Có ai đang bỏ quên chữ ‘an’
Những ngày cuối năm, ai cũng hối hả. Những cái nhăn mặt, đôi mày chau xuất hiện rõ nét trên từng khuôn mặt ngược xuôi. Giữa vòng xoay, xe cộ mắc cửi đan vào nhau.
Người điều khiển xe máy miệng cười, bóp phanh rồi đưa tay ra hiệu cho chiếc ô tô trước mặt đi qua. Người tài xế nọ hạ cửa xe, vừa cho xe chạy vừa quay lại mỉm cười, gật đầu tỏ ý cảm ơn. Chỉ vậy thôi mà cái dòng xe kia, cái nóng kia, những bụi khói kia cũng bớt gây khó chịu. Và nghĩ, giữa ngồn ngộn những cau có, ẩu đả hay tai nạn khiến người ta bất an mỗi lần ra đường hằng ngày, biết đâu chỉ cần một giây dừng lại và một cái mỉm cười, là đã có thể an – vui.
Ảnh minh họa
Đến cơ quan, dựng xe ngay bãi đậu, người bảo vệ già đưa tay ra nắm như một lời chào dịu dàng, móc lại giúp cái nón bảo hiểm đang chực rớt. “Sáng nay trời lạnh, sao con không mặc áo dài tay?” – câu hỏi của người bảo vệ nhẹ như ngọn gió cuối năm, chiếc áo ông mặc cũng không phải tay dài. Lòng tự nhiên thấy dịu dàng quá.
Rồi thì, cuối năm mà, “deadline” theo nhau ập tới. Những con số, địa chỉ, dòng thư, những xác nhận, phản hồi… khiến cặp mắt không có phút giây nào rời khỏi màn hình máy tính, để khi ngẩng lên, giờ trưa đã qua tự lúc nào. “Em có mua cho chị hộp cơm, để trên bàn kia” – vậy thôi, một câu ngắn ngủn, mà kẻ được nhận trong lòng như có những nốt nhạc tươi.
Video đang HOT
Tự bao giờ, những ngày giáp tết là những ngày được mặc định gắn với lo toan, nên người ta cũng cho mình cái tư thế được hối hả và mệt nhoài, bực dọc. Tự bao giờ, những cú va nhau trên đường đều gắn cùng câu hét: “Đi đứng kiểu gì đấy?”… Sự vội vã hiện rõ trên từng bánh xe, mà đôi khi người ta cũng không rõ mình đang vội vì điều gì, có đáng không.
Hầu hết chúng ta đều bị tổn thương bởi một điều gì đó, bởi một ai đó, có khi là mỗi ngày. Nhưng chúng ta cũng đâu thiếu cái quắc mắt, câu gằn với tông giọng chát chúa dành cho người khác trong cơn bực dọc. Hành trình tự chữa lành diễn ra với mỗi người, cùng hành trang đi theo là những câu trách cứ, dỗi hờn, bỏ mặc. Thật khó để nhận diện rằng thật ra chúng ta đã chối bỏ chữ “an” viết cho mình.
Ảnh minh họa
Mỗi cuối năm, chúng ta đều tự vấn nhau về một năm đã qua, rằng sao mà khó nhọc thế, rồi chúc nhau an lành ở giây phút năm mới bắt đầu, nhưng chúng ta cứ tìm an ở mãi tận chốn đâu, bỏ quên nụ cười, bỏ quên cả một giây đi chậm, bỏ quên những điều giản đơn như rót giúp nhau một ly nước, móc giùm nhau chiếc nón… Mà, an thì ở đó.
Không mấy ai nhận ra rằng chính chúng ta đã tự làm mình chật vật. Không mấy ai thấu được chính giây phút bước vào nhà sau một ngày miệt mài với những con số, nghe đứa trẻ hét váng “mẹ về” là khoảnh khắc an. Hay giữa dòng xe như lao vào nhau trên đường mà ngó đâu cũng thấy bất trắc kia, chúng ta vẫn có thể chọn an, từ chính điều mình dành cho người khác – đôi khi chỉ là một nụ cười.
Chữ an, cũng dễ viết thôi mà!
Lương Hàn
Theo phunuonline.com.vn
Gánh khoai từ của mẹ
Sáng nay đi chợ, lúc ngang qua hàng rau quả, tôi được một bà cụ kéo tay, khẩn khoản mời: 'Khoai từ vườn nhà già bán nhín đặng Tết lì xì cháu chắt nè, ngon lắm! Mua giùm già nha!'.
Tôi không định mua nhưng cũng vui vẻ lấy hết. Bởi lời mời của bà cụ y như câu thần chú kéo ngược thời gian, tôi thấy mình nhỏ dại như cô bé của những ngày xưa trông mau tới Tết để được theo mẹ đi chợ, để được ăn khoai từ.
Nhà tôi sát nách chợ Xởm, cái chợ nhỏ, họp nhanh, tan sớm. Chợ quê nghèo nhưng vui, chợ Tết thì càng vui hơn. Những ngày giáp Tết ai cũng tranh thủ đi chợ, kẻ khiêng người gánh tấp nập, đông vui. Mẹ tôi tỉ mẩn xếp đầy 2 thúng sản vật của nhà: khoai từ, dưa leo, côve, bưởi, mận... Gánh hàng của mẹ, giá trị nhất là khoai từ. Khoai từ được bày bán rất nhiều trong chợ nhưng gánh khoai từ của mẹ là ngon nhất. Quê tôi hồi đó, ngày Tết có tô canh khoai từ nấu xương là 'sang chảnh' rồi. Giống khoai từ của mẹ có 'xuất xứ' hơi bị... đặc biệt. Mẹ kể hồi đi cắt lúa mướn ở Vạn Giã, có chàng thanh niên người Bắc theo tán tỉnh, có lần anh về quê chơi rồi đem vào tặng mẹ túm khoai từ bảo mang về quê trồng. Giống khoai từ ấy rất ngon, hội đủ 3 tố chất: dẻo, bùi, ngọt nên mẹ rất quý. Nhà tôi không có đất vườn, thẻo đất sát rào dâm bụt được mẹ cuốc, vun thành giồng cắm cọc, làm giàn cho dây khoai từ leo. Khoai từ có ưu điểm dễ sống, ít sâu bệnh nên dù chút đất thịt sát rào, chi chít rễ cây thì khoai vẫn xum xuê củ.
Cỡ giữa tháng 11 âm lịch, trời còn mưa còn lạnh, mẹ chưa đào khoai thì tôi đã ngồi canh, đợi mẹ ra đồng sẽ lén ra bới gốc. Trời lạnh, được ăn khoai từ luộc là nhứt hạng, nếu có chén đường cát để chấm nữa thì tuyệt cú... mèo! Thường thì tới đầu tháng chạp, khi thấy những lá dưới gốc chuyển sang màu vàng, bới chút đất kiểm tra, thấy vỏ khoai chuyển màu nâu sẫm mẹ mới thu hoạch khoai.
Hai thúng khoai từ to, mẹ để dành một rổ to để lo cúng kính ba ngày Tết. Còn lại mẹ chia đôi, một nửa đem ra chợ, nửa còn lại chia thành nhiều phần nhỏ, đợi đến hai bảy, hai tám Tết thì sai tôi đem sang cô bác hàng xóm và nói: 'Mẹ gửi thím/bác ăn Tết cho vui!'.
Theo netnews.vn
Cuộc hôn nhân được cứu sau pha vợ đuổi chồng ở rể khỏi nhà Giây phút Hân chỉ thẳng vào mặt chồng và mẹ anh nói: 'Cút hết khỏi nhà tôi', thì Trung hạ quyết tâm ly hôn. Khó có thể tin, sau cơn "đại hồng thủy" như vậy, Hân và Trung ở thành phố Nam Định vẫn có thể bên nhau, thậm chí còn mặn nồng như thuở mới yêu. Hơn nửa năm qua Hân đã...