“CMND còn thời hạn người dân không cần đổi sang thẻ căn cước”
Từ hôm nay 1/1/2016, Bộ Công an triển khai cấp thẻ Căn cước công dân tại 16 địa phương trên cả nước nhưng Thiếu tướng Trần Văn Vệ – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khẳng định: “Nếu CMND còn thời hạn sử dụng thì người dân đừng đi đổi sang thẻ Căn cước, mà cứ sử dụng tới khi hết hạn”.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết CMND 12 số và thẻ Căn cước công dân được cấp tới đây cơ bản giống nhau (Ảnh: Thế Kha)
Phóng viên: Hôm nay là ngày nghỉ làm việc nhưng được biết, Bộ Công an vẫn triển khai cấp thẻ Căn cước công dân tại 16 địa phương theo Luật Căn cước công dân chứ, thưa ông ?
Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Trước khi luật có hiệu lực, Bộ Công an đã triển khai công tác chuẩn bị, ban hành thông tư hướng dẫn thi hành luật. Cũng từ ngày hôm nay Luật Hộ tịch có hiệu lực, nên Bộ Công an cũng tiến hành cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh ra. Số định danh này gồm 12 số, sẽ được ghi vào giấy khai sinh, tới năm trẻ em đủ 14 tuổi – độ tuổi đủ để được cấp Căn cước công dân thì sẽ được in lên thẻ căn cước công dân. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp để thực hiện việc đó nên hôm nay vẫn làm việc bình thường. Thượng tôn pháp luật, thực hiện luật là không có ngày nghỉ.
Sẽ có 14 tỉnh, thành cấp Căn cước từ hôm nay gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ và Tây Ninh. Chắc khoảng ngày mùng 10/1 thì sẽ thêm 2 tỉnh nữa là Quảng Bình và Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện cấp Căn cước công dân. Theo đúng lộ trình trong Luật căn cước công dân, từ ngày 1/1/2020 sẽ triển khai cấp thẻ Căn cước công dân trong phạm vi cả nước.
Người dân tại các địa phương này có nhất thiết phải xin cấp đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân không ?
Bộ Công an không bắt buộc người dân xin cấp đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân. Nếu CMND cũ của người dân đang sử dụng (CMND 9 số hoặc CMND 12 số) vẫn còn thời hạn sử dụng thì người dân cứ sử dụng bình thường tới khi nào hết hạn thì mới phải đi làm thủ tục đổi sang thẻ Căn cước công dân.
CMND 9 số, CMND 12 số hay thẻ Căn cước công dân đều có giá trị sử dụng như nhau. Khi đổi CMND 9 số hoặc CMND 12 số sang Căn cước công dân, Bộ Công an sẽ cắt góc CMND cũ và giao lại cho người dân giữ để thực hiện các giao dịch với cơ quan, tổ chức như ngân hàng, nhà đất,… Đồng thời cơ quan công an sẽ cấp giấy xác nhận về việc thay đổi CMND sang thẻ căn cước để người dân thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch.
Mặt trước thẻ Căn cước công dân (Ảnh: T.K).
Mặt sau thẻ Căn cước công dân (Ảnh: T.K)
Ưu điểm của thẻ Căn cước công dân với CMND cũ hiện nay là gì ?
Video đang HOT
Đây là bước tiến rất lớn về khoa học công nghệ, tương lai sẽ mang lại tiện lợi cho người sử dụng và tiện lợi cho quản lý. Ngoài độ bền, độ đẹp thì thẻ Căn cước công dân không thể làm giả được và tránh được tình trạng một người dùng nhiều số CMND, tráo người, thay đổi họ trên CMND. Sau này, người dân đi công tác ở xa chẳng hạn và chẳng may bị mất thẻ Căn cước công dân thì vẫn có thể nhờ người ở nhà làm lại, bởi thông tin đều đã được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu.
Tính năng và hình thức của Căn cước công dân không khác gì so với CMND 12 số cả. CMND 12 số hay Căn cước công dân đều có dãy 12 số. Đó chính là số định danh cá nhân mà mỗi người dân sẽ chỉ có một số duy nhất suốt cuộc đời. Sau này khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an xây dựng hoàn chỉnh thì người dân chỉ cần mang thẻ này hoặc đọc dãy số định danh cá nhân, truy cập là ra các dãy thông tin cá nhân.
Những ngày vừa qua người dân phản ánh khi đi làm thủ tục hành chính ở ngân hàng, cơ quan thuế đã bị làm khó vì thay đổi số CMND. Bộ Công an đã có hướng dẫn mà việc “hành dân” này vẫn diễn ra ?
Các cơ quan đó như vậy là không chấp hành luật. CMND hay Căn cước công dân được Nhà nước giao cho Bộ Công an cấp cho người dân sử dụng.
Khi thí điểm cấp CMND 12 số trước đây, Bộ Công an đã có thông báo cho các cơ quan liên quan nhà đất, ngân hàng, thuế,… về việc này nhưng người dân vẫn gặp khó khăn nên Bộ Công an đã ban hành thông tư quy định về việc cắt góc CMND cũ, giao lại cho người dân giữ và cấp thêm giấy xác nhận thay đổi số CMND. Người dân có CMND cũ cắt góc và giấy xác nhận thay đổi số CMND thì các cơ quan phải giải quyết theo đúng luật, không được làm khó. Nếu người dân đã xuất trình rồi mà vẫn bị làm khó thì các cơ quan đó đã làm sai pháp luật.
Việc này mới xuất hiện ở 16 địa phương cấp CMND mới 12 số và từ ngày triển khai cấp Căn cước công dân (hôm nay, 1/1/2016) thôi, còn ở các địa phương khác vẫn đang cấp CMND cũ 9 số như bình thường.
Những trường hợp cá nhân bị mất CMND 9 số hoặc mất CMND 12 số và đi làm lại thẻ Căn cước công dân thì có phiền hà gì khi xin giấy xác nhận không ?
Người dân chỉ cần tới địa điểm cấp căn cước thì sẽ được cấp lại và được cấp giấy xác nhận, không có sự phiền hà nào cả. Bộ Công an đã có hướng dẫn rồi, nơi làm căn cước sẽ làm xác nhận cho người dân, để người dân thuận lợi.
Bộ Công an có đường dây nóng nào để người dân phản ánh khi gặp phải phiền hà, hoặc bị các cơ quan hành chính “hành” dù có đầy đủ CMND cũ cắt góc và giấy xác nhận thay đổi CMND không?
Người dân có thể gọi theo đường dây nóng của công an tỉnh, thành phố phản ánh.
Thời gian cơ quan công an trả thẻ Căn cước công dân là bao lâu kể từ khi người dân hoàn thành các thủ tục xin cấp đổi ?
Công an các địa phương sau khi tiếp nhận thông tin sẽ chuyển theo đường truyền về Trung tâm quản lý căn cước của Tổng cục Cảnh sát. Sau đó Tổng cục Cảnh sát sẽ kiểm tra thông tin và cấp thẻ Căn cước công dân.
Thời hạn giải quyết hồ sơ, cấp trả thẻ ở thành phố, thị xã là 7 ngày làm việc và ở vùng nông thôn, miền núi là 15 ngày theo luật định.
Việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh ra sẽ được triển khai thế nào ?
Bộ Tư pháp sẽ chuyển dữ liệu và hệ thống cấp số của Bộ Công an sẽ sinh số tự động. Ở 4 địa phương thực hiện thí điểm phần mềm cấp khai sinh thì số định danh cá nhân sẽ có ngay. Ở các địa phương còn lại, việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ mới sinh ra sẽ có độ trễ nhất định.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an cấp số định danh trực tuyến
Ông Nguyễn Công Khanh – Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, để triển khai Luật Hộ tịch có hiệu lực từ hôm nay 1/1/2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp, thống nhất với Bộ Công an cấp thí điểm phần mềm giấy khai sinh tại 4 địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM. “Đây là những địa phương có điều kiện hạ tầng tốt hơn cả, trình độ cán bộ tư pháp hộ tịch cũng khá hơn so với các tỉnh thành khác”- ông Khanh nói.
Tại 4 địa phương này, cán bộ tư pháp – hộ tịch đã được hướng dẫn sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và lấy số định danh cá nhân trực tuyến. Ở những địa phương còn lại, việc lấy số định danh cá nhân (do Bộ Công an quản lý) để ghi vào giấy khai sinh sẽ có độ trễ nhất định.
Theo ông Khanh, triển khai thí điểm cấp số định danh trực tuyến cho trẻ em mới sinh ra tại 4 địa phương trên sẽ được thực hiện đến hết tháng 3/2016. Sau đó các đơn vị sẽ sơ kết và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Công an để xin phép triển khai diện rộng.
Thế Kha (thực hiện)
Theo Dantri
Thẻ căn cước công dân được cấp như thế nào từ năm 2016
Loại thẻ này được cấp cho công dân từ 14 tuổi trở lên tại công an quận, huyện và thủ tục giống cấp chứng minh thư 12 số.
Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ 1/1/2016, tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Mẫu thẻ căn cước công dân sẽ được cấp từ 1/1/2016.
Thẻ căn cước công dân có nội dung gì?
Thẻ căn cước công dân gồm 2 mặt. Mặt trước có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ "Căn cước công dân"; ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.
Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
Số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân của từng người. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ và được đổi khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Thẻ căn cước được cấp mới ở đâu và khác chứng minh thư như thế nào?
Việc cấp thẻ căn cước công dân được thực hiện giống cấp chứng minh thư 12 số, tại phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an các tỉnh, thành phố; Công an quận, huyện và đơn vị hành chính tương đương.
Đợt cấp thẻ căn cước công dân đầu tiên trên cả nước diễn ra tại Hà Nội vào ngày 1/1/2016. Theo thượng tá Nguyễn Danh Quảng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Hà Nội, đơn vị đã tập huấn cho hơn 200 cán bộ chiến sĩ thuộc các quận, huyện tại 31 điểm của thành phố về việc cấp loại thẻ mới này.
Thượng tá Quảng cho biết, về cơ bản chứng minh thứ 12 số và căn cước công dân giống nhau vì cả hai cùng được cấp tại thời điểm công dân đủ từ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nội dung trong thẻ với 20 cột mục tại 2 loại giấy tờ này có sự khác nhau ở tên gọi, phần dân tộc được thay bằng quốc tịch; dấu của Bộ Công an được thay bằng Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam.
Ngoài ra, một điểm khác nhau là hạn sử dụng, hạn của chứng minh thư là 15 năm. Thẻ căn cước sau lần cấp đầu tiên, công dân phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi công dân không cần đổi.
Theo quy định, khi đăng ký làm thẻ, công dân sẽ không phải xuất trình sổ hộ khẩu và xác nhận của công an địa phương. Tuy nhiên hiện nay hệ thống dữ liệu quản lý cư dân quốc gia chưa được hoàn thiện nên từ nay đến năm 2019, các địa điểm cấp thẻ căn cước công dân vẫn áp dụng việc cấp giống như với chứng minh thư. Thời gian cấp thẻ tính từ khi công an nhận đủ hồ sơ sẽ là 15 ngày.
Miễn phí cấp thẻ căn cước công dân
Theo Thông tư 170 quy định mức thu, nộp cấp, đổi thẻ căn cước công dân do Bộ Tài chính ban hành, người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ không phải nộp phí. Nhà nước không thu phí đổi thẻ đối với người đủ 25, đủ 40 và đủ 60 tuổi. Người dân khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ sẽ phải trả phí. Cụ thể, phí đổi thẻ là 50.000 đồng, cấp lại là 70.000 đồng.
Người dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; biên giới; huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định. Trường hợp là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo không phải nộp lệ phí đổi thẻ căn cước công dân.
Với công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa cũng thuộc trường hợp được miễn phí khi đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Ủy ban Quốc phòng An ninh nhận định việc phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử và cấp số định danh cá nhân, thay thế cho chứng minh thư mới nhằm giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự, an toàn xã hội và các lĩnh vực liên quan, như: giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, mã số thuế cá nhân...
Bá Đô
Theo VNE
Thẻ căn cước và CMND sẽ song song tồn tại "Từ năm 2016 trở đi sẽ có 3 loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại là Thẻ căn cước, CMND loại 9 số và 12 số. Cả 3 loại này chỉ khác nhau về tên gọi còn bản chất là như nhau, có giá trị như nhau", đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Quản lý cư trú và dữ liệu...