Chuyện về nữ y tá trong bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam”
Cô gái trong bức ảnh “Tấm lòng Việt Nam” không hề hay biết rằng, hành động băng bó cho người lính dù Mỹ của cô đã được một nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại. Mãi đến gần 20 năm sau, cô mới có dịp được ngắm nhìn lại khoảnh khắc ấy.
Nhân vật chính trong bức ảnh năm xưa giờ đã bước sang tuổi 70. Tên bà là Ngô Thị Sâm (trú tại phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh). Cô y tá trẻ măng ngày nào giờ đã là bà nội, bà ngoại của hơn 10 đứa cháu. Còn bức ảnh năm xưa được treo trang trọng trong phòng khách của gia đình. Đó cũng là một kỷ vật nhiều xúc động và bất ngờ trong những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ của bà trên chính quê hương Hà Tĩnh.
Lần hồi theo những ký ức, bà kể cho chúng tôi nghe về buổi chiều của những năm tháng ấy.
Bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam”
Năm 1965, Ngô Thị Sâm tham gia thanh niên xung phong làm dân quân hỏa tuyến tại thị xã Hà Tĩnh. “Cùng đăng ký tuyển quân năm đó, có rất nhiều chị em cũng hăng hái tham gia. Khi đó, tôi mới 18 tuổi nhưng thuộc hàng thấp bé nhẹ cân nhất. Sau khi nhìn một lượt, đồng chí trung đội phó dừng lại ở tôi và nói “con nhà ai đi trâu đi bò thì đi ra ngoài, ở đây chỗ các anh các chị tuyển quân”, mãi sau có người làm chứng trung đội phó mới đồng ý cho tham gia”, bà Sâm nhớ lại.
Nhưng vào quân ngũ, 6 tháng đầu cấp trên cũng chỉ giao cho cô gái nhỏ bé này việc… chăn bò cho đơn vị để tăng gia sản xuất. Thấy bà nhanh nhẹn, đơn vị cho bà lên làm thủ kho, trong 2 năm nhận nhiệm vụ bà hoàn thành xuất sắc không để thiếu một mặt hàng nào của đơn vị.
Sau đó, do thiếu y tá làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh, đơn vị tiếp tục cử bà đi học thêm về ngành y để về phục vụ. Đến tháng 4/1967, bà chuyển sang đội thanh niên quốc phòng, công tác tại đơn vị K8-K10 thuộc UBND huyện Thạch Hà chuyên phục vụ cho đồng bào Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế tập kết ra Bắc. Đây là quãng thời gian hoạt động sôi nổi nhất, nhưng cũng nguy hiểm nhất của người nữ y tá dũng cảm, thường xuyên đối mặt với cái chết, với bom đạn ác liệt của kẻ thù. Một trong những lần đó là lần giáp mặt với lính dù Mỹ.
Gần 20 năm sau bà Ngô Thị Sâm mới biết được có sự hiện diện của bức ảnh
Đúng ngày 19/5/1972, khi máy bay Mỹ đang oanh tặc tại bầu trời Hà Tĩnh, trận địa phòng không chúng ta sẵn sàng lập công chào mừng ngày sinh Bác Hồ. Trưa hôm đó, chiếc máy bay F4, còn gọi là “con ma”, bay vào đánh phá Hà Tĩnh và bị hỏa lực pháo cao xạ trung đoàn 280 bắn bốc cháy, chiếc dù bật ra khỏi máy bay rơi xuống cách đồng Thạch Trung.
“Khi vừa thấy chiếc dù bung khỏi máy bay, tôi và 4 đồng chí dân quân vội vàng lần theo đường bay của dù trên những ruộng khoai. Nhận định bộ đàm của tên lính vẫn còn phát tín hiệu nên nhiệm vụ cần kíp lúc này là phá hủy bộ đàm để địch không phát hiện vị trí để ứng cứu. Cùng lúc, trên bầu trời có 6 chiếc máy bay cùng quần thảo. Vừa bay, chúng vừa dội đạn xuống phía dưới. Nhưng mọi người không nao núng, tiếp tục trườn theo những luống khoai tiến gần lại phía tên lính dù. Khi đến gần tên địch, chúng tôi phát hiện 1 đám đất mới vừa được xới lên, nghi là chỗ giấu đàm thoại, tôi vội xới lên và dùng chân dẫm nát, lúc này máy bay mới tản dần”, bà kể lại giây phút đội diện với cái chết.
Video đang HOT
Khi giáp mặt với tên lính dù, hắn vẫn còn hét lớn, tinh thần vô cùng hoảng loạn. Bà Sâm và 4 dân quân nhanh chóng ập vào bắt tên phi công và dẫn hắn vào trú ẩn tại chiếc hầm chữ A. Tên phi công tên là Obri Nicon bị thương khá sâu ở trán và má. Bà Sâm lúc đó là y tá duy nhất. Bà cởi súng trên vai, làm nhiệm vụ băng bó vết thương cứu người… Đó cũng là khoảnh khắc ra đời của bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện. Khi đó nghệ sĩ đang theo đoàn sáng tác trú ẩn tại hầm.
“Lúc ấy tôi không nghĩ gì cả, chỉ thấy bị thương thì cứu thôi. Hắn có tội hắn sẽ bị trừng phạt, nhưng lúc ấy hắn cũng là người bệnh và tôi là một người thầy thuốc…”, bà Sâm trả lời khi được chúng tôi hỏi vì sao bà cứu kẻ thù của mình.
Sau lần ấy, bà cũng nhiều lần đối diện với nguy hiểm. Đã có lần bà suýt chết trong lần đưa công lệnh di dời kho gạo ở xã Thạch Điền (huyện Thạch Hà), đến cầu Nủi bị máy bay thả bom, đồng đội của bà hy sinh, bà bị thương nặng ở cột sống, đầu và mắt cá chân. Bà được bà con xã Thạch Điền đưa vào Bệnh viện Thị xã Hà Tĩnh (nay là bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh – lúc đó sơ tán tại xã Thạch Điền) cấp cứu kịp thời. Sau đó, bà được hưởng chế độ như thương binh hạng 4/4, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba và nhiều giấy khen, bằng khen trong chiến đấu và công tác. Sau chiến tranh, bà chuyển ngành về công tác tại văn phòng UBND huyện Thạch Hà, đến năm 1989 vì sức khỏe bà xin nghỉ hưu theo chế độ.
Cô y tá năm xưa giờ đã thành bà ở tuổi ngoài 70
Sự hiện diện của bức ảnh sau hơn 20 năm khiến bà rất đỗi bất ngờ. Khi bà đang bán gạo tại chợ Hà Tĩnh thì được một đồng chí cán bộ UBND huyện Thạch Hà dẫn theo một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tại quầy bán gạo của mình, cô y tá năm xưa mới có dịp ngắm nhìn lại khoảnh khắc ấy. Và cũng nhờ nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện, bà Ngô Thị Sâm mới biết tên người lính Mỹ năm xưa bà băng bó tên là Obri Nicon. “Cầm bức ảnh trên tay, tôi vẫn cứ như mơ. Khi đó, quá xúc động không biết tôi khóc tự lúc nào. Nhiều người bán hàng gần đó cũng xúm lại xem. Ai cũng khen bức ảnh rất có sức lay động”, cô y tá năm xưa xúc động chia sẻ.
Hạnh phúc giản dị của nữ y tá Ngô Thị Sâm
Và phải đến năm 1995, kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội tổ chức Triển lãm những bức ảnh chưa được công bố. Bức ảnh “Tấm lòng Việt Nam” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện được tặng Huy chương Vàng đồng hạng.
Chiến tranh đã đi qua, cô y tá năm xưa giờ đã là mẹ của 5 người con. Tìm nhà người con gái trong ảnh thì chẳng ai biết có một người con gái như thế mà chỉ biết đến một bà Ngô Thị Sâm từng bán gạo ngoài chợ. Tất cả với bà chỉ là những kỷ niệm đẹp, thanh thản bởi những gì bà đã làm, đã cống hiến trên chính quê hương của mình.
Phượng Vũ
Theo Dantri
Ruộng đồng khô hạn, "biển nước" bị lãng phí vô tội vạ
Trong khi hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp ở nhiều biển ngang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) thiếu nước sản xuất trầm trọng, thì hàng triệu mét khối nước tại Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang bị lãng phí một cách vô tội vạ.
Nghịch cảnh xót xa
Tháng 4 mới chỉ là khởi đầu của mùa khô hạn, vậy mà đi dọc suốt 6 xã bị ảnh hưởng của đại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), chúng tôi dễ dàng cảm nhận được khốn cảnh của người dân trong cơn quay quắt thiếu nước. Không thể đếm hết có bao nhiêu giếng nước sinh hoạt, bao nhiêu ao hồ, khe suối ở đây bị trơ đáy. Số chưa trơ đáy, cạn kiệt cũng không thể dùng được, do nhiễm phèn đến đậm đặc.
Băng qua những cánh đồng rộng lớn ở các xã này, một thảm cảnh sản xuất bị đình đốn do thiếu nước hiện ra trước mặt. Những cánh đồng bỏ không, bị cát vùi lấp, bị sa mạc hóa một cách rất nhanh khiến an ninh lương thực trên địa bàn bị đe dọa một cách trầm trọng. Một cán bộ tại UBND huyện Thạch Hà thông tin, thực trạng này xảy ra tại nhiều xã ở vùng biển ngang, nhưng nặng nhất là 4 xã Hải, Khê, Đỉnh, Bàn (Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Đỉnh và Thạch Bàn- PV). Tại 4 xã này, 100% diện tích nước tưới phụ thuộc vào tự nhiên, nên khi dự án khai thác sắt Thạch Khê triển khai, mạch nước ngầm bị mong mỏ ở độ sâu gần 30m hút. Ao hồ, khe suối vì thế cạn kiệt, một diện tích lớn đất bị bỏ hoang xuất phát từ thực trạng này.
Hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp tại 6 xã ảnh hưởng trực tiếp Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà) bị ảnh hưởng do thiếu nước sản xuất trầm trọng. Thực trạng này một phần do moong mỏ Dự án khai thác Sắt Thạch Khê gây ra.
Tại xóm 1 Thượng Hải, xã Thạch Hải, nơi có hơn 30 héc ta diện tích đất trồng rau màu và cây ăn quả vốn - là nguồn sống của 64 hộ dân trong xóm - bị bỏ hoang do thiếu nước. Không đất canh tác nên cuộc sống bà Nguyễn Thị Hoa và hàng chục hộ dân trong xóm rơi vào cảnh cùng cực. Vì miếng cơm, cọng rau họ vẫn ra sức sản xuất, nhưng càng sản xuất người dân càng thất bại vì cây cối, hoa màu vừa trồng đã héo, chết.
"Trước đây, khi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa triển khai người dân chúng tôi còn tự sản xuất được màu, cây ăn quả. Nhưng giờ thì quá khó. Cây cối xuống giống không phát triển được, về mùa khô hạn này thì chỉ được thời gian là héo chết. Đất đai vì thế người dân bỏ hoang hết cả rồi"- bà Hoa nói.
Ông Nguyễn Văn Ninh, xóm 1 Đại Hải, xã Thạch Hải, bỏ công dẫn chúng tôi thị sát một cánh đồng trong xã bị bỏ hoang do thiếu nguồn nước sản xuất. Giọng ông Ninh tiếc nuối: "Đã mấy năm nay rồi, do thiếu nước chúng tôi không thể sản xuất được gì nữa. Nước ở đây, nói không quá là giờ quý như bạc như vàng vì hầu hết các ao hồ bị cạn kiệt". Ông Ninh thở dài nói rằng, không biết rồi người dân nơi đây sẽ sống ra sao khi mà tình trạng thiếu nước sản xuất cứ tiếp tục kéo dài.
Có một nghịch cảnh xót xa, trong khi những cánh đồng khô hạn, đất đai nứt nẻ, bỏ không, người dân phải quay quắt tìm nguồn nước sinh hoạt, thì cả một biển nước mênh mông ước lượng hàng trăm ngàn m4 trong moong mỏ sắt đang bị Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC-PV) xả thải một cách vô tội vạ.
Cả hồ nước mênh mông này đang bị lãng phí một cách vô tội vạ. Trung bình mỗi ngày, 2 máy hút có công suất 3.000m3 của Công ty CP Sắt Thạch Khê hút, xả thẳng ra biển hàng chục ngàn m3 nước.
Theo điều tra của Dân trí, từ cuối tháng 3 đến nay, để bảo vệ moong mỏ (chiều dài hơn 1km, rộng hàng trăm mét, độ âm 25m), TIC bố trí hai máy có công suất 3.000m3/h hút liên tục 24/24h mỗi ngày xả thải thẳng ra biển. Và để hút cạn toàn bộ nguồn nước trong moong mỏ này, TIC phải hút liên tục trong vòng 2 tháng. Như vậy, lượng nước xả thải của TIC phải đạt con số hàng triệu m3 nước ra biển. Đấy là một sự lãng phí nguồn nước, nếu không muốn nói là có tội với hàng ngàn người dân vốn đang quay quắt trong cơn thiếu nước.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê bắt đầu triển khai từ tháng 9/2009 và được quy hoạch trên diện tích gần 3.900 ha nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà gồm Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc với gần 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Lãng phí đến bao giờ?
Làm việc với Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - cho biết, việc đời sống sản cuất của người dân 6 xã bị ảnh hương khi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê triển khai là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thực trạng thiếu nước sản xuất như hiện nay có thể phần nào được hạn chế nếu tận dụng được nguồn nước rất lớn từ mong mỏ của dự án này.
"Việc chủ đầu tư cho thải nguồn nước lớn từ moong mỏ như thế ra biển là lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên nước của quốc gia, bởi nguồn nước này đủ để phục vụ cho đời sống sản xuất của người dân 6 xã bị ảnh hưởng bởi dự án này"- ông Hương nói.
Theo ông Hương, việc tận dụng nguồn nước từ moong mỏ sắt Thạch Khê phục vụ sản xuất nông nghiệp là không quá khó, chỉ cần TIC triển khai đúng cam kết việc thi công các tiểu dự án bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, cũng như nước sản xuất khi điều chỉnh dự án. Cụ thể, TIC phải chi tiền, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà thi công một số hồ lắng, hệ thống kênh dẫn dòng, dẫn nước từ moong mỏ về tận các cánh đồng cho người dân.
Chưa biết bao giờ nguồn nước bơm xả ra biển này sẽ được tái sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp?
"Các tiểu dự án dẫn dòng này đã được đề cập, được TIC cam kết khi điều chỉnh dự án. Tuy nhiên đến nay như chúng tôi được biết, do thiếu vốn đầu tư nên chủ đầu tư chưa thể triển khai"- ông Hương nói thêm.
Có thể nói, việc hàng triệu m3 nước tại khu vực hạn hán, khô cằn, nghèo khó bậc nhất tỉnh Hà Tĩnh hiện được chủ đầu tư dự án khai thác sắt Thạch Khê bơm, xả thẳng ra biển là một sự lãng phí đầy xót xa. Người dân ở vùng đất này không biết bao giờ sự lãng phí này sẽ được chấm dứt, sẽ được tận dụng để giúp họ phần nào gây dựng lại đời sống nông nghiệp vốn đã bị đình trệ suốt nhiều năm nay?
Văn Dũng - Huy Thái
Theo Dantri
Xe khách "đẩy" xe con lao vào nhà dân Liên tiếp những vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản đã xảy ra trên địa bàn TPHCM những ngày gần đây khiến người dân hoang mang. Trong các vụ cháy, điều kiện thoát nạn của người dân hầu như chưa được đảm bảo. Hiện trường vụ cháy tiệm tạp hoá khiến hai vợ chồng bị lửa thiêu...