CIA – Những bàn tay nhuốm máu
Nước Mỹ vừa tưởng niệm 50 năm ngày xảy vụ ám sát vị Tổng thống thứ 35 John Kennedy (29/5/1917 – 22/11/1963). Cho tới nay, vẫn chưa thể biết rõ thủ phạm thực sự gây nên tội ác này là ai. Đã có rất nhiều giả thuyết xuất hiện xung quanh vụ việc này.
Thậm chí Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon còn viết trong hồi ký của mình rằng, chính người tiền nhiệm của ông, Lyndon Johnson, ở thời điểm tháng 11/1963 đang là Phó tổng thống, đã âm mưu ám sát Kennedy để ngồi lên ghế nguyên thủ quốc gia… Và cũng vì thế, ngay từ khi vụ ám sát mới xảy ra, dư luận nước Mỹ đã đồ rằng, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã dính líu tới cái chết bất đắc kỳ tử của Tổng thống Kennedy.
Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được thành lập năm 1947 theo Đạo luật An ninh Quốc gia do Quốc hội Mỹ thông qua và được ông chủ Nhà Trắng lúc đó là Tổng thống Harry Truman ký ban hành. Tiền thân của nó là Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS) hoạt động trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, tổ chức OSS đã giải tán vào tháng 11/1945 và các hoạt động được chuyển giao cho Bộ Ngoại giao và Bộ Chiến tranh. Do sự cần thiết của một hệ thống tình báo tập trung sau chiến tranh nên 11 tháng trước đó, vào năm 1944, William Donovan, người khai sinh OSS, đã đệ trình lên Tổng thống Franklin Roosevelt bản kế hoạch thành lập một tổ chức tình báo chịu sự giám sát trực tiếp của Tổng thống. Trong lịch sử của mình, CIA đã từng phát động tới cả chục chiến dịch truy sát các thủ lĩnh chính trị của nước ngoài.
Theo luật pháp Mỹ, chỉ Tổng thống có quyền ra lệnh cho CIA được tiến hành các chiến dịch bí mật chống lại các nhà lãnh đạo nước ngoài (trong đó có cả các vụ ám sát) trên cơ sở nhận định rằng mục tiêu bảo đảm an ninh cho nước Mỹ không thể được thực hiện bằng các hoạt động đối ngoại thông thường. Giám đốc CIA sau khi kết thúc mỗi một chiến dịch bí mật phải báo cáo lại cụ thể các hoạt động trước các ủy ban phản gián của Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Từ năm 1981, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã ra Sắc lệnh số 12333 cấm CIA trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc tổ chức các vụ ám sát. Năm 2002, Tổng thống George Walker Bush vẫn giữ nguyên hiệu lực cho sắc lệnh này, nhưng lại đề ra ngoại lệ: Các nhân viên CIA được quyền thủ tiêu các thủ lĩnh của những tổ chức khủng bố ở nước ngoài.
Theo các nhà sử học, khoảng từ giữa thế kỷ XIX, trên trường quốc tế bắt đầu thực hiện luật bất thành văn là lãnh đạo các quốc gia đối địch không xâm phạm tự do và tính mạng của nhau. Tuy nhiên, đến Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quy tắc này đã bị xoá bỏ. Trùm phát xít Đức Adolf Hitler đã từng ra lệnh bắt cóc vua Na Uy (tuy nhiên, chiến dịch này đã bị thất bại). Các cơ quan đặc nhiệm của nước Đức phát xít từng chuẩn bị nhiều kế hoạch ám sát lãnh tụ Xôviết Yosif Stalin, cũng như định hạ sát các nguyên thủ quốc gia Xôviết, Mỹ và Anh trong cuộc gặp thượng đỉnh của họ tại Tehran (Iran). Ngược lại, Cơ quan tình báo Anh cũng đã từng lập kế hoạch ám sát Hitler. Washington cũng đã có ý định tổ chức ám sát trùm phát xít Italia Benito Mussolini bằng cách mượn tay của các nhóm mafia…
Danh sách những thủ lĩnh nước ngoài bị Cơ quan tình báo Mỹ truy sát về mặt chính trị khá dài. Cố lãnh tụ Libya, Muammar Gaddafi, từng bị Washington cho máy bay tới ném bom tư dinh, may mà ông đã kịp chui vào hầm trú ẩn nên thoát chết, chỉ có cô con gái nuôi của ông đã tử nạn. Vợ và hai con trai của ông cũng đã bị thương trong vụ ném bom đó. Tổng thống Panama Manuel Noriega bị Mỹ bắt giam với lời buộc tội là có liên quan tới các băng nhóm buôn bán ma túy quốc tế (cách đây không lâu ông này đã được dẫn độ về Panama). Thực ra, nguyên nhân chính khiến tướng Noriega bị “thất sủng” với Mỹ là vì năm 1988, ông đã buộc tội Washington không thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản trong hiệp ước chung về khai thác kênh đào Panama. Nói chung, những khúc mắc về quyền lợi kinh tế luôn là lý do chính dẫn tới việc Washington tìm cách truy sát về mặt chính trị các thủ lĩnh của các nước ngoài. Cơ quan thường được giao nhiệm vụ tiến hành các chiến dịch bí mật như thế là CIA.
Chính CIA đã cùng Cơ quan tình báo Anh MI-5 tổ chức hạ bệ Thủ tướng Iran Mohammed Mossadyk. Ông này năm 1951 đã đưa ra sắc lệnh quốc hữu hóa ngành khai thác dầu mỏ ở Iran vốn do một công ty liên doanh giữa Iran và Anh nắm giữ. Mọi mưu toan gây áp lực với Mossadyk thông qua vua Iran đều không mang lại kết quả. Hơn thế nữa, sau khi tổ chức trưng cầu dân ý và nhận được tới 99,9% số phiếu ủng hộ, ông Mossadyk nắm lấy quyền kiểm soát lực lượng vũ trang và loại được vua Iran ra khỏi chính trường và ông này phải ra nước ngoài sống lưu vong. London và Washington đặc biệt lo ngại vì Mossadyk không chỉ dựa vào các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc mà còn dựa vào cả Đảng Cộng sản Iran. Theo cách nhìn phương Tây, như vậy là ông Mossadyk đã chuẩn bị “Xôviết hóa” Iran(?!). Chính vì thế nên CIA và MI-5 đã cùng bắt tay vào gây rối nhằm hạ bệ Mossadyk. Thế là tại Iran đã bùng nổ các cuộc bạo loạn, xung đột vũ trang giữa những phần tử vô chính phủ do Mỹ và Anh ủng hộ với những người ủng hộ ông Mossadyk. CIA và MI-5 cuối cùng còn kích động được giới quân sự Iran đứng lên làm đảo chính lật đổ thủ tướng năm 1952. Ông vua bị đuổi đi lại trở về nước và trong buổi lễ mừng công đã nói thẳng với trưởng chi nhánh CIA tại Tehran: “Tôi được sở hữu ngai vàng này là nhờ Thánh Allah, dân chúng, quân đội và cả ông nữa”. Ông Mossadyk đã bị tòa án Iran kết án tù giam trong một thời gian dài, còn ông vua vừa đăng quang lại đã bãi bỏ quyết định quốc hữu hoá ngành khai thác dầu mỏ, theo đúng nguyện vọng của các thế lực ngoại bang.
Tổng thống Guatemala, Jakobo Arbens Gusman, cũng là một nạn nhân của các chiến dịch truy sát chính trị do CIA tiến hành. Ông này từng lãnh đạo Guatemala trong những năm 1951-1954 và dự định quốc hữu hóa ngành thương mại nông phẩm (vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu). Bằng việc này, ông đã “xâm phạm” quyền lợi của Công ty Mỹ United Fruit (vốn nắm giữ tới 90% sản lượng nông phẩm xuất khẩu của Guatemala). United Fruit đánh tiếng cạy nhờ Chính phủ Mỹ và CIA đã vào cuộc. Thế là Arbens bị CIA vu cáo là thành viên bí mật của Đảng Cộng sản, “có mưu đồ xây dựng chủ nghĩa cộng sản” ở quốc gia Mỹ Latinh này. CIA tung tiền ra tuyển mộ một nhóm đông tới vài trăm quân nhân Guatemala để họ từ nước Honduras láng giềng tấn công vào tổ quốc mình và lật đổ chính quyền của ông Arbens. Ông này đành phải chạy sang Mexico sống lưu vong và qua đời sau đó 20 năm…
Tổng thống Congo, Patris Lumumba, cũng từng bị CIA buộc tội là “theo đuôi” chủ nghĩa cộng sản sau khi ông này do không được nước chủ thuộc địa cũ là Bỉ ủng hộ phải đi tìm sự giúp đỡ kinh tế từ phía Liên Xô. Tổng thống Mỹ lúc đó là Dwight Eisenhower đã ra lệnh cho CIA tìm cách thủ tiêu Lumumba. Tuy nhiên, các nhân viên tình báo Mỹ chưa kịp động thủ thì Lumumba đã bị các đối thủ chính trị của mình bắt giữ rồi hạ sát vào năm 1961.
Video đang HOT
Một nhân vật nổi tiếng ở châu Mỹ Latinh đã phải ngã xuống do những mưu toan của CIA là Tổng thống Chile, Salvador Ajjende. Ông này vốn là một chính khách theo khuynh hướng xã hội, chủ trương cải cách kinh tế một cách sâu sắc để cứu vãn đất nước bên bờ vực khủng hoảng. Ông đã bắt đầu quốc hữu hóa hàng loạt ngành kinh tế quan trọng, đánh thuế cao hoạt động của các công ty xuyên quốc gia và ngừng trả nợ nước ngoài. Một số công ty của Mỹ như ITT, Anaconda hay Kenencot cảm thấy mình bị thiệt hại vì thế. Giọt nước cuối cùng làm dấy lên tâm trạng chống lại Ajjende ở Mỹ là chuyến viếng thăm Chile của lãnh tụ Cuba Fidel Castro. Thế là CIA đã được Nhà Trắng giao nhiệm vụ lật đổ chính thể của Tổng thống Ajjende. Và viên tướng độc tài Agusto Pinochet đã vào cuộc với sự trợ giúp đắc lực của Washington. Một cuộc đảo chính đẫm máu đã được tổ chức. Tổng thống Ajjende đã phải tự sát từ chính khẩu súng mà Chủ tịch Fidel Castro đã tặng ông.
Bản thân Chủ tịch Cuba Fidel Castro cũng đã từng không chỉ một lần bị CIA mưu sát. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, CIA đã hơn 600 lần tổ chức ám sát ông nhưng đều bị thất bại. Hình như mọi phương thức mưu sát kỳ quái nhất đều đã được CIA sử dụng vào những âm mưu đen tối nhằm cướp đi mạng sống của Chủ tịch Fidel Castro: những điếu xì gà gắn mìn, những khẩu súng bắn đạn tẩm thuốc độc, những vỏ ốc tẩm độc được vứt vào bãi tắm mà Fidel thường tới, thậm chí cả loại chất độc có thể gây hói đầu và rụng râu nhằm gây bệnh để Chủ tịch Cuba mất vẻ ngoại hình hấp dẫn của ông… “Tội lỗi” của Fidel là đã không để cho vòi bạch tuộc của các công ty Mỹ lũng đoạn nền kinh tế Cuba. Điều đặc biệt cần lưu ý là CIA đã định mưu sát Fidel trước khi ông gây dựng mối quan hệ với Liên Xô và tuyên bố sẽ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa trên “hòn đảo tự do”. Các chiến dịch quân sự của Mỹ chống lại Cuba đều được tiến hành với sự trợ giúp đắc lực của CIA.
CIA còn tham gia vào các hoạt động lật đổ các nhà lãnh đạo có khuynh hướng thiên tả khác ở châu Mỹ Latinh, như tại đảo quốc Grenada chẳng hạn. Chính quyền thiên tả tại đây đã bị binh lính Mỹ dìm vào biển máu trong một cuộc can thiệp quân sự với cái cớ ngụy tạo là cứu các sinh viên Mỹ bị bắt làm con tin. Tổng thống Mỹ lúc đó là Ronald Reagan đã lu loa về cái gọi là nguy cơ “Cuba Xôviết hóa” Grenada và còn tuyên bố rằng trên đảo quốc này có tới 1,2 nghìn quân nhân Cuba. Về sau, khi mọi chuyện đã ngã ngũ và binh lính Mỹ đã chiếm được Grenada, người ta mới biết rằng ở đây thực ra chỉ có khoảng 200 công dân Cuba, đa phần những người này là các chuyên gia dân sự.
Nhà lãnh đạo Venezuela, Hugo Chavez, khi còn sống cũng là một mục tiêu săn đuổi của CIA. Đương kim Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro cho rằng, chính CIA đã dính líu tới cái chết của ông Chavez…
CIA luôn luôn biết tạo dựng nên lý do để nếu không bí mật ám sát được các thủ lĩnh chính trị không hợp khẩu vị với Washington thì cũng làm bùng nổ một chiến dịch quân sự theo đúng nghĩa của từ này. Họ không ngần ngại sử dụng các thông tin dối trá, ăn không nói có…
Theo_VnMedia
5 điều chưa biết về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy
Tháng này đánh dấu 50 năm kể từ khi vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy xảy ra tại Dallas vào ngày 22/11/1963. Kẻ ám sát Tổng thống, Lee Harvey Oswald, cũng đã bị bắn chết 2 ngày sau khi vụ việc xảy ra bởi Jack Ruby.
Cho đến nay, bức màn bí mật xung quanh cái chết của Tổng thống Kennedy vẫn bị bao phủ. Đã có hàng trăm giả thuyết về người đứng đằng sau vụ ám sát, và liệu Oswald có phải là thủ phạm duy nhất, hay là có một tay súng bắn tỉa đã phục ở trên đồi cỏ nổi tiếng khi xe Tổng thống Kennedy đi qua.
Tuy nhiên, có những điều đến nay, không phải ai cũng biết những điều dưới đây về vụ án sát vị tổng thống thứ 35 của Mỹ:
1. Oswald không bị bắt vì giết chết Tổng thống Kennedy
Chân dung kẻ ám sát Tổng thống Kennedy - Lee Harvey Oswald
Lee Harvey Oswald đã thực sự bị bắt vì giết chết một sĩ quan cảnh sát, tuần tra viên Dallas JD Tippitt, 45 phút sau khi giết Tổng thống Kennedy. Hắn phủ nhận việc giết chết hai người nói trên. Khi được chuyển giao tới nhà tù của quận hai ngày sau đó, hắn đã bị bắn chết bởi kẻ điều hành hộp đêm Dallas có tên là Jack Ruby.
2. Năm 1963, kẻ ám sát Tổng thống không bị xem là tội phạm liên bang
Tổng thống Kennedy vào thời khắc trước khi bị bắn ở Dallas, 22/11/1963
Mặc dù trước đó cũng đã có 3 vụ ám sát tổng thống xảy ra trước đó, tội giết chết hoặc cố gắng để gây tổn hại cho một tổng thống không phải là một hành vi phạm tội liên bang cho đến năm 1965, hai năm sau cái chết của Tổng thống Kennedy. Trước đó, 3 tổng thống từng bị ám sát gồm: Abraham Lincoln , James Garfield và William McKinley.
3. Các chương trình truyền hình bị gián đoạn trong 4 ngày
Tại đài NBC trong khoảng thời gian khi tin tức Tổng thống Kennedy bị bắn được lan truyền.
Vào lúc 12h40 (giờ địa phương) ngày 22/11/1963, chỉ 10 phút sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, CBS là đài truyền hình đầu tiên phát sóng các tin tức về vụ nổ súng. Sau đó, cả 3 mạng lưới truyền hình lớn của Mỹ lúc đấy là CBS, NBC và ABC đã lập tức cắt bỏ các chương trình thường xuyên của họ để tập trung đưa tin về vụ ám sát trong 4 ngày liên tiếp. Vụ ám sát Tổng thống Kennedy là sự kiện tin tức liên tục dài nhất trên truyền hình cho đến khi bị phá kỷ lục bởi sự kiện vụ tấn công khủng bố nước Mỹ hôm 11/9/2001.
4. Lần đầu tiên và duy nhất nước Mỹ có một phụ nữ điều hành lễ tuyên thệ của tổng thống
Bà Sarah Hughes (góc trái phía dưới) điều hành lễ tuyên thệ nhậm chức của Phó Tổng thống Lyndon Johnson.
Vài giờ sau vụ ám sát, Phó Tổng thống Lyndon Johnson đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trên một chiếc chuyên cơ Không lực Một - Air Force One (chuyên cơ dành riêng cho Tổng thống Mỹ), bên cạnh có Jacqueline Kennedy - Phu nhân của Tổng thống John F. Kennedy, một hình ảnh mang tính biểu tượng lớn. Thẩm phán liên bang lúc đó, bà Sarah Hughes đã điều hành lễ tuyên thệ này. Bà là người duy nhất cho đến nay được làm việc này.
5. Oswald đã cố gắng ám sát người đối đầu với Tổng thống Kennedy
Ông Edwin Walker trong một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Đại học Mississippi tháng 9/1962.
8 tháng trước khi Lee Harvey Oswald ám sát Tổng thống Kennedy, hắn đã cố gắng giết một cựu tướng quân đội Mỹ, Edwin Walker, một người nổi tiếng vì những quan điểm rất bộc trực. Sau khi ông từ chức khỏi quân đội Mỹ vào năm 1961, Walker trở thành một nhà phê bình thẳng thắn của chính quyền Kennedy và tích cực phản đối các hành động phân biệt chủng tộc thông qua các bài giảng ở các trường học miền nam. Ủy ban Warren, chịu trách nhiệm điều tra vụ ám sát Kennedy năm 1963, điều tra ra rằng Oswald đã cố gắng bắn chết Walker tại nhà riêng của ông này. Walker đã bị thương nhẹ.
Theo Tri thức
Toàn cảnh vụ ám sát và tang lễ của tổng thống Kennedy Ngày 22/11/2013 đánh dấu tròn 50 năm kể từ vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy ở Dallas. Đây là sự kiện gây chấn động toàn nước Mỹ và thế giới. Cùng Nguoiduatin.vn nhìn lại toàn cảnh ngày định mệnh bị ám sát và tang lễ của tổng thống Kennedy. Tổng thống Kenedy giữa một đám đông các phóng viên ảnh...