Clip: Cùng ngắm Quảng trường Vua Hùng mới, chuẩn bị mở cửa trong ngày Giỗ Tổ
Những công đoạn cuối cùng của công trình Quảng trường Vua Hùng trong công viên Đầm Sen đang vào giai đoạn hoàn thành, góp thêm một địa chỉ cho du khách đến tham quan trong kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ năm nay.
Công trình có 4 phần chính: Đền thờ, Thang rồng, Sân hành lễ và Vườn hoa. Phần lớn các chất liệu của công trình được làm bằng gỗ, mái ngói, nền gạch với kiến trúc đặc trưng đình chùa.
Xung quanh có lối dạo và vườn bonsai kiểng cổ xanh mát. Các hạng mục được kết nối một cách nghệ thuật đưa du khách thập phương đến với hành trình hướng về nguồn cội dân tộc.
Trước đó, nghi thức rước đất và nước thiêng đã diễn ra tại Phú Thọ: ngày 5/4, đặt linh vị, đất & lửa thiêng vào Quảng trường Vua Hùng tại Đầm Sen vào 10/4.
Nghi lễ Giỗ tổ chính thức được cử hành lúc 8h00 ngày 14/4 tại Quảng trường Vua Hùng gồm các nghi thức: biểu diễn cờ người, dâng đăng, tế văn, tế võ, dâng lễ vật, dâng hương. Phần tế văn do nghệ sĩ ưu tú Hữu Quốc & Quỳnh Hương phụ trách, phần tế võ do Hội võ cổ truyền TPHCM thực hiện.
Nhân dịp này, 3.000 chiếc bánh chưng được bà con nhân dân quận 11 thực hiện để dâng cúng Quốc Tổ. Sau khi hoàn tất nghi thức cúng Quốc Tổ, số bánh chưng này sẽ được tặng cho du khách tham dự lễ giỗ tại Đầm Sen và trẻ em các nhà mở, mái ấm trên địa bàn TPHCM như một cách thức để mọi người được đón nhận lộc tổ.
Khu vực quảng trường Vua Hùng đang vào giai đoạn hoàn thành
Các công đoạn trang trí đang gấp rút hoàn thành kịp lễ giỗ tổ
Tổng diện tích khuôn viên khu đền gần 1000m2. Bao gồm sân hành lễ được lát đá Granite với hoa văn mặt trời đặt ở chính giữa. Kế đến là khu vực thang rồng, tiết diện bề ngang là 4,5 mét, đáp ứng đoàn khách 5 hàng đi lên dâng hương cùng lúc.
Theo ông Dư Hữu Danh, GĐ công viên Đầm Sen thì trên cùng là khu vực dâng hương, được thiết kế 3 đền thờ. Chính giữa là chánh điện với tượng vua Hùng cao 1,7 mét, được làm bằng chất liệu composite phủ đồng, đặt trên bệ đá cao 0,8m.
Bức tượng vua Hùng tại Đầm Sen được Thạc sĩ – Điêu khắc gia Phạm Văn Út thực hiện. Tác giả đã xây dựng bố cục vua Hùng ngồi trên ngai, cách điệu từ hoa văn trống đồng. Mặt tượng nhìn thẳng thể hiện sự tôn nghiêm.
Tay phải nắm chùm bông lúa, tay trái để tự nhiên trong tư thế ngồi trao đổi với các Lạc tướng, Lạc hầu.
Các hoa văn trang trí trên bộ trang phục, được lấy cảm hứng từ đường nét của nền văn hóa Đông Sơn.
Mặt trống đồng Ngọc Lũ vẫn chưa được treo lên
Theo điêu khắc gia Phạm Văn Út, đây là bức tượng thể hiện được một vị Anh hùng khai quốc, sinh dân. Đồng thời cũng là một minh chứng lịch sử giúp con cháu người Việt nhớ đến công lao dựng nước và giữ nước các vua Hùng. Thông qua đó, hình ảnh vua Hùng nắm trên tay bông lúa thể hiện ý muốn đề cao một nền văn hóa lúa nước của dân tộc Việt, cho con cháu đời sau phải gìn giữ và tôn vinh.
Bên phải của chánh điện là đền thờ Trần Hưng Đạo, người đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên-Mông (năm 1285 và năm 1288).
Công trình sẽ là một địa điểm về nguồn ý nghĩa cho đoàn viên, thanh niên cũng như là nơi giúp các em học sinh có cơ hội tìm hiểu lịch sử và đam mê hơn bộ môn này thông qua các hoạt động sôi nổi gắn liền kiến thức mang tính giáo dục cao.
Theo dantri.com.vn
Biển Vũng Tàu đông nghịt người trong ngày nghỉ lễ
Du khách đến từ TP HCM và các tỉnh lân cận cùng đổ về Bãi Sau (TP Vũng Tàu) để tắm biển, nghỉ dưỡng.
Chiều 14/4, hàng nghìn người dân và du khách đổ về khu vực Bãi Sau (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để tắm biển, nghỉ ngơi.
Dọc 5 km bờ biển dường như không còn một chỗ trống, các công viên, khu du lịch cũng chật kín các loại xe chở du khách tham quan.
Nhiều du khách cho biết, do ngày nghỉ dài, họ dành trọn hai ngày nghỉ cuối tuần để tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố biển và sẽ kết thúc kỳ nghỉ lễ vào trưa mai.
"Mình đi biển Vũng Tàu từ sáng nay. Cứ ngỡ người đi tắm biển ít nhưng chiều mới thấy đông người đổ về", Ngọc Anh (đến từ TP HCM), chia sẻ.
Các dịch vụ cho thuê đồ bơi, ghế nằm đắt khách, dao động từ 80.000 đến 100.000 đồng một người cho mỗi lần thuê.
"Ngày nghỉ lễ nên giá cả cũng tăng khoảng 20 - 30% so với ngày thường", một người bán hàng cho biết.
Nhóm du khách đến từ TP HCM và Tây Ninh đắp cát lên người trên bãi biển. "Mùa này nóng nực nên nhóm chúng tôi chọn TP Vũng Tàu để nghỉ ngơi từ 13/4 và dự định trưa 15/4 khởi hành về thành phố. Giá dịch vụ ngày này nói chung hợp lý", anh Hoài Thi (đến từ Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh), nói.
Trời nóng, bé Huỳnh Trâm (5 tuổi, quê Tây Ninh) được bố mẹ đội nón, đeo mắt kính và đắp cát lên người.
Nhóm bạn đến từ TP Bà Rịa cùng diện đồng phục, tạo dáng chụp ảnh kỷ niệm giữa biển.
Hơn 40 sinh viên trường Đại học Ngân hàng TP HCM mặc trang phục cờ đỏ sao vàng vui chơi trên bãi biển. "Biển Vũng Tàu cũng gần và sạch nên nhóm mình đến đây để nghỉ ngơi và cùng chơi team building, kết nối các thành viên", Ngô Gia Trung, đại diện nhóm chia sẻ.
Em nhỏ thích thú chơi trò té nước biển để giải nhiệt.
Đến chiều muộn, khu vực Bãi Sau vẫn đông nghịt, nhiều phụ huynh tranh thủ tắm cho con tại các trụ nước ngọt công cộng. Riêng dịch vụ tắm nước ngọt tại các khu du lịch, giá cả tăng nhẹ từ 25.000 lên 35.000 đồng một người.
Thành Nguyễn
Theo vnexpress
Ngôi làng độc đáo khi toàn bộ các nhà trong làng được xây dựa trên ý tưởng về ngôi nhà của người lùn Hobbit Thay vì tưởng tượng mình được sống trong một ngôi nhà của người lùn Hobbit thì bạn hãy đến với ngôi làng ở Bắc New Zealand để tận mắt cảm nhận điều đó. Chắc hẳn bạn đã từng xem bộ phim về những người lùn Hobbit. Những cảnh giả tưởng đẹp trong mơ chắc hẳn là điều mà bạn vẫn từng ngưỡng mộ...