Chuyện vị bác sĩ ra Trường Sa, mổ ruột thừa cho chiến sĩ bằng… dao lam
Bây giờ, chuyện bác sĩ ra đảo Trường Sa làm việc không ít, nhưng bác sĩ ra đảo chữa bệnh trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn những năm 80, phải mổ ruột thừa bằng dao lam, làm ống thụt chống táo bón cho các chiến sĩ thì chỉ có bác sĩ Trần Văn Phụng. Hiện nay, bác sĩ Phụng đang làm trạm trưởng trạm y tế xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội.
Bác sĩ Trần Văn Phụng khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại trạm y tế xã Mễ Trì.
Ký ức Trường Sa dội về
Mặc dù đã gần bước sang tuổi lục tuần nhưng nom bác sĩ Trần Văn Phụng (sinh năm 1957), trẻ hơn nhiều so với tuổi thực bởi tác phong quân đội nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Trong cuộc đời làm nghề của mình, bác sĩ Phụng cho biết chưa một ngày ông quên kí ức công tác ở Trường Sa. Dưới hầm ngầm, trong ánh sáng leo lắt của bình ắcquy, ông đã mổ ruột thừa bằng những con dao lam. Trong cuộc điện thoại với chúng tôi, anh Đinh Quang Thế – trú tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, người đầu tiên được bác sĩ Phụng mổ ruột thừa bằng dao lam không khỏi xúc động kể lại: “Ai chứ bác sĩ Phụng thì cả đời này tôi không quên được. Chính bác sĩ Phụng đã cứu mạng sống của tôi năm đó. Hơn 20 năm qua, tôi vẫn chưa có dịp ra Bắc thăm bác sĩ nên tôi thấy áy náy quá, nhưng nhất định tôi sẽ thu xếp ra thăm bác vào một ngày gần nhất có thể”.
Nhớ lại ca bệnh đầu tiên của mình thực hiện trong hoàn cảnh đặc biệt, bác sĩ Phụng kể: “Tôi ra đảo Trường Sa lớn nhận nhiệm vụ mới từ tháng 3.1988. Hôm ấy, ra tới đảo Trường Sa là 13h30 chiều và vẫn còn đang say sóng thì tới 20h tối, tôi tiếp nhận ca mổ đầu tiên cho chiến sĩ Đinh Quang Thế. Qua chẩn đoán, tôi biết anh này đau ruột thừa, cần phải mổ gấp, nếu chậm sẽ vỡ ruột, tử vong. Nhưng nhìn lại đống thiết bị y tế thì tôi không tin vào mắt mình, lấy cái gì để mổ đây trong khi hầu hết các dụng cụ bị han gỉ, cũ rích do nhiễm mặn. Tôi lục tìm thì chỉ còn mấy con dao lam là dùng được. Tôi quyết định sẽ mổ ruột thừa cho chiến sĩ kia bằng dao lam và cho lưỡi dao vào nồi quân dụng đun sôi.
Ánh sáng làm việc trong hầm mổ là ánh sáng của đèn ác quy 25W, chân tay bệnh nhân được cột chặt vào ghế và ca mổ bắt đầu. Khi tôi vừa mổ được một lúc, ghim xong các mạch máu thì điện tắt phụt. Cũng may là tôi vừa ghim song mạch máu thì mất điện chứ không thì bệnh nhân sẽ mất máu mà chết. Trong tình huống nguy cấp, tôi huy động hết đèn pin của anh em trên đảo được gần 20 cái, soi rọi rồi mổ tiếp. Sau gần 10 ngày cắt chỉ, nghỉ ngơi, chiến sĩ đó đã quay về đơn vị công tác bình thường”.
Khi vết mổ của chiến sĩ Thế chưa khô miệng thì bốn ngày sau, bác sĩ Phụng lại tiếp nhận ca mổ ruột thừa thứ hai là chiến sĩ Lưu Văn Thông – trú tại thôn Cẩm Hoàn, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Vẫn trong căn hầm, vẫn dưới ánh sáng của đèn ắcquy, bác sĩ Phụng lại cột chân tay bệnh nhân vào chân bàn vì không có thuốc tê để giảm đau, sợ nạn nhân giãy giụa không tiến hành mổ được. “Tôi đau đớn vô vùng nhưng may mắn có bác sĩ Phụng. Trong cơn đau, tôi thấy ruột mình ở bên ngoài da rồi tôi ngất đi không còn biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy, nghe bác sĩ Phụng tếu táo tôi mới biết mình vẫn còn sống. Bác sĩ nói tôi giãy khỏe quá nên chân tay mới xước xát như thế, giãy khỏe thế chứng tỏ sức khỏe tốt, tôi sẽ nhanh bình phục”, anh Thông cười nhớ lại. Cũng như anh Thế, anh Thông chưa một lần ra Hà Nội thăm bác sĩ Phụng, nhưng những cuộc điện thoại hỏi han, cảm ơn của hai bệnh nhân với bác sĩ Phụng vẫn diễn ra thường xuyên.
Đó là hai trường hợp mổ “bất đắc dĩ” trong cuộc đời làm nghề y mà bác sĩ Phụng nhớ mãi. Tuy nhiên còn một kỷ niệm đặc biệt mà không chiến sĩ nào thời đó có thể quên là việc bác sĩ Phụng sáng tạo ra chiếc ống thụt táo bón. Bác sĩ Phụng kể: “Lần thứ hai tôi ra công tác tại đảo Sinh Tồn Đông. Ở đó không có rau xanh, chiến sĩ của ta chủ yếu ăn thịt hộp, lương khô nên vấn đề táo bón thì ai cũng mắc. Nhiều chiến sĩ tâm sự với tôi rằng họ đọc hết một tờ báo mà vẫn chưa thể đi vệ sinh được…
Video đang HOT
Nghe tới đây, tôi trăn trở vô cùng. Thế là từ đó ý nghĩ “giải cứu” các chiến sĩ thường trực trong tôi. Tôi nghĩ đến một cái ống thụt, nhưng giữa biển lấy đâu ra ống thụt bây giờ. Bỗng một hôm, tôi nhặt được chiếc phao cứu sinh của Philippines trôi dạt vào bờ. Tôi nhặt lấy đem về cắt, khoan lỗ hình quả bầu, lấy van bếp khò – như van xe đạp bây giờ, làm thêm một cái dây dẫn, mỗi lần “giải cứu” sẽ cho 1 lít nước vào đó rồi trợ giúp các chiến sĩ. Sau đó, việc đi vệ sinh lại bình thường. Các chiến sĩ khỏe khoắn trở lại để làm nhiệm vụ”. Sau này, chiếc ống thụt đó được lưu trong phòng truyền thống của Lữ đoàn 146, vùng 4 quân chủng hải quân.
3 lần cưới vợ “hụt” vì nhận công tác bất ngờ
Bác sĩ Trần Văn Phụng sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo Ân Thi, Hưng Yên đúng lúc cuộc chiến tranh ác liệt diễn ra. 18 tuổi, bác sĩ Phụng lên đường nhập ngũ. Năm 1970, bác sĩ Phụng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, rồi được đơn vị cử đi học ngành y để phục vụ chiến sĩ. Năm 1979, bác sĩ Phụng thi đỗ vào Học viện Quân y. Sau khi ra trường, bác sĩ Phụng về công tác Lữ đoàn bệnh xá 172 rồi về Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội đóng quân. Tại đây, bác sĩ Phụng đã quen người con gái tên Nguyễn Thị Hiền. Hai người nhanh chóng có tình cảm với nhau và có ý định tiến tới hôn nhân. Nhưng nhiều lần việc tổ chức đám cưới bị “hụt” vì bác sĩ Phụng đột ngột nhận công tác đặc biệt.
Nhớ lại những lần bị “cưới hụt”, chị Hiền bồi hồi: “Năm 1988, khi thiệp mời đã được chuẩn bị đâu ra đấy, anh Phụng đang trên đường mang xuống cơ quan dưới Quảng Ninh để mời dự đám cưới của chúng tôi thì nhận lệnh đi công tác Trường Sa. Cũng may là thiệp mời chưa kịp đưa tới ai. Đó là lần anh ấy công tác ở Trường Sa lớn. Trước đó, cũng 2 lần chúng tôi hoãn cưới vì việc công tác dồn dập của anh ấy”.
Sau 18 tháng công tác, đám cưới của bác sĩ Phụng mới được tổ chức, nhưng đôi vợ chồng trẻ chưa kịp bén hơi nhau thì hai tháng sau bác sĩ Phụng lại nhận công tác ở đảo Sinh Tồn Đông. “Ngày trở về, tôi không cầm được nước mắt khi vợ tôi bế con ra đón từ đầu ngõ. Cô ấy đã hi sinh cho tôi quá nhiều. Những ngày tôi công tác xa nhà, một mình cô ấy mang nặng đẻ đau, chăm con rồi chăm lo cho bố mẹ hai bên. Chính vì vậy mà năm 1991, tôi quyết định xin phục viên gắn bó với dân làng, với gia đình, vợ con. Không phục vụ trong quân đội thì tôi phục vụ bà con nhân dân, đâu đâu cũng là nhiệm vụ với Tổ quốc, với nhân dân mà thôi”, bác sĩ Phụng nói.
Bác sĩ Phụng được bổ nhiệm làm Trạm trưởng trạm y tế xã Mễ Trì. Ngoài thời gian khám chữa bệnh tại trạm xá, bác sĩ Phụng còn mở phòng bệnh nhỏ tại nhà phục vụ người dân vào buổi tối. Người dân nơi đây cho biết từ ngày có bác sĩ Phụng về địa phương, ai có đau ốm gì cũng đến nhờ bác sĩ Phụng và được bác sĩ tận tình khám, chữa. Những ca nằm ngoài khả năng khám chữa, bác sĩ Phụng tư vấn cho gia đình đưa bệnh nhân lên tuyến trên. Không ngại những hôm trời mưa bão, trái gió trở trời, kể cả ban đêm, hễ có người bệnh gọi cửa hay tiếng chuông điện thoại kêu là bác sĩ Phụng bật dậy, lấy túi đồ nghề để sẵn trước cửa đi luôn.
Tâm sự với chúng tôi, chị Ngô Thị Nhàn ở làng Phú Đô cho biết: “Bác sĩ Phụng về làng đã lâu nên bà con ai có việc gì cũng đều đến nhờ bác ấy chữa trị. Bác ấy chuyên môn cao lại tận tình nên bà con làng trên xóm dưới ai cũng quý mến, nể phục. Nhiều người nghèo khó, bác ấy không lấy tiền chữa trị mà còn cho thêm thuốc để điều trị”.
Theo Nguyên Phương
Lao Động
Hà Nội: Người nghèo bỗng dưng "được ở" biệt thự triệu đô
Tại các khu đô thị ở Hà Nội có hàng trăm biệt thự đã xây xong phần thô nhưng vẫn bỏ hoang ngót chục năm nay, rêu mốc phủ kín, cỏ dại um tùm, trở thành nơi cho người lao động nghèo tận dụng buôn bán, kinh doanh tạm bợ các mặt hàng bình dân như trà đá, cắt tóc, thậm chí cả trồng rau, tập kết phế liệu...
Khảo sát của PV Lao Động cho thấy, hàng loạt những ngôi biệt thự xây dựng với số tiền bạc tỉ tại các khu đô thị mới như Xa La, Văn Quán (Hà Đông); Mễ Trì, Cổ Nhuế (Từ Liêm); Việt Hưng (Gia Lâm)... Các khu đô thị mới này đều nằm dọc các tuyến đường vừa mới mở rộng, giao thông đi lại thuận tiện, gần các trường học, siêu thị, bệnh viện...
Tuy nhiên vì nhiều lý do, hiện hầu hết các căn biệt thự này bị "bỏ hoang" và trở thành nơi trú ngụ lý tưởng cho những người lao động nhập cư nghèo trong tình trạng không điện nước, các đối tượng nghiện hút vào tiêm chích. Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư các khu đô thị, chủ sở hữu các biệt thự "bỏ hoang" đã cho người dân thuê để buôn bán, mở cửa hàng như càphê, bia hơi, sửa xe, bán trà đá, kho thu mua phế liệu...
Anh Nguyễn Văn M - chủ sở hữu căn biệt thự ở khu Xa La, Văn Quán (Hà Đông) - cho biết: "5-6 năm trước tôi mua lại căn biệt thự này 200m2, 3 tầng đã xây xong phần thô với giá cả chục tỉ đồng. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, tôi làm ăn thua lỗ, nên không có tiền để hoàn thiện. Gần 1 năm nay tôi rao bán với giá lỗ, nhưng chẳng ai tới mua. Giờ có mấy người hỏi thuê tôi đành cho thuê với giá hơn 10 triệu đồng/tháng, mặc cho họ thích kinh doanh buôn bán gì cũng được, miễn sao không để hoang phí căn nhà".
Chị N.T.K.Hương - người bán nước ở một biệt thự triệu đô "bỏ hoang" ở KĐT Văn Quán, Hà Đông - cho biết: "Tôi bán hàng nước ở đây đã 3 năm nhưng chẳng thấy chủ nhà đến hỏi hay thu phí ngồi, mà nếu có đuổi thì tôi lại chạy đến căn biệt thự khác, thiếu gì ở đây, tôi chuyển cũng vài lần rồi, vì mấy nhà trước họ bảo cho thuê nhưng tôi bán ở đây cả ngày được vài chục bạc tiền đâu mà thuê với giá cả chục triệu đồng/tháng".
Ghi nhận của phóng viên Lao Động tại Khu đô thị Văn Quán.
Ngôi biệt thự 4 tầng được thuê với giá 13 triệu đồng để tập kết ve chai và cửa hàng sửa chữa xe máy tại KĐT Văn Quán, Hà Đông.
Chị N.T.Chiến - người bán nước ở căn biệt thự triệu đô ở KĐT Văn Quán, Hà Đông.
Để tiết kiệm chi phí, những lao động nhập cư chấp nhận sống trong cảnh không điện nước. Toàn cảnh căn biệt thự bán nước.
Từ vô gia cư, những lao động nhập cư này bỗng dưng "được ở" miễn phí trong những ngôi biệt thự triệu đô.
Người chủ biệt thự bỏ hoang này đã phải thuê xe 3 bánh để chở cây dại mọc xung quanh ngôi nhà.
Theo Hải Nguyễn - Thành An
Lao Động
Thủ tướng: "Hiện đại hóa quân đội để bảo vệ Tổ quốc" Nhân đây một lần nữa chúng ta khẳng định đường lối quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ, chúng ta hiện đại hóa quân đội là để phòng thủ, để bảo vệ Tổ quốc ", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ. Sáng 3/4, Quân chủng Hải quân đã tổ chức Lễ thượng cờ cấp quốc gia tàu HQ-182....