Chuyện xúc động về chàng lính xin đi nhập ngũ, 3 lần rơi nước mắt vì không thể gặp người thân lần cuối
‘Nhiều khi nhớ nhà lắm, ông bà mất cũng chẳng thể về chịu tang nhưng mình tin, những gian khổ này đều là sự tự hào và xứng đáng’…
Tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ để thực hiện ước mơ thời thơ ấu
Ai trong số chúng ta mà chẳng có những ước mơ, hoài bão, ai mà chẳng phải trải qua quãng thời gian thanh xuân đầy nhiệt huyết riêng mình. Mỗi người sẽ lựa chọn những mục tiêu sống khác nhau nhưng chắc chắn rằng, ở cái độ tuổi trẻ mơn mởn nhất, ai cũng muốn được sống hết mình.
Với chàng trai trẻLê Văn Nhất(SN 1994, đến từ Hưng Yên), thay vì tiếp tục sự nghiệp học tập như bao bạn bè đồng trang lứa khác, cậu bạn quyết định lựa chọn xin gia nhập quân ngũ để lên đường phục vụ Tổ quốc. Khi ấy, mọi người trong gia đình ai cũng bất ngờ nhưng tất cả đều đồng lòng ủng hộ quyết định của chàng trai chỉ mới 18 tuổi này.
Vào quân ngũ là niềm mơ ước từ thời thơ ấu của chàng lính trẻ
Tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ, Nhất được phê duyệt tham gia vào đơn vị của những người lính biên phòng. May mắn thay khi đó cũng chính là ước mơ thuở bé nên Nhất càng có thêm động lực mạnh mẽ để lên đường.
Những ngày bắt đầu xa nhà, sống trong một môi trường hoàn toàn mới với tính kỷ luật cao, Nhất đã trải qua những cảm giác nhớ nhung khôn xiết. ‘ Cảm giác lần đầu xa nhà khiến mình bồn chồn, lại lạ giường chẳng thể ngủ được. Rồi cứ nằm là lại nhớ bố mẹ, ông bà, chỉ mong đến cuối tuần được gọi về nhà thôi‘.
Dù nhớ nhà da diết là thế, có những khi chẳng thể gọi điện về cho gia đình vì phải xếp hàng quá lâu nhưng Nhất tâm sự rằng, chưa khi nào anh chàng cảm thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc. Cứ nhớ lại lúc cầm tờ đơn viết một mạch xin nhập ngũ mà chẳng cần suy nghĩ, chàng lính trẻ lại có thêm động lực để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
3 lần khóc cạn nước mắt khi biết tin những người thân ra đi mà chẳng thể về nhà
Những ngày trong quân ngũ trôi qua với những bài tập rèn luyện nghiêm ngặt, nội quy gắt gao dù có mệt mỏi, vất vả nhưng Nhất đều vượt qua được. Nhưng điều mà anh chàng áy náy nhất có lẽ là 3 lần chứng kiến người thân ra đi mà không thể về nhà chịu tang.
‘ Đợt mình mới nhập ngũ được 2 tháng thì bà nội mất, tháng sau thì bà ngoại mất và vài tháng sau đó đến lượt ông ngoại cũng rời bỏ thế gian. Mà quy định trong quân đội là chỉ tứ thân phụ mẫu thôi nên dù rất buồn vì chẳng thể về nhà tiễn ông bà lần cuối nhưng mình cũng phải chấp nhận điều đó, kìm nén nỗi đau để tiếp tục nhiệm vụ của mình‘, Nhất tâm sự.
Lần lượt chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu, Nhất bảo rằng, có nhiều lúc anh cứ chực trào nước mắt vì vừa nhớ vừa thương ông bà. Nhưng nghĩ lại những lời ông ngoại dặn dò lúc chuẩn bị lên đường, Nhất lại tự nhủ bản thân phải cố gắng. ‘ Ông ngoại ngày trước cũng đi lính, tham gia chiến trường để bảo vệ Tổ quốc nên ông thường dạy bảo mình rất nhiều điều, nhất là lòng yêu nước. Ông bảo có khó khăn, có gian khổ nhưng mọi thứ đó đều là điều đáng tự hào và ông luôn động viên, ủng hộ mình gia nhập quân ngũ. Bởi vậy mà giờ mình càng tự nhủ phải cố gắng hơn nữa, không được nản lòng để ông thấy vui lòng và bản thân mình cũng thấy tự hào về điều đó‘.
Những ngày tháng đáng nhớ trong màu áo lính
Video đang HOT
Hoàn thành thời gian nhập ngũ, tiếp tục theo học tại Sài Gòn và giờ chính thức trở thành một người lính biên phòng làm việc tại Đà Nẵng, Nhất kể, anh luôn cảm thấy tự hào về quãng thời gian khó khăn của mình. Dù khoảng cách địa lý tới quê hương càng thêm xa, chẳng được về thăm nhà thường xuyên nữa nhưng bù lại, Nhất đã có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ, quý báu khi được hòa mình vào cuộc sống cùng những người dân nơi anh đóng quân.
Ngoài nhiệm vụ được giao hàng ngày, Nhất còn luôn trong trạng thái sẵn sàng khi nhận được thông báo cứu hộ cứu nạn các tàu thuyền trên biển hay giúp đỡ người dân địa phương phòng chống lũ lụt, di dời trong mùa mưa bão.
‘ Miền Trung năm nào cũng phải đối mặt với nhiều cơn bão nên các đơn vị đều phải huy động lính đi giúp đỡ người dân phòng chống bão lũ, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của. Những người lính như mình chỉ biết miệt mài, ra sức hỗ trợ người dân mà thôi. Thấy thương họ khổ cực quá, thường xuyên phải gánh chịu hậu quả của thiên tai‘, Nhất tâm sự.
Ngoài mùa mưa bão, Nhất cùng các đồng đội cũng thường xuyên tham gia vào các hoạt động dân vận rồi cùng người dân làm đường, xây nhà,… Trực tiếp tham gia vào cuộc sống của những người dân nơi đây, trải nghiệm sinh hoạt và cũng nhận lại sự yêu mến, giúp đỡ từ họ, Nhất bảo anh thấy vui và có thêm động lực để gắn bó với nơi này hơn nữa.
‘ Lâu dần mình chẳng còn nhớ nhà nhiều nữa vì đi đâu cũng nhận được sự yêu thương của người dân, giống như mình có thêm ngôi nhà thứ hai vậy. Nhìn người dân tần tảo lại thấy hệt như cha mẹ ở quê nhà nên chỉ biết giúp đỡ họ thật nhiều hơn khi có thể và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao‘.
Những cuộc dân vận, những lần chạy đôn đáo giúp người dân phòng chống thiên tai khiến chàng chiến sĩ biên phòng càng thêm gắn bó và yêu mảnh đất nơi đây
‘Nếu được lựa chọn lại, vẫn sẽ quyết định như ngày nào’
Đó là lời khẳng định chắc nịch của người lính biên phòng 25 tuổi. Nhất tâm sự rằng, anh cũng chỉ như bao chàng thanh niên trẻ tuổi khác, luôn muốn được cống hiến cho đất nước vì tình yêu quê hương, sự tự hào luôn rực cháy trong lòng.
Đã trải qua một phần những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất nhưng chàng lính ấy chưa bao giờ hối hận về quyết định khi chỉ mới 18 tuổi của mình. Dẫu vẫn biết cuộc đời người lính là vô vàn những khó khăn, thử thách, khi tính kỷ luật và trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu nhưng Nhất bảo, tất cả sự đánh đổi đó là hoàn toàn xứng đáng và anh luôn cảm thấy tự hào khi khoác lên mình màu áo lính.
‘ Không phải chỉ riêng mình mà biết bao đồng đội khác cũng tự hào như thế. Khó khăn, gian khổ mấy, họ cũng vượt qua được thì tại sao mình lại không. Mình đã thực hiện được một phần ước mơ ngày bé, được khoác trên mình màu áo lính nhưng mình vẫn luôn cố gắng mỗi ngày để hoàn thiện bản thân hơn cũng như hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao của một người lính biên phòng.
Nếu có một điều ước, mình chỉ ước đất nước luôn hòa bình, tươi đẹp, người dân được sống hạnh phúc, ấm no và dù có cho chọn lựa lại bao nhiêu lần đi nữa, mình vẫn kiên quyết như ngày nào, vẫn muốn được cống hiến với tư cách là một người lính để giữ bình yên cho Tổ quốc‘.
Theo baodatviet
Chuyện tình lính biên phòng: 'Khó lắm để làm người đàn ông tốt, nhưng cả đời họ sẽ không bao giờ phụ bạc'
Khi giới trẻ sợ yêu xa và ngại khoảng cách thì những người lính biên phòng lại đang từng ngày đối diện với điều đó. Nhưng phải chăng vì vậy mà tình yêu của họ đã khiến không ít người phải trầm trồ, ngưỡng mộ.
Xưa nay tình yêu của người lính đặc biệt là lính biên phòng luôn khiến nhiều người tò mò. Với đặc thù trong môi trường quân đội, thời gian cho sinh hoạt cá nhân bị bó hẹp nên người ta thường nói tình yêu của người lính như thứ tình 'vụng trộm, tranh thủ, chớp nhoáng'.
365 ngày với số lần về đếm trên đầu ngón tay, lại chỉ được về những dịp đặc biệt, thế nên tình yêu với họ là thứ gì đó thật xa xỉ, lúc nào cũng khiến họ thổn thức và ước ao có được một bóng hồng bên cạnh đủ để hiểu mình, hiểu công việc đặc thù họ đang làm.
Lời gọi của tình yêu trong buổi sớm mùa thu
Ba năm kể từ ngày ra trường, Ngô Văn Tùng (26 tuổi, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) vẫn không khỏi bồi hồi khi nhắc về giây phút đầu tiên gặp được mối tình đầu của mình - Lê Bích Ngọc (25 tuổi, quê Bắc Ninh, hiện đang làm việc tại Hà Nội).
Văn Tùng hiện đang là Trạm trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Hòn Chông - Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang
Anh kể: ' Trong quân đội, gia đình của đồng chí là gia đình của mình. Lúc đó, tôi đang là học viên năm 3, trong dịp một người bạn cùng phòng có người nhà lên thăm, tôi cũng được đề xuất ra gặp mặt. Tôi chỉ nghĩ là gặp bố mẹ của cậu ấy thôi nhưng không ngờ tôi đã gặp hồng nhan của mình ở đó. Cô ấy đẹp lắm'.
Nét đẹp của người con gái trong mắt người lính không hẳn nằm ở đôi má hồng, lông mày lá liễu hay đôi môi gợi cảm mà nằm ở chính trái tim. Anh bảo chưa khi nào anh có cảm giác lạ như vậy, khi về đến phòng là lại nhờ người bạn cùng phòng gọi điện cho cô gái ấy: 'Tôi chỉ dám đứng từ xa, nhìn cô ấy qua màn hình của người bạn. Mà ngày đó, bộ đội chúng tôi bị cấm dùng điện thoại nữa', anh cười.
Sau những lần bị bạn bè trêu là nhút nhát, anh quyết định chủ động xin số nhắn tin, trò chuyện với cô gái ấy. Cứ thế, phải đến 3 tháng sau, họ mới dần trở nên thân thiết.
Bức ảnh chụp lại kỷ niệm khi ngày đầu Ngọc nhận lời làm người yêu Tùng
Khi tình yêu biến lính biên phòng thành người khác
Không phải ngẫu nhiên mà người ta luôn nói bộ đội là những người khô khan, cứng nhắc. Nhưng với anh lính biên phòng này, tình yêu đã khiến anh trở thành một người yêu đời đến khó hiểu vì 'Chỉ cần nghĩ đến cô ấy thôi tôi lại cười, lại có động lực để đi tiếp và hoàn thành nhiệm vụ của mình'.
Tùng xếp chữ bằng lá gửi Ngọc nhân ngày sinh nhật người yêu
Trong tình yêu, nếu chỉ một người cố gắng thì thật khó có được cái kết đẹp. Chấp nhận yêu xa là khi cả hai đã đủ hiểu về nhau, đủ can đảm trở thành người lính gác canh giữ trong 'đế chế' tình yêu của chính mình.
Thế nhưng, cũng có những phút chốc yếu lòng nào đó, ' cảm giác sợ cô ấy buông tay khiến bản thân tự nhắc mình phải trân trọng cô ấy và cuộc tình này nhiều hơn'.
Tùng kể, tình yêu đã giúp anh trưởng thành, biết lo lắng cho tương lai nhiều hơn. Với đặc thù luôn phải công tác xa nhà, số lần về hiếm hoi nên anh biết người phụ nữ anh thương sẽ phải thay anh gánh vác trách nhiệm làm trụ cột của gia đình sau này. Anh bảo: 'S ẽ khó lắm để người lính trở thành người đàn ông tốt, nhưng cả đời họ sẽ không bao giờ trở thành kẻ phụ bạc'.
Vì ở xa (anh công tác ở Kiên Giang, còn chị ở Bắc Ninh) nên cả hai thường gọi video để nhìn nhau qua điện thoại cho đỡ nhớ
Đã đến lúc thu trái ngọt
Năm 2017, sau khi hoàn thành chương trình học ở Học viện Biên phòng, Văn Tùng nhận quyết định công tác trong miền Nam. ' Khoảng cách ngày một lớn hơn, nhưng Ngọc chưa một lần nói chia tay với tôi. Dù kém tôi 1 tuổi nhưng Ngọc là cô gái chín chắn, cô ấy sẽ không bao giờ nắm tay tôi nếu như không xác định. Thời gian đó, hai đứa buồn nhiều lắm, nhưng vẫn luôn động viên nhau. Cô ấy hứa sẽ vào thăm tôi. Phần của tôi là hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc...
Cô ấy đã giữ lời hứa. Hai năm công tác trong này, Ngọc cố gắng thu xếp công việc vào thăm tôi 2 lần. Hai đứa cũng tranh thủ ngày tôi về phép để ra mắt hai bên gia đình. Tháng 5 tới đây, Ngọc là vợ của mình rồi' - chàng linh biên phòng hạnh phúc kể.
Tháng 5 tới, họ chính thức tổ chức đám cưới
Câu chuyện tình yêu của Văn Tùng và Bích Ngọc là tiêu biểu cho tình yêu của rất nhiều người lính khác. Đó chẳng phải điều gì cao sang, phức tạp, chẳng sướt mướt, sến sẩm, nhưng ở trong đó chứa đựng tất cả sự chân thành và tin tưởng họ dành cho nhau. Mỗi người lính mang trên mình gánh nặng mà Tổ quốc giao phó, thật may mắn khi có những người phụ nữ sẵn sàng đỡ đần họ mái ấm ở phía sau. Hạnh phúc của mỗi người cùng gom góp tạo thành hạnh phúc lớn lao của cả dân tộc.
Ảnh: NVCC
Theo baodatviet
Vợ được hàng xóm khen "vẫn còn ngon", ông ngoại 81 tuổi hí hửng về khoe con cháu Câu chuyện cảm động về cụ ông 81 tuổi vẫn dành trọn tình yêu và chăm sóc tận tình cho người vợ mà ông "chấm" khiến bất kỳ người trẻ nào cũng phải ngưỡng mộ. Chuyện tình của ông lão "chấm" vợ ngay lần đầu gặp cô thôn nữ Ngày nay, người ta chứng kiến không ít câu chuyện về những cặp đôi...