Clip “Những đồng tiền của bà tôi” mà mỗi lần về thăm bà một mực giúi cho đứa cháu nhỏ khiến nhiều người rưng rưng nước mắt
Video “Những đồng tiền của bà” sau khi được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Vì đâu đó, bà bạn, bà tôi, bà của chúng ta đều có tình yêu thương vô điều kiện với các cháu như thế. Chân có thể chậm, mắt có thể mờ nhưng nhịp yêu thương dành cho con cháu không khi nào ngơi nghỉ.
Tuổi thơ của mỗi đứa trẻ luôn in đậm dấu ấn và kỉ niệm bên cạnh những người ông, người bà hết mực yêu thương. Không chỉ vỗ về những giấc ngủ trưa, những câu chuyện cổ tích mà còn vô vàn kỉ niệm mà đến khi trưởng thành mỗi người đều hoài niệm. Đặc biệt, phải kể đến quãng thời gian đi học xa nhà, lần nào về bà cũng giúi cho năm ba đồng, không nhiều nhặn gì song đủ khiến bất cứ đứa cháu nào cũng cay xè hai mắt.
Mới đây, một người dùng MXH đã đăng tải đoạn clip ngắn đầy xúc động về bà kèm dòng chia sẻ: “Lần nào về bà cũng cho tiền, cũng chẳng nhiều đâu nhưng nghẹn ngào thật sự. Bà cũng chẳng giàu có, toàn tiền rau, tiền trứng. Cứ ai cho cũng tiết kiệm vào. Gần hết cuộc đời vẫn chẳng màng đến bản thân. Không muốn lấy, nhưng bà giận, bà buồn. Lấy thì thương bà. Thương tấm thân gầy cả đời vì con, vì cháu”.
Nhất định là phải nhận tiền bà cho. Nguồn: Page Hóng
Người bà trong video đã già yếu, dáng đi liêu xiêu nhưng cứ chạy với theo, gắng giúi tiền vào balo cháu bằng được. Người cháu dù đã liên tục bảo bà: “Cháu không cầm đâu” nhưng nào có được, nhất định là phải cầm thì bà mới an tâm.
Có thể là bà không biết cháu mình cần bao nhiêu tiền để trang trải cho cuộc sống ngoài kia, bà chỉ cần biết rằng có bao nhiêu là sẽ cho cháu bấy nhiêu. Vì rằng lúc nào những người bà cũng lo cháu mình không đủ ăn, đủ mặc, lo cháu buồn khi không bằng bạn bằng bè…
Đoạn clip ngắn sau khi được đăng tải đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng với hơn 400 lượt chia sẻ và hơn 3000 lượt thích chỉ sau vài giờ.
Bạn Lê Quang Thái chia sẻ ảnh bà mình đứng đầu ngõ trông theo cùng dòng tâm sự: “Lần nào về ngoại cũng tiễn ra tận bờ đê. Lâu lâu lại giúi 5 chục 100 cho cháu”.
Hình ảnh người bà đứng đầu ngõ tiễn cháu mỗi lần xa nhà khiến nhiều người rưng rưng
Hồ Hoàng Anh như có chút gì day dứt, cũng chia sẻ ảnh bà mình, bình luận: “Hay không tha hương nữa. Về mua cho nội bộ quần áo, món gì đó ngon ngon. Nhớ nội!”. Có lẽ đây cũng là nỗi niềm chung của những đứa cháu xa quê, không phải lúc nào nhớ bà là cũng có thể chạy ngay về thăm.
Facebook Leng Keng cùng bày tỏ suy nghĩ. “Nếu ai còn được cho như thế này thì nhất định phải lấy nhé, rồi bạn mua lại cái khác cho bà, đừng từ chối bà, nếu không có một ngày bạn có muốn gấp mấy cũng không thể làm gì cả. Tôi chỉ ước quay lại được những ngày như vậy, tôi sẽ nhận hết. Nếu không thì nói dối là còn thích ăn bim kẹo bà mua vậy bà sẽ không cho tiền nữa”.
Ảnh minh họa
Bạn Kim Huyền không còn bà, viết những dòng nhắn gửi khiến những ai đang còn bà sẽ càng thấy trân quý bà mình hơn: “Bà tôi mất rồi. Ngày xưa nghe nói bà tôi dữ lắm. Nhưng lúc tôi còn bà mỗi lần gặp bà đều cho tiền ăn bánh. Với tôi gương mặt phúc hậu đó bây giờ tôi chỉ được nhìn qua tấm ảnh thờ. Lúc ấy làm gì có điện thoại xịn mà chụp ảnh như bây giờ. Chỉ muốn nhắn gửi mọi người hãy yêu thương gia đình mình nhiều hơn, kẻo một mai muốn cũng không có mà thương nữa”.
Lúc nào bên cạnh những đứa cháu cũng có những người bà với tấm lòng bao la trời bể. Bởi vậy mà, dù có đang bận rộn hay tha hương hãy nhớ về thăm bà khi có thời gian rảnh, hay đơn giản là gọi điện để hỏi thăm sức khỏe bà ngay nhé!
Theo Helino
Bài học đau xót của triệu phú phá sản ở tuổi 60: Lúc giàu có thì bạn bè đông vui, khi trắng tay ngay cả vợ cũng bỏ mình đi
Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý muốn. Hôm nay, bạn là triệu phú nhưng ngày mai chỉ còn lại hai bàn tay trắng.
Đó chính xác là những gì xảy ra với vị doanh nhân người Mỹ từng nắm trong tay khối tài sản lên tới hàng tỷ đô la và bài học đắt giá mà ông phải trải qua ở tuổi 60.
Nếu con đường làm giàu của doanh nhân thành đạt không thể thiếu những bài học quý giá thì con đường từ triệu phú bị phá sản trở thành kẻ trắng tay cũng sẽ để lại rất nhiều kinh nghiệm xương máu.
Trong chủ đề đàm luận mới đây trên mạng xã hội quốc tế Quora: "Cảm giác của bạn sẽ như thế nào khi từ một người giàu có bỗng trở thành kẻ nghèo kiết xác?", một vị doanh nhân người Mỹ từng là triệu phú đô la đã sử dụng tài khoản ẩn danh để chia sẻ về biến cố của cuộc đời mình. Những quyết định kinh doanh sai lầm và hậu quả là công ty của ông bị phá sản. Người vợ ly hôn ngay lập tức lấy đi nửa số gia tài, kèm theo đó là việc truyền thông bủa vây khiến ông lâm vào cảnh túng quẫn đến mức muốn tự tử. Câu chuyện đã để lại nhiều bài học mà có lẽ ngay cả những bạn trẻ đang ôm khát vọng làm giàu cũng phải suy ngẫm.
"Tôi là một độc giả thường xuyên trên Quora nhưng không thể nói tên thật của mình. Khoảnh khắc nhìn thấy có người hỏi về chủ đề này, trái tim tôi dường như nghẹn lại vì những biến cố đã xảy ra với cuộc đời mình.
Tôi từng có trong tay tất cả: du thuyền, hòn đảo tư nhân ở Caribe, căn hộ cao cấp ở Miami, biệt thự cao cấp hàng nghìn mét vuông, căn hộ penthouse, cả bộ sưu tập xe Porche, vệ sĩ, trợ lý... Tôi vẫn cứ ngỡ đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng tôi đã đánh mất tất cả. Ngân hàng đã hoàn thành thủ tục lấy đi tất cả tài sản của tôi chỉ trong 3 tháng. Tôi phá sản, không còn sống trong căn biệt thự có phòng bi-a, phòng tập thể dục, không được nằm trên chiếc giường to lớn.
Đó là một loại đau buồn kỳ lạ. Tôi bắt đầu cuộc sống mới đầy khó khăn trong căn hộ nhỏ đi thuê, không tài xế, không người giúp việc và chiếc xe mua lại từ khoản vay ngân hàng. Hãy tin tôi đi, sau khi bạn đã từng có cuộc sống xa hoa như vậy, nghĩ đến việc bắt đầu cuộc sống tự túc mà trong tay không còn gì, bạn sẽ thấy rất khó khăn và tuyệt vọng.
Tôi không chắc bản thân đã trải qua những ngày khó khăn đó như thế nào, khi mà bạn bè liên tục hỏi về tài sản của tôi. Tôi từng có những người bạn cùng nhau đi du lịch, nghỉ dưỡng trên du thuyền và những bữa tiệc tùng xa xỉ ở câu lạc bộ VIP. Tuy nhiên, khi tin tức tôi bị phá sản lan truyền, xin lỗi, tôi không còn sở hữu bất kỳ điều gì, ngay cả bạn bè.
Người ta có câu: "Khi bạn có tiền, bạn bè của bạn biết bạn là ai. Khi bạn không có tiền, bạn biết bạn bè của bạn là ai". Nhưng con người có khả năng thích ứng và chắc chắn tôi sẽ ổn. Tôi phải quên đi cuộc sống giàu có trước kia để bắt đầu lại. Thực tế, tiền có thể mang lại hạnh phúc nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Đó là sự hài lòng khi có thể tiêu khiển bằng những chiếc xe hơi, đồng hồ, mua sắm, du lịch... và khi bạn trở nên phá sản và cô đơn, bạn sẽ tìm được câu trả lời thật sự. Tôi đã học được rất nhiều, và tôi biết rằng hạnh phúc không bắt nguồn từ những thứ vật chất đơn giản. Tôi phải đứng lên, nỗ lực làm việc hướng tới mục tiêu lấy lại những gì tôi đã đánh mất.
Tôi không thể đảm bảo bản thân sẽ thành công nhưng chắc chắn tôi sẽ làm việc liên tục cho đến khi đạt được mục đích của mình.Tôi không ở đây để kể lại những câu chuyện cổ tích rằng tôi luôn mỉm cười khi đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Nó rõ ràng là không dễ dàng".
Khi bạn điều hành doanh nghiệp rất lớn và phát triển các dự án liên quan đến hàng triệu đô la thì chỉ cần một quyết định sai lầm cũng làm doanh nghiệp bị thâm hụt tài chính khủng khiếp. Người đàn ông ở tuổi xế chiều chua xót thừa nhận, sự chủ quan và tự phụ khiến ông trở thành kẻ thất bại. Ông đã ủy thác quá nhiều cho những người thiếu kinh nghiệm. Ông hối hận vì bản thân chểnh mảng khi điều hành doanh nghiệp, thoải mái giao phó cho nhân viên để tập trung vào tầm nhìn lớn hơn. Người nhân viên mắc sai lầm nghiêm trọng khiến công ty rơi vào bờ vực phá sản cũng chính là con trai cả của ông.
"Công ty phải trả 15 triệu đô tiền mặt trong khoảng thời gian rất ngắn trong khi có ít nhất 5 dự án giá trị hàng triệu đô khác đang vận hành. Ban đầu nó chỉ là một vấn đề mà tôi tự tin bản thân có thể trèo lái công ty vượt qua và hoàn toàn có thể quản lý được. Tôi đã có cách để trang trải mặc dù nó có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và danh tiếng của tôi. Sau đó, vợ tôi đòi ly hôn. Tôi mất một phần lớn giá trị ròng cho cuộc hôn nhân tan vỡ của mình.
Song song với tất cả điều này, danh tiếng của tôi thực sự bị ảnh hưởng. Các nhà đầu tư tức giận, nhiều người rút vốn đầu tư và bắt đầu trở mặt vì họ không muốn dính đến bê bối. Phương tiện truyền thông đã viết những bài báo khủng khiếp về tôi và công ty của tôi. Công ty không có nguồn vốn lưu động để hoàn thành dự án nên tôi buộc phải sử dụng tài sản riêng. Nhưng sau đó, các khoản vay ngân hàng ập đến. Tôi không thể thuyết phục ngân hàng cho đủ thời gian để chờ dự án hoàn thành. Bản thân tôi cũng đã mất đi nửa tài sản sau khi ly hôn. Mọi rắc rối lớn kéo đến cùng một lúc và tôi đã mất tất cả.
Tôi không bao giờ quên được cảm giác đó, một giờ trước tôi vẫn rất giàu có nhưng tất cả biến mất nhanh chóng. Bạn có thể chửi tôi là thằng ngốc khi thuê nhân viên thiếu kinh nghiệm như vậy. Nhưng tôi không thể đổ lỗi cho họ, trách nhiệm thuộc về tôi. Thành thật, tôi khó thể tha thứ cho bản thân vì đã không giám sát tất cả các lĩnh vực của công ty. Người gây ra sai lầm là con trai của tôi. Rõ ràng, nó thiếu kinh nghiệm và sự hướng dẫn vì một người cha vô tâm. Sự nghiệp của nó mới chỉ bắt đầu đã bị bóp nát, tôi cảm thấy bản thân vô dụng và có lỗi khi để con cái lâm vào tình huống này".
Bình luận dưới bài viết, một người dùng ẩn danh khác cũng chia sẻ sự đồng cảm và kể về cuộc đời ly kỳ của ông sau khi bị phá sản. Nhưng may mắn, bằng một nghị lực phi thường nào đó ông vẫn có thể đứng lên dù đã ở tuổi xế chiều.
"Cảm giác đó thật sự quá khủng khiếp. Khi ấy, tôi cũng 50 tuổi, vừa mới bán đi trạm rửa xe ăn nên làm ra giúp tôi kiếm được hơn triệu đô la trong tài khoản, sở hữu ngôi nhà lớn, con cái được học trường tư nhân và hưởng thụ cuộc sống khá giả.
Cậy thế làm ăn phát đạt, tôi chuyển hướng bán thiết bị rửa xe. Nhưng kinh doanh không thuận lợi, nhà sản xuất mà chúng tôi đại diện phân phối bị mất hợp đồng với đối tác lớn, làm hao hụt 1/3 doanh thu của công ty tôi. Oái oăm hơn, cơn bão Katrina kèm theo những cơn bão khác kéo đến liên tiếp và cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 đã cuốn theo tất cả gia sản của tôi.
Khoảng thời gian đó cực kì khó khăn, tôi làm việc không hề có lương mà thậm chí còn phải sử dụng tiền cá nhân để vận hành công ty. Kiên quyết phải vượt qua bằng được, tôi đã dùng tất cả tiền nghỉ hưu của mình đổ vào công ty với hy vọng có thể xoay chuyển tình thế. Nhưng mọi nỗ lực trở nên vô ích, tôi bị phá sản và không có khả năng trả tiền thế chấp nhà cửa. Tôi phải bán nhà và đóng cửa công ty.
Không lâu sau đó tôi cũng phá sản trong chính cuộc hôn nhân của mình, người vợ 30 năm chung sống quyết tâm ly dị. Căng thẳng không thể chịu được và tôi đã suy nghĩ đến việc tự tử để chấm dứt tất cả rắc rối. Điều duy nhất ngăn cản ý định tìm đến cái chết là tôi đã từng chứng kiến cha tự kết liễu đời mình năm tôi 26 tuổi. Hơn ai hết, tôi hiểu nỗi đau đớn mà những người thân yêu của tôi sẽ phải gánh chịu vì hành động của mình.
Thật tồi tệ, tôi mất hết sự tự tin và trầm cảm suốt một khoảng thời gian dài. Thậm chí, cả bạn bè cũng biến đi đâu hết. Mỉa mai làm sao khi tôi đã từng là ông chủ mà lại phải đi tìm việc làm thuê khi ở tuổi xế chiều. Tôi từng sở hữu công ty riêng của mình khi mới lên đại học, từng lọt vào danh sách doanh nhân có tầm ảnh hưởng của năm và chưa bao giờ thực sự làm việc thuê cho bất cứ ai. Một doanh nhân như tôi đã đánh mất tất cả. Có thời điểm, tôi đã phải làm nhân viên sửa chữa thiết bị cho công ty xây dựng nho nhỏ, tiết kiệm từng tấm phiếu ăn và sống đơn độc một mình.
May mắn, tôi đã vượt qua được quãng thời gian tuyệt vọng đó vì tôi vẫn còn lại hai người bạn tri kỉ ở bên. Một người thường qua thăm hỏi và kéo tôi đi chơi trên chiếc xe mô tô để quên đi những phiền muộn. Còn người bạn khác thì cho tôi chuyển đến sống trọ cùng anh ta trong khi bắt đầu tìm kiếm việc làm mới.
Cuộc sống cứ trôi qua và mọi việc cũng dần khá lên. Vài năm sau, vợ và tôi quay lại với nhau. Chúng tôi chuyển đến bang Texas, và tôi kiếm được một công việc trong ngành mà mình từng tung hoàng là xây dựng trạm rửa xe. Chúng tôi thuê được một căn nhà khá đẹp và gần đây đã có thể mua một chiếc xe cũ vẫn còn tốt. Mọi việc dần trở nên tốt đẹp hơn. Tôi yêu công việc của mình, và hy vọng sẽ có ngày trở về là một ông chủ sở hữu trạm rửa xe như trước đây.
Tóm lại, tôi đã học được vài điều khi đối mặt với giai đoạn phá sản đầy khó khăn trong đời mình:
- Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Vận tốt sẽ không kéo dài và vận xấu cũng vậy.
- Hầu hết đối tác làm ăn, bạn bè chỉ ở bên bạn khi vận tốt đến. Đối tác có làm ăn chung đến hàng thập kỉ, trao đổi dự án kinh doanh hàng tỷ đô đi nữa thì cũng sẽ quay lưng lại khi tiền của bạn hết.
- Đừng bao giờ bỏ bê bản thân. Thể dục thể thao là cách tốt nhất để trống lại trầm cảm.
- Phải biết đối mặt sự thật. Biết khi nào mình đã trắng tay và chấp nhận. Nếu thất bại là chuyện sớm muộn thì cứ để cho nó xảy ra, không cố dã tràng se cát làm gì.
- Đừng bao giờ dùng hết số tiền tiết kiệm dành cho hưu trí. Bản thân tôi đã lấy tiền đó để cứu vớt công ty để rồi bây giờ 60 tuổi vẫn phải đi làm thuê, tiết kiệm lại từ đầu.
- Cuối cùng, hãy nhớ, đừng bao giờ mất niềm tin vào bản thân!
Theo phunuonline.com.vn
Chùm tranh vui cổ tích thời 4.0 Những câu chuyện cổ tích gắn liền với tuổi thơ chúng ta như: Ăn khế trả vàng, Tấm Cám, Cô bé quàng khăn đỏ, Chiếc rìu của thủy thần... Giờ đây được biếm sĩ TTC "hiện đại hóa" khéo léo và hài hước. Tấm Cám Ăn khế trả vàng Ăn khế trả vàng Cô bé quàng khăn đỏ Cô bé quàng khăn đỏ...