Clip: Ngồi trước cổng trường vài phút, người lớn sợ hết hồn trước cơn mưa “định mệnh”, “đậu xanh” văng ào ào khỏi miệng học sinh
Những từ tục tĩu được các em học sinh hồn nhiên nói ra miệng, không chút ngượng ngùng hay ngập ngừng.
Tuổi học trò vốn được gắn liền với những điều ngây thơ, trong sáng. Tuy nhiên những năm gần đây, các “cô cậu tuổi hồng” dường như đang có một trào lưu không phù hợp với lứa tuổi. Đó là nói tục, chửi thề – một tật xấu không thể chấp nhận trong giao tiếp!
Ngồi trước một số cổng trường, quán cóc vào giờ tan học, nhóm PV bị bất ngờ bởi nhiều em học sinh chửi bậy quá thản nhiên. Cứ 10 em thì có đến 8, 9 em nói tục, nói không ngượng mồm.
Từng tốp học sinh ngồi uống trà đá và bình luận về đủ mọi câu chuyện trên đời. Xen lẫn cuộc trò chuyện đó là những tiếng “định mệnh”, “đậu xanh”,… (cách nói lái của những từ tục tĩu) xuất hiện với tần suất dày đặc. Ngay cả khi có nhiều người lớn ngồi xung quanh thì các em vẫn “vô tư” nói bậy với âm lượng lớn.
Clip học sinh thản nhiên ngồi nói tục, chửi bậy.
Người lớn ám ảnh với mức độ chửi bậy của học sinh
Theo ghi nhận, học sinh ngày nay nói bậy không phân biệt gia cảnh. Dù là con nhà giàu hay con nhà nghèo, phụ huynh thuộc tầng lớp tri thức hay người lao động chân tay thì học sinh đều nói tục, chửi thề. Các em có thể ít nói ở trường lớp vì sợ thầy cô giáo, sợ nội quy nhưng ra đến đường, trong giao tiếp bạn bè và đặc biệt là trên mạng xã hội thì “nói thả phanh”.
Những ngôn từ như “định mệnh”, “đậu xanh” giống như một thứ văn hóa tuổi teen, một cách để các em khẳng định cá tính của bản thân, thể hiện “đẳng cấp”. Nhiều em vốn dĩ không nói bậy nhưng thấy các bạn nói thì cũng học theo để không lạc lõng.
Với nhiều em, nói bậy giống như một thói quen, một chất bôi trơn câu chuyện. Nhiều từ trước đây được coi là rất bậy và hiếm khi nghe thấy tại những nơi công cộng thì nay nhiều em nói công khai như một từ quen thuộc trong giao tiếp.
Nhắc đến tình trạng nói tục, chửi bậy ở học sinh, nhiều người lớn đều lắc đầu, tỏ ra ám ảnh và chán nản. Một phụ huynh sống gần trường học cho biết, học sinh ngày nay chửi bậy cả ngoài đời và trên mạng xã hội. Nhiều em học sinh ở trường lớp tuy ngoan ngoãn, có thành tích rất tốt nhưng trên mạng lại gõ ra những lời lẽ vô văn hóa.
Bạn Trịnh Ngọc Quý – sinh viên năm 3, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ: “Việc các em chửi bậy có thể do cố ý hoặc vô thức. Cố ý thì do môi trường đó có một nhóm đang tức giận, hoặc phàn nàn về 1 vấn đề gây bức xúc nên các em chủ đích nói tục để giải tỏa ức chế. Về vô thức, bình thường các em có thể nói những từ vui vui với nhau.
So với trước đây thì bây giờ, học sinh nói tục nhiều hơn. Thời mình đi học, cũng có những bạn nói tục nhưng sẽ nói giảm, nói tránh đi. Hiện tại các em học sinh có thể nói thẳng từ tục tĩu đó mà không thấy ngại chút nào”.
“Các em học sinh còn trẻ và sẽ có những thần tượng của riêng mình. Những thần tượng trên mạng hay đâu đó, rất nhiều người có những phát ngôn tự do. Có thể giới trẻ đã học thói nói tục, chửi bậy từ đó”, anh Lương Minh – nhân viên văn phòng chia sẻ quan điểm.
Học sinh có thể học thói nói tục, chửi bậy từ những thần tượng trên mạng. (Ảnh minh họa)
Nội quy, các điều phạt cũng chỉ là giải pháp tạm thời
Để ngăn chặn tình trạng nói tục, chửi bậy của học sinh, nhiều trường học đã đặt ra bảng nội quy nghiêm ngặt, cấm các em nói bậy cả ngoài đời và trên mạng xã hội.
Năm học 2015-2016, trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) phát sổ tay sinh hoạt cho học sinh. Ngoài những điều nội quy về trường lớp còn có điều khoản: “Những điều cần lưu ý khi lên Facebook”, trong đó yêu cầu học sinh “tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt”. Trường THPT Đông Sơn 2 cũng đề ra những yêu cầu tương tự.
Nhiều trường học đã đề ra những nội quy để ngăn chặn tình trạng nói tục, chửi bậy của học sinh.
Hay trường THCS – THPT Nam Việt (quận Tân Phú, TP.HCM) cũng đưa ra nội quy cấm học sinh không nói tục, chửi thề, hút thuốc, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích; Không chọc ghẹo, gây sự đánh nhau trong trường và ngoài phố…
Tuy nhiên có một thực tế buồn là dù có cấm đến mấy thì nhiều học sinh vẫn chửi bậy và tình trạng này ngày một nghiêm trọng. Các nội quy cũng là chỉ biện pháp nhất thời. Trước mặt thầy cô, các em có thể nói lời hay ý đẹp. Tuy nhiên khi “khuất mắt trông coi”, người lớn khó mà kiểm soát được ngôn từ của trẻ. Trên mạng xã hội, không thiếu em sở hữu đến 2-3 nick ảo để đi “gây chiến” và tránh tầm kiểm soát của giáo viên.
Nhiều học sinh "vô tư" nói tục, chửi thề
Chửi thề, nói bậy, thậm chí còn nhắn tin với những lời lẽ nhạy cảm..., diễn ra ngày càng nhiều ở lứa tuổi học sinh, dù có quy tắc ứng xử nhưng rất khó kiểm soát
Trên một diễn đàn nuôi dạy con thời hiện đại, một phụ huynh tại TP HCM kể lại chuyện chị sững sờ khi vô tình một buổi tối đi ngang phòng con trai đang học lớp 10, khi nghe con nói điện thoại với bạn bằng những từ ngữ tục tĩu. Thậm chí còn dùng những lời lẽ khó nghe khi nhận xét về cơ thể một bạn gái học cùng lớp.
Dùng từ lỗ mãng như "trào lưu"
Chị Thanh Huyền - một phụ huynh nhà ở đường Trần Não, quận 2, TP HCM - kể lại tình huống khi chị vừa đón 2 con nhỏ từ trường về nhà; trong thang máy khu chung cư, mẹ con chị đi cùng hai học sinh (HS; một nam và một nữ) mặc đồng phục cấp III của trường ngay bên cạnh, vô tư chửi thề như không hề có người đi bên cạnh. Ngôn từ lỗ mãng, hỗn hào. Bạn HS nam còn vừa chơi game trên điện thoại vừa la ó, mắng chửi một bạn nào chơi cùng là ngu rồi lại cười sằng sặc.
"Lúc con về đến nhà, bé nhỏ đang học lớp 1 cứ níu áo mẹ hỏi lại những từ 2 HS trong thang máy vừa phát ngôn nghĩa là gì? Thật sự tôi không biết phải giải thích với con thế nào? Nói con đừng học theo, như vậy là xấu thì bé lại tiếp tục hỏi tại sao lại xấu. Con còn nhỏ thì càng hay bắt chước, giờ chỉ còn cách hạn chế để các con phải nghe những lời lẽ vậy được chừng nào tốt chừng ấy" - chị Huyền nói.
Câu chuyện của chị Huyền không phải là cá biệt, khi trên nhiều diễn đàn khác của phụ huynh, giáo viên, thậm chí trong những group (nhóm) của những chung cư, nhiều phụ huynh cũng than phiền về tình trạng HS nói tục mọi lúc, mọi nơi. "Chung cư chỉ có một khu vui chơi chung dành cho trẻ con. Sau giờ học ở trường, nhiều gia đình đưa các bé đến vui chơi, giải trí. Nhưng sau nhiều lần đưa con đến, tôi phải chấp nhận cách ly bé ở nhà, chơi cùng một vài bạn ở cùng tầng vì không chịu nổi một số bạn HS lớn hơn chơi đùa, chửi thề suốt buổi. Khi người lớn nhắc nhở thì cãi lại, bỏ đi. Nhưng đến hôm sau lại tiếp diễn" - chị Vy, phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (quận 2), chia sẻ.
Không chỉ ở nhà hay ngoài đường, ngay trong trường học, nhiều giáo viên cũng cho biết tình trạng HS chửi thề, nói bậy ngày càng nhiều và rất khó kiểm soát. Dù quy tắc ứng xử trong trường học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đi kèm những nội quy trường học, quy định khen thưởng, kỷ luật HS. Tuy nhiên, để xử phạt tình trạng HS chửi thề, nói bậy rất khó. "Không thể cứ đi theo HS như hình với bóng để... bắt quả tang các em vi phạm và xử phạt. Tất cả chỉ trông chờ vào tính tự giác của HS" - thầy H., giám thị một trường THPT tại quận 10, TP HCM, thừa nhận.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tình trạng HS chửi thề, nói bậy ngày càng nhiều và xảy ra ở lứa tuổi ngày càng nhỏ không phải chỉ là nguyên nhân từ giáo dục gia đình và nhà trường. Vì thực tế hiện nay, những tác động từ xã hội đến HS dường như vẫn mạnh hơn ảnh hưởng và kỷ luật của nhà trường.
Mạng xã hội phát triển, từ Facebook, YouTube, TikTok...đến cả một số chương trình trên truyền hình cũng không kiểm soát những ngôn ngữ của những nhân vật xuất hiện trên đó. "Đơn cử như vừa rồi, một người nổi tiếng - là thần tượng của không ít HS, các bạn trẻ - cũng nói bậy, chửi thề thì các em rất dễ học theo và bắt chước. Thậm chí, còn có tình trạng em nào không biết nói bậy thì không phải người sành điệu, bị bạn bè cô lập, không cho chơi cùng" - cô Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục Tập đoàn Microsoft, cho biết.
Nhiều học sinh nhiễm thói quen nói tục, chửi thề do được tự do sử dụng smartphone. Ảnh: TẤN THẠNH
Bắt chước từ các trang mạng
Cô Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển Tài năng và Tính cách John Robert Powers, nhận định nhiều tật xấu của HS, trong đó có chửi thề, nói bậy, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân không nhỏ từ những thiết bị công nghệ và những thứ thượng vàng hạ cám xuất hiện trên những chiếc điện thoại với các mạng xã hội ngày càng phát triển ồ ạt và khó kiểm soát. Theo cô Thụy Anh, nguy hiểm nhất cho những trẻ em vị thành niên khi sử dụng smartphone là gì?
Hãy tưởng tượng, một đứa trẻ với một chiếc điện thoại di động, nó bắt đầu bằng lướt Facebook, hết Facebook thì có ngay Instagram, TikTok, YouTube, tin tức mời gọi. Đắm chìm vào thế giới đủ mọi tin tức tốt - xấu, tin tức hấp dẫn về Khá Bảnh, hôm nay Ngọc Trinh mặc trang phục gì...
Trẻ trượt dài trong rừng thông tin, lướt hết trang này đến trang kia, hết sử dụng app (ứng dụng) này đến app khác. Đó là chưa kể những thông tin kiểu như "không dành cho trẻ em dưới 18 tuổi", những thông tin gây ức chế, tạo cảm giác bùng nổ, những thông tin tạo hiệu ứng đám đông tiêu cực.
Theo thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, gia đình là nơi đầu tiên giúp hình thành nền móng về nhân cách, đạo đức cho HS. Trong đó, tạo nền tảng để các em nói lời hay, ý đẹp. Muốn vậy, người lớn cần làm gương bằng cách không nói lời xấu, cộc cằn, thô lỗ với các em.
Nếu chẳng may con lỡ nói tục, chửi thề thì uốn nắn, giúp con sửa chữa sai lầm. Bên cạnh đó, còn cần sự chung tay góp sức từ nhiều phía, ngoài gia đình, nhà trường, xã hội. Tổ chức những hoạt động tập thể lành mạnh, văn minh để các em không sa ngã vào những việc xấu.
Cần xem lại việc dạy đạo đức, giáo dục công dân
Theo ông Nguyễn Văn Ngai, cần xem lại chương trình giảng dạy môn đạo đức, giáo dục công dân hiện nay thế nào? "Cần tăng cường những bài dạy về kỹ năng sống, ứng xử học đường; giảm bớt những lý thuyết nặng nề, thiếu thực tiễn, chương trình phù hợp với tâm lý từng độ tuổi thì mới thu hút các em và giáo dục đạt chất lượng. Nhà trường, giáo viên cùng quan tâm sâu sát đến HS, khen thưởng, biểu dương và xử phạt kịp thời, hợp tình hợp lý để tạo nền tảng cho HS. Và những việc này phải làm kiên trì, không thể ngày một ngày hai để cho xong.
Cô gái say rượu lột đồ, khỏa thân hoàn toàn ngay trước ngôi đền gây bức xúc Không chỉ say rượu và có hành động đáng xấu hổ, cô gái này còn liên tục có những lời lẽ xúc phạm khi đang đứng trước một địa điểm tâm linh. Một nữ du khách say rượu đã gây ra sự phẫn nộ và tức giận trên mạng xã hội sau khi lột đồ và leo lên trước cửa một ngôi đền...