Chuyện vui Đất Mũi: Trúng đậm vụ tôm, nhưng giấu vì sợ ăn trộm?
Không giấu được niềm vui khi đến thời điểm cuối vụ tôm nuôi quảng canh cải tiến thu về gần 50 triệu đồng, nông dân Biện Văn Tiến (Cà Mau) tâm tình, số tiền này gia đình ông có được chỉ hơn 3 tháng nuôi bằng nhiều năm cộng lại. “Nông dân mình nuôi theo mô hình, kỹ thuật mới này sẽ giàu hết, nhiều hộ trúng đậm lắm nhưng họ giấu do sợ ăn trộm nên không dám nói thật…”.
Nông dân Nguyễn Trần Lĩnh, ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) với cánh tay nắm đuôi lú kéo lên cùng nụ cười khoái chí bên cạnh đó là hàng trăm đôi mắt nhìn thán phục khi gần 4 kg tôm sú loại 30 con búng tung toé trên mặt nước.
Ông Nguyễn Trần Lĩnh phấn khởi bên cánh đồng lớn nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước cho năng suất trên 300kg/ha/vụ.
Đó là thành quả của sự chuyển giao kỹ thuật từ mô hình cánh đồng lớn nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước mà Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh lần đầu tiên triển khai trên vùng đất này. Cánh đồng lớn nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước mang lại thu nhập trên dưới 43 triệu đồng/ha cho nông dân thực hiện mô hình…
Không ham thả dày nữa đâu
Thực hiện chuyển đổi đất sản xuất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm muộn so với các địa phương khác trong tỉnh, nông dân ấp 11, xã Khánh Tiến chủ yếu nuôi tôm quảng canh với kỹ thuật đậm chất truyền thống, quanh năm, chỉ biết thả tôm giống mỗi tháng và cứ đến con nước mỗi tháng đặt lú, bắt tôm và bán, công việc trên lặp đi, lặp lại theo thời gian.
Hay tin từ cán bộ khuyến ngư cơ sở có mô hình mới về tôm nuôi tại địa phương, ông Nguyễn Trần Lĩnh mừng thầm và tìm đến đăng ký tham gia thực hiện với niềm tin đổi đời từ tôm. Những buổi tập huấn đầu tiên, ông Lĩnh cũng như 44 hộ nông dân khác điều nghiêm túc ghi chép quy trình kỹ thuật, vừa học vừa cải tạo lại ao nuôi, ao dèo tôm. Nhất là khâu phơi đầm, cắt vụ tôm nuôi ông thực hiện rất kỹ và gần như 100% theo sự hướng dẫn của kỹ sư tập huấn. Bởi, mọi người đều mong muốn từ đây mô hình, con tôm sẽ mang lại năng suất hơn, thu nhập cao hơn và giàu có hơn…
Nhờ áp dụng đúng quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến, vớt mỗi lú sau một đêm, ông Lĩnh cho thu hoạch từ 4-5kg.
Cầm sổ ghi chép kỹ thuật trên tay chỉ vào sổ, nông dân Nguyễn Trần Lĩnh nói: “Từ ngày có kỹ sư về nông dân chúng mình thay đổi thật sự rồi đó, nhờ ghi chép sổ tay cùng với kỹ thuật nuôi mà con số sản lượng hay lợi nhuận sau vụ nuôi có thể tính được hết như thế này. Không như trước kia anh em chỉ biết hỏi nhau sáng nay được bao nhiêu ký tôm mà không biết thả tôm đợt này hay vụ nuôi này lãi bao nhiêu”.
Tại buổi hội thảo tổng kết mô hình cánh đồng lớn nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước, khi cán bộ kỹ thuật kết thúc bài báo cáo tổng kết, trong khi người dân trong ấp ai cũng nở nụ cười rạng rỡ khi năng suất tôm nuôi tăng thì ông Nguyễn Văn Dựa lại đăm chiêu tiếc nuối.
Video đang HOT
Ông Dựa khẽ giọng: “77 tuổi đời nên kinh nghiệm trong nuôi tôm dày dạn hơn nhiều người trong ấp. Nếu tôi không bảo thủ, thì vụ này tôi thu hoạch có lẽ đạt trên 500 kg. Tất cả tôi đều tuân thủ cùng mọi người từ cải tạo, lấy nước, thả 1 loại giống nhưng chỉ 1 cái không cùng là áp dụng đúng kỹ thuật. Tôi thả 27.000 con tôm post thay vì đúng kỹ thuật chỉ 13.000 con nên mới xảy ra bệnh, tôm chết, tiếc thật!”.
Qua ý kiến của ông Dựa, một số nông dân giật mình khi nghĩ lại cách nuôi, cách tính toán thả giống sai kỹ thuật mà hơn 10 năm qua mình thực hiện một cách thiếu kinh nghiệm, khoa học. Trước đây, thả tôm với mật độ dày là cách làm phổ biến của ông Dựa cũng như nhiều nông dân trong ấp bên cạnh việc thả tôm giống trôi nổi, không có nguồn gốc, không kiểm dịch trước khi thả, không phơi đầm, thuốc cá và cải tạo môi trường trước khi thả tôm. Từ đó, tôm thả không đạt đầu con, kinh tế ngày càng suy kiệt.
Đó là câu chuyện gần như rất mới đối với người dân nơi đây, bởi lẽ sự thành công của mô hình tuy cũ đối với nhiều địa phương khác nhưng lại rất mới đối với nông dân tham gia mô hình ấp 11. Giờ người dân nơi đây mới nhận ra yếu tố kỹ thuật cần thiết như thế nào.
Nuôi đúng quy trình sẽ…giàu hết
Không giấu được niềm vui khi đến thời điểm cuối vụ thu về gần 50 triệu đồng, nông dân Biện Văn Tiến tâm tình, số tiền này gia đình ông có được chỉ hơn 3 tháng nuôi bằng nhiều năm cộng lại. “Nông dân mình nuôi theo mô hình, kỹ thuật này sẽ giàu hết, nhiều hộ trúng đậm lắm nhưng họ giấu do sợ ăn trộm nên không dám nói thật chứ cách nuôi này thật sự đã mang đến cho người dân chúng tôi một cơ hội đổi đời và dần dần sẽ giàu có hết nếu thực hiện đúng quy trình này”.
Nhờ kỹ sư chuyển giao kỹ thuật cho nông dân ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) ngay tại vuông tôm theo hình thức cầm tay chỉ việc nên đã mang lại 1 vụ tôm bội thu.
Sau khi được cán bộ kỹ thuật và người dân thực hiện đem ra phân tích, những nhược điểm trong sản xuất như tình trạng nuôi không cắt vụ, thả tôm không có xét nghiệm, không có ao dèo tôm… được nhìn nhận và thay bằng sự tuân thủ kỹ thuật, tính đoàn kết trong bơm tát nước, thả giống, chịu học hỏi, ghi chép nhật ký… để các vụ nuôi sau thành công.
Hôm nay, người dân ấp 11 có cảm giác khoan khoái hơn bên chiếc xuồng quen thuộc chở đầy ắp thùng tôm sú mà hàng chục năm qua chưa một trải nghiệm. Ông Nguyễn Trần Lĩnh đưa tay khép lại cuốn nhật ký, khẽ giọng: “Đã lâu lắm rồi, từ cái thời mới bắt đầu đào mương, bơm nước mặn vào để thả tôm nuôi, người dân Ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh mới chứng kiến cảnh tôm búng tung toé, vui nhộn đến như vậy…”.
Theo Diệu Lữ (Báo Cà Mau)
Cà Mau và những mục tiêu hoành tráng về con tôm
Với điều kiện tự nhiên nhiều lợi thế, Cà Mau luôn là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích và kim ngạch xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, sản lượng tôm của tỉnh giảm đến 2,6%, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu đến đầu tháng 4.2017 chỉ đạt 167,12 triệu USD, giảm 9,3% so cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chia sẻ với PV về một số giải pháp trong phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình sản xuất và xuất khẩu của ngành tôm tỉnh Cà Mau hiện nay?
- Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Cà Mau trên 530.000ha, đặc thù 3 phía giáp biển, với chiều dài bơ biển trên 254km; có hệ thống sông ngòi chằng chịt với tổng chiều dài trên 10.000km, có 87 cửa sông thông ra biển. Tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm nước lợ.
Nông dân huyện Ngọc Hiển thu hoạch tôm sinh thái dưới tán rừng (Ảnh: Chúc Ly)
Diện tích tôm nước lợ của tỉnh gần 280.00ha, chiếm khoảng 40% diện tích nuôi tôm của cả nước. Cà Mau phát triển nhiều loại hình nuôi tôm, trong đó có 175ha nuôi siêu thâm canh (ứng dụng công nghệ cao); gần 10.000ha nuôi thâm canh; khoảng 95.000ha nuôi quảng canh cải tiến (QCCT); trên 173.000ha nuôi QC truyền thống (trong đó có tôm - rừng, tôm - lúa).
Sản lượng tôm nuôi năm 2016 của tỉnh đạt trên 145.000 tấn, chiếm 23% sản lượng tôm nuôi của cả nước và chiếm khoảng 32% của vùng ĐBSCL. Hiện nay, tỉnh có 34 nhà máy chế biến, với tổng công suất 150.000 tấn thành phấm/năm. Năm 2016, mặc dù chịu những tác động bất lợi của thị trường, giá cả nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh vẫn đạt gần 1 tỷ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước; giải quyết việc làm cho trên 300.000 người.
Mặc dù nhiều năm qua, tỉnh luôn duy trì được vị trí số 1 trong cả nước cả về diện tích cũng như kim ngạch xuất khẩu, song nghề nuôi tôm của tỉnh vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn. Đâu là nhưng khó khăn lơn nhất, thưa ông?
- Nghề nuôi tôm của tỉnh Cà Mau phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào thời tiết và điều kiện tự nhiên, chưa có các giải pháp ứng phó hữu hiệu để giảm thiểu những tác động bất lợi do thiên tai gây ra, nhất là tình trạng hạn hán, triều cường, sạt lở đất đã và đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Bên cạnh đó, thực trạng sản xuất còn manh mún, tự phát, thiếu quy hoạch; đầu tư cơ sở hạ tầng như: thủy lợi, giao thông, diện,... chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất do ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh tôm nuôi chưa được kiểm soat triệt để; công tác quản lý chất lượng, giá cả con giống, thức ăn, vật tư phục vụ cho tôm nuôi thiếu chặt chẽ; liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất ngành hàng tôm chưa phổ biến.
Ngoài ra, mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, hầu hết nông dân không đủ khả năng thực hiện nhưng việc tiếp cận vốn vay ngân hàng rất hạn chế. Đó là những khó khăn cơ bản nhất của ngành tôm tỉnh Cà Mau hiện nay.
Đươc biêt tỉnh đang hoàn thiện đề án "Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030". Ông co thê cho biêt vai net vê đê an nay?
- Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2020, sản lượng tôm nuôi 265.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD; đến năm 2025 sản lượng tôm nuôi 320.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD; định hướng đên năm 2030 sản lượng tôm nuôi 400.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu này, đề án chọn khâu đột phá là phát triển mạnh diện tích và nâng cao năng suất tôm QCCT, diện tích nuôi siêu thâm canh. Như vậy, với kế hoạch nêu trên, đến năm 2030 diện tích nuôi tôm quảng canh của tỉnh từ 173.000ha giảm còn khoảng 20.000ha. Nâng dần năng suất bình quân tôm nuôi của tỉnh, bình quân hiện nay là 0,52 tấn/ha, tăng lên 0,94 tấn/ha năm 2020; 1,14 tấn/ha năm 2025 và 1,43 tấn/ha năm 2030.
Nhưng muc tiêu, con sô đê ra rât lơn. Vây theo ông, đâu la giải pháp đê đat đươc muc tiêu đo?
- Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện dề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo ca chiều rộng lẫn chiều sâu, xác định được ngành hàng chủ lực để có kế hoạch tập trung đầu tư phát triển; ưu tiên đẩy mạnh phát triển nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh ở các vùng nuôi có điều kiện thuận lợi, đã được đầu tư cơ bản về thủy lợi, giao thông, điện...
Cà Mau hướng tới nuôi tôm thân thiện với môi trường để nâng cao tính bền vững (Ảnh: Chúc Ly)
Từng bước giảm diện tích nuôi QC, chuyển sang nuôi QCCT, áp dụng các quy trình nuôi tôm thân thiện với môi trường để tăng năng suất, chất lượng và phát triển bền vững; tập trung đầu tư cơ sở, vật chất kỹ thuật hạ tầng, đáp ứng như cầu phát triển sản xuất; thí điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hợp tác, liên kết đầu tư phát triển nuôi tôm; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng đầu vào (giống, thức ăn...); xây dựng, phát triển liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất ngành hàng tôm, gắn với việc chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng thương hiệu tôm Cà Mau.
Về phía nông dân, lam thê nao để nâng cao nhận thức và ý thức sản xuất của họ nhằm hướng đến hướng sản xuất bền vững?
- UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hợp tác chặt chẽ với cộng đồng những người nuôi tôm; liên kết sản xuất thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất; liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ dầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua mô hình liên kết chuỗi gia trị.
Tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất bằng các hình thức phù hợp, kết hợp cả lý thuyết và có mô hình thực hành để người dân dễ nắm bắt và vận dụng vào thực tiễn. Hướng dẫn người dân chuyển dần từ hình thức nuôi QC sang nuôi QCCT để nâng cao năng suất; đối với các loại hình nuôi thâm canh nhưng không đảm bảo điều kiện thi hướng dẫn người dân chuyển sang nuôi bán thâm canh hoặc QCCT để giảm bớt rủi ro và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Tuyên truyền để người dân có ý thức bảo vệ môi trường, không xả thải trưc tiêp ra môi trường khi thực hiện việc sên vét, cải tạo ao đầm nuôi thủy sản hoặc khi tôm bị bệnh, bị chết...
Xin cảm ơn ông.
Theo Danviet
Bí quyết luân canh tôm - cua bất bại, thu tiền tỷ mỗi năm "Thất bại không phải là vấn đề, quan trọng nhất là biết mình thất bại ở đâu. Trong nuôi tôm công nghiệp, ai thành công đều phải nếm trải nhiều lần thất bại mới rút ra được kinh nghiệm xương máu cho mình" - ông Trần Quang Hiên, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bộc bạch....