Chuyến xe khách miễn phí đón người dân về quê
Chiều 9/10, chuyến xe khách miễn phí đầu tiên xuất phát, chở người dân về quê Nghệ An sau nhiều ngày rong ruổi xe máy từ các tỉnh phía Nam.
Được sự đồng ý từ chính quyền thành phố Đà Nẵng, hai nhóm tình nguyện Bạn thương nhau và Tình nguyện trẻ Đà Nẵng có mặt tại trạm trung chuyển hầm Hải Vân để tiếp nhận người dân hồi hương trên xe máy, chở về quê bằng xe khách giường nằm miễn phí.
Nhiều gia đình có bà bầu, trẻ nhỏ được nhóm tình nguyện ở Quảng Ngãi chở bằng xe cứu thương ra Đà Nẵng, liên hệ với các đội nhóm tình nguyện tại đây để tiếp tục đưa họ về quê bằng xe khách.
Trong lúc chờ nhà xe làm thủ tục, người dân được hỗ trợ ăn trưa. Anh Lang Đình Dương (26 tuổi) và vợ Lang Thị Giang (21 tuổi), ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An), chạy xe máy chở con gái một tháng rưỡi từ Bình Dương về quê hai ngày qua.
Anh làm nghề tự do, ở nhà 3 tháng qua vì dịch Covid-19, còn chị làm công ty cũng thất nghiệp từ khi nghỉ sinh đến nay. Anh Dương chăm con để vợ có thời gian dùng bữa và nghỉ ngơi. Do có nhiều người cùng về Nghệ An, nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng đã kết nối để chở riêng đoàn về quê.
Nhóm người dân về Nghệ An được test nhanh Covid-19 để đảm bảo sàng lọc trước khi lên xe khách xuất phát từ Đà Nẵng.
Người dân mang đồ bảo hộ trong quá trình di chuyển lên xe khách.
Những người lên xe phải có giấy xét nghiệm. Trong chuyến đầu tiên, hơn 40 người đều có kết quả âm tính. Các tình nguyện viên rà tên từng người, phát phiếu để người dân mang theo, trình cho lực lượng chức năng khi qua các chốt kiểm dịch.
Em Nguyễn Thu Sương, 3 tuổi, cùng mẹ Nguyễn Thị Hiền (35 tuổi), về quê Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cô bé không mặc vừa đồ bảo hộ nên xin mẹ mang đôi bọc chân và tung tăng di chuyển ra xe.
Bé Sương đưa tay để các tình nguyện viên khử khuẩn, trước khi vào nhận chỗ trên xe khách.
Trong đoàn ngoài con của vợ chồng anh Lang Đình Dương, còn có bé Thái Gia Hân (bìa trái), chưa đầy một tuổi. Bé Hân theo bố mẹ từ Bình Dương về quê Nghĩa Đàn, Nghệ An.
“Chúng em rất xúc động khi nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Thực sự em cảm thấy mình may mắn”, chị Lang Thị Giang chia sẻ. Người có con nhỏ được ưu tiên ngồi ghế dưới, phía trước xe.
Một người dân bày tỏ cảm xúc tới đội ngũ tình nguyện viên và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ, tạo điều kiện để về quê bằng xe ôtô.
Hôm nay (9/10), ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã làm việc với hai trưởng nhóm tình nguyện và đồng ý làm công văn giới thiệu gửi các tỉnh, thành tạo điều kiện cho các xe chở người hồi hương đi qua.
Khoảng 15h20 ngày 9/10, chuyến xe đầu tiên khởi hành.
Anh Trần Đình Quốc Khương, 40 tuổi, trưởng nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng , cho biết mỗi ngày sẽ tổ chức 5 chuyến xe đưa người về các tỉnh phía Bắc. Xe sẽ chạy một tuyến cố định, từ Đà Nẵng đến các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An và đến Hà Nội với những người về các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Hiện hai nhóm tình nguyện đã có kinh phí cho khoảng hơn 50 chuyến xe khách miễn phí, trong đó Công ty cổ phần đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) tài trợ 35 chuyến.
Đại biểu Quốc hội: Nên dùng tàu hỏa, xe khách đưa dân về quê
Miền Trung đang mưa lớn và sắp đón bão, các cơ quan chức năng cần khẩn cấp tổ chức đưa người dân về quê an toàn, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.
Năm ngày gần đây, hàng chục nghìn người dân từ phía Nam chạy xe máy về quê ở miền Trung và ra Bắc. Theo thống kê của lực lượng chức năng Đà Nẵng, riêng ngày 6/10 khoảng 7.000 người hồi hương đi qua địa bàn trong bối cảnh thời tiết mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Trước dự báo áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, tiếp tục gây mưa lớn ở miền Trung từ nay đến cuối tuần, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường kiến nghị Chính phủ và chính quyền các tỉnh "có kế hoạch hành động ngay lúc này để hỗ trợ người dân".
Theo ông, dòng người hồi hương đã vượt qua mọi kịch bản và tính toán của chính quyền. Khi người dân buộc phải về quê bằng xe máy, chở theo con nhỏ, thậm chí đi bộ "đều là những quyết định bất đắc dĩ".
Để hỗ trợ người dân, ông Cường nói nên sử dụng hệ thống đường sắt chạy dọc đất nước, đi qua hầu hết các tỉnh. Khi tàu về ga nào thì tỉnh đó điều ôtô đón người dân đi cách ly. Miền Tây không có hệ thống tàu hỏa thì các tỉnh chuyên chở bằng ôtô. Xe khách chở người, xe tải chở xe máy. "Tàu hỏa, xe khách đang nằm im một chỗ mà dân phải chạy xe máy, thậm chí đi bộ về là một nghịch lý", ông Cường nói và đánh giá cao việc một số tỉnh đã chủ động phương án đón người dân về bằng tàu hỏa, đơn cử như Quảng Bình.
Dòng người chạy xe máy trong mưa, trước khi đi vào hầm Hải Vân (Đà Nẵng), đêm 6/10. Ảnh: Nguyễn Đông
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, ở thời điểm hiện nay, không nên dùng biện pháp hành chính ngăn cản người dân về quê. Biện pháp hành chính chỉ phù hợp trong lúc tình hình dịch chưa được kiểm soát và chưa chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn".
"Nếu hành động kịp thời, thậm chí sớm hơn thì dòng người hồi hương đã có trật tự và dễ kiểm soát dịch hơn", ông nhận định và kiến nghị chính quyền các tỉnh sớm ký hợp đồng với đơn vị vận tải ở địa phương để đón dân.
"Người dân đánh cược tính mạng vượt hàng nghìn km về quê rất khổ ải và rất dễ tủi lòng, chúng ta cần sớm hỗ trợ họ bằng phương án tốt nhất có thể", ông nói thêm.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Trung tâm báo chí Văn phòng Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng kiến nghị chính quyền các tỉnh, thành tổ chức đón người dân về quê. Các địa phương có thể công bố đường dây nóng tiếp nhận nguyện vọng của người dân hoặc đăng ký trực tuyến. Sau đó, chính quyền trích ngân sách, kêu gọi xã hội hóa thuê chuyến bay, tàu hỏa đưa người dân hồi hương.
Theo ông, khi người dân về quê, cần tổ chức khám sàng lọc. Trường hợp nào an toàn cho cách ly tại nhà, bởi nhiều tỉnh địa bàn rộng, nhà dân ở xa nhau không cần thiết phải cách ly tập trung tất cả.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng hỗ trợ người dân về quê trước khi bão tới là "việc cấp bách nhất lúc này". Ông nói phản ứng chính sách cần có ngay và nhất quán từ trung ương đến địa phương, bởi đây đã trở thành vấn đề lớn của quốc gia chứ không còn riêng tỉnh nào.
Với người dân đang trên đường về, trung ương nên chỉ đạo các tỉnh lập trạm dừng nghỉ, hỗ trợ, bố trí nơi ăn ở, đợi mưa bão qua rồi bố trí cho người dân di chuyển tiếp. "Nếu cứ để dân đi về giữa lũ bão, có bất trắc xảy ra thì không có gì biện minh và chuộc lỗi được hết", ông nói.
Trong bối cảnh TP HCM và nhiều tỉnh phía Nam đang dần phục hồi kinh tế, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói "lý tưởng nhất vẫn là vận động người dân ở lại". Người dân ở lại ngày nào thì TP HCM và các tỉnh trợ giúp ngày đó. Nếu nguồn lực địa phương cạn kiệt có thể bố trí ngân sách Trung ương. Nguồn dự trữ quốc gia cần dùng trong lúc cấp bách này và đó là chi tiêu hữu ích nhất.
Theo ông, nếu chương trình an sinh, tạo việc làm hấp dẫn mà người dân vẫn không ở lại, có nguyện vọng về quê thì nên tổ chức đưa đón có kế hoạch. "Cần có một cơ quan đứng ra làm đầu mối đưa bà con về. TP HCM giao cho Bộ tư lệnh thành phố lên kế hoạch là cách làm hay, thể hiện sự trân trọng tối đa con người và được lòng dân", TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Em bé người Mông bên mẹ, chờ khai báo y tế tại chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) khi từ phía Nam về quê lánh dịch, đêm 5/10. Ảnh: Phạm Chiểu
Ông Huỳnh Đức Thơ, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhận định những ngày tới số lượng người rời các tỉnh phía Nam về nương nhờ quê nhà sẽ còn rất nhiều. Dù muốn hay không thì chính quyền cũng phải hỗ trợ. Các tỉnh có thể phối hợp tạo thành luồng di chuyển riêng cho người dân và dùng xe khách trung chuyển, giúp người dân có thời gian nghỉ ngơi sau đoạn đường dài chạy xe máy.
Theo ông Thơ, hiện nay tín hiệu vui là một số địa phương đã chủ động tạo điều kiện cho người dân về nhà. Như Đà Nẵng đêm qua (6/10) đã mở hầm Hải Vân để người dân chạy xe máy qua, thay vì phải đi đường đèo nhiều khúc cua tay áo, đêm tối, đường trơn, sương mù che khuất tầm nhìn... "Việc này rất được dư luận rất ủng hộ", ông Thơ nói.
Ở góc độ doanh nghiệp vận tải, các đơn vị đường sắt, hiệp hội du lịch cho biết sẵn sàng tham gia vào việc hỗ trợ người dân . Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nói hiện nay các đơn vị lữ hành có rất nhiều đầu xe khách và sẵn sàng hỗ trợ người dân di chuyển thay vì phải chạy xe máy, việc còn lại là chủ trương của các địa phương. Hiện tại, chính quyền Đà Nẵng đã huy động phương tiện của hai doanh nghiệp để hỗ trợ trung chuyển người dân qua hầm Hải Vân.
"Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẵn sàng huy động nguồn lực giúp bà con đi qua địa phận của thành phố. Tôi sẽ trao đổi với Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế để thống nhất", ông Dũng nói.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), khẳng định "đường sắt sẵn sàng chuyên chở người dân về quê". Mỗi ngày, ngành có thể chạy 20 đoàn tàu trên tuyến, vận chuyển khoảng 10.000 khách.
Theo ông, vận chuyển bằng đường sắt an toàn cho người dân, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, tàu có thể chở cả người và xe máy. Song tàu chở khách đến đâu phải được địa phương đó đồng ý cho dừng đỗ và tỉnh đó có biện pháp đón khách, cách ly theo quy định. Ngành đường sắt không thể tự đưa khách về các tỉnh mà không có sự đồng ý của địa phương. Do đó, nếu địa phương đề nghị ngành đường sắt vận chuyển công dân thì VNR sẵn sàng.
Thời gian qua, ngành đường sắt đã tổ chức chuyến tàu đưa người dân từ phía Nam về các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Ninh Bình theo đề nghị của địa phương.
Người dân chạy xe máy qua hầm Hải Vân, tối 6/10. Video: Nguyễn Đông
Khẩn trương ngăn dịch bùng phát khi người từ TP.HCM về các tỉnh Các chuyên gia cho rằng việc người dân rời TP.HCM về quê là nhu cầu chính đáng. Vai trò của các tỉnh là kiểm soát tốt những người này khi độ phủ vaccine Covid-19 còn thấp. Bà Trần Hồng (49 tuổi, Cà Mau) đứng lặng người nhìn dòng xe máy chạy ngang con đường nhỏ trước chợ huyện Thới Bình. Suốt mười mấy...