CLB Hà Nội đã sai khi chia tay HLV Chu Đình Nghiêm?
HLV Chu Đình Nghiêm chia tay Hà Nội sau vòng 7, nhưng điều này không giúp đội bóng thủ đô khởi sắc hơn ở ba vòng đấu tiếp theo.
Thậm chí, việc thiếu vắng chiến lược gia gốc Thanh Hóa trên băng ghế huấn luyện còn khiến đương kim á quân V.League trải qua những kỷ lục buồn.
Dưới sự dẫn dắt của ông Nghiêm, Văn Quyết và đồng đội chưa thua HAGL, khiến Viettel “khớp” mỗi khi đối đầu. Song, đó chỉ là quá khứ. HLV tạm quyền Hoàng Văn Phúc là lựa chọn mang tính tình thế, khi HLV Park Choong-kyun chưa thể bắt tay vào công việc.
Dười thời HLV Chu Đình Nghiêm, CLB Hà Nội là đội bóng rất khó bị đánh bại. Đồ họa: Minh Phúc.
Kết quả, sau ba vòng đấu, CLB Hà Nội chỉ có được một trận thắng trước Quảng Ninh – đội bóng đang trong cơn khủng hoảng tài chính. Lần đầu tiên từ mùa giải 2016, họ thua HAGL. Lần đầu tiên họ thua Viettel từ khi đối thủ lên chơi chuyên nghiệp. CLB Hà Nội từ vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng sau vòng 7, tụt xuống đứng thứ 8. Khoảng cách so với HAGL bị nới rộng từ 6 điểm lên thành 12 điểm.
Khó trách HLV Hoàng Văn Phúc
HLV Hoàng Văn Phúc đồng ý làm “người đóng thế” trong bối cảnh CLB Hà Nội khủng hoảng. Bruno, Geovane và Quang Hải chấn thương, còn Văn Quyết cùng Bùi Hoàng Việt Anh bị treo giò. Cùng với đó là chuỗi thành tích không tốt với vị trí thứ 6. Thậm chí, Chủ tịch Đỗ Vinh Quang của đội bóng này còn nhắc đến khả năng phải đua trụ hạng ngay trong ngày đầu ông Phúc làm việc.
Nhà cầm quân sinh năm 1964 chỉ có ít ngày làm việc trước khi đối đầu liên tiếp Viettel, Quảng Ninh rồi HAGL. Ở thời điểm đó Quảng Ninh còn đang đứng vị trí thứ hai, còn Viettel đứng thứ tư trên bảng xếp hạng.
Sẽ là bất khả thi nếu yêu cầu HLV Hoàng Văn Phúc thay đổi lối chơi vốn trở thành bản sắc của CLB Hà Nội chỉ trong vòng 10 ngày và tới trận gặp HAGL, điều đó được thể hiện rõ trong hiệp một. CLB Hà Nội không còn cầm bóng, chơi áp đặt như thường thấy. Những đường bóng dài dường trở nên vô hiệu trước hàng thủ chơi tập trung và có phong độ cao của HAGL.
Video đang HOT
Sang hiệp hai, CLB Hà Nội dường như nôn nóng và sử dụng nhiều những pha bóng mang tính cầu may hơn. Trong một thế trận kín kẽ, tập trung từ đối thủ, việc cầu may là không đủ để đem về một bàn thắng. Thất bại là điều khó tránh với CLB Hà Nội.
HLV Hoàng Văn Phúc chỉ đóng vai trò tạm quyền trong thời gian CLB Hà Nội chờ HLV người Hàn Quốc. Ảnh: Thế Anh.
Sai lầm khi sa thải HLV Chu Đình Nghiêm?
Cuối mùa giải 2019, thông tin HLV Chu Đình Nghiêm chia tay CLB Hà Nội rộ lên. Thực tế, đội bóng thủ đô gần như hoàn tất việc đàm phán với người thay thế chiến lược gia gốc Thanh Hóa.
Song, thương vụ bị đổ bể vào phút chót. HLV Đức Thắng thay vì dẫn dắt CLB Hà Nội đã chọn Bình Định làm điểm dừng chân. Ông Nghiêm tiếp tục công việc ở mùa giải 2020 và khi CLB Hà Nội không thể bảo vệ chức vô địch V.League, chuyện đi hay ở của nhà cầm quân này lại được đem ra bàn tán.
HLV Chu Đình Nghiêm ngồi ghế nóng ở CLB Hà Nội từ đầu mùa 2016. Dưới thời nhà cầm quân này, CLB Hà Nội không chỉ trở thành thế lực trong nước mà còn vươn tầm ra sân chơi châu lục với việc lọt vào tới chung kết liên khu vực AFC Cup 2019.
HLV Chu Đình Nghiêm giúp CLB Hà Nội giành 8 chiếc cúp. Đồ họa: Minh Phúc.
Sau quãng thời gian dài thành công, CLB Hà Nội đang ở giai đoạn đi xuống và cần một sự thay đổi về mặt con người. Việc HLV Chu Đình Nghiêm ra đi, với nhiều người, chỉ là vấn đề thời gian. Song, thời điểm chiến lược gia này nói lời chia tay đương kim á quân V.League ở giữa cơn khủng hoảng là lựa chọn không mấy sáng suốt.
“Thay tướng, đổi vận” dường như không áp vào CLB Hà Nội như CLB Hà Tĩnh hay Quảng Nam. Giữa lúc khủng hoảng, việc chia tay vị thuyền trưởng có nhiều gắn bó khiến lòng quân có nhiều biến động. Nhìn cách họ chơi trước Viettel hay HAGL, có thể thấy rõ sự tự tin không còn. CLB Hà Nội đã không còn chơi ở thế cửa trên.
Khi gặp vấn đề tâm lý, và không còn chơi thứ bóng đá vốn là sở trưởng, CLB Hà Nội trở nên vô hại, trước cả những đối thủ chưa bao giờ thắng họ.
'CLB Hà Nội không còn đủ tỉnh táo trước HAGL'
Trận thua HAGL càng khiến những vấn đề của CLB Hà Nội lộ rõ và rất khó giải quyết chúng trong một sớm một chiều, theo quan điểm của chuyên gia Phan Anh Tú.
"Theo dõi cả trận, chúng ta có thể thấy HAGL chiếm hoàn toàn thế chủ động. Trong khi đó, CLB Hà Nội lúng túng, không tìm được phương án thích hợp để rồi dẫn đến kết quả thất bại", ông Tú mở đầu cuộc trao đổi với Zing sau thất bại 0-1 của CLB Hà Nội trước HAGL tại vòng 10 V.League tối 18/4.
"HAGL ổn định về lối chơi, cầu thủ của họ đang trong giai đoạn phong độ cao và được chơi trên sân nhà. Đây lại là những điểm yếu của CLB Hà Nội. HLV Hoàng Văn Phúc phải giải bài toán cực khó và thực tế ông ấy đã chọn cách sai lầm", ông Tú phân tích.
CLB Hà Nội chìm sâu vào khủng hoàng sau trận thua trước HAGL chiều 18/4. Ảnh: Duy Anh.
Theo ông Tú, đội bóng thủ đô lựa chọn cách tiếp cận trận đấu chắc chắn và chơi tất tay ở hiệp hai. Tuy nhiên, những con người trong tay HLV Hoàng Văn Phúc lại không cho phép nhà cầm quân này làm như vậy.
"Hiệp một, CLB Hà Nội chơi bóng dài trong khi Geovane Magno không phải mẫu tiền đạo giỏi tranh chấp, chơi phía sau lưng hậu vệ đối phương. Cậu ấy là mẫu cầu thủ giàu kỹ thuật, chơi bóng theo kiểu nghệ sĩ", ông Tú bình luận.
Theo chuyên gia từng ngồi ghế Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, nhân sự là vấn đề từ mùa giải trước của CLB Hà Nội nhưng nhà đương kim á quân V.League đã có những bước đi sai lầm khi chiêu mộ Geovane và Bruno Cantanhede.
"Hai tiền đạo ngoại của CLB Hà Nội khá yếu về khả năng tranh chấp. Trong khi đó, những cầu thủ thể hình dày cơm, có thể làm tường trước mặt đối phương như Ganiyu Oseni hay Rimario Gordon đã không còn nữa", ông Tú nêu quan điểm.
"Ở hiệp hai, khi quyết định chơi tất tay, CLB Hà Nội cũng rất thiếu ý tưởng triển khai bóng. Đây cũng là vấn đề của họ từ mùa bóng trước. Xét về lối chơi, CLB Hà Nội vẫn kiểm soát và áp đặt đối phương như những năm tháng thành công của họ. Song, khả năng dứt điểm của họ khá tệ".
Vấn đề tâm lý của cầu thủ CLB Hà Nội cũng được chuyên gia Phan Anh Tú nhắc đến. Ông nói: "Càng về cuối trận, CLB Hà Nội càng cho thấy sự nôn nóng. Nhiều pha xử lý của họ luống cuống. Họ không còn đủ tỉnh táo để triển khai thế trận trên cơ nữa rồi".
"Nhiều tình huống, tôi thấy cầu thủ đội Hà Nội chơi bóng vội vàng, cầu may. Trong khi đó, HAGL hoàn toàn khác biệt. Đội bóng phố núi làm chủ trận đấu và chơi rất bình tĩnh. Đây là điều khác biệt rõ nét của HLV Kiatisuk", ông Tú bình luận.
CLB Hà Nội sẽ sớm công bố HLV trong những ngày tới. Họ cần vượt qua cuộc khủng hoảng này thật nhanh nếu muốn góp mặt trong tốp 6 ở giai đoạn hai. Ảnh: Quang Thịnh.
Trong những ngày tới, CLB Hà Nội nhiều khả năng sẽ ra mắt HLV Park Choong-kyun. Theo chuyên gia Phan Anh Tú, việc này chưa chắc đã giúp đội bóng thủ đô sớm trở lại thời đỉnh cao.
"Điều quan trọng là ông ấy sẽ làm gì với các vấn đề của CLB Hà Nội và định hướng của lãnh đạo đội bóng này như thế nào. Có thể, nhiệm vụ của ông Park sẽ là xây dựng lại nền tảng với mục tiêu dài hơi", ông Tú nói.
"Nhiệm vụ đưa CLB Hà Nội trở lại không hề dễ dàng. Bắt bệnh là một chuyện, làm thế nào để giải quyết những vấn đề đó lại là câu chuyện khác", chuyên gia này nêu quan điểm.
CLB Hà Nội chịu thất bại khi làm khách trên sân Pleiku chiều 18/4 với tỷ số 0-1. Bàn thắng duy nhất của trận đấu được ghi bởi Lương Xuân Trường ở phút 34. Thất bại này khiến nhà đương kim á quân tụt xuống vị trí thứ 8, rơi khỏi nhóm tranh chấp chức vô địch ở giai đoạn hai.
"Bầu" Hiển tìm lại nụ cười Khi Quang Hải nghiêng người sửa bóng điệu nghệ vào góc xa cầu môn đội Than QN nhân đôi cách biệt bàn thắng cho CLB Hà Nội. Lần đầu tiên sau 3 trận đấu người ta thấy nụ cười trở lại trên môi "bầu" Hiển. 5 phút sau thì ông không còn kìm nén được cảm xúc, đứng bật dậy và nụ cười...