CLB Hà Nội gặp khó ở giải đấu rắc rối nhất thế giới
AFC Cup được coi là giải đấu có thể thức thi đấu rắc rối hàng đầu trên thế giới và CLB Hà Nội muốn vô địch phải vượt qua hành trình cực kỳ khốc liệt.
Từ năm 2017, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) quyết định chia bảng AFC Cup theo khu vực địa lý (Tây Á, Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á và Đông Bắc Á). Điều này được giải thích là giúp các CLB di chuyển ít hơn và tính hấp dẫn cũng tăng khi hạn chế được tình trạng chênh lệch trình độ quá lớn.
Tuy vậy, nó lại khiến AFC Cup là giải đấu có thể thức thi đấu rất rắc rối và mỗi khu vực lại có đường đi khác nhau để lên ngôi vô địch. Với CLB Hà Nội, đội bóng này phải trải qua 3 vòng bán kết và chung kết nếu muốn lên ngôi.
Nếu đi tới trận cuối, CLB Hà Nội sẽ đá tổng cộng 5 trận “chung kết”. Ảnh: Minh Chiến.
Lịch thi đấu khắc nghiệt
Khác với Bình Dương, CLB Hà Nội góp mặt tại AFC Cup sau vòng loại AFC Champions League. Họ căng mình thi đấu 2 trận trên sân khách chỉ trong vòng 1 tuần.
CLB Hà Nội trải qua 9 knock-out nếu đi tới trận đấu cuối, gồm 2 trận bán kết khu vực, 2 trận chung kết khu vực, tiếp theo là 4 trận bán kết và chung kết liên khu vực trước khi đá trận chung kết toàn giải. Tính cả 2 trận play-off AFC Champions League, họ phải chơi 11 trận knock-out. Tổng cộng, để tới trận chung kết AFC Cup, CLB Hà Nội có 17 trận ở đấu trường châu lục.
Nhìn về số lượng trận đấu có thể không hình dung ra sự khốc liệt nhưng hãy nhìn vào việc di chuyển và thay đổi thời tiết mới thấy rõ những khó khăn thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm phải đối mặt.
Như HLV Chu Đình Nghiêm đã chia sẻ, thời tiết là yếu tố ảnh hưởng tới phong độ của đội bóng ở trận thắng Tampines Rovers 2-0: “Lịch thi đấu và thời tiết nắng nóng khiến cầu thủ của tôi suy giảm thể lực. Họ rất cố gắng, nhưng những cơ hội đều bị bỏ lỡ đáng tiếc”.
Ngoài ra, các cầu thủ đội bóng thủ đô còn có 26 trận V.League, chưa kể cúp quốc gia, được tổ chức trong khoảng 7,5 tháng, bao gồm cả những quãng nghỉ. Chưa hết, nhiều cầu thủ trụ cột của CLB Hà Nội đều có “suất cứng” trong thành phần các đội tuyển quốc gia.
Chỉ tính tại SEA Games 30 sắp tới, U22 Việt Nam sẽ thi đấu ít nhất 6 trận nếu vào tới chung kết, chưa kể những lần đấu quân xanh như gặp U22 Myanmar sắp tới tại Phú Thọ. Đội tuyển Việt Nam cũng có số trận tương tự khi tham dự vòng loại World Cup 2022.
Hồi đầu năm, đội tuyển Việt Nam lọt vào Top 8 Asian Cup 2019. Nhẩm tính, Quang Hải, Đình Trọng hay Văn Hậu gần như không được nghỉ ngơi.
CLB Hà Nội phải trải qua thể thức thi đấu rắc rối hàng đầu thế giới nếu muốn vô địch AFC Cup. Ảnh: Minh Chiến
Đá 5 trận chung kết để tranh ngôi vô địch
Không có giải đấu quốc tế nào mà nhà vô địch phải đá tới 5 trận chung kết. Với các đội Đông Nam Á nói chung và CLB Hà Nội nói riêng, họ bắt buộc phải làm điều này tại AFC Cup.
Các đội khu vực Đông Nam Á được chia vào 3 bảng F, G, H. Họ phải chơi nhiều hơn khu vực khác một vòng đấu. 4 đội có thành tích tốt nhất vào chơi bán kết, rồi chung kết khu vực Đông Nam Á để chọn ra đại diện thi đấu bán kết liên khu vực, chung kết liên khu vực rồi mới tới trận chung kết toàn giải.
Khu vực Đông Bắc Á, Nam Á và Trung Á không cần trải qua vòng đấu của khu vực đó. Họ được chia vào 3 bảng đấu khác nhau (D, E và I), đội đứng đầu mỗi bảng vào thẳng bán kết liên khu vực.
Với các đội ở nhánh đấu khu vực Tây Á, họ lại trải qua vòng bán kết khu vực mà không có vòng đấu liên khu vực. Cụ thể, 3 đội nhất bảng (A, B và C) của khu vực này vào thẳng vòng bán kết khu vực Tây Á. Đội thứ 4 góp mặt tại bán kết khu vực này được chọn từ vòng đấu của 3 đội nhì bảng.
Việc sắp xếp thi đấu theo điều lệ mới tạo ra lợi thế thế cho các đội Tây Á tại AFC Cup 2019, họ không mất công di chuyển nhiều như phần còn lại khi trận chung kết được tổ chức tại khu vực của họ.
Rõ ràng, thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm gặp bất lợi lớn nếu phải di chuyển quãng đường dài để chơi 1 trận đấu và để vô địch AFC Cup 2019, họ phải vượt qua sự khắc nghiệt của giải đấu có thể thức thi đấu rắc rối hàng đầu thế giới.
Sau trận thắng 2-0 trước Tampines Rovers để vượt qua vòng bảng, HLV Chu Đình Nghiêm đã lên tiếng đề nghị giúp đỡ: “Tôi mong ban tổ chức và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nên thay đổi lịch thi đấu, để CLB Hà Nội có thời gian chuẩn bị cho các trận bán kết AFC Cup cũng như V.League”.
Đường đến chung kết AFC Cup của CLB Hà Nội. Đồ họa: Minh Phúc.
Highlights AFC Cup: CLB Hà Nội 2-0 Tampines Rovers. 2 bàn thắng của Oseni và Nguyễn Thành Chung đã giúp CLB Hà Nội tiến vào vòng trong ở AFC Cup với tư cách đội dẫn đầu bảng F.
Theo Zing
AFC Cup rắc rối nhưng tiền thưởng cao, liệu Hà Nội FC, B.Bình Dương có muốn tiến xa?
Nếu vô địch khu vực Đông Nam Á được thưởng 100.000 USD, còn nếu đăng quang AFC Cup 2019 nhận 1,5 triệu USD, liệu khoản thưởng lớn đó có kích thích Hà Nội FC hay B.Bình Dương?
Sau loạt trận cuối vòng bảng diễn ra tối 15-5, AFC Cup 2019 đã xác định được 4 cái tên sẽ vào vòng bán kết khu vực Đông Nam Á là Tampines Rovers (Singapore), PSM Makassar (Indonesia) và 2 đại diện Việt Nam là B.Bình Dương và Hà Nội FC. Với thể thức thi đấu được báo chí ví von là rắc rối nhất hành tinh, các đội bóng sẽ mất rất nhiều thời gian và sức lực nếu muốn tiến xa ở AFC Cup 2019.
Hà Nội FC không giấu tham vọng tiến xa ở AFC Cup 2019
Cụ thể, theo lịch thi đấu đã được phân nhánh, thì CLB Hà Nội sẽ chạm trán Ceres Negos của Philippines ở trận bán kết lượt đi vào ngày 18-6 và lượt về vào ngày 25-6. Trong khi đó, B.Bình Dương sẽ gặp PSM Makasaar vào ngày 19-6 và lượt về vào ngày 26-5. Hai đội thắng sẽ vào tranh chung kết khu vực Đông Nam Á, lượt đi vào ngày 30 hoặc 31-7 và lượt về vào ngày 6 hoặc 7-8 (theo bốc thăm).
Đội giành chiến thắng chung cuộc ở chung kết khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục bước vào loạt trận bán kết mới, lần này được gọi là liên khu vực. Khi đó, CLB vô địch Đông Nam Á sẽ gặp 3 CLB đứng đầu 3 bảng thuộc khu vực Trung Á (bảng D), Nam Á (bảng E) và Đông Á (bảng I). Các đội lại đá thể thức bán kết, chung kết lượt đi - lượt về trước khi chọn ra đội cuối cùng đá chung kết AFC Cup 2019 với đội chiến thắng cuối cùng ở khu vực Tây Á.
Chỉ cần vô địch khu vực Đông Nam Á, B.Bình Dương cũng được thưởng 100.000 USD
Chính vì thể thức rắc rối này mà nhiều CLB rất lo ngại 2 yếu tố là sức lực của các cầu thủ bị bào mòn và thứ hai là kinh phí tham dự đắt đỏ. Tuy nhiên, nếu so với thể thức đá ngẫu nhiên trước đây, AFC cho rằng các CLB tiết kiệm được nhiều chi phí hơn khi chỉ đá vòng quanh trong 1 khu vực. Ngoài ra, tiền thưởng cho chức vô địch ở từng khu vực cũng khá cao. Theo đó, đội vô địch khu vực Đông Nam Á được thưởng 100.000 USD (hơn 2,3 tỉ đồng). Ngoài ra, mỗi đội bóng ở vòng bảng cũng được AFC hỗ trợ 40.000 USD tiền di chuyển. Nếu thắng trận chung kết liên khu vực và sau đó vô địch AFC Cup 2019, CLB sẽ nhận được 1,5 triệu USD, còn đội á quân được thưởng 750.000 USD.
Theo 24h
Bình luận: Hà Nội đủ sức vô địch AFC Cup Lượt trận cuối vòng bảng AFC Cup 2019 vừa kết thúc, CLB Hà Nội đã đánh bại CLB đến từ Singapore, Tampines Rovers 2-0. Kết quả này giúp CLB Hà Nội chính thức soán ngôi đầu bảng của Tampines Rovers. Hai đội có cùng 13 điểm sau vòng bảng nhưng Hà Nội xếp trên do có hiệu số tốt hơn. Nếu nói rằng...