Chuyện về rắn hổ chúa nghiện nha phiến
Đó là câu chuyện có thật, con rắn hổ mang chúa đã làm bạn với lão Po – con nghiện nức tiếng xấu xa ở làng tôi.
Khói thuốc phiện khiến cho con rắn hổ mê mẩn (Ảnh minh họa)
Nó sống cùng nhà và hít khói thuốc của lão Po. Khói thuốc phiện khiến cho con rắn hổ mê mẩn. Mỗi ngày con rắn đi kiếm ăn vài tiếng rồi lại ngoan ngoãn quay về với lão…
Tôi không rõ lắm về loài rắn và cũng bị ám ảnh sợ hãi chúng ngay từ hồi còn bé. Ngày ấy, mỗi khi lên rẫy, tôi luôn phải đi lên bờ mương Khưa Hán khoảng nửa cây số là đến đồi Xlam Kha. Nhưng cứ mỗi lần bước lên bờ mương, đến gần cái phai nhỏ ngăn nước, tóc tôi luôn dựng ngược, sống lưng lạnh toát. Chẳng ai ở đó, mỗi lần đến gần, tôi thường bắt gặp một con rắn hổ chúa cỡ bắp tay người lớn bò ra, rồi lặng lẽ trườn đi. Dưới ánh nắng lấp lóa trên nền cỏ xanh biếc, da nó ánh lên sắc lạnh như kim loại đầy vẻ hăm dọa. Mỗi lần thấy ánh kim loại nhoang nhoáng đó, tim tôi như bị co thắt.
Vùng quê của tôi có câu: “Hổ nhe nanh, múa vuốt gầm dọa chưa chắc dám vồ người, rắn tuy không kêu nhưng hễ mở miệng đến trâu cũng chết”. Tôi đem chuyện về con rắn bên bờ mương Khưa Hán kể với lũ bạn. Vừa nghe chuyện có đứa liền bảo, không phải rắn nào cũng chứa nọc độc. Rắn nước, rắn hang để sinh tồn chúng chỉ bắt chuột, bắt dơi và ếch nhái ăn và không có nọc độc.
Người ta truyền miệng kinh nghiệm cách ngăn nọc độc là hái một nắm lá bông bỏ vào mồm nhai rồi đắp vào vết cắn. Còn cách nữa, đào một lỗ, cho tay hay chân bị rắn cắn vào, lèn đất thật chặt, rồi đái một bãi xuống chỗ đó cũng hút ra được nọc độc. Nếu như công hiệu thì ngần ấy thao tác đã mất đứt bao nhiêu thời gian, nạn nhân liệu còn sống, bởi cái chết do rắn cắn nó nhanh điện ấy.
Trong nghề viết văn, tôi có một kỷ niệm về loài bò sát này. Ấy là khi cầm bút viết tiểu thuyết “Hoa mận đỏ”, tôi đã đưa con vật này vào trong những trang viết. Hồi đó khi cuốn sách được in ra, một số người đọc tìm đến tỏ thái độ không đồng tình vì cho rằng tôi đã bịa chuyện con rắn bị nghiện thuốc phiện theo nhân vật Chẩng. Tôi chưa có cách nào để giải thích cho độc giả của mình đã lại nghe họ nói “liên thanh”. “Moa” từng nghe Thạch Sùng nghiện khói thuốc phiện, chim sẻ, thậm chí cả hổ cũng bị khuất phục đến mê muội bởi thứ ma quỷ đó. Nhưng thực tình chỉ nghe chứ đã mấy ai kiến diện mà được. Nghe mọi người nói, tôi chỉ còn biết im lặng. Mỗi lần như thế, tôi chẳng bao giờ có cơ hội len chuyện bếp núc chữ nghĩa của mình vào, đành lỡ hẹn để hôm nay mới kể.
Video đang HOT
Cái con hổ mang chúa tôi đã nói ở phần đầu là có thật. Cái cảm giác sợ hãi trong tôi ngày đó cũng là thật. Chỉ có điều hồi đó trên đoạn bờ mương thường ngày tôi đi qua bỗng thấy mất hút con vật có màu da kim loại.
Nói xong lão nằm nghiêng, co hai chân, từ từ đưa dọc tẩu lên miệng hút một hơi dài, sâu, nuốt lấy toàn bộ khói thuốc vào người (Ảnh minh họa)
Mỗi lần trên rẫy về, gặp lúc trời mưa, tôi đành trú chân ở ngôi nhà nằm sát bờ mương phía mé chân đồi. Ấy là lão Po. Lão là con nghiện nức tiếng xấu xa ở đất Cổ Lâu. Bám vợ, đợ con đổi lấy thuốc phiện là lão. Giờ trong nhà lão chỉ còn cái tẩu bằng đất nung viền đồng với dọc tẩu bằng ống trúc Tàu đen bóng như sừng nạm bạc có giá trị. Thứ này thì lão nhất định không thể bán. Nó là vật quý, là vật tri kỷ như máu thịt lão vậy. Trong ngôi nhà ấy, chưa bao giờ thấy có ai đặt chân vào. Họ khiếp và khinh bỉ lão nữa. Thấy tôi đến, lão chẳng tỏ ra vồn vã hay lạnh nhạt. Lão nói như nhân vật trong sách Tàu: “Phong vũ cường, phong vũ bất kỳ, thật may mắn cho kẻ tiện nhân này được đón quý nhân ghé thăm tệ xá. Mời vào”.
Ngay lúc đó, nhìn thấy lão nằm trên chiếc chiếu cót trải cạnh cái bếp tắt ngúm với mùi khét lẹt, chua lòm bốc lên từ mọi ngõ ngách, tôi bỗng thấy ái ngại muốn nôn mửa. Tôi còn khiếp đảm hơn khi thấy có con vật gì đó đen nhưng nhức cuộn mình trên cái cọc màn. Thấy tôi ái ngại, lão trấn an: “Tiên sinh đừng ngại, bạn tôi đấy. Ngài chuyển từ bờ mương Khưa Hán để đến với đệ đã nửa năm nay rồi. Đệ đã đo, ngài dài cỡ mét sáu, nặng gần bảy ký, tướng mạo dữ dằn vậy nhưng hiền khô. Ngày nay ngài chỉ bò đi kiếm ăn độ vài tiếng lại quay về với đệ. Đệ biết, ngài đâu thích gì đệ, chẳng qua ngài đã mê cái món khói nâu này mà thôi. Bây giờ thì ngài nghiện rồi, có khi còn hơn cả đệ ấy”.
Nói xong lão nằm nghiêng, co hai chân, từ từ đưa cộc tẩu lên miệng hút một hơi dài, sâu, nuốt lấy toàn bộ khói thuốc vào người. Hút xong, lão khẽ nằm ngửa, nhả từng hơi khói mỏng về phía con rắn. Dường như con hổ chúa cũng quyện, hít lấy hơi khói. Tôi thấy cặp mắt dài và hẹp của nó lim dim. Nhìn sang lão Po, lão cũng đang lim dim, rồi tôi bỗng nhận ra, hai cặp mắt sao giống nhau đến lạ. Chẳng lẽ người có thể làm bạn với rắn độc như thế được sao? Tôi bỗng nghe lão ậm è: “Rắn độc nhưng chẳng mấy khi bỗng dưng truy sát con người đâu. Chỉ khi nào nó bị tấn công, hay bất ngờ làm nó bị đau, ấy là lúc nó tự vệ. Bản năng của nó thôi. Một nhát là lìa đời đấy”.
Bữa ấy tôi rời nhà lão với nỗi ám ảnh rùng rợn bám riết. Chuyện nhà lão Po có con rắn nghiện lan khắp thị trấn. Từ bấy, nhà lão thỉnh thoảng có người ghé qua. Họ làm như vẻ tình cờ chứ không có ý thăm nom hay chơi bời quan hệ gì với kẻ mạt hạng. Thực tình là họ chỉ muốn đến xem thực hư thế nào về chuyện con rắn nghiện khói thuốc phiện.
Rồi bỗng đùng một cái, tin lão Po chết khiến dân Cổ Lâu xôn xao. Họ chạy đến nhà lão ngó, tôi cũng nhanh chân nhập vào cái đám người hiếu kỳ. Trên chiếc chiếu nan, bộ bàn đèn vẫn nguyên đó, ngọn đèn mỡ bò như con ong vẫn leo lét, lão Po nằm ngửa, lưng đè lên con hổ chúa. Trên bộ mặt chuyển màu tím bầm của lão có vết máu. Rõ là lão đã bị ông “bạn vàng” đang bị đe dọa dưới lưng kia cắn một nhát chí tử vào mặt. Thấy lão vẫn giãy giãy, có người bỗng hét to:
- Garô, garô, cứu ngay lão vẫn còn sống.
Có tiếng ai khẽ cất lên:
- Cắn vào bàn tay thì garo cổ tay, cắn vào bắp tay thì garô cánh tay, cắn vào mặt thì garô vào đâu?
- Vào cổ.
- Thế thì để lão chết luôn cho rồi.
- Ờ nhỉ.
Đó là chuyện có thật mười mươi. Người ta bàn luận có thể khi đó lão Po say thuốc phiện đã đè phải con vật, chứ không có chuyện nó tranh khói thuốc với lão. Thực hư mức nào chưa tỏ, nhưng hôm đó rõ là không ai dám đụng tới con rắn hổ. Nó nằm ườn dưới lưng lão nhưng cái vẻ câm lặng ấy vẫn toát ra sát khí đầy hăm dọa. Người ta phải dùng gậy đẩy xác lão Po, con vật lặng lẽ trườn qua lỗ vách rồi biến mất vào rừng cây sau nhà. Có tiếng thở phào, ai đó bảo, lão Po chết con mãng xà này cũng không thể sống. Nó nghiện khói thuốc phiện mất rồi, từ nay không có khói thuốc chắc chắn nó sẽ bị chết thôi. Quả nhiên một thời gian sau, người ta thấy xác một con hổ chúa nằm chết ngay trong nhà lão Po, nơi lão vẫn thường nằm bên bàn đèn.
Kể từ đó thời gian trôi qua đã khá lâu, nhân năm mới Quý Tỵ, tôi xin góp với mọi người câu chuyện mọn này. Tin cũng được, chưa tin hay còn muốn biết thêm thực hư xin hãy tìm về Cổ Lâu, dân nơi đây vẫn lưu truyền truyện này. Nhất định mọi người sẽ được nghe kể, có khi còn ly kỳ hơn.
Theo xahoi
Trai nghiện người Mông và tục ăn bám vợ
Với người Mông, xa vợ con, gia đình đi cai nghiện tự nguyện hay bắt buộc đều là điều không thể. Họ có thể xa gia đình thật lâu nhưng đó là thời gian đi chơi, đi tìm bạn tình, đi bắt vợ...
Bản cách trung tâm huyện Trạm Tấu xa nhất là 120km. Để đến được đó "bắt" con nghiện về cai nghiện tập trung là cả một hành trình gian truân như truy bắt tội phạm của người chiến sỹ công an và sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, chính quyền địa phương.
Ở Trạm Tấu có 2 loại đối tượng nghiện là nghiện truyền thống - chuyên hút thuốc phiện và nghiện hiện đại - dùng heroin hay ma túy tổng hợp ngay từ đầu tiên. Điều đáng buồn là những người nghiện truyền thống đã chuyển sang nghiện hiện đại rất nhanh, như một cái chớp mắt để rồi họ cũng học được đầy những mánh khóe của cái gọi là hiện đại ấy.
Sợ đi cai nghiện hơn sợ... tang thương
Bị "bắt" về trụ sở công an huyện, đang ngồi chờ đến lượt làm thủ tục để đi cai nghiện bắt buộc, Giàng A Chu (SN 1966, thôn Mo Nhang, xã Trạm Tấu), người dân tộc Mông, thuộc diện hộ nghèo lâu năm nhưng có thâm niên nghiện từ truyền thống đến hiện đại đã được gần 10 năm. A Chu có đôi mắt và đôi môi đen đến mức không thể đen hơn.
Tâm sự vì sao sợ đi cai nghiện, A Chu bộc bạch: "Cán bộ à, trai Mông không quen xa vợ, xa gia đình lâu bao giờ. Ở nhà còn được vợ, con lo cho ăn, thuốc cho hút. Đi cai nghiện, phải làm việc, sợ lắm".
Hờ A Dình (SN 1977, ở thôn Suối Xuân, xã Phình Hồ), con nghiện thuộc diện hộ nghèo, cho biết: "Không muốn đi cai nghiện, vì đến đó, cán bộ bắt làm việc. Ở nhà, việc gì cũng do vợ làm hết mà. Làm việc nặng, không chịu được đâu. Sợ đi cai nghiện lắm, sợ hơn bố, mẹ và vợ con chết...".
Nghe mà thấy xót xa cho thân phận người phụ nữ Mông. Và lúc này, tôi nhớ câu chuyện của giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái. Trong một lần trao đổi về kế hoạch xoá đói, giảm nghèo của địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vị giám đốc này đã thốt thoảng nói: "Đầu tư đến mấy cũng vậy thôi. Đàn ông Mông lười lắm. Lúc chưa lập gia đình còn chịu làm việc. Lập gia đình rồi, vợ là trụ cột và công việc chính của người đàn ông là nhàn rỗi. Thích thì họ giúp vợ trông con, lên nương, làm rẫy, không thì chơi, uống rượu, hút thuốc phiện. Đàn bà Mông chịu khó, thương chồng lắm, thương đến mê muội, rất đáng trách nhưng không thể thay đổi được suy nghĩ, tập tục của họ".
Các con nghiện đang ngồi chờ làm thủ tục đi cai nghiện bắt buộc
"Lập trận đồ bát quái" để "bắt" nghiện
Theo kế hoạch, 1 năm huyện Trạm Tấu thực hiện rà soát và lên danh sách đi cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng nghiện 2 lần. Thế nhưng, tất cả đều phải phụ thuộc vào sự phối hợp giữa công an và chính quyền. "Chiến dịch" "bắt" con nghiện đi cai nghiện tập trung được thực hiện bất kỳ lúc nào trong năm. Bởi nó không đơn giản là đưa giấy đến chính quyền, triệu tập là con nghiện phải tự trình diện mà phải "bày binh, bố trận" để "bắt" con nghiện, đưa lên xe thùng, chạy thẳng một mạch về trụ sở công an huyện.
Thượng úy Đức Việt kể: "Hôm trước, huyện tổ chức đi Phình Hồ "bắt" nghiện, anh em phải lên được từ sáng, sau đó vào xã và ở đó nghe ngóng, chơi như bình thường. Đêm, từ 23h trở đi mới bắt đầu vào bản để "bắt" nghiện. Nhà của người Mông thường ở sườn núi, ngay cạnh rừng rậm nhất khu vực. Khi con nghiện biết, chúng chạy vào rừng thì rất khó "bắt" lại. Người Mông có đặc điểm là thông thạo đường rừng núi và địa hình nơi họ sinh sống. Đã thế, họ đi bộ, chạy rất nhanh, có thể đó là phương tiện di chuyển duy nhất của họ ở nơi mà suốt ngày chỉ có đi bộ và lội suối, băng rừng".
Với người Mông, vợ con, cha mẹ là những người được tuyệt đối tin tưởng, không bao giờ thay lòng đổi dạ, phải yêu thương chồng và cha suốt đời. Chính vì thế, nếu người vợ nào biết chồng mình sắp bị "bắt" đi cai nghiện mà không "đánh động" để cho chồng bỏ trốn là có tội với chồng, với gia tộc, bị bản làng khinh bỉ. Vì thế, việc tác động với vợ, cha mẹ để cho chồng, con đi cai nghiện - dù là cai nghiện bắt buộc - cũng là không thể.
Đại tá Thẩm Hữu Tiến - trưởng công an huyện Trạm Tấu cho biết: "Công an huyện là lực lượng nòng cốt giúp chính quyền địa phương "bắt" đối tượng nghiện đi cai bắt buộc. Nếu không có lực lượng công an, chắc chắn con nghiện trốn hết. Vì đặc thù của vùng đồng bào dân tộc Mông là như vậy. Họ coi nghiện là bình thường, không phải xấu, cai hay không cai chẳng cần thiết. Cuộc sống của họ dựa vào tự nhiên nên đời sống hàng ngày cũng tự nhiên như cây cỏ mọc trong rừng. Với đối tượng nghiện người dân tộc Mông, công an phải có phương án mới "bắt" được họ đi cai nghiện. Nhiều chiến sỹ phải cải trang về bản với thân phận là công an điều tra vụ án hoặc là người buôn bán gì đó thì mới xâm nhập được vào gia đình để "bắt" nghiện đi trong đêm tối. Trưởng bản cũng giúp công an rất nhiều khi là người "xi nhan" giờ giấc, thời gian chính xác con nghiện có ở nhà để công an đến "bắt". Sau đó, công an cũng phải giữ bí mật cho vị trưởng bản này, nếu không, ông trưởng bản cũng bị ghét lây, bị tẩy chay".
Cũng theo đại tá Tiến thì, "bắt" được 1 con nghiện về huyện để đi cai nghiện tập trung là rất khó khăn. Lực lượng công an phải "dò" địa hình gia đình đó trước, chốt chặt các lối thoát trong nhà ra ngoài để con nghiện không có cơ hội chạy ra ngoài rồi lẩn nhanh vào rừng, mất hút. Có những con nghiện, khi lực lượng công an đã nắm chặt được tay, kéo đi ra xe thùng, lợi dụng đêm tối, con nghiện cắn vào tay chiến sỹ công an để mong tẩu thoát.
Đãi khách bằng thuốc phiện
Bà Thu Hà - Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: Trước đây, người nghiện già trong bản đã từng tự nguyện đi cai nghiện thuốc phiện. Họ cai thành công, vì thuốc phiện nó không bắt người nghiện lệ thuộc quá nhiều và nó không có hóa chất nên sự tác động lên hệ thần kinh chưa lớn. Bây giờ, phần lớn con nghiện truyền thống, không có thuốc phiện, chuyển sang dùng heroin cùng con nghiện hiện đại nên cai nghiện cực kỳ khó khăn.
Ngoài ra, tập tục của người Mông cũng gây khó khăn cho công tác cai nghiện. Đó là, người Mông không coi con nghiện ma túy là xấu và cho đó là chuyện hết sức bình thường. Tập tục của người Mông trước đây về thuốc phiện là nhà giàu có trong bản mới dùng thuốc phiện để đãi khách. Họ mời nhau hút một bi như kiểu người miền xuôi mời nhau ở lại gia đình dùng bữa cơm thịnh soạn ấy.
Theo 24h
Ngư dân đồng loạt ra quân bám biển ngày đầu năm Khi tiếng trống dóng lên, hàng trăm tàu cá lần lượt rời bến tiến ra biển khơi, mở đầu một mùa đánh bắt mới với khát khao vươn ra biển, làm giàu từ biển... Ngư dân Quỳnh Lưu sẵn sàng ra khơi cho một mùa tôm cá đầy nhà. Năm 2012 vừa qua, ngư dân huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An đã ra...