Có 24.000 tiến sĩ vẫn thiếu những nhà khoa học giỏi
“Thật trớ trêu khi một đất nước có 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ mà không tìm ra được những chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đủ giỏi để trở thành các tổng công trình sư các đề tài lớn, có ý nghĩa quốc gia” – đại biểu Hoàng Thị Tố Nga phát biểu.
Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến lần đầu về dự thảo luật Khoa học công nghệ sửa đổi.
Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần đặt lại vấn đề tiếp cận đối với dự án luật. Mục tiêu của dự án Luật cần thể hiện rõ quan điểm: khoa học công nghệ phải phục vụ cho sự nghiệp hóa, công nghiệp hóa đất nước; khoa học không chỉ vị khoa học mà khoa học phải vị nhân sinh.
Ông Lịch cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi hoàn toàn phương thức Nhà nước “bao cấp” cho khoa học công nghệ, chuyển sang phương thức “ tài trợ ngân sách Nhà nước” mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.
Đại biểu Phạm Xuân Thắng (Hải Dương) đặt câu hỏi, những năm qua nhà nước đã đầu tư khá lớn để phát triển khoa học công nghệ. Các đề tài phát triển nhiều hơn nhưng hiệu quả chưa tương xứng. Trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn đi sau các nước trong khu vực, vẫn thiếu những công trình, sáng chế tầm cỡ, tỉ lệ các đề tài nghiên cứu được đưa vào ứng dụng cũng khiêm tốn. Điểm nghẽn trong 10 năm thực hiện luật Khoa học công nghệ vừa qua là cơ chế đầu tư cho lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hạnh cũng nhận định, hạn chế bất cập của luật hiện tại cần được thay đổi sửa chữa rõ nhất là về cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ.
Video đang HOT
Hàng năm, khoản đầu tư cho khoa học công nghệ luôn chiếm 2% GDP như thời gian qua, đại biểu cho là không hề nhỏ nhưng dàn trải, thiếu trọng điểm. Đại biểu đề xuất thành lập cơ quan nhà nước đủ tâm và tầm trong lĩnh vực này để đề xuất các đề án khoa học xứng tầm quốc gia.
Ngoài ra, cần khuyến khích, trọng dụng tài năng thực sự với quan điểm đầu tư cho khoa học cần chấp nhận rủi ro, chấp nhận một dự án đầu tư lớn có thể không thành công nhưng cần giám sát. “Có lẽ không ở ngành nào mà câu “thất bại là mẹ thành công” đúng hơn với lĩnh vực nghiên cứu khoa học” – đại biểu lập luận.
Tán thành những phân tích về những bất cập hiện tại, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) chỉ ra thực tế, cơ chế tài chính là vướng mắc lớn nhất vì vẫn còn cung cách bao cấp, chậm giải ngân, chưa bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Ông Vẻ dẫn chứng: “Thủ tục quá phức tạp, nhà khoa học nhiều khi phải lách luật để được thanh toán cho các đề tài”.
Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) cũng nhận định, từ khi được duyệt đề tài cho đến khi cấp vốn mất mấy năm trời, nhiều nhà khoa học phải chia nhỏ đề tài để được thanh toán, trái với bản chất trung thực của khoa học, thủ tục thì phức tạp, mất thời gian, khiến họ nản lòng.
Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga trăn trở: Để có tiền làm dự án, nhiều nhà khoa học đã phải làm những việc trái với bản chất trung thực của khoa học.
Bà Nga dẫn bài học của Hàn Quốc, từ thập niên 60 của thế kỷ trước, quốc gia này đã có chế độ mời những nhà khoa học người Hàn định cư ở nước ngoài về làm việc lại trong nước với mức lương thưởng cao gấp 3 các nhà khoa học trong nước. Chế độ đãi ngộ, trọng dụng nhân tài rất ưu việt nên chỉ trong 20 năm Hàn quốc đã trở thành 1 nước khoa học công nghệ rất phát triển, là đất nước tiến hành CNH, HĐH đất nước nhanh chóng, thành công nhất.
So dánh với Việt Nam, bà Nga thở dài cho rằng, không những không có chính sách cụ thể để trọng dụng mà còn có nhiều rào cản cản trở hoạt động của nhân tài. Nữ đại biểu chỉ nguyên
nhân, môi trường làm việc, các cơ chế khuyến khích… đều còn hạn chế khiến ta bị chảy máu chất xám các nhà khoa học sang khu vực tư nhân hoặc ra nước ngoài. Đại biểu kể, có 1 vị viện trưởng viện nghiên cứu của ngành nông nghiệp đã từng than muốn tuyển, giữ người làm ở Viện này thì chỉ có thể… tuyển tại chức.
Bà Nga thốt lên: “Thật trớ trêu khi một đất nước có 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ mà không tìm ra được những chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học nào đủ giỏi để trở thành các tổng công trình sư cho các đề tài lớn, có ý nghĩa quốc gia”.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) cũng dẫn bài học của Canada đã vạch chiến lược đầu tư khoa học công nghệ tập trung vào khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho rằng đó là hướng gợi ý để đổi mới khoa học công nghệ ở Việt Nam.
Theo bà Trang, làm khoa học trong bối cảnh thực tế hiện nay cũng cần nghiêng về trọng cầu chứ không chỉ là trọng cung như trước nay, nghĩa là phải làm theo hướng đặt hàng của doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ tốt giữa doanh nghiệp với người làm khoa học công nghệ. Hợp tác công tư là nền tảng của việc phát triển khoa học và có như vậy cung – cầu khoa học công nghệ mới gặp nhau.
Bà Trang cũng đề xuất những cơ chế mới để các nhà khoa học tham gia phản biện chính sách phát triển đất nước. “Vì không có cơ chế nên hiện các dự án có cái mời cái không, nếu phản biện thuận lợi thì mời, nếu thấy khả năng sẽ gây khó khăn cho dự án thì thôi. Trong khi đó, các nhà khoa học lại thường giàu tự trọng, không ai chạy chọt để “xin” được phản biện dự án này, chương trình kia. Vậy nên mới có nhiều sai sót đáng tiếc, không huy động được nguồn lực các nhà khoa học” – đại biểu lập luận.
Để thực sự tạo điều kiện cho các nhà khoa học cống hiến, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) còn kiến nghị luật hóa chức năng phản biện xã hội của các nhà khoa học, để tạo sự đồng thuận giữa nhà khoa học và nhà quản lý. Theo ông Đạt, cần giải phóng các nhà khoa học khỏi những vấn đề hành chính, thủ tục buồn chán, mất thời gian để họ tập trung nghiên cứu khoa học.
Theo Dantri
Sẽ có những sản phẩm khoa học xứng tầm thế giới
Trao đổi với PV xung quanh dự án Luật khoa học và công nghệ (KH&CN) sửa đổi được Quốc hội thảo luận chiều 20-11, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, nếu được quan tâm và có chính sách đầu tư phù hợp hơn, đến năm 2020, chắc chắn Việt Nam sẽ có những sản phẩm khoa học công nghệ thực sự lớn.
- PV: Được đầu tư không nhỏ nhưng đa phần các công trình nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay chỉ để "đắp chiếu", ít áp dụng được vào thực tiễn, Bộ trưởng nghĩ thế nào về thực trạng này?
- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Những người làm nghiên cứu khoa học đều hiểu nguyên lý 10 sản phẩm nghiên cứu thì chỉ ứng dụng ngay được một vài sản phẩm. Những sản phẩm, công trình nghiên cứu khác phải chờ thời. Ví dụ, hiện nay chúng ta nghiên cứu thành công tên lửa đẩy, nhiên liệu rắn nhưng chúng ta chưa sản xuất được. Hay sản xuất vaccine sinh phẩm, chúng ta có thể nghiên cứu thành công, nhưng nghiên cứu xong phải qua thử nghiệm, cấp phép rất nghiêm ngặt, có khi vài ba năm sau mới dùng được. Nói cách khác, sản phẩm nghiên cứu khoa học bao giờ cũng có độ trễ.
- Bao giờ Việt Nam mới có được các công trình nghiên cứu khoa học thực sự tầm vóc, không chỉ trong nước mà cả trên bình diện quốc tế, thưa Bộ trưởng?
- Trong KH-CN, một số lĩnh vực hiện nay chúng ta đã đứng ở top đầu ASEAN, thậm chí một số lĩnh vực đã đứng ở top đầu thế giới. Ví dụ: công nghệ giàn khoan của chúng ta đang trong top 10 thế giới, mổ nội soi cũng trong top 10 thế giới, xuất khẩu gạo và cà phê dẫn đầu thế giới, xuất khẩu thủy sản dẫn đầu khu vực, công nghệ đóng tàu biển được xếp hạng thứ 5 thế giới, nhiều lĩnh vực khác cũng được thế giới đánh giá rất cao... Tuy nhiên, đây mới chỉ là những đỉnh nhọn đơn lẻ, còn trên bình diện chung nền KH-CN của chúng ta vẫn còn yếu kém so với thế giới.
Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng mới đây đã đặt mục tiêu, đến năm 2020 chúng ta sẽ nằm trong top các nước đứng đầu ASEAN về trình độ phát triển KH-CN. Nghị quyết cũng xác định phải đưa nghiên cứu khoa học công nghệ là quyết sách hàng đầu. Tôi hy vọng với Nghị quyết Trung ương 6 về KH-CN, cộng thêm Luật KH&CN với nhiều nội dung sửa đổi rất thiết thực khi được ban hành, những người làm khoa học sẽ có động lực để làm tốt hơn. Khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ có những sản phẩm khoa học lớn, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như xứng tầm thế giới.
- Theo Bộ trưởng, đâu là mấu chốt căn bản để thay đổi diện mạo lĩnh vực nghiên cứu KH-CN, thúc đẩy nền KH-CN của nước ta phát triển xứng đáng với kỳ vọng?
- Như nhiều ĐBQH cũng đã chỉ ra trong phiên thảo luận dự án Luật KH&CN, một trong những điểm căn bản cần phải sửa đổi là khắc phục tình trạng phân bổ ngân sách một cách dàn trải, kém hiệu quả. Hiện nay, mỗi năm ngân sách Nhà nước cấp 2% tổng chi ngân sách cho công tác nghiên cứu khoa học. Đây là nguồn lực không nhỏ (mức hiện nay vào khoảng 15.000 tỷ đồng, tương đương 700 triệu USD). Nếu giao quyền cho Bộ KH-CN, chúng tôi sẽ cơ cấu lại việc phân bổ cho phù hợp và hiệu quả hơn. Cùng đó chúng tôi sẽ có cơ chế để huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp. Với cơ chế hiện tại, các doanh nghiệp không bị bắt buộc dành quỹ cho nghiên cứu khoa học, hoặc có trích quỹ KH-CN, chẳng hạn Viettel hiện dành ra hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng không dùng được, bởi số tiền này bị Nhà nước quản lý giống như là ngân sách Nhà nước. Cũng vì thế không có mấy doanh nghiệp mặn mà với nghiên cứu KH-CN.
- Cảm ơn Bộ trưởng!
Theo ANTD
"Luật dùng ngon miệng" Một kỳ họp Quốc hội "sôi động chuyện đại sự và đời thường" sắp khép lại. "Cuộc sống đang rất bức xúc" là câu của TS. Trần Du Lịch dùng khi đề nghị Luật Thuế thu nhập cá nhân nên có hiệu lực ngay từ 1.1.2013, thay vì 1.7.2013 như đề xuất của Chính phủ. Người dân cảm nhận được, không chỉ có...