“Có 8/63 tỉnh, thành thực hiện việc thu BHYT theo 15 tháng”
Đây là thông tin do ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH VN) – cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin về BHYT cho học sinh, sinh viên năm học 2015-2016. Cuộc họp do BHXH VN tổ chức chiều 16/9 tại Hà Nội.
Buổi họp báo về BHYT do BHXH VN tổ chức chiều 16/9
Thông tin thu BHYT học sinh, sinh viên “một gói” 15 tháng chính là một trong các nguyên nhân khiến dư luận có nhiều bức xúc thời gian qua. Trong khi đó, Thông tư 41/2014/TTLT-BTC-BYT hướng dẫn việc thu BHYT không nhắc tới việc thu “một gói” 15 tháng.
Theo lý giải của BHXH VN, năm học 2015-2016 là thời điểm đầu tiên thực hiện Luật BHXH sửa đổi năm 2014. Theo đó, mức thu sẽ tăng từ 3 % lên 4,5 % lương cơ sở, việc thu được thực hiện theo năm tài chính (từ 1/1 – 31/12 hàng năm) thay cho việc thu theo năm học.
“Cụ thể mức thu BHYT năm 2015 – 2016, học sinh và sinh viên sẽ đóng 51.000 đồng x 12 tháng. Một năm, học sinh – sinh viên sẽ đóng 612.000 đồng. Nhà nước hỗ trợ 30%. Như vậy, từ năm học 2015-2016, tiền đóng BHYT là hơn 430.000 đồng/học sinh, sinh viên” – ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) cho biết.
Do thời hạn sử dụng thẻ BHYT của HSSV năm học 2014-2015 sẽ kết thúc vào tháng 9/2015. Trong khi đó, năm tài chính 2016 bắt đầu từ 1/1/2016 còn tới 3 tháng. Chính vì vậy, một số tỉnh, thành đã thực hiện việc thu gộp 3 tháng còn lại của năm 2015.
Lý giải việc thực hiện đóng BHYT 15 tháng, ông Trần Đình Liệu cho biết: “Mặc dù Thông tư 41/2014/TTLT-BTC-BYT không quy định thu gộp 15 tháng. Nhưng do cách hiểu chưa đúng nên khi tổ chức triển khai, đơn vị BHXH và giáo dục ở tại 8 tỉnh, thành đã hướng dẫn thu BHYT gộp 15 tháng”.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều bậc phụ huynh học sinh bức xúc.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi kinh phí đóng góp đầu năm cho nhà trường của các gia đình không nhỏ.
Mức đóng BHYT tăng sẽ gây khó khăn cho các gia đình, đặc biệt là các gia đình ở nông thôn.
Ông Trần Đình Liệu – Trưởng ban Thu (BHXH VN) cho biết, tới ngày 15/9, 8 tỉnh, thành đã thực hiện chỉ đạo thu BHYT theo 15 tháng, gồm: Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Quảng Trị, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, TP HCM. Riêng TP HCM đã chiều chỉnh dừng ngay việc thu 15 tháng và chuyển sang hướng dẫn thu 6 tháng hoặc 12 tháng từ hôm 12/9.
“Ngay sau đó, chúng tôi đã triển khai xin ý kiến thu 6 tháng hoặc 1 năm theo Thông tư 41/TTLT-BTC-BYT. Tính trung bình 8 tỉnh đã thực hiện thu BHYT 15 tháng, mỗi tỉnh có khoảng 150.000 đối tượng học sinh – sinh viên thuộc diện phải đóng. Còn việc đã thu được bao nhiêu tiền theo gói 15 tháng, chúng tôi chưa có thống kê cụ thể được” – ông Trần Đình Liệu cho biết.
BHXH VN cho biết, bên cạnh 8 tỉnh hướng dẫn thu 15 tháng, có 50 tỉnh có hướng dẫn thu theo 6 tháng hoặc tháng 12 tháng, 5 tỉnh hướng dẫn thu theo năm học (từ tháng 9 năm nay tới tháng 9 năm sau).
Bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH VN: Chúng tôi có 1 phần trách nhiệm trong việc tuyên truyền, khiến một số giáo viên và hiệu trưởng chưa hiểu và cho rằng thu BHYT là công việc “thu hộ”. Thực ra, trách nhiệm về việc nhà trường thu BHYT đã được quy định rõ trong các nghị định, thông tư liên quan.
Video đang HOT
Để linh hoạt trong việc đóng BHYT của học sinh – sinh viên, BHXH VN đề nghị liên Bộ Y tế-Tài chính bổ sung Thông tư 41/TTLT-BTC-BYT phù hợp với Luật BHYT và Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014. Theo đó có quy định thời gian đóng là 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.
Liên quan tới câu hỏi trách nhiệm của BHXH ra sao khi thông tin đóng 15 tháng BHYT gây bức xúc cho nhiều bậc phụ huynh? Ông Phạm Lương Sơn cho biết: “Luật BHXH 2014 đã quy định rành mạch trách nhiệm các bên. BHXH VN đã có thông tin ngay khi có phản hồi về mức đóng 15 tháng. Theo đó, việc đóng BHYT sẽ phân kỳ thu 3 tháng, 6 tháng trong năm học 2015-2016″.
15 triệu học sinh – sinh viên có thẻ BHYT.
Theo BHXH VN, tỷ lệ học sinh – sinh viên tham gia BHYT tăng dần qua các năm.
- Năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT.
- Năm học 2012-2013, tỷ lệ này là khoảng 80%. Năm học 2013-2014, tỷ lệ này là 85%.
- Năm học 2014-2015, tỷ lệ này là 88,5% tương ứng với khoảng 15 triệu HSSV có thẻ BHYT (trong đó 12,3triệu HSSV đang tham gia tại nhà trường và 3,7 triệu HSSV tham gia BHYT tại các nhóm khác).
Với câu hỏi chất lượng dịch vụ có được gia tăng lên khi mức đóng BHYT tăng? Ông Phạm Lương Sơn cho rằng: Ngành y tế – một trong các bên tham gia chính sách BHYT – đã có chuyển biến trong phục vụ đối tượng BHYT nói chung và học sinh – sinh viên tham gia BHYT nói riêng.
“Tôi thấy họ đã có quan niệm “tính tiền vào nụ cười của nhân viên y tế”. Chúng tôi quan tâm hơn hết đối với vấn đề này”.
Với câu hỏi, kết dư của quỹ BHYT học sinh sinh viên không nhỏ, nhưng có được dành cho nhóm này không?
Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, nguyên lý của BHXH là cộng đồng. HSSV là 1/5 nhóm đối tượng của BHXH. Do vậy, kết dư của BHYT học sinh sinh viên đều quay lại để hỗ trợ cho HSSV nâng cao chất lượng khám chưa bệnh, cụ thể: Thanh toán các tai nạn thương tích, thanh toán các bệnh mới mà luật cũ không quy định (ví dụ bệnh lác)…
Ngành giáo dục có “thu hộ” BHYT cho ngành BHXH?
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn cho biết: Không có chuyện”thu hộ” ở đây. Theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014, trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc thực hiện thu BHYT khá rõ ràng.
“Tại Điều 7b của Luật BHYT sửa đổi năm 2014, có quy định: Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đối với đối tượng thuộc ngành quản lý. Đồng thời, Điều 17 cũng quy định, việc lập danh sách tham gia BHYT cho đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý” – ông Phạm Lương Sơn nói.
Bên cạnh đó, ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết, theo Nghị định số 105/2014/NĐ-CP: Các bộ, ngành có liên quan trong phạm vị chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Theo Thông tư 41: Cơ sở giáo dục có trách nhiệm thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần.
Đối với học sinh, sinh viên thuộc nhiều đối tượng khác nhau quy định tại Khoản 3 và Điểm a Khoản 4 Điều 1 Thông tư 41 đang theo học tại cơ sở giáo dục do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý thì tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 8 Điều này và xuất trình thẻ BHYT cho cơ sở giáo dục khi lập danh sách tham gia BHYT, tránh việc cấp trùng thẻ BHYT”
Hoàng Mạnh
Theo Dantri
Vụ 146 Quán Thánh: Lãnh đạo TP Hà Nội sẽ trực tiếp đối thoại với người dân
Sau khi các hộ dân liên tục phản đối phương án xây dựng cống mới bằng tiền ngân sách được Chủ tịch UBND quận Ba Đình đưa ra, chiều nay lãnh đạo TP. Hà Nội sẽ chủ trì buổi đối thoại với cư dân 146 Quán Thánh để xem xét và giải đáp đề nghị chính đáng của người dân.
Như thông tin báo Dân trí đã đưa, ngày 4/9/2015, tại trụ sở UBND quận Ba Đình, ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch quận Ba Đình đã chủ trì buổi họp báo thông tin phương án "giải cứu" 11 hộ dân sinh sống tại biển số nhà 146 Quán Thánh. Trao đổi với đại diện các cơ quan báo chí, đại diện UBND quận Ba Đình kết luận: " Sau khi xác định nguyên nhân có thể khẳng định hệ thống cống nước cũ có từ thế kỷ trước của nhà 146 Quán Thánh đi qua nhà ông Minh (số 5 Đặng Dung - PV) đang bị tắc, từ đó gây ra ngập úng vì cống không có đường thoát...".
Hệ thống cống thoát nước thải bị tắc dưới nền nhà số 5 Đặng Dung đã đẩy 11 hộ dân thuộc biển số nhà 146 Quán Thánh chịu cảnh ô nhiễm, xú uế kéo dài suốt hai năm qua.
Nguyên nhân tắc, khu vực cống tắc đã được xác định rõ dưới nền nhà số 5 Đặng Dung, nhưng UBND quận Ba Đình lại nhận định không thể khôi phục lại đường cống cũ. Giải thích việc này, Chủ tịch quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết: " Trong quy định của pháp luật chưa có điều nào quy định tìm ra điểm tắc trong khu vực nhà nước không quản lý, chính quyền có quyền vào đào nhà dân xây đường cống mới. Nhà số 5 Đặng Dung đã được cấp sổ đỏ, nếu chủ nhà khóa cửa không cho vào thì không thể làm gì được. Trong khi khảo sát, Công ty Thoát nước đã dùng máy thông thử nhưng không được (!?)".
Sau khi khẳng định việc không thể khôi phục lại đường cống cũ vì những khó khăn pháp lý, ông Đỗ Viết Bình đã "chốt" phương án xây đường cống mới bằng tiền ngân sách Nhà nước. Ông Bình cho biết: " Việc xây đường cống mới sẽ lấy nguồn từ ngân sách nhà nước. Theo tính toán của đơn vị chức năng, phần kinh phí xây cống mới sẽ không nhiều...". Cho rằng phương án xây cống mới là phù hợp nhất, nhưng ông Chủ tịch quận Ba Đình cũng thừa nhận việc xây dựng cống mới chưa nhận được sự đồng thuận của 6/11 hộ dân sinh sống tại biển số nhà 146 Quán Thánh.
Bỏ qua phương án thông cống tắc, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, ông Đỗ Viết Bình "quyết" lấy ngân sách xây dựng đường cống mới bất chấp việc các hộ dân nhà 146 phản đối.
Tại buổi họp báo ngày 4/9/2015, Chủ tịch quận Ba Đình không trả lời câu hỏi " trong văn bản chỉ đạo của TP. Hà Nội về việc xử lý tình trạng ô nhiễm tại số nhà 146 Quán Thánh, có văn bản nào yêu cầu quận Ba Đình lập phương án xây dựng đường cống mới?" được phóng viên báo Dân trí đặt ra.
Sau buổi họp báo ngày 4/9/2015, UBND phường Quán Thánh và đại diện UBND quận Ba Đình đã lần lượt mời các hộ dân sống tại biển số nhà 146 Quán Thánh thông báo kế hoạch triển khai xây dựng đường cống mới dự kiến từ ngày 17 - 25/9/2015, đồng thời tuyên truyền vận động người dân ủng hộ việc xây đường cống mới, nhưng chưa nhận được sự đồng thuận.
Theo thông tin phóng viên báo Dân trí có được, chiều ngày 14/9/2015, Phó chủ tịch TP. Hà Nội, Nguyễn Quốc Hùng sẽ chủ trì buổi tiếp đại diện cư dân nhà 146 Quán Thánh để xem xét, giải quyết những kiến nghị của người dân liên quan đến nhà 146 Quán Thánh. Cùng tham gia buổi tiếp có đại diện Thanh tra Thành phố, Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình và UBND phường Quán Thánh.
Trải qua nhiều vất vả và sử dụng các thiết bị hiện đại, Công ty Thoát nước mới xác định được cống D300 đấu nối với cống D800 bị tắc dưới nền nhà số 5 Đặng Dung.
Số nhà 146 Quán Thánh có nguồn gốc là một biệt thự cũ rộng hơn 300m2. Nhà có một đường cống thoát nước chạy từ sân chung dưới nền nhà của 3 gia đình, rồi đổ thẳng vào cống thoát nước lớn ở phố Đặng Dung. Qua nhiều chục năm sử dụng, hệ thống thoát nước vẫn hoạt động ổn định, không bao giờ xảy ra tình trạng ứ đọng. Từ tháng 7/2013, khu dân cư bất ngờ chìm trong nước thải chỉ sau trận mưa nhỏ. Theo tường trình của người dân, kiểm tra sơ bộ, các hộ dân phát hiện cống thoát nước từ nhà 146 Quán Thánh ra phố Đặng Dung, đoạn qua nhà ông Nguyễn Xuân Minh (số 5 Đặng Dung) có dấu hiệu bị chặn lại.
Từ tháng 7/2013, UBND quận Ba Đình đã nhiều chỉ đạo xử lý nhưng tình hình không có chuyển biến.Thực hiện chỉ đạo của quận Ba Đình tại Công văn số 1321/UBND-VP, ngày 7/10/2013, về việc giải quyết nước thải sinh hoạt úng ngập tại 146 Quán Thánh. Ngày 8/10/2013, phường Quán Thánh đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, Xí nghiệp Thoát nước số 1 và các đơn vị chức năng tiến hành khảo sát, kiểm tra hệ thống thoát nước tại hiện trường.
Kết quả kiểm tra ngày 8/10/2013 cho thấy, hệ thống thoát nước thải từ nhà 146 Quán Thánh ra hệ thống cống lớn có dấu hiệu bị tắc nghẽn không thể tiêu thoát nước. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, quận Ba Đình đã nhiều lần chỉ đạo phường Quán Thánh và các đơn vị chức năng kiểm tra thực tế, cấp phép cho phường Quán Thánh đào vỉa hè số 5 Đặng Dung kiểm tra hạ tầng kỹ thuật, nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến ứ đọng nước thải. Tuy nhiên, từ tháng 10/2013, đến đầu năm 2015, kế hoạch đào vỉa hè xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng tại số nhà 146 Quán Thánh không thể triển khai do vấp phải sự cản trở của nhiều đối tượng không liên quan.
Cụm dân cư 146 Quán Thánh ngập ngụa trong nước thải hơn 2 năm qua có nguyên nhân bị tắc cống thoát nước thải dưới nền nhà số 5 Đặng Dung.
Phải đợi đến ngày 30/6/2015, nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm mới được xác định rõ sau buổi khảo sát, kiểm tra hệ thống cống thoát nước nhà 146 Quán Thánh. Cơ quan chức năng kết luận: "... Đào ga G3 trong số nhà 146 Quán Thánh (nhà hộ bà Lê Tuyết Băng, liền kề nhà số 5 Đặng Dung) đến độ sâu 0,8m gặp đường cống xây gạch cũ kết nối với cống D200 nhựa có hướng chảy vào trong nền nhà số 5 Đặng Dung (hệ thống thoát nước duy nhất của số nhà 146 Quán Thánh - PV). Sử dụng biện pháp thủ công kết hợp cơ giới thông tắc moi ra nhiều giẻ nút trong cống, thông từ miệng cống nhựa D200 sâu 0,8m thì tắc không thông được.
Vị trí hố đào trước nhà số 5 Đặng Dung (dưới đường nhựa, cách tường nhà số 5 Đặng Dung 2,4m - PV), đào đến độ sâu 1,5m gặp đường cống bê tông cũ D300 kết nối cống D800 trên phố Đặng Dung. Tuyến cống D300 có hướng chảy qua nhà số 5 Đặng Dung. Sử dụng dàn xe cơ giới thông tắc moi ra nhiều gạch vụn trong cống. Thông từ miệng cống D300 vào sâu 6,0m thì không thông được. Vị trí tắc nằm trong nền nhà số 5 Đặng Dung...".
Dựa trên kết quả khảo sát, Sở Xây dựng đề nghị TP. Hà Nội giao quận Ba Đình kiểm tra, rà soát, lập phương án, phê duyệt và tổ chức thực hiện việc đảm bảo thoát nước cho số nhà 146 Quán Thánh theo một trong hai phương án: Cải tạo, thông tắc, phục hồi tuyến cống thoát nước D300 bê tông hiện có, thoát nước từ khu nhà số 146 Quán Thánh ra phố Đặng Dung. Tuyến cống D300 đã được xác định thông qua kết quả khảo sát ngày 30/6/2015 (phương án 1); Xây dựng tuyến cống mới D300 từ vị trí trũng nhất bên trong nhà 146 Quán Thánh ra phố Quán Thánh, chạy dọc theo mép đường phố Quán Thánh đấu nối với tuyến cống D800 chạy dọc phố Đặng Dung (phương án 2).
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, bà Lê Tuyết Băng nhiều lần khẳng định tâm tư nguyện vọng của người dân biển số nhà: "Khu nhà 146 Quán Thánh chỉ có duy nhất một đường cống thoát nước chảy dưới nền nhà số 5 Đặng Dung. Trải qua rất nhiều khó khăn, đến ngày 30/6/2015, Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và các đơn vị mới thực hiện được việc đào khảo sát để xác định rõ nguyên nhân tắc, vị trí tắc theo chỉ đạo của Thành phố. Cuộc sống của người dân số nhà 146 Quán Thánh hai năm qua đã quá khổ, sinh hoạt hàng ngày đều chìm trong nước thải. Cụm dân cư chỉ có đề nghị duy nhất là sớm thông tắc đường cống thoát nước D200 và D300 đang bị tắc ngẽn dưới nền nhà số 5 Đặng Dung theo kết luận của cơ quan chức năng. Chúng tôi chỉ biết khẩn thiết đề nghị Thành ủy - UBND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát các đơn vị chức năng lập phương án và thực hiện việc giải cứu người dân thoát cảnh sống ngập ngụa trong nước thải...".
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tiến độ "giải cứu" các hộ dân nhà 146 phố Quán Thánh đến bạn đọc.
Ngọc Cương - Anh Thế
Theo Dantri
Dịch vụ sim điện thoại sinh viên: Ham rẻ dễ vớ hàng rởm Sim điện thoại sinh viên chỉ có thời hạn sử dụng trong quãng thời gian khách hàng là sinh viên. Dịch vụ làm, bán sim sinh viên xuất hiện khắp nơi Có cầu ắt có cung Sau thời gian đó, sim sẽ được chuyển về gói cước thường. Do sim sinh viên có nhiều ưu đãi nên không ít chủ thuê bao khác...