnh đó, cô luôn nghi ngờ mẹ kế bạo hành em gái Soo Yeon trước sự vô tâm của người cha mình.
Hành trình của Thiện Tâm trở về nhà khá giống với Soo Mi
Điều này hoàn toàn tương tự cách nhân vật Thiện Tâm ( Trịnh Tài) trong Bắc Kim Thang trở về nhà sau tai nạn và nhận thấy vô số hiện tượng kỳ lạ về sự vắng mặt của em gái Hai Lầm ( Minh Hy). Nỗi sợ trong cả hai bộ phim cũng đều xuất phát từ tâm lý nhân vật chứ không phải những hiện tượng siêu nhiên kỳ bí. Những ngóc ngách trong ngôi nhà thân yêu bắt đầu biến thành nỗi sợ và những tình tiết chẳng biết thật hay mơ cũng xuất hiện với nhân vật như một lời gợi ý cho bí mật chôn giấu đằng sau.
Nhiều hình ảnh ám ảnh và kinh dị trong hai bộ phim cũng khá giống nhau
Cũng thuộc dòng phim kinh dị tâm lý nhưng A Tale of Two Sisters nhỉnh hơn tác phẩm mới của đạo diễn Trần Hữu Tấn ở cách dẫn chuyện và cài cắm chi tiết. Cả hai bộ phim đều cho những tình tiết quá khứ, hiện tại xuất hiện đan xen trong tâm lý nhân vật nhưng nhờ cách dẫn chuyện khéo léo hơn nên A Tale of Two Sisters không khiến người xem nhập nhằng và rối rắm giữa hai thời điểm như Bắc Kim Thang.
Cú twist trong Bắc Kim Thang khá tương đồng với A Tale of Two Sisters
Hai bộ phim có cú twist cuối phim khá tương đồng nhau, phá vỡ gần như toàn bộ mọi giả thuyết trước đó và khiến người xem thực sự phải ồ lên kinh ngạc. Chính nhờ cú twist, A Tale of Two Sisters trở thành phim kinh dị kinh điển trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc và là nguồn cảm hứng cho rất nhiều bộ phim sau này. Đó cũng có thể chính là nguồn cảm hứng của Bắc Kim Thang nhưng cú twist này lại có vẻ lỗi hơn một chút so với A Tale of Two Sisters. Cú twist này chưa có một cơ sở đủ vững chắc để kết luận nên khi xuất hiện, nó còn phá vỡ mạch logic trước đó của bộ phim. Ở đây, khán giả chưa được cung cấp những gợi ý đủ thuyết phục để thừa nhận kết luận này. Đây là một phần khiến Bắc Kim Thang gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng thời gian vừa qua.
Forgotten
Forgotten (tên tiếng Việt: Đêm Ký Ức) là một tác phẩm giật gân ly kỳ của đạo diễn đa tài Jang Hang Jun. Bộ phim là một trong những tác phẩm lấy cảm hứng từ “người đàn anh” A Tale of Two Sisters và bộ ba phim báo thù nổi tiếng của đạo diễn Park Chan Wook là Sympathy For Mr. Vengeance, Oldboy và Sympathy For Lady Vengeance. Ra mắt năm 2017, Night Of Memory gây sốt với kịch bản chặt chẽ, cách kể chuyện hấp dẫn và những cú twist điếng người liên hồi. Đây chính là một trong những bộ phim điện ảnh in đậm dấu ấn của hai mỹ nam xứ Hàn Kang Ha Neul và Kim Moo Yul.
Forgotten là tác phẩm gắn với tên tuổi mỹ nam Kang Ha Neul
Ngay sau khi Bắc Kim Thang ra rạp, nhiều khán giả đã nhận ra nhiều điểm tương đồng với Night Of Memory. Hai bộ phim cũng bắt đầu bằng hành trình của một nhân vật trong chính ngôi nhà của mình với những hiện tượng lạ lùng và kỳ quái không thể giải thích được. Vì gặp những vấn đề về tâm lý nên nhân vật chính chẳng thể phân biệt được đâu là thực, đâu là ảo ảnh cho đến khi những sự thật phơi bày. Ở điểm này, Bắc Kim Thang khá giống với tác phẩm của đạo diễn Jang Hang Jun. Ngoài ra, cách kể chuyện, đưa ra tình huống và diễn xuất hơi đơ có ý đồ của nhân vật chính cũng khá tương đồng với nhau.
Khán giả phát hiện ra điểm giống nhau giữa Bắc Kim Thang và Forgotten
Với những ai từng xem A Tale of Two Sisters hoặc Forgotten thì có thể đoán được khá nhiều diễn biến trong Bắc Kim Thang, bao gồm cả cú twist cuối phim. Dù Forgotten diễn biến nhanh đến mức không theo dõi kịp trong khi nhịp phim Bắc Kim Thang thách thức lòng kiên nhẫn của người xem thì hai tác phẩm đều chọn cùng một lý do để câu chuyện bắt đầu. Chính vì có quá nhiều điểm tương đồng với tác phẩm đi trước mà dù là một tác phẩm kinh dị thuần Việt có kịch bản khá tốt, Bắc Kim Thang vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục.
Theo helino
Xem Bắc Kim Thang mà nghĩ đây chỉ là bài hát cho vui thì coi chừng bạn đã lầm to đấy, không tin để NS Trung Dân nói cho mà nghe!
Giữa những tranh cãi của khán giả liên quan đến nhan đề Bắc Kim Thang, nghệ sĩ Trung Dân cho rằng nếu hiểu câu chuyện đằng sau bài đồng dao thì sẽ thấy rất nhiều điểm tương đồng trong bộ phim.
Bài viết có spoil nội dung phim, xin độc giả cân nhắc trước khi đọc!
Bắc Kim Thang gây chú ý ngay từ cái tên vì đây là một bài đồng dao quen thuộc trong văn hóa Việt Nam lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh rộng. Với những ai đã xem phim xong, hẳn đa phần sẽ thắc mắc NSX có đang lạm dụng một bài đồng dao nổi tiếng chỉ để thu hút sự chú ý hay không? Vì nó không liên kết nhiều với nội dung của phim.
Nói về vấn đề này, nghệ sĩ Trung Dân đã có lời giải thích vô cùng cặn kẽ, về cả bài đồng dao lẫn bộ phim Bắc Kim Thang có mối liên quan mật thiết với nhau.
NS Trung Dân giải thích "chú bán dầu - bán ếch" ở phim "Bắc Kim Thang"
Chú giải thích như thế nào về hình tượng "chú bán dầu, chú bán ếch" và "chim le le - bìm bịp" ở bài đồng dao Bắc Kim Thang?
Bắc Kim Thang là một câu chuyện không mới, đó là cái nhìn bẩn thỉu về cuộc sống và xã hội của một người phụ nữ ở tầng lớp trên. Nhân vật chính là Thiện Tâm gắn câu chuyện của mình với một câu hát đồng dao mà rất nhiều người thuộc: " Bắc kim thang cà lang bí rợ, cột qua kèo, kèo qua cột, chú bán dầu qua cầu mà té, chú bán ếch ở lại làm chi, con le le đánh trống thổi kèn, con bìm bịp thổi tò tí te tò te". Ít người biết nên chưa hiểu, thực ra câu chuyện trong bộ phim Bắc Kim Thang nếu gắn vào lời bài đồng dao này thì sẽ hiểu cực kì hay.
Thiện Tâm - cháu đích tôn trong gia đình.
Văn hóa Nam Bộ thể hiện trong những bài hát vè của những đứa trẻ con ở quê, người lớn nghe nhiều rồi đúc kết thành văn hóa miền sông nước miền Nam Việt Nam. Câu chuyện kể về tình bạn bán hàng của một anh bán dầu với một anh bán ếch, họ gắn kết và chia sẻ với nhau. Người bán ếch muốn có ếch thì phải đi bẫy, mồi bẫy của họ là gì ta không cần biết, nhưng khi họ đi bẫy thì trông thấy con bìm bịp và con le le đang tranh nhau miếng mồi rồi hai con sụp luôn vào cái bẫy đó luôn. Bài học đầu tiên là về sự tranh giành, tranh giành mà bất chấp thì chết luôn cả đám.
Tiếp theo câu chuyện nhé, khi hai con này sập bẫy rồi thì ông kia muốn bắt về ăn thịt nhưng rồi nhìn mặt chúng đáng thương quá, ông lại thả. Bạn biết con le le với bìm bịp không? Con le le thì giống như con vịt, còn con bìm bịp thì tựa như con quạ, nó săn rắn về tổ, rung mấy cái là con rắn gãy xương sống nằm đó cho đám con nó ăn, ai mà thọt tay vào ổ nó có ngày rắn cắn chết. Tiếng kêu của nó báo hiệu nhiều thứ, vang và chính xác, hễ nó kêu thì nước lớn, nó kêu thì nước rồng. Trong văn hóa nông nghiệp Việt Nam, người nông dân sử dụng con bìm bịp để lắng nghe ở môi trường. Chứ con le le thì nhát và nhỏ, thấy người là nó bay đi.
Chim lele
Chim bìm bịp là loài ăn rắn.
Trở lại với câu chuyện, khi hai con bìm bịp và le le được giải phóng, ông bán ếch vẫn ở lại bình thường thôi. Bữa trưa ông nằm ngủ thì thấy con le le với bìm bịp bay tới báo mộng là " Ông ơi, bên dưới cái cầu mà ông với ông bán dầu bán có 2 con ma muốn bắt ông với ông bán dầu xuống đó để thế mạng cho nó, chuyện đó xảy ra trong vòng bảy ngày tới nên ông hãy coi chừng", ông bán ếch sợ hãi chạy qua nhà ông bán dầu kể hết mọi chuyện. Ông bán ếch vốn từng có người mẹ hay người cha gì đó đã mất rồi, thời gian đó, ông bán dầu có đem tiền phúng điếu nên ông bán ếch nhớ ơn.
Vì thế, dù ông bán dầu không tin thì ông bán ếch vẫn cố gắng bảo vệ ông bán dầu bằng cách sang đó bày tiệc 7 ngày làm sao để ông bán dầu không đi qua cây cầu đó. Nhưng khi nhậu đến ngày thứ 6, ông bán dầu vẫn tỉnh dậy, đi bán dầu qua cây cầu đó và té chết thật. Ông bán ếch biết vậy nhưng ngày thứ 7 mới dám qua vớt xác bạn mình lên làm đám. Trong đám tang đó, con bìm bịp và con le le đến kêu giống như đang than khóc cho ông bán dầu, tạo nên một âm thanh ma chay, nói đánh trống thổi kèn chỉ là cường điệu thôi.
Bắc Kim Thang không dừng lại ở một bài hát đồng dao thiếu nhi mà còn gửi gắm rất nhiều bài học về chia sẻ tình bạn, sự tranh giành trong chất kể ma mị. Trong phim cũng vậy, các nhân vật vì mê muội cờ bạc mà dẫn đến kết cục bi thảm.
Hình ảnh những người trong gia đình ở Bắc Kim Thang.
Còn về hình tượng "bắc kim thang cà lang bí rợ" thì sao thưa chú?
Mọi người thường hay ghép "cà - lang - bí - rợ" vào thành một cụm "cà lang bí rợ" nên mới thấy khó hiểu. Thực ra mỗi yếu tố lại có nghĩa riêng. "Cà" có thể là trái cà, "lang" có thể là khoai lang,... tất cả mọi cái là những dây leo, "bắc kim thang" là bắc cái thang lên cho những dây leo sống, sinh tồn, cộng hưởng. Đó cũng là một bài học đơn giản, dễ hiểu của ông bà mình đã gửi gắm qua các câu đồng dao. Nó là một câu chuyện buồn, nhưng khi chơi đùa, chúng ta hát cái bài hát này trong ngữ cảnh vui thì lại cảm thấy vô tư lắm. Con le le, con bìm bịp chính là biểu tượng của thiên nhiên, thiên nhiên cũng có thể dự báo trước số phận của con người. Sự gắn kết giữa người với người cũng là bài học rất hay mà bộ phim rút ra từ câu chuyện này.
Trở lại với bộ phim Bắc Kim Thang, mối quan hệ gia đình phạm phải rất nhiều sai lầm như trọng nam khinh nữ, họ không "bắc được kim thang" để tình cảm thăng hoa, họ chia rẽ lẫn nhau, từ cha mẹ, vợ chồng cho đến anh em. Đó là một ngôi nhà bệ rạc, rượu chè be bét, từ danh giá, giàu có trở thành một đống than.
Trailer Bắc Kim Thang
Bên cạnh câu chuyện giải thích ý nghĩa của bài đồng dao trong bộ phim Bắc Kim Thang, chúng tôi cũng đã có buổi phỏng vấn chân tình với NS Trung Dân về câu chuyện 30 năm tham gia nghệ thuật. Bài phỏng vấn đầy đủ sẽ xuất bản trong thời gian sớm nhất. Rất mong độc giả đón đọc.
Bắc Kim Thang đang công chiếu trên các rạp toàn quốc.
Theo helino
MXH Việt phản ứng tích cực với phim kinh dị xoắn não Bắc Kim Thang: Xem được, bất ngờ cú "twist" đáng tiền Sau suất chiếu đầu tiên, những lời khen về cú twist của Bắc Kim Thang bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội kèm theo cảnh cáo "hãy block ngay đứa spoil cái kết" đáng đồng tiền bát gạo của bộ phim. Ngay sau khi công chiếu trên mạng xã hội đã ngập tràn review của những khán giả đầu tiên của Bắc...