Chuyện về những tử tù không giống ai cho tới tận lúc chết
Đại tá Bùi Văn Tẳng hiện đang là Giám đốc Trung tâm huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ – Công an TP Hải Phòng. Hơn 40 năm gắn bó với lực lượng Công an, đại tá Tẳng đã đã có gần 10 năm giữ vị trí Giám thị Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng. Ông tâm sự, đây là quãng thời gian mà ông nhớ nhất vì nó đã để lại cho ông rất nhiều suy nghĩ về con người và nhân tình thế thái. Có những câu chuyện, đặc biệt là chuyện về những người tử tù khiến ông không bao giờ có thể quên được.
Từng khóc cùng tử tù
Trong những năm làm Giám thị Trại tạm giam, tôi luôn tâm niệm một điều, ở bất cứ con người nào, dù có phạm phải những tội ác man rợ đến đâu thì tận sâu trong góc khuất của họ đều có những con đường sáng. Nếu biết khơi dậy niềm tin, ánh sáng lương tâm thì con người ấy sẽ hướng thiện. Tôi nhớ có một đối tượng tử tù khoảng 19 tuổi.
Bố chết từ lúc còn nhỏ, mẹ bỏ đi lấy chồng, nó ở với ông nội, 2 bác và các anh chị. Lúc lớn tuổi hơn, khi ý thức được thì nó bắt đầu tính đến chuyện ở riêng và sống trên mảnh đất mà ông nội đã chia cho bố. Nhưng người bác chửi mắng, cho nó là vô học, lêu lổng rồi đối xử với nó rất tệ, thậm chí muốn đuổi thằng cháu ra khỏi mảnh đất đó. Và mâu thuẫn bắt đầu từ đây.
Sau nhiều lần lăng mạ, chửi bới, mâu thuẫn giữa hai bác cháu ngày càng lên cao. Trong một lần va chạm, nó cầm dao chém chết bà bác, chém chết 2 đứa anh con ông bác. Ông nội can vào cũng bị nó chém chết luôn. Có thể nói đấy là một tấm thảm kịch không thể tin được chỉ vì trong một gia đình không có tình yêu thương. Cả một thời gian dài giam trong khu biệt giam, nó không hé mồm nói một câu gì. Đám tử hình mấy chục đứa giam cùng khu còn phải sợ thằng bé con máu lạnh này.
Nhưng rồi có một lần nó khóc. Thấy lạ, tôi mới gọi ra hỏi chuyện vì sao khóc, nó bảo đêm hôm qua nằm mơ thấy ông cháu về, ông cháu ôm cháu và ông cháu khóc. Từ lúc giam giữ, nó không nói với ai câu nào và khi nói câu ấy, nó khóc và khiến cho tất cả chúng tôi đều khóc.
Lại có một tử tù không biết chữ, sau khi vào trại được dạy học đã xin tôi một cuốn kinh sám hối để đọc. Tôi về chùa xin được một số quyển kinh phát cho anh ấy và một số tử tù bên cạnh. Tôi nói, đây là tài sản chung, ai “đi” thì để lại cho những người sau. Từ khi đọc quyển kinh đó, anh ta và những người tử tù khác ngoan hẳn, bớt quậy phá đi nhiều.
Họ nói khi nào “đi” muốn xin được mang theo cuốn đấy, và nếu khâm liệm thì Ban gối vào đầu cho con. Sau này khi gặp mẹ của phạm nhân và gửi lại tất cả những lá thư và hồ sơ của phạm nhân này cho gia đình, tôi thấy có một bài thơ anh này làm gửi cho mẹ nhân ngày sinh nhật mẹ. Người mẹ ấy khi được đọc bài thơ con trai viết đã thốt lên rằng, trời ơi, tôi như chết thêm 2 lần, giá cháu biết đọc, biết viết, được học hành sớm hơn thì đâu đến nỗi này.
Lúc đưa phạm nhân này đi thi hành án, anh ta giật tay khỏi cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp. Khi đó, tất cả cảnh sát bảo vệ đã sẵn sàng nổ súng, nhưng bằng linh cảm của mình tôi giơ tay ra hiệu cho mọi người đứng im. Phạm nhân này bị trói, chạy xuống trước mặt tôi, các đồng chí trong Ban giám thị và quản giáo, gập đầu xuống nói trong nước mắt rằng: con xin Ban và các thầy, cho con lạy Ban và các thầy 3 lạy khi con còn sống để con ra đi. Lúc đấy cả hội đồng thi hành án tử hình đều lặng đi.
Những chuyện không thể quên
Video đang HOT
Tôi nhớ có một vụ án hiếp dâm và đối tượng đã bị tuyên án tử hình. Đối tượng này rất đặc biệt vì thời gian để đợi thi hành án khá lâu, tới 5 năm. Đây là một kẻ hiếp dâm theo kiểu bệnh hoạn và chỉ hiếp dâm người già. Giết xong rồi hiếp.
Anh này sinh ra trong một gia đình rất nghèo ở làng quê ven bờ sông An Lão. Lớn tuổi nhưng không có gia đình, không chịu làm ăn, chủ yếu uống rượu. Vì gia đình rất nghèo nên không lấy được ai và cũng có thể không ai lấy anh ta vì kiểu sống, cách sống của anh ta khiến mọi người sợ. Tôi ấn tượng mãi lúc mang anh này đi thi hành án tử hình. Khi đội thi hành án làm xong nhiệm vụ, thì chúng tôi, những người ở trại giam, thường cùng với anh em gỡ họ xuống để chuẩn bị chụp ảnh tử thi.
Nhưng sau khi Hội đồng thi hành án ra về, khi cắt dây để gỡ người này xuống thì mắt anh ta trợn lên, người giãy giãy. Tất cả những người chưa quen đều rất sợ. Tôi chỉ bảo rằng là đây là những nhịp thần kinh cuối cùng thôi, cứ bình tĩnh tránh ra, đợi cho một phút. Thời gian đó qua đi, khi chúng tôi gỡ anh ta nằm xuống và lau máu trên người để phục vụ cho việc chụp ảnh tử thi thì, đôi mắt anh ta lại chừng lên, lại giãy giãy cả thân và đầu. Anh em lúc đó đều rất sợ, tôi bảo cứ để lặng yên. Một lúc sau rồi anh ta mới thực sự “đi”. Con người này không giống ai cho đến tận lúc chết.
Một chuyện khác tôi cũng không thể quên, đó là về một nữ tử tù 49 tuổi. Thời trẻ chị ta rất nổi tiếng về nhan sắc, khi vào trong tù rồi vẫn giữ được những nét mặn mòi, son sắc. Con người này xinh đẹp nhưng cũng đa tình và lắm tật. Có tới 4 đứa con thì lại của 4 người chồng khác nhau. Chị ta là đối tượng liên quan đến đường dây ma túy rất lớn.
Đối tượng này có điều lạ là bình tĩnh cho đến tận lúc chết. Tôi hỏi tại sao như vậy, chị ta đáp, biết là có ngày sẽ như vậy rồi nên chấp nhận. Tôi hỏi trong lúc buôn ma túy, biết là chết như vậy thì có bao giờ cảm thấy sợ không? Cô ta bảo, sợ thì rất sợ nhưng tay đã nhúng chàm rồi thì không thể rút ra được nữa. Trước lúc thi hành án, chị ta bình tĩnh ăn một chút rồi hút hết 2 bao thuốc ba số trong vòng một tiếng đồng hồ. Lúc viết thư cho các con, chị ta viết rất chi tiết, nét chữ rất đẹp.
Trong thư chị ta dặn dò tỉ mỉ các con, đặc biệt là đứa lớn đang học Đại học Y khoa ở TP. HCM cố gắng học giỏi, xin việc để nuôi đám em. Ngôi nhà chị ta đã xin với bà ngoại để cho người con lớn khi học xong về đây lấy chỗ mà trông các em cho nó lớn lên thành người, và dựng vợ gả chồng cho các em. Còn đứa nào tìm về với bố, nếu bố nhận thì theo nhưng thấy phức tạp thì chị em ở lại nuôi lấy nhau.
Khi bị đưa đi xử bắn chị ta còn xin phép để được hát. Trong vòng 10 phút, trước khi những loạt đạn của pháp luật kết liễu những số phận của những tội phạm nguy hiểm, thì tiếng hát vang lên trong buổi sáng ở chân đồi vắng rất vang vọng. Rồi chợt tiếng hát tắt lịm. Tất cả trường bắn không có một tiếng động nhỏ nào. Rất kỳ lạ, mọi người cũng chết lặng. Như là một sự chia tay với tội ác hay là sự chia tay với số phận con người đã tham gia tội ác, đã theo đuổi những ham muốn cá nhân, những dục vọng, những mục đích sống không lành mạnh.
Chứng kiến người trở về từ cõi chết
Có một tử tù bị tuyên án sau đó lại được tha tội chết. Anh này được mẹ vợ nhờ đi đòi nợ rồi sau đó gây ra vụ án giết người. Khi bị tuyên án tử hình, anh ta trở thành một người bất cần. Kể cả khi gặp vợ con, gia đình nhà vợ anh ta đều tỏ thái độ khó chịu, giận dỗi vì cho rằng nguyên nhân do gia đình nhà vợ nên anh ta mới phải chịu như vậy.
Trong buồng giam tử hình, anh ta đập phá nhiều lần, gào thét và bảo mình điên, anh em quản giáo gần như không trị được. Một lần, quản giáo gọi tôi xuống buồng anh ta. Tôi hỏi, tại sao anh lại đập phá gây khó khăn. Mọi người xung quanh đều mang án tử hình như anh cả, nhưng có ai làm gì giống anh đâu. Anh trả lời với giọng rất cùn là, tôi thích thế đấy.
Trong khi nói chuyện, tôi quan sát thấy trong phòng anh ta có treo một số con hạc giấy. Tôi bảo anh còn biết gấp con hạc giấy này tức là anh còn muốn hy vọng sống. Cứ bình tĩnh lại, đừng tự hủy hoại mình, đừng làm khó cho chúng tôi. Sau khi tôi nói câu đấy rồi anh ấy không đập phá nữa và xin thuốc đau đầu để uống.
Có một điều lạ là một tuần sau thì có quyết định của Chủ tịch nước tha tội chết cho anh ta xuống chung thân. Đêm hôm ấy khu tử hình có 2 người “đi”, anh ta cũng thức trắng cả đêm để “đợi”.
Khoảng 9 giờ sáng, sau khi thu xếp cho 2 phạm nhân mới dọn đồ đến và gọi anh ấy ra. Trước khi vào gặp, tôi có nói với bác sĩ của trại giam là cẩn thận tay này, đọc quyết định xong là khả năng nó điên thật. Lúc mở cửa buồng, đưa ra ngoài, anh ấy hỏi, có việc gì mà Ban lại gọi cháu vào giờ này, cháu đang ngủ. Đến khi đọc quyết định tha tội chết của Chủ tịch nước, đúng như tôi dự đoán, anh ta gần như phát điên. Tôi nói bác sĩ phải giữ chặt và vỗ vai xoa nhẹ, động viên. Sau rồi anh ấy khóc nức nở, nằm vật ra, đến chừng 20 phút không nói được câu gì.
Rồi anh ta từ từ ngồi dậy như người vừa tỉnh cơn mê, đờ đẫn bảo, thế là xong rồi Ban ạ. Sau đó tôi ký quyết định chuyển buồng cho anh ta từ tử hình xuống buồng giam để thi hành án. Đấy là câu chuyện của một người từ cõi chết trở về, nó ấn tượng với tôi hơn bất kỳ khoảnh khắc nào khác.
Theo An ninh thủ đô
Nỗi ám ảnh của người đàn ông giết vợ
Day dứt, ân hận là những điều Hưng thổ lộ với chúng tôi sau hơn một năm cải tạo. Song, kẻ giết vợ đổ lỗi tại vì quá yêu nên đã ghen tuông quá mức.
Hậu quả của cuộc đánh ghen ấy là vợ chết, Hưng vào trại giam với bản án 20 năm tù, để lại ngoài đời hai đứa con nhỏ mới lên chín, lên năm bơ vơ, đói khát...
Đắng lòng vì vợ ngoại tình
Trước khi trở thành thủ phạm giết người, Phạm Văn Hưng quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ là một thanh niên hiền lành, đẹp trai. Anh ta từng có một gia đình hạnh phúc với người vợ trẻ đẹp, kém Hưng đến chục tuổi. Chẳng biết có phải vì vừa bước qua tuổi 18, chưa kịp yêu đã vội lấy chồng hay do bản tính mà Vũ Thị Nhung, vợ Hưng luôn có tư tưởng "hướng ngoại", dành tình cảm của mình cho người đàn ông khác không phải là chồng mình. Hưng bảo, đã vài lần biết chuyện vợ đi lại với người đàn ông khác, anh ta cũng lựa lời nhắc nhở nhưng vợ chỉ vâng dạ, nghiêm túc được một thời gian rồi lại "đâu đóng đấy". Mẹ mất sớm, bố ở vậy nuôi ba chị em Hưng nên Hưng thấu hiểu nỗi khổ của những đứa con thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm của người mẹ. Chính vì thế nên dù biết vợ mình không đoan chính, Hưng vẫn cố bỏ qua chỉ vì muốn con cái được sống có đầy đủ cả bố lẫn mẹ. Thế nhưng, vợ anh ta lại không nghĩ như vậy.
"Lần đầu biết vợ tôi lăng nhăng bên ngoài, tôi sốc lắm nhưng vì yêu nên tôi đã gắng gượng", Hưng tâm sự. Ngày đó, vợ Hưng mới sinh con đầu lòng, thu nhập của hai người trông cả vào sạp quần áo ngoài chợ nên không thể đóng cửa để đấy được. Nghĩ chồng đi bán hàng không dễ chèo kéo như mình, Nhung bảo Hưng ở nhà trông con cho cô ta ngồi chợ. Cho rằng vợ nói có lý, vả lại lúc đó bố Hưng đang ốm liệt giường cũng cần có người chăm nom nên Hưng đồng ý. Anh ta đâu ngờ, đó chỉ là lý do chính đáng để Nhung có thời gian đi lại với người khác. Nhìn cảnh vợ mình chẳng tha thiêt gì với cuôc sông gia đình, ra ngoài là môi son má phấn, ăn diện, Hưng buồn lắm nhưng nghĩ đến đứa con mới bi bô gọi mẹ,anh ta lại nín nhịn.
"Một hôm, vợ đèo hai con đi, bảo xuống nhà bạn chơi nhưng khi em xuống đón thì chỉ có bọn trẻ ở đó. Tôi đi tìm, thấy Nhung đang ngồi với nhóm bạn trong phòng karaoke ở quán trên đầu cầu Đoan Hùng, cách nhà em 5-6 km", Hưng kể. Hỏi vợ tại sao lừa dối, đi chơi với bạn trai mà lại nói là đến nhà bạn, vợ nói chỉ là đi hát, không có gì đen tối cả... Hưng đem chuyện này nói với mẹ Nhung, nhờ bà khuyên răn con gái với mục đích gìn giữ gia đình nhưng hành động của Hưng khiến người vợ trẻ đùng đùng nổi giận. Nhung viết đơn ly hôn, bắt Hưng phải trả tự do cho cô ta song Hưng không đồng ý bởi trong lòng vẫn còn yêu vợ.
Phạm nhân Phạm Văn Hưng
"Cô ấy gửi đơn ra xã. Cán bộ xã vào nhà gặp hai vợ chồng để hòa giải, Nhung nhận lỗi và hứa sẽ tu chí làm ăn, không đi chơi nhiều và quan hệ với người đàn ông kia nữa", Hưng kể. Thế nhưng, dứt được người đàn ông này, Nhung lại sa vào lưới tình của người đàn ông khác. Oái oăm thay, người đàn ông này lại là bạn học rất thân của Hưng.
Gửi con nhỏ vào nhà trẻ, Hưng đi xây cho Trần Đức Thụ, chủ thầu xây dựng, đồng thời là bạn học cũ của Hưng. Vì chơi thân với nhau nên thi thoảng, Hưng lại rủ Thụ về nhà mình ăn uống. Anh ta đâu ngờ, những lần Thụ đến nhà mình ăn uống, bàn chuyện công việc đã là tiền đề nảy sinh mối tình vụng trộm giữa Nhung và Thụ. Là người điều tiết công việc nên những khi muốn gặp gỡ Nhung, Thụ lại đẩy Hưng đến những công trình cách xa nhà và trong khoảng thời gian đó, anh ta tha hồ tòm tem vợ bạn.
Chuyện đưa đón nhau giữa hai người rồi cũng bị người làng phát hiện và đến tai Hưng. Ban đầu Hưng không tin, cho rằng thiên hạ lắm chuyện, nhưng rồi những biểu hiện không bình thường của vợ mỗi khi Thụ tới nhà khiến Hưng không khỏi suy nghĩ.
Sáng 7/11/2012, sau khi chở quần áo ra chợ cho vợ bán như mọi ngày, Hưng phóng xe tới chỗ làm. Gặp Thụ, Hưng nhận được lệnh sang xã bên nhận công trình mới. Đang trên đường đến công trình, Hưng được một người làng cho biết, vừa nhìn thấy vợ anh ta ngồi sau xe máy Thụ đi đâu đó. Cho rằng Thụ cố tình điều mình tới chỗ làm mới cách nhà vài chục cây số là để có thời gian hú hý với vợ mình nên dù đã đi gần đến nơi làm, Hưng vẫn quay xe lại. Anh ta vào chợ tìm vợ không thấy liền đi về nhà. Không thấy vợ đâu, Hưng thuê xe ôm đi tìm vợ. Bắt quả tang vợ mình với người bạn thân đang ở cùng nhau trong nhà nghỉ, nỗi uất ức đã khiến Hưng như một kẻ điên, cầm dao xông vào chém đôi gian phu, dâm phụ. Thụ bị thương nặng còn Nhung thiệt mạng sau khi cố giằng co với chồng để giải thoát cho nhân tình.
Đáng thương hay đáng trách?
Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Hưng lại ra đầu thú nên mức án dành cho anh ta là 20 năm tù. Về trại giam Suối Hai cải tạo với nỗi mặc cảm của kẻ giết người, Hưng lúc nào cũng trầm tư, buồn bã. Anh ta bảo, hận vợ bội bạc với mình nhưng vẫn còn yêu vợ lắm. Rồi Hưng kể về những tháng ngày hạnh phúc của 13 năm trước đó, khi Nhung mới là cô nữ sinh lớp 12 đầy mơ mộng. Họ đã có với nhau những đêm hò hẹn, những lời thề thốt yêu đương. Song, có lẽ chuyện lo toan cuộc sống, gánh nặng mưu sinh đến quá sớm đã khiến cô gái tuổi đôi mươi như Nhung phải tìm đến một bờ vai khác để nương tựa.
Hỏi Hưng có còn ám ảnh không khi chính anh ta cầm dao giết vợ, Hưng im lặng. Anh ta lảnh tránh bằng nỗi xót xa khi nhắc đến hai đứa con. Là người con mất mẹ từ lúc nhỏ, Hưng thừa hiểu nỗi thiếu thốn mà các con anh ta hiện giờ phải chịu đựng nên hết lần này đến lần khác khuyên răn vợ mà không được. Dù mang án giết vợ vì ghen song Hưng vẫn khiến nhiều người cảm thông hơn cho dù việc làm của anh ta vô cùng đáng trách. Hưng cho biết, những vất vả, cô đơn trong trại giam anh ta có thể chịu được nhưng nỗi nhớ con, sự ám ảnh về phút giây mù quáng cứ đeo đẳng, giày vò anh ta hằng đêm.
Hưng bảo: "Kể từ ngày vào trại, tôi ân hận nhiều lắm. Có lẽ cô ấy lấy tôi khi còn rất trẻ, gia đình tôi lại nghèo nên cô ấy cũng chịu thiệt thòi. Nhiều lúc, tôi cũng nghĩ đến tiêu cực, muốn chết quách đi cho xong nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua thôi. Tôi lại tự nhủ, mình phải cố gắng cải tạo thật tốt để sớm về với các con. Dẫu tôi là người bố đáng trách, đã cướp đi người mẹ của chúng thì tôi vẫn là bố chúng, tôi muốn chuộc lỗi với các con, mong được chúng tha thứ".
Từ ngày mẹ mất, bố vào tù, hai đứa con Hưng sống với bà ngoại. Hưng chỉ biết thế qua lời anh chị khi tới thăm nuôi chứ chúng còn bé quá, chưa thể viết thư cho bố được. Hưng bảo, thằng con lớn năm nay lên chín, viết được thư rồi nhưng có lẽ giận bố nên không viết thư cho Hưng, còn con bé thì quá nhỏ, không biết gì. Hưng vẫn mong muốn, sau này, các con hiểu được những cay đắng, đớn đau mà mình đã phải chịu đựng.
Theo Công lý
Phạm nhân có biệt tài mở khóa và 3 kẻ trốn trại chỉ trong 5 phút vượt tường giam Nhặt được một chiếc chìa khóa trong lúc ra ngoài tắm nắng, Trần Ngọc Sơn (SN 1989 còn có biệt danh là Sơn "trô") HKTT tại phường Tích Sơn, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc đã "nhờ" phạm nhân cùng buồng giam mở đến 3 lượt cửa để trốn ra ngoài. Để kế hoạch được hoàn hảo, Sơn "trô" và đồng bọn còn thức...